Friday, March 29, 2024

Cải lương ngại hát danh phẩm ‘Kim Vân Kiều’

Ngành Mai/Người Việt

Xưa giờ nhiều đoàn cải lương của các thế hệ đã từng đưa tuyệt tác “Kim Vân Kiều” của cụ Nguyễn Du lên sân khấu, mà đa số là gánh hát nhỏ ở thôn quê. Dù chưa biết đoàn hát trình diễn hay, dở như thế nào nhưng người ta cũng sẵn sàng mua vé vào để xem nàng Kiều ra sao, có như sự suy nghĩ của mình không?

Thế nhưng, theo như người trong giới thì đoàn nào hát Truyện Kiều thì không lâu sẽ bị rã gánh. Ông bầu Xuân, giám đốc đoàn Dạ Lý Hương, một nhà tư bản, nhà xuất nhập cảng, là hãng thầu, thế mà do tình thế đưa đẩy đã đứng ra làm bầu gánh cải lương, mà lại là đoàn hát lớn danh tiếng lẫy lừng.

Đến Tháng Mười, 1974, đoàn Dạ Lý Hương diễn vở hát cuối cùng là “Người Thua Cuộc” của soạn giả Nguyên Thảo tại rạp Quốc Thanh có mặt nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Đêm ấy đoàn có 300 khán giả đến xem, Thanh Nga từ chối không lãnh lương. Cô nói vì “khán giả chỉ có 300 người, khán giả ít lắm, nghệ sĩ lãnh lương kỳ quá”… Sau đó đoàn Dạ Lý Hương giải thể sau 12 năm hoạt động.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông bầu Xuân thành lập trở lại đoàn Dạ Lý Hương (tỉnh Sông Bé). Đến năm 1978 bầu Xuân định dàn dựng vở “Kiều” trên sân khấu của ông và hỏi ý kiến nghệ sĩ Năm Châu, nghệ sĩ lão thành đã khuyên bầu Xuân không nên dựng diễn vở “Kiều” vì sẽ gặp chuyện không may.

Ông nêu trường hợp đoàn Bạch Tuyết Hùng Cường diễn “Kiều” rồi liền sau đó đoàn hát này bị rã gánh. Bầu Xuân có vẻ không tin điều này.

Sau này khi nghệ sĩ Năm Châu qua đời, giữa năm 1978, bầu Xuân nhờ đạo diễn Hoàng Sa dựng vở “Kiều” diễn tại Miễu Quốc Công (Vĩnh Long) khán giả đầy rạp suốt một tuần lễ. Đến đêm chót tại đây, bầu Xuân bị tai nạn phải đi “học tập cải tạo” nơi xa suốt thời gian ba năm chín tháng (bầu Xuân là tư sản). Có lẽ do vậy mà sau đó không thấy đoàn hát nào hát tuồng “Kim Vân Kiều.”

Và sau đây là phần sau của bài vọng cổ, nhịp 16 “Hoạn Thư” từ câu 11 đến câu 20 do Cô Ba Bến Tre ca thu thanh dĩa hát Asia thời giữa thập niên 1940.

11-Tiện thiếp đành cam muôn lỗi mà trình lại lịnh bà nếu lúc ấy mà lịnh bà thử đặt mình vào địa vị của tiện thiếp có lẽ lịnh bà cũng phải ra tay, huống chi có ớt nào là ớt chẳng cay, có gái nào là gái chẳng hay ghen vì chồng.

12-Vả lại bao nhiêu sự tác tệ gây ra là chẳng qua vì thiếp quá thương chồng, chớ thiếp đâu có quyết ý làm cho lịnh bà phải thiệt thân hại mạng, vì cố tâm thiếp chỉ muốn dùng đủ phương châm để bảo thủ cho chồng khỏi sa ngã vì son phấn má hồng.

13-Đến như bao nhiêu nghịch cảnh oan nghiệt của thiếp bày ra, bắt buộc lịnh bà phải nhẹ thể hạ mình, cạo đầu bôi mặt ra hầu đờn, dưng rượu là cũng chẳng qua vì muốn làm cho chàng phải một phen thống khổ để về sau chừa hẳn thói trăng hoa.

14-Chớ thật ra thì tận trong thâm tâm thiếp cũng cảm động xót xa vì nghĩ thương nhau cũng phận đàn bà, ngặt vì Thúc lang đã quen thói trăng gió sa đà, nếu không làm cho chàng khổ tâm kinh khủng thì chàng đâu có thể nào thức tỉnh giấc mơ hoa.

15-Nghĩ lại những sự đanh thép chua ngoa mà trong một lúc ghen tương tối mặt, thiếp đã trót gây ra làm cho lịnh bà phải thành thân hoại thể khổ trí lao tâm, thì tiện thiếp đành cam muôn lỗi nhưng tội kia nặng tội mà tình đây cũng có chỗ đáng dung tình.

16-Bởi thiếp quá thương chồng muốn bảo thủ gia cang mới lỡ gây ra oan nghiệt, song nếu giá như lịnh bà cũng lâm nhằm cảnh thiệt thòi đã dày công thiết tha tận tụy với ai, mà bỗng dưng ai ấy lại trở dạ phụ phàng thì chắc lịnh bà cũng phải liều thân quyết liệt chớ chồng chung ai dễ chịu nhường cho ai.

17-Tiện thiếp nay bó tay dưới trướng, đao kiếm bên đầu chỉ dám xin khẩn khoản yêu cầu lịnh bà nên hồi tâm nghĩ lại những ngày nhàn an nơi Quan Âm Các chép kinh, ấy là thiếp cũng biết nghĩ thương người lâm lụy vì sắc tài mới để cho thong thả tháng ngày.

18-Và hơn nữa là đến khi lịnh bà chán nản ra đi mà buộc lòng phải lấy theo những khánh bạc chuông vàng, ấy là vật tiền gia tri bửu, nhưng nghĩ thương một thân nhi nữ dặm ngàn thiếp mới để tặng làm lộ phí không nỡ lòng làm khó dễ về sau.

19-Tuy bao nhiêu ấy cũng chưa phải là một ơn trọng hậu, và cũng chưa đủ đền bù lại những sự hành hạ trước kia, nhưng đó chẳng qua là bởi mạng số lịnh bà phải long đong vất vả, nên mới khiến xảy ra những cơn đày đọa phong trần cho lá lay cay đắng bấy phiêu lần.

20-Nhưng trải bao cơn mưa sa bão táp lằng gương nga càng tỏ rạng, còn như lịnh bà có trải qua nhiều phen dày dặn rồi lại càng thêm nâng cao phẩm giá của một đời tài sắc, đến nay hết những hồi bất đắc lại vinh hiển rỡ ràng, vậy cúi xin mở rộng lòng trời biển mà thương xót giùm phận thiếp nữ lưu. (Ngành Mai)


Đờn ca tài tử họp mặt 

Đờn ca tài tử sẽ họp mặt trở lại lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, 25 Tháng Giêng, 2018, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử.

Riêng những người yêu thích, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả. Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Mì bò sốt cà chua”

MỚI CẬP NHẬT