Friday, April 19, 2024

Báo chí Sài Gòn một thời niên thiếu

Viên Linh/Người Việt

Cứ lấy một tờ nhật báo miền Nam đặt bên cạnh một tờ báo miền Bắc, ra cùng một ngày một tháng, sẽ thấy ngay sự tương phản. Mặt báo Nam đen đậm, mặt báo Bắc nhạt thoáng.

1-Bài đầu tiên tôi được đăng trên tờ Tiếng Dân ở Hà Nội đâu khoảng 1952, lúc ấy tôi mới 13 hay 14 tuổi. Nhân vật chính của truyện này là cậu bé đánh giày quanh hồ Hoàn Kiếm, gần khu đền Ngọc Sơn, nơi có bức tường sơn màu vàng, mặt tường có đắp nổi một “ông Hổ,” tức là một con cọp, nhưng vì là cọp được thờ phượng cúng kiếng, hẳn là phải linh thiêng, nên được gọi là ông, ông Cọp.

Bên trong hẳn nhiên có bàn thờ hương khói đèn nến và chuông khánh đủ màu sắc và nhã nhạc của chốn thần linh. Tác giả thiếu niên biết được việc viết bài đăng báo được trả nhuận bút là nhờ trong nhà có một ông chú sinh viên Luật cộng tác với tuần báo Cải Tạo.

Hằng ngày ông mang về những xấp báo mới cũ, đa số là mới, còn nhớ tên những tờ báo ấy: Tia Sáng, Giác Ngộ, Giang Sơn, Hồ Gươm, và cả báo từ trong Nam gửi ra: Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Sài Gòn Mới,… trong có một tờ có trang tiếng lóng, nhiều tiếng rất sống sượng, tục tĩu và giọng văn lại đầy khôi hài, tán thưởng hơn là chê bai hay dè bỉu.

Một, hai cái tên trong những tác giả trên các báo Nam mà cậu thiếu niên đọc hồi ấy là Nam Đình, Phạm Văn Tươi, Hợp Phố, Ngô Công Minh, Hà Thành Thọ, Đinh Văn Khai,…

Nhờ xấp báo xuất bản từ Sài Gòn ấy, người đọc dù ít tuổi cũng thấy ngay sự khác biệt giữa báo Nam báo Bắc.

Những cái nhan đề một bên dài dòng của văn viết, một bên ngắn gọn của văn nói; văn viết thì nhiều chữ, văn nói thì ngắn gọn. Để cho đủ ý trong hai hay ba cột báo, văn viết phải dùng chữ cỡ nhỏ, trong khi văn nói dùng chữ lớn hơn, vì cùng một khoảng hai hay ba cột, bên ít chữ đương nhiên dùng được chữ khổ lớn. Và cũng vì thế mà mặt báo Nam đen đậm, mặt báo Bắc nhạt thoáng.

Cứ lấy một tờ nhật báo Tự Do của Tam Lang đặt bên cạnh một tờ báo Đuốc Nhà Nhà Nam của Nam Đình, ra cùng một ngày một tháng, sẽ thấy ngay sự tương phản. Một bên thoáng nhạt một bên rậm đặc, một bên thưa một bên mau.

Đó là ấn tượng đầu tiên gây ra của hai loại báo. Còn biết bao sự khác biệt nữa, nhất là khác biệt về cách nói cách viết, cách biệt về sự phát biểu và cách biệt về phản ứng trước cùng một sự việc.

2-Khi làm thư ký tòa soạn nhật báo Dân Ta rồi tổng thư ký tòa soạn nhật báo Dân Tiến, kiểu báo Nam, tôi luôn luôn phải đếm xem trang nhất mình làm được bao nhiêu cái tin. Tối thiểu phải có 14 tin. Nhiều vị tổng thư ký tòa soạn được khen vì trang nhất tờ nhật báo của ông ta làm nhét vào được tới 16, 17 cái tin. Như thế là phong phú tràn lan. Trang nhất mà chỉ đi được 12 cái tin là báo nghèo nàn! Tệ hại là đằng khác.

Một thời khoảng sau 1960, Sài Gòn có hơn chục tờ nhật báo, các tổng thư ký nơm nớp sợ mình thua tin các báo khác: thua môt tin, nhất là tin về chính trị kinh tế, người ta sẽ không quên: “Ông đi đâu mà không biết chuyện đó xảy ra hôm qua?”

Mà sinh hoạt thủ đô miền Nam lúc ấy ngoài Thượng Viện, Hạ Viện, còn Tối Cao Pháp Viện, ngoài Bộ Kinh Tế Tài Chính, còn Tổng Liên Đoàn Lao Công Lao Động và Lực Lượng Thợ Thuyền Việt Nam, ngoài Bộ Văn Hóa Giáo Dục còn Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn  Hóa, phán xét một tờ báo mỗi ngày người ta lại chỉ cần đếm tin ở trang nhất! Thế mà “các ký thật” (không phải ký giả) vẫn sống được như thường mới tài.

Tôi may mắn bước vào làng báo từ 1955-1956 tại Sài Gòn. Khi đến tòa báo Ngôn Luận làm việc, tôi đã thấy ông Tổng Thư Ký Thái Lân và anh phụ tá Vân Sơn đang làm tin quanh một cái bàn tròn. Tôi chỉ là thông tín viên, phóng viên. Và khá hơn một tí là biên tập viên từ khi ông Thái Lân thấy rằng bài tôi viết không phải sửa gì, nên trao cho tôi công việc mới là ngồi lại sau cái bàn vuông nho nhỏ trong góc phòng. Ông trao cho tôi xấp tin tòa án của Văn Đô, và vài bài của phóng viên từ các tỉnh gửi về, bảo tôi cắt ngắn đi, bỏ những chỗ rườm rà, sửa lại dấu chấm phẩy… và đặt luôn tít bài, nếu tin nào xứng đáng in thành một cột hay hai cột, lấy riêng ra làm tin một cột, tin hai cột.

Chẳng bao lâu tôi làm việc như một biên tập viên thường trực, kiêm đặc phái viên mỗi khi ra ngoài, thấy cái gì hay thì cứ viết, bắt đầu được ký tên tuổi đàng hoàng, bắt đầu làm những tin những bài đăng ba cột báo, phần lớn là được đăng ở trang 3 trở đi. Thỉnh thoảng cũng có bài được đem ra trang nhất.  Mới đầu tôi ký là Lê Nguyên, dễ hiểu thôi vì Lê là họ cô bạn học lớp Đệ Tứ rồi Đệ Tam ngồi đầu bàn ở trường Lê Quý Đôn. Nguyên là chữ Nguyễn không có dấu ngã. Nguyễn thành Nguyên.

Tờ Ngôn Luận có mục “Mỗi Ngày Một Chuyện” sắp chữ kiểu hai cột ở trang trong, đăng truyện ngắn giải trí nhận sự cộng tác của mọi người, dù vô danh, miễn là chuyện kể sao cho hấp dẫn, nhuận bút nếu tôi nhớ không lầm là 150 đồng một chuyện.

Như cái tên “Mỗi Ngày Một Chuyện” – chuyện “ch” chứ không phải “tr” – nên chuyện gì cũng được không nhất thiết phải có văn chương. Công việc tòa báo lúc ấy không bận lắm, nên tôi có nhiều thì giờ viết bài cho mục này. Mà viết không nhằm mục đích văn chương, nên ngoài tên Lê Nguyên, tôi còn ký nhiều bút hiệt khác cho mục này, còn nhớ là Sầm Tham, tên một nhà thơ Trung Hoa, Lê Văn Ba (đứa con thứ ba trong gia đình),  Hồ Tùng Nghiệp (theo nghề thôi)…

Nếu lục lại các chuyện ký những bút hiệu ấy trên tờ Ngôn Luận, có khi tôi chỉ còn giữ lại vài ba chuyện thôi, nhất là có một chuyện tôi còn nhớ tới bây giờ, chuyện về một người hát dạo trước một tiệm ăn Trung Hoa trên đường Tổng Đốc Phương trong Chợ Lớn, anh ta có nuôi một con chim ưng, con chim lúc nào cũng lim dim ngủ trên vai người hát dạo… (Viên Linh)

Cựu thủ tướng Malaysia chính thức bị bắt

MỚI CẬP NHẬT