Friday, April 19, 2024

Alexandre Dumas đã vào điện Panthéon

Trần Doãn Nho/Người Việt

Mấy ai đã không từng say mê đọc truyện và đã không từng xem phim “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” (Les trois Mousquetaires) hay “Bá Tước Monte Cristo” của nhà văn Alexandre Dumas-père (chữ “père”/cha thêm vào sau tên để phân biệt với con của ông, cũng là một nhà văn nổi tiếng thường được gọi là Alexandre Dumas-fils, tác giả của “Trà Hoa Nữ”/La Dame aux camélias).

Nhưng có lẽ không mấy ai biết rằng nhà văn này, lúc sinh thời cũng như sau khi mất, đã bị phân biệt đối xử một cách tệ hại. Lý do: ông là một người Pháp lai da đen.

Ông nội của Dumas là một quý tộc Pháp, hầu tước Antoine-Alexandre Davy de la Pailleterie, đến định cư ở Saint-Domingue (nước Haiti bây giờ) từ thế kỷ 18. Ông có nuôi một người đàn bà nô lệ da đen tên là Marie-Céssette Dumas và dan díu với bà này sinh ra Thomas Alexandre (sau này ghép thêm họ mẹ vào, trở thành Thomas Alexandre Dumas). Khi gia đình trở về Paris, Thomas gia nhập quân đội, trở thành tướng lãnh trong quân đội cách mạng của Napoléon Đệ Nhất.

Ngày 24 Tháng Bảy, 1802, nhà văn Alexandre Dumas ra đời. Đúng vào thời điểm đó, chính quyền Napoléon ra đạo luật tái lập chế độ nô lệ, vốn đã bị bãi bỏ từ năm 1794. Dưới đạo luật mới, tất cả những sĩ quan “lai,” nhất là lai da đen, đều bị cấm đoán gắt gao. Cha ông bị thất sủng hoàn toàn. Buồn bã, ông chết trong sự nghèo đói, khi Dumas vừa mới lên 4 tuổi.

Dumas tự học và tìm cách về Paris kiếm sống. Trước năm 1843, ông chuyên viết kịch. Tính đến lúc đó, ông viết tất cả 15 vở kịch trước khi bắt đầu viết truyện dài nhiều kỳ đăng tải ở các báo định kỳ. Trước sau, ông xuất bản đến 250 tác phẩm đủ loại gồm cả 600 cuốn và tạo ra chừng 37,000 nhân vật.

Ông nhận tất cả đơn đặt hàng và viết nhiều tác phẩm trong cùng một lúc. Ðể có thể viết cho kịp với nhu cầu đòi hỏi, ông phải thuê người viết phụ – có lúc con số này lên đến 75 người – trong đó có một giáo sư sử học nổi tiếng tên là August Maquet.

Trung bình mỗi năm ông kiếm được khoảng 200,000 đồng quan Pháp. Kiếm được nhiều tiền nhưng tiêu tiền còn nhanh hơn, nên luôn luôn mắc nợ. Lại cắm cúi viết để trả nợ. Nhưng nợ nần cứ chồng chất đến nỗi có lúc ông phải trốn ra nước ngoài và chỉ dám trở về khi bạn bè giúp ông thanh toán một phần nợ nần. Thành công của ông khiến nhiều người ganh ghét. Người ta từ chối liệt ông vào hạng nhà văn chính thống. Họ gọi ông là một thứ “sous-écrivain” (nhà văn tầm thường).

Đã thế, lúc sinh thời, gốc gác của ông thường bị đem ra bêu riếu. Một nhà văn cùng thời, Eugène de Mirecourt, nhận xét: “Thể hình của Dumas cũng đủ cho ta biết ngay ông ta là loại người nào: dáng dấp thì như tay đánh trống, tay chân thì vạm vỡ thô tháp, môi thì trề, tóc quăn, da ngăm. Lột cái vỏ của ông ta ra, ta sẽ thấy ông ta là một tay man dã. Ông ta vừa là da đen vừa là bá tước. Nhưng bá tước chỉ là cái vỏ bề ngoài. Xóa nó đi thì ông ta hoàn toàn là một thằng mọi.”

Mãi đến 200 năm sau, Alexandre Dumas mới được vinh danh, một cuộc vinh danh vô cùng đặc biệt. Vào ngày 30 Tháng Mười Một, 2002, tại thủ đô Paris, nhúm tro tàn của ông đã được chuyển vào nghĩa trang dành cho những danh nhân nước Pháp: điện Panthéon.

Buổi lễ vinh danh này đối với nước Pháp, là một “biến cố” văn chương nhưng cũng là một biến cố chính trị. Bài xã luận của nhật báo Le Monde (30 Tháng Mười Một, 2002) có tựa đề khá vui là “La France métisse” cho rằng đưa thi hài Dumas vào điện Panthéon là dấu hiệu cho thấy thái độ của nhà cầm quyền Pháp đương nhiệm “bài bác tất cả những kẻ cực đoan” chủng tộc.

