Friday, April 19, 2024

Chân dung nhà văn qua sinh hoạt

Viên Linh/Người Việt

Tháng Tư năm nay tôi hoàn tất chặng đầu của việc in thành sách những chân dung các tác gia cùng thời, nhất là từ 1954 chia cắt đất nước tới 1975 di tản, và từ di tản 1975 tới 2017, cộng lại trên 60 năm trong sinh hoạt văn học mà tôi đã có mặt.

Khi viết về một tác gia (nói chung cho các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, họa sĩ, nhạc sĩ…),  hoặc về phương diện này, hoặc về vấn đề khác, sự hình thành sẽ không giống nhau, nhất là khi người viết chỉ tìm hiểu một tác giả qua tác phẩm, và lại chưa bao giờ tiếp xúc với tác giả ấy.

Trường hợp người viết đã sống cùng thời với các tác giả, sự hình thành sẽ không tiệm tiến nhưng đột ngột mà tới, chân dung tác giả không hiện lên dần dần, mà bất ngờ từng mảng, như ta ngồi trong một toa tàu, con tàu đang di chuyển qua cánh đồng nhân sinh, người viết không bắt kịp được hết, nhưng thu vào tâm trí cả chục cả trăm khung cửa sổ, “vài người hiện lên như từ huyễn mộng,” (1) những người khác trở về với đủ vẻ tranh tối tranh sáng của cuộc sinh hoạt.

Nhìn lại cuộc hành trình, vừa hân hoan vừa ngậm ngùi, cả hân hoan lẫn ngậm ngùi khi viết về những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tôi đã gặp và đã đọc từ giữa thập niên 1950: Họa sĩ Vị Ý năm 1951-54 ở Hà Nội, khi ông tới nhà tôi ở đường Chợ Đuổi, con đường từ phố Huế chạy vào hồ Thiền Cuông, còn gọi là hồ Halais. Ông tới thăm chú tôi, Nguyễn Sĩ Hiệp, làm trong tòa soạn tuần báo Cải Tạo của chủ nhiệm Phạm Văn Thụ.

Sau này vào Sài Gòn, hai người bạn đó vẫn thường gặp nhau, kể cả tôi, Vị Ý mở quán cà phê ở Thị Nghè nổi tiếng với những tấm tranh phá thể vẽ mỹ nữ trong giấc mộng hè, ông Hiệp thành thẩm phán phục vụ trong văn phòng Tối Cao Pháp Viện; ra hải ngoại cũng vẫn còn gặp lại, giờ này cả hai đã ra người thiên cổ.

Thời đó Hà Nội có các tờ báo văn nghệ khác như tờ Thế Kỷ với Trúc Sĩ, Triều Đẩu, Bùi Xuân Uyên, và họa sĩ Tạ Tỵ; tờ Hồ Gươm của Bùi Cẩm Chương có Song Hồ; tờ Giác Ngộ… Những nhà văn khác tôi nghe tiếng có Nguyễn Minh Lang, Hoàng Công Khanh, Ngọc Giao…

Khi viết về Vị Ý, Trúc Sĩ tác giả Kẽm Trống, Tạ Tỵ, hay những người khác, ngoài hình ảnh còn trong tâm trí, tôi vẫn “cung cấp một bản tóm lược tiểu sử ghi nhận từ các sách văn học cổ hay truyền thuyết quá khứ, cùng hình ảnh cá nhân và tiểu truyện, tuy không theo lối khảo sát tỉ mỉ song có chi tiết, ghi chú cặn kẽ, hy vọng là đầy đủ hầu mỗi bài mỗi chương là một tài liệu có giá trị trong khi vẫn là một câu chuyện có bản sắc của từng nhân vật.” (1)

“Người viết nói được như thế là bởi các bài các chương trong cuốn sách không phải là tưởng tượng, cũng không phải là vô bằng, mà là lời thuật sự những chuyện đã xảy ra giữa người viết – tác giả bộ Lịch Sách này – và các văn nghệ sĩ cùng thời, nhờ đã gặp gỡ trong đời sống hay khi cùng làm việc với họ trong một tờ báo, khởi sự từ khi tác giả bước chân vào làng văn làng báo miền Nam Việt Nam trên tờ Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong từ 1955, cho đến khi miền Nam sụp đổ, Tháng Tư, 1975.”

“Một số các bài khác, như về vị thiền sư mười thế kỷ trước, hay về hai vị nữ anh thư của dân tộc, hoặc về hai vị tổng thống Hoa Kỳ, một vào giữa Tháng Ba, 1975, đã đặc biệt ra lệnh cho ‘9 bộ và cơ quan’ nước ông tổ chức các trại tạm cư cho các ‘di dân tị nạn người Đông Dương’ vừa khi hai nước Lào, Cao Miên đã mất và trước khi Việt Nam Cộng Hòa mất theo (theo thứ tự) – là những chuyện lịch sử đặc thù đã in vết trong tâm hồn người viết qua thời gian.”

“Những bài những chương của bộ sách, cuốn này hay các cuốn tới, sẽ là những ký sự, ghi chép, hoặc hồi ký và nhận định mà người viết đã trải qua, đã đọc đã nghe biết trong cuộc sống, ít nhất là từ khi cầm bút, có bài đăng báo và được trả nhuận bút, vào lúc 14 tuổi rưỡi ở Hà Nội, từ trước hội nghị Gevève về Việt Nam, và thời gian kế tiếp sau này.”

“Trong đó có những chuyện đã xảy ra nửa thế kỷ trước, có những chuyện mới xảy ra, nay được thu nhặt hay bổ sung, in vào thành sách. Có những đoạn những chuyện đã viết khi tác giả khoảng trên dưới 20 tuổi, song phần lớn là những ghi nhận trong nửa thế kỷ qua.”

“Do đó, những chân dung trong bộ sách là những chân dung thành hình dần theo sinh hoạt, không phải những chân dung chỉ thấy chỉ chụp trong một giây, như qua ống kính máy ảnh. Mong người đọc lượng thứ nếu có đôi điều quá độ hay bất cập nhân thế, do khoảng cách và ánh sáng thời gian khác biệt theo dòng lưu chuyển của một đời người, mà bộ sách sẽ chỉ hoàn tất khi tác giả qua tuổi tám mươi.”

Sau đây là mục lục niên lịch sơ thảo của mỗi tháng, con số chỉ tháng nào cũng sẽ là con số dùng để chỉ cho chương sách đó, những người mất trong Tháng Giêng được xếp vào chương I, những người mất vào Tháng Chạp sẽ được xếp vào chