Friday, April 19, 2024

Bia đá trên đảo Hoàng Sa

Viên Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, gồm có 120 đảo san hô rải rác nằm cách Đà Nẵng khoảng 170 hải lý. Về danh xưng thời Nguyễn Huệ gọi là Đảo Cát Vàng, Trung Hoa gọi là Tây Sa, Âu Tây gọi Paracel hay Parcels, Nhật gọi Hirata Gunto.

Trong thời gian trước sau 1975, khi có tin ngoài thềm biển Việt Nam có mỏ dầu, các nước trong vùng thay nhau tuyên bố quần đảo đó, nhiều hay ít, thuộc chủ quyền của họ. Trong một bản tin vào Tháng Bảy, 1999, có đến chín nước tuyên bố rằng Hoàng Sa thuộc lãnh hải của mình, trong có Philippines, Brunei, Mã Lai, Đài Loan, Trung Cộng, và Việt Nam, đương nhiên vì đảo đó thuộc về nước ta từ biết bao nhiêu thế kỷ rồi.

Hoàng Sa có hai nhóm đảo chính nằm cách nhau 20 hải lý, là nhóm Amphitrite trong có đảo chính là Phú lâm (Woody) dài 3.7 cây số và nhóm Cresent mà đảo chính là Hoàng Sa (Pattly) dài một cây số, rộng hơn 700 mét. Cuộc tranh chấp ngày càng ráo riết. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa từng đóng doanh trại ở đây từ năm 1959. Gần đây (1999), Trung Cộng tới xây cất, cắm cờ, cho chiến thuyền tuần tiễu xung quanh. Đây có lẽ là cuộc tranh chấp chủ quyền đất đai, có nhiều nước tranh nhất thế giới và kéo dài, dai dẳng nhất thế giới.

Cách đây cả nửa thế kỷ, nằm trong diễn tiến cuộc tranh giành này, Trung Hoa phái 132 binh sĩ hải quân tới chiếm đóng một hòn đảo nhỏ trong vùng gọi là đảo Mẹ Hiền, rồi bỏ quên họ trên đó. Tài liệu tôi có trong tay lại không xác định đó là binh sĩ Tàu Cộng hay Tàu quốc gia. Đây là một vụ bỏ quên thảm khốc nhất trong số những vụ bỏ quên trong chiến sử.

Gần 50 năm sau, Vương Ấu Hoa (Wang Yo-hua), một nhà giáo trung học ở Đài Loan kiêm nhà văn thuộc Trung Tâm Văn Bút Đài Bắc, tình cờ khám phá ra sự việc khi theo một chiếc tàu đánh cá lênh đênh nhiều ngày trên Biển Đông, ghi chép tài liệu để viết bài cho một tạp chí địa dư.

Vụ này được thuật lại dưới nhan đề “The Stone Tablet on the Cove of Loving Mother” (Tấm bia đá trong Vịnh Mẹ Hiền) và được cô Ngô Mẫn Gia dịch ra tiếng Anh, đăng trên phụ trang văn học của tờ Independent Evening Post, và trên trang nhất của tờ tạp chí The Chinese PEN (Taiwan) (2), mà Tiến Sĩ Yu Kwang-chung (Vũ Quang Chung), chủ tịch Văn Bút Đài Bắc, gửi tặng cho chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Viên Linh cuối thế kỷ trước. (The Chinese PEN là danh xưng của tờ tạp chí, viết bằng Anh Ngữ, còn trên thực tế, Trung Tâm Văn Bút xuất bản tờ báo đó có tên chính xác là The Taipei Chinese Center, International P.E.N. – Trung Tâm Đài Bắc Trung Hoa thuộc Văn Bút Quốc Tế).

Trường Sa! Trường Sa!
Đảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
……
Đất liền ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc,
Con chim động giấc gào cô đơn.
……
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm người.
(Tô Thùy Yên – Trường Sa Hành)

Truyện “Tấm bia đá trong Vịnh Mẹ Hiền” ra sao? Tác giả câu chuyện là Vương Ấu Hoa, sinh năm 1956 tại Miêu Lý, người Sơn Đông, đã xuất bản các cuốn “Đất, Quần đảo xáo trộn.” Tác giả kể chuyện đã đi theo một con tàu đánh cá tới Biển Đông, rồi con tàu trục trặc máy móc, dạt vào một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa.

Đảo nhỏ này có một vũng vịnh gió thổi rất gắt, nghe như tiếng hú gọi mẹ của những đứa con lạc đàn nào đó. Trong khi tàu nằm ụ để sửa, tác giả đi theo một thủy thủ già và một anh trẻ tuổi đi thăm thú hòn đảo. Lão thủy thủ già có hành vi hơi khác thường. Đoạn khám phá ra tấm bia và sự việc xảy ra như sau (những câu chữ trong hai dấu ngoặc do anh Ng. Phương Tuấn (quá cố) dịch từ Anh Ngữ):

“Ông ta dường như chẳng xa lạ gì với nới này. Ông nhìn quanh quất,… rồi đi nhanh tới một ụ cát trước dãy nhà, ngồi sụp xuống và bắt đầu dùng hai tay đào bới… Người thủy thủ già từ từ làm lộ ra một tấm bia đá bị vùi chôn trong cát. Tôi ngồi ngay xuống xem xét tấm bia… Tấm bia đá rộng khoảng hai thước và cao ba thước. Ta có thể thấy những chữ khắc mầu nâu đậm. Cứ xét tình trạng bề ngoài của tấm bia và các chữ khắc, tôi có thể biết được là nó dựng lên cách đây chưa lâu lắm. Tôi đã tình cờ thấy hơn hai mươi tấm bia đá cùng loại trên những hải đảo quanh vùng biển này… Dòng chữ khắc trên mặt đá “Tưởng niệm một trăm ba mươi chiến sĩ can trường đã kiên trì ở lại căn cứ và hiến đời mình cho tổ quốc.”

