Thursday, March 28, 2024

Xã hội, chiến tranh, tình yêu, và tội ác


Ðọc tiểu thuyết “Xe Lên Xe Xuống


 


 


Phạm Xuân Ðài


 


LTS: Diễn Ðàn Thế Kỷ vừa cho phát hành tiểu thuyết có tựa đề “Xe Lên Xe Xuống,” của tác giả Nguyễn Bình Phương, 46 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội. “Xe Lên Xe Xuống,” theo lời một số văn hữu trong nước, đã bị ba nhà xuất bản từ chối phát hành; và do đó, đây là lần đầu tiên tác phẩm được trình làng, và độc giả hải ngoại được cơ hội làm “người đọc đầu tiên”. Tác phẩm được đánh giá rất cao bởi hai người; một là nhà văn Bảo Ninh, tác giả “Nỗi Buồn Chiến Tranh,” và một là nhà phê bình văn học hiện sống tại Pháp, Thụy Khuê. Người Việt xin đăng bài viết sau đây, của nhà văn Phạm Xuân Ðài, điểm tác phẩm “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương.


***


Cuốn tiểu thuyết kể chuyện về hai chuyến xe, một chuyến đi lên và một chuyến đi xuống. Lên là lên miền mạn ngược, vùng biên giới Việt Nam và Trung Hoa, và xuống là từ vùng ấy xuống đồng bằng.










Hình bìa tiểu thuyết “Xe Lên Xe Xuống” của tác giả Nguyễn Bình Phương, hiện đang sống tại Hà Nội. (Hình: Người Việt)


Mua sách ‘Xe Lên, Xe Xuống’ tại đây


Câu chuyện chỉ trong hai chuyến xe ấy thôi, mà bao trùm cả hai cảnh giới âm và dương, của quá khứ và hiện tại, của tình yêu và cay đắng, của man rợ và ác mộng, của chiến tranh và tội ác. Ðặc biệt đấy là những điều chưa từng được ai nói ra, nhất là trong ngôn ngữ của tiểu thuyết. Và cũng chính vì thế, bản thảo phải đi một quãng đường khá xa, từ Hà Nội sang tận Nam California, để được đến với người đọc.


Tác giả của cuốn tiểu thuyết này là Nguyễn Bình Phương, một cây bút không xa lạ đối với văn giới trong nước và cả hải ngoại. Tác giả sinh năm 1965, hiện cư trú và làm việc tại Hà Nội, đã có nhiều tác phẩm được xuất bản đều đặn trong nước từ đầu thập niên 1990 cho đến gần đây, và ông cũng cộng tác khá thường xuyên với tạp chí văn học Hợp Lưu tại Nam California, trang mạng Tiền Vệ tại Úc… Tuy không nổi tiếng vang dội – có thể do lối viết mà nhiều người cho là “khó đọc” – nhưng đây là một cây bút được giới văn học nhìn nhận là có giá trị cao. Từ năm 2000, nhà phê bình văn học Thụy Khuê tại Pháp đã sớm sủa nhận xét:


“…Tiểu thuyết Người Ði Vắng, tác phẩm thứ nhì của Nguyễn Bình Phương, in năm 1996, bốn năm sau cuốn Những Ðứa Trẻ Chết Già, đem lại cho người đọc một kỳ ngạc, kỳ ngộ pha lẫn kỳ vọng, bởi, sau Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có lẽ đây là tác giả thứ ba trỗi dậy trong vòng 15 năm nay, như một giá trị khai phá đích thực.” (Thụy Khuê, Sóng Từ Trường II).


Tachiana Philimonova là tiến sĩ ngôn ngữ, giáo sư viện nghiên cứu các nước Á Phi thuộc trường đại học THQG Matxcơva, gắn bó đời mình với văn học Việt Nam từ những năm 70 thế kỷ trước, trong dịp đến Hà Nội gần đây và trò chuyện với nhà báo Thụy Anh, đã nói về Nguyễn Bình Phương:


– Thế những năm gần đây, khi đời sống văn học ở Việt Nam cũng trở nên sôi động hơn, Bà có được “phát hiện” nào mới không?


– Có chứ. Ðó là Nguyễn Bình Phương và Tạ Duy Anh. Mà đặc biệt là Nguyễn Bình Phương. Tôi đọc Nguyễn Bình Phương do dịch giả Ðoàn Tử Huyến giới thiệu. Và thật sự rất thích. Tôi cho rằng anh cũng là một hiện tượng văn học của Việt Nam! Chỉ có điều, khi tôi sang đây vào năm 2007, Nguyễn Bình Phương đã có tới gần chục đầu sách mà vẫn chưa phải là một tên tuổi nổi đình đám mà chủ yếu người trong giới biết là chính, còn bạn đọc có vẻ không chọn đọc anh.


– Bà có lý giải được điều này không?


– Có. Theo tôi, cũng như ở Nga, văn chương bây giờ bắt đầu đi vào chỗ khá bế tắc vì những áp lực từ cuộc sống chính trị, xã hội. Người dân vẫn đọc sách nhưng có xu hướng chọn những gì dễ dãi, đơn giản, không phải giải mã, không phải va chạm với những vấn đề làm họ phải ám ảnh bởi chính họ cũng đã mệt mỏi với cuộc đời thực. Họ chọn cách đọc như thế để tự vệ.


– Như vậy là Bà đánh giá cao Nguyễn Bình Phương?


– Vâng. Tôi đọc Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn… và lần đầu tiên được đọc kiểu câu cộc, vô chủ trong văn phong Việt Nam. Có thể bây giờ điều này đã là chuyện thường rồi nhưng khi ấy, tôi thấy khá “sốc”. (Cười) Tôi thấy trong tác phẩm của Nguyễn Bình Phương có một thế giới nghệ thuật rất riêng, những cảm xúc tinh tế – có thể coi là thuộc về chủ nghĩa ấn tượng. Anh chạm được đến những vấn đề chung của thế giới, có những tư tưởng, triết lý gần gũi với phương Tây. Nếu dịch Nguyễn Bình Phương, bạn đọc phương Tây dễ đồng cảm và dễ hòa nhập vào thế giới của anh hơn so với nhiều tác phẩm đã được dịch ra tiếng nước ngoài khác. Ngoài ra, cuốn Thoạt kỳ thủy tôi cũng coi là một tác phẩm kiệt xuất… nho nhỏ của nền văn học VN hiện đại. Nguyễn Bình Phương viết điêu luyện không kém gì Milorad Pavic hay Orhan Pamuk, hai nhà văn đều từng được đề cử giải Nobel văn học mà một người được nhận một người bị loại đều… ít nhiều vì lý do chính trị! Nói vậy để thấy tôi đánh giá cao Nguyễn Bình Phương thế nào và tôi nghĩ, nền văn học Việt Nam có nhiều lý do để hy vọng. (Hết trích)


Quay lại với Xe Lên Xe Xuống, cuốn sách mới nhất của Nguyễn Bình Phương vừa được Diễn Ðàn Thế Kỷ xuất bản vào tháng 12 năm 2011: Có thể coi đây là đỉnh cao nhất trong tất cả các tác phẩm đã xuất bản của ông. Vẫn trong một không khí huyền hoặc pha trộn hai cõi âm dương, ông đã khắc họa những nét cực kỳ sắc sảo thuộc về văn hóa và lịch sử Việt Nam mà từ trước đến nay chưa ai làm: Thế giới của thổ phỉ trên miền núi rừng biên giới Việt Trung; những cảnh rợn người nhất trong các trận chiến 1997 và 1984 giữa Việt và Tàu; chân dung trung thực nhất của giới băng đảng tội ác trong xã hội Việt Nam hiện tại.


Suốt truyện là lời kể của một nhân vật tên là Hiếu, xưng là mình, nhưng trong hai tư thế: Trong các đoạn in đứng là Hiếu còn hiện diện trong cuộc đời trong chuyến “xe lên”, trong các đoạn in nghiêng là hồn ma của Hiếu đi theo chuyến “xe xuống”. Hiếu đi với một người bạn gái tên Trang lên vùng biên giới để thăm một người cậu, đồng thời có lẽ cũng để thăm thú mảnh đất của chiến trường xưa mà anh mình từng tham dự và từng là tù binh của tụi Tàu. Chuyến xe xuống chỉ bắt đầu khi Trang, vốn là thủ lãnh của một băng đảng tội ác, bị một toán công an từ đồng bằng lên tận nơi truy tìm bắt được, và Hiếu, vì nhất quyết không để bị bắt, đã nhảy xuống chết mất xác dưới vực sâu, và hồn của Hiếu lập tức bám theo chuyến xe công an đi xuống với Trang. Câu chuyện kể cứ thế, khi là đời sống thực, khi thì theo cái nhìn của hồn ma, kéo dài cho đến hết.


Những ngày Hiếu và Trang ở nhà người cậu ruột (em mẹ) của Hiếu, người cậu đã kể rất nhiều chuyện về thổ phỉ. Người cậu người miền xuôi, nhưng lên định cư tại vùng biên giới này đã lâu.


“ – Ở thị trấn này, chỉ mình tao là biết buồn thôi. Ðểu nhỉ.


Giọng cậu kiêu bạc. Tuồng như bản tính miền xuôi đang trỗi dậy trong cậu.”


Ðó là cách giới thiệu ông cậu, mà cũng là cách nhập đề vào câu chuyện về Phỉ với tất cả “đặc tính miền núi” của họ có thể làm ta liên tưởng đến một cuốn phim về đảng cướp rất tàn nhẫn ngày xưa có tên tiếng Pháp là Sans peur sans pitié (không sợ hãi không thương xót). Một cách nhập đề rất hay về thế giới phỉ, họ là như thế.


“Ở đây, danh tiếng của phỉ lớn đến mức nghe thấy thì sợ, nghe lâu lại mê. Cái âm phỉ có sức cuốn hút ghê gớm. Ðâu có rừng núi, đấy có phỉ.”


Thử xem một xen đấu nhau với phỉ.


“Rồi mình cũng không nhớ bằng cách nào câu chuyện về phỉ của ông ta đã khơi lên, mà khơi lên một cách hăng hái, nồng nhiệt ngay từ đầu. Ông ta kể say sưa nhưng không mạch lạc. Mọi thứ rối rắm, khó nối kết. Ông ta là người được giao bằng mọi cách hạ thủ được Châu Quang Lồ, một trùm phỉ người Miêu nổi danh trên địa bàn giáp ranh giữa Tây bắc và Ðông bắc. Châu Quang Lồ giỏi võ, sử dụng súng cả hai tay, tính khí lại hung hãn, tàn ác. Nhắc đến gã người Miêu hoang dã đó, giới lục lâm thảo khấu đều ngại ngần.


– Ai lấy đầu Châu Quang Lồ ấy nhỉ?


Cậu hỏi khiêu khích, đầu gật gà, khoan khoái. Ông ta chạm nọc, vỗ ngực:


– Ai vào đây nữa.


Mình nhìn chằm chằm vào bàn tay nhăn nheo run run của ông ta, cố hình dung xem thời xưa nó mạnh mẽ đến thế nào mà cắt được đầu người. Mình nhớ tới bàn tay nhỏ, thon, hơi xanh xao của thằng Hiệp. Ông ta kể bám theo Châu Quang Lồ đến cả tháng trời. Phải đem gái để dụ mới tách được hắn ra khỏi đám hộ vệ. Ông ta và Châu Quang Lồ bắn nhau kịch liệt bên một hẻm núi cho đến khi cả hai đều hết đạn và rút dao xông vào nhau. Ông ta bị Châu Quang Lồ đâm móc một nhát qua mạng sườn, cái sẹo vẫn còn. Nhưng bù lại ông ta đã quật ngã được Lồ và túm tóc hắn. Ông ta lách dao vào đốt sống thứ hai tính từ đầu xuống và dằn mạnh. Cái đầu lìa ra gần như ngay lập tức. Ðó là vụ cắt đầu làm rung chuyển thế giới phỉ và trận chiến giữa các nhóm phỉ lắng xuống cả một thời gian dài hàng chục năm.


– Ai dà – Ông ta chép miệng khoan khoái – thân nó còn giãy kịch liệt à.


Cậu chêm vào:


– Nó còn chửi mới đểu chứ. Nhỉ.


– Ừ, nó chửi – Ông ta uống hết chén rượu một cách ngọt xớt. Mình hình dung có lẽ khi cắt đầu Châu Quang Lồ ông ta cũng làm nhanh như thế – tao cho vào túi rồi mà mồm nó vẫn ra rả chửi.”


Chưa có ai viết về phỉ một cách sắc, gọn mà đầy đủ như Nguyễn Bình Phương trong tác phẩm này. Phỉ chặt tay, phỉ cắt tai, phỉ chặt đầu, phỉ ăn gan người… Viết như mô tả một mảng “văn hóa” của dân tộc trên miền rừng xanh núi thẳm vùng cực bắc của Việt Nam. Nó mù mịt, bí ẩn, tồn tại như huyền thoại không mấy khi được đem ra ánh sáng. Quan sát và suy nghiệm nhiều hành động “chặt” của bọn cướp, tác giả nghĩ đến cả một cái “triết lý chặt” nằm trong tâm thức Việt Nam, liên hệ đến cả việc Lý Thường Kiệt khi hạ thành Ung Châu đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành, Nguyễn Ánh chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận, vì trước đó đã chứng kiến cảnh bố mình bị anh em nhà Tây Sơn chặt đôi người.


“Mình nghĩ nếu thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê gớm.”


Trong chuyến “xe lên” ấy còn vô số chuyện “đường rừng” lạ lùng, phong phú và rất thật được kể theo mỗi địa phương mà xe đi qua, chuyện thì xa xưa như cổ tích, chuyện lại mới toanh vừa xảy ra trong cuộc chiến Bảy chín hoặc Tám tư, nhưng dù mới hay cũ cũng đầy vẻ huyền hoặc như rừng núi trùng điệp bao quanh…


 

MỚI CẬP NHẬT