Người ta gọi đó là sự bù trừ mà nước Pháp dành cho đứa con lai, hậu duệ của một người nô lệ da đen, tuy thành công lúc sinh thời, nhưng phải chịu đựng không biết bao nhiều là dè bĩu, khinh khi vì gốc gác hèn mọn của mình. Thế là cuối cùng, ông được nằm bên cạnh những nhân vật kiệt xuất của nước Pháp từ cổ chí kim (mà danh sách không quá 60 người) về đủ mọi mặt, từ chính trị kinh tế, khoa học cho đến văn chương nghệ thuật như Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Victor Hugo, Émile Zola…

Tổng thống Pháp lúc đó, Jacques Chirac, trong bài diễn văn đọc trong buổi lễ, thú nhận rằng: “Cùng với ông, chúng tôi trở thành những d’Artagnan, những Monte-Cristo hoặc Balsamo, cưỡi ngựa rong ruổi trên những con đường Pháp quốc, vượt qua những chiến trường, viếng thăm những cung điện và những pháo đài. Cùng với ông, với ngọn đưốc cầm tay, chúng tôi được đi vào những hành lang tối tăm, những địa đạo bí mật. Cùng với ông, chúng tôi mơ mộng. Và cùng với ông, chúng tôi vẫn còn mơ mộng. Có hai năm thuộc thế kỷ 19, người ta chứng kiến sự ra đời của hai đứa con mà về sau là hiện thân cho tinh thần của thời gian và mang lại cho nước Pháp hai tác phẩm tự hòa tan trong nó. Ðó là Victor Hugo và Alexandre Dumas.”

Trong ngày lễ, trên đường về Paris, linh cữu dừng tại lâu đài Monte Cristo là lâu đài mà Dumas cho xây dựng lúc sinh thời để vinh danh chính nhân vật của ông trong truyện dài “Comte de Monte Cristo” (Bá Tước Monte Cristo). Quan tài được phủ một lá cờ màu xanh đậm có ghi lại dòng chữ trích từ trong truyện “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ:” Tous pour un et un pour tous. Hai bên quan tài có bốn người đàn ông ăn mặc theo kiểu mấy chàng ngự lâm hộ tống trong khi một số người khác ăn mặc áo quần cổ truyền. Linh cữu được tổng thống Pháp đón tiếp vào điện Panthéon, một tòa nhà có mái vòm nằm trên tả ngạn sông Seine.

Buổi lễ vinh danh này là thành quả của một cuộc vận động lâu dài và tích cực của “Hiệp Hội Những Người Bạn của Alexandre Dumas” bao gồm nhiều khuôn mặt hàn lâm và văn chương nổi tiếng Pháp. Họ cho rằng Dumas có thể không phải là người viết văn xuôi vĩ đại nhất, nhưng với các tác phẩm được dịch ra cả 100 thứ tiếng và được quay thành 200 phim, ông là người, hơn bất cứ nhà văn Pháp nào khác, mang lịch sử và văn hóa Pháp đến với toàn thế giới. Dù cuộc sống của Dumas đầy tranh cãi, Dumas là hiện thân của một sự thành công mà nước Pháp phải lấy làm vinh hạnh. Hơn nữa, nước Pháp phải sửa chữa lại một bất công mà ông đã từng chịu đựng và phải dành cho ông một vị trí mà ông xứng đáng được hưởng.

Alain Decaux, sử gia thuộc loại hàng đầu của Pháp hiện nay, phát biểu: “Ông là một nhà văn được ngưỡng mộ trên toàn thế giới, nhà văn Pháp được đọc nhiều nhất, được yêu mến nhất và ngưỡng mộ nhất bởi hàng triệu người.”

Ông được đánh giá cao khi làm sống lại tiểu thuyết lãng mạn Pháp xuyên qua nhiều truyện nhiều kỳ và có một tài kể chuyện độc đáo pha lẫn giữa thực và hư cho đến độ người ta không còn phân biệt nổi đâu là thật lịch sử và đâu là hư cấu. Nhiều nhà phê bình cho rằng, truyện của ông lấy cảm hứng từ những sự liều lĩnh mang nặng dấu vết di truyền da đen của tổ tiên bên ngoại ở vùng biển Ca-ri-bê.

Cuộc vận động không phải dễ dàng gì. Vì vấp phải sự chống đối – cũng tích cực không kém – của một số nhà văn, sử gia, nhà trí thức khác cũng như của các hội phụ nữ. Họ tố cáo Dumas là dâm đãng vì quan hệ tình ái bừa bãi, cử chỉ phóng đãng, ngông nghênh. Còn tài năng thì rất đáng ngờ vực vì ông thuê cả một đạo quân viết thuê.

Vả lại, tự bản chất, ông là một người viết feilleton chỉ nhằm mục đích thương mại, hoàn toàn không có một chút văn chương nào. Một người như thế, theo họ, mà đưa vào điện Panthéon nằm bên cạnh những danh nhân nước Pháp thì thật là một điều sỉ nhục. Ðã vậy, trong lúc cho Dumas vào điện Panthéon thì những nhà văn kiệt xuất khác của nước Pháp lại nằm ngoài như Proust, Flaubert hay Stendhal chẳng hạn.

Nhưng bất chấp mọi chống đối, chính phủ Pháp quyết định tiến hành việc đưa nhà văn vào điện Panthéon bằng một sắc lệnh được Tổng Thống Jacques Chirac ký vào Tháng Ba, 2002.

Trong buổi lễ vinh danh Dumas, sử gia Alain Decaux nhắc lại lời của đứa con trai của Dumas là Alexandre Dumas-fils: “Cha tôi giống như một dòng sông và là một dòng sông thì ai cũng có thể đái vào đó được.”

————
Tham khảo: Wikipedia; Le Monde, Le Figaro 30 Tháng Mười Một, 2002.

Học nấu lẩu mắm với ca sĩ Thanh Mai

MỚI CẬP NHẬT