-“Ông Trình, do đâu những người lính kia lại táng mạng nơi đây?

Ông Trình ngồi xuống trên tấm bia đá vừa được đào lên… Đôi mắt nhìn xa vắng.

-“Từng có đánh nhau ở đây à?” Tôi không thấy dấu vết gì của một trận đánh nhau cả… Toán quân làm sao sống ở một nơi không có gì để ăn uống như thế này… Đó là một hòn đảo tí hon. Khó mà tưởng được rằng một số nhiều người đến thế lại tới chôn thây ở nơi này.

-“Không hề có đánh nhau gì cả. Thời đó nhà nước phái hơn một trăm lính tới đảo. Họ bảo Việt Nam, Phi Luật Tân, và Mã Lai Á đều muốn hiện diện nơi đây, thế là họ đưa chúng tôi đến chiếm đảo. Ai tới trước thì giành được trước. Dân các nước tới dựng cột, kéo cờ lên… Chúng tôi đi trên hai tàu chiến đầy súng ống đạn dược. Chúng tôi bắn bừa vào bất cứ ai muốn tiến vào đảo. Các nước khác đâm ra hoảng, không lính nước nào còn dám mon men lên đảo… Không có cây cỏ nào mọc trên đảo… Cứ mỗi tháng một lần tàu chở đồ tiếp tế tới. Đó là nguồn thực phẩm và nước uống duy nhất của chúng tôi.”

-“Thế sao họ lại chết? Bị bệnh tật gì chăng?”

“Đồ tiếp tế không tới nữa. Cả đám chết đói. Anh có biết chết đói nó như thế nào không?” “Chắc ông nói giỡn. Sao lại có thể như vậy được?”…“Ấy đó là vào thời hỗn loạn nhiễu nhương. Người ta đang tranh giành quyền lực… Hải quân thì rối beng… Không ai ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy, và người ta quên béng mất chúng tôi.” “Ồ… Tôi ôn nhớ lại thời kỳ chính trị bát nháo đó (1)”

“Mãi cả năm sau tàu mới tới… Lính tráng chết đói hết, một trăm ba mươi mốt anh em cả thảy, chỉ trừ được một mạng. Gã ta sống sót và dở điên dở khùng. Ngày nào gã cũng kéo cờ lên và nổ súng vào những thuyền tàu nào tiến gần đảo.”

“Vậy một người sống sót… Khoan đã, ông Trình, do đâu mà ông biết rõ hết mọi chi tiết. Ông dùng chữ “chúng tôi,” là những ai vậy?”

“Các ông ơi…” Ông Trình liệng mẩu thuốc lá xuống mặt cát, đứng dậy trên tấm bia… nụ cười thiểu não, ông đi về phía chiếc tàu, không nói một lời nào.”

“…Ai đã ra lệnh phái những người lính đó tôi đây?… Những người lính bị mất luôn số quân tên tuổi… Gia đình họ có biết rằng họ đã bị bỏ đói chết trên đảo này? Chắc là không… Và giả như tôi khám phá được những người chết đó là ai thì làm gì đây? Người ta thích xây tượng đài. Nhưng những tượng đài không đem lại cho ta bài học nào đáng chiêm nghiệm. Triều đại nào thời nào cũng có tượng đài được xây cất. Nhưng con người vẫn tái phạm những tội ác giống nhau ở bản chất, chỉ khác kiểu cách thực hiện…” (3)

Đó là kết luận của Vương Ấu Hoa. Với chúng ta, câu hỏi là 131 lính Hải Quân trên đây thuộc Tàu Cộng hay Tàu Tưởng? Nói như nhà cách mạng Lý Đông A trong Chu Tri Lục, thì Tàu nào cũng là Tàu nào, Tôn Văn từng coi Việt Nam cũng chỉ là một tỉnh nhỏ của Tàu…. (Viên Linh)


Chú thích:

(1) Truyện này phải xảy ra trong những năm cuối thập niên 1940 khi Mao Trạch Đông chiếm lục địa và những người Quốc Gia (phe Tưởng Giới Thạch) tới Đài Loan. Chú thích của The Chinese PEN. Bài có nhan đề là “The Stone Tablet On the Cove of the Loving Mother,” ngay ở trang 1, tới hết trang 7. Chủ nhiệm: Nancy Chang Ing (Trang Anh, một trong hơn 10 phó chủ tịch Văn Bút Quốc Tế). Các chủ bút là Pang-yuan Chi (Bành Dương Chi), Mei-hwa Sung (Mã Hòa Tống). Tôi không được nói chuyện với bà, nhưng trong một kỳ hội nghị, không nhớ rõ ở Prague Tiep Khắc hay Dublin, Scotland, toi thấy bà ngồi bên chiếc bàn dài của chủ tọa đoàn, trên sân khấu).

(2) Michelle Ngô Mẫn Gia sinh năm 1966, tốt nghiệp dịch thuật và văn chương ngoại ngữ tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan.

(3) Các đoạn trong ngoặc kép của Nguyễn Phương Tuấn, xuất hiện trên Khởi Hành khoảng 1998-2000, ông nguyên là giảng viên Anh Ngữ các trường Kinh Luân và Tabert trước 1975, dạy Anh Ngữ tại Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn. Ông qua đời tại Orange County cách đây khoảng 10 năm.

MỚI CẬP NHẬT