Friday, March 29, 2024

Bài tân cổ giao duyên ‘Đêm Giã Từ’ gây thắc mắc cho người nghe

Ngành Mai/Người Việt

Cảnh chia ly nào cũng đem lại nỗi buồn cho lòng người đi kẻ ở, không riêng gì người trong cuộc mà người ngoài cũng buồn theo.

Soạn giả cải lương biết rõ tâm lý ấy của khán giả, nên bố cục phần lớn câu chuyện trong tuồng cải lương đều có cảnh chia ly, tan hợp, hợp tan.

Mà nếu như phần kết cuộc “không có hậu” sẽ gây thắc mắc trong tiềm thức khán giả, và vở tuồng sẽ được người thưởng thức chú ý nhiều hơn và trở thành “tuồng hay.” Rồi đến khi viết bài ca vọng cổ, người soạn giả cũng nhắm vào tâm lý này để tạo sự ăn khách, bởi nếu dĩa hát bán chạy thì người viết bài ca sẽ tiếp tục được “đặt hàng.”

Chỉ cần vài câu vọng cổ cũng có thể nói lên nỗi buồn chia ly, soạn giả Viễn Châu đã dựa vào bản tân nhạc “Đêm Giã Từ” của Y Vân-Thể Vân để viết lên bài tân cổ giao duyên rất dễ ca, dân đờn ca tài tử mến chuộng và nhiều người đã học thuộc lòng.

Tình tiết và bối cảnh câu chuyện “Đêm Giã Từ” chỉ diễn tả cảnh ở sân ga xe lửa một đêm mưa, có người con gái đưa tiễn chàng trai ra đi, mà không thấy nói là đi đâu, chỉ nói anh bước vào toa trong và con tàu chuyển bánh rồi lạnh lùng đi trong khói trắng sương mờ…

Tôi nhớ lại câu chuyện vui, thời thập niên 1960 đi cùng nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt ở vùng Thông Tây Hội, Gò Vấp. Một cô nữ tài từ trẻ giới thiệu rằng mình sẽ ca bài “Đêm Giã Từ,” thì tự nhiên số người tham dự im lặng chú ý lắng nghe.

Khi ca dứt bản có người hỏi: Tiễn chàng ra đi ở sân ga, nhưng sao không nghe thấy nói là đi đâu hết vậy? Vì bài ca chỉ có thế nên cô ca sĩ chỉ cười chứ không trả lời, thì bỗng có người khác lên tiếng: Đi xe lửa chắc lúc chạy trên cầu Bình Lợi, nhảy xuống sông tự vận chớ đi đâu!

Mọi người cười rần lên, bởi vì cầu Bình Lợi có một lai lịch ghê sợ mà thời xa xưa người dân vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đều biết. Đây là chiếc cầu sắt lớn có đường xe lửa bắc qua sông Sài Gòn, được người Pháp xây dựng cách đây nhiều thập niên.

Cầu Bình Lợi nổi tiếng vì công trình thực hiện lớn lao, đồng thời với những huyền thoại của nó, bởi vì có nhiều người tự tử tại chiếc cầu này.

Cái thời mà hai sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới còn hoạt động, nhiều người tán gia bại sản, sau khi thua hết của cải tiền bạc, chán đời quá lên cầu nhảy xuống; những thương buôn từ lục tỉnh lên, sau khi “cúng” hết ghe heo, ghe dừa và nhiều ghe nông phẩm khác vào hai sòng bạc, hết vốn không dám về sợ nợ đòi, rồi lên cầu Bình Lợi.

Cũng có những vấn đề xảy ra trong gia đình như vợ chồng hục hặc, con cái bị cha mẹ la rầy, hoặc là những cô gái bị tình phụ không tìm cách nào hay hơn để giải quyết lại lên cầu Bình Lợi. Rồi còn không biết bao nhiêu trường hợp khác nữa, người ta lên chiếc cầu định mệnh đó để trầm mình dưới dòng sông oan nghiệt kia.

Dưới đây là bài tân cổ giao duyên “Đêm Giã Từ,” sầu nữ Út Bạch Lan ca thu thanh dĩa hát Hồng Hoa năm 1965.

Nhạc:

Mưa ướt lạnh trong đêm,
Đứng trên thềm ga vắng,
Hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh,
Mưa gió lùa qua hiên,
Giữa khi mình lưu luyến,
Thì tiếng còi lạnh lùng xé màn đêm.

Vọng Cổ:

1- Luyến lưu nhau qua rèm mi ướt lệ tiễn đưa nhau cho nhung nhớ trắng đêm dài… mưa gió đầu thu đã chớm lạnh vai gầy… Mắt rưng rưng buồn chi không nói nữa, tiếng giã từ như nghẹn giữa đầu môi, biệt ly sầu vời vợi có gì vui, nửa chén ly bôi nửa bản nhạc tình, khúc biệt ly sầu là rừng thương biển nhớ.

2- Tiếng yêu đương chúng mình chưa cạn tỏ mà trong lời thơ đã gọi cố nhân rồi… một chuyến tàu đêm cách biệt mấy phương trời… kề vai nhau cho đôi hồn đỡ lạnh, chuyện đêm buồn kể lại bạn lòng nghe, ánh đèn buồn hiu hắc giữa sân ga, lá dãy chết buông mình trên khoang vắng, nghe tiếng dế lẫn côn trùng than vản điệp khúc u hoài như một bản tình ca.

Thơ:

Đêm giã từ nhau anh với tôi,
Rồi đây ly cách mấy phương trời,
Mấy phương trời động nhiều thương nhớ,
Đôi bóng hôm nào lại lẻ loi.

Vọng Cổ:

5- Lệ từ ly chảy dài theo phím nhạc nghẹn lời ca trong tiếng hát chia lìa… anh ra đi chưa có hẹn ngày về… nói gì đây cho vơi ngàn tủi hận đêm giã từ buồn lắm bạn lòng ơi, hãy cho tôi nhìn lại giữa vành mi để xem có đọng nhiều ngấn lệ, rồi đây khi người đi kẻ ở một mùa Thu sẽ nhung nhớ bao lần.

6- Nhạc:

Anh nói gì bên em,
Biết bao điều thương mến,
Cũng chưa bằng một lần em tiễn anh,
Anh bước vào toa trong,
Mắt không rời ga vắng,
Trời mưa chi làm buồn chúng mình thêm.

Ai sẽ buồn thêm khi con tàu chuyển bánh rồi lạnh lùng đi trong khói trắng sương mờ; mưa ơi mưa làm chi cho vũ trụ buồn thêm, cho đôi bóng lại hóa thành lẽ bóng.

Thơ:

Mưa rơi lạnh buốt đêm trường,
Người đi kẻ ở ai buồn hơn ai?
(Ngành Mai)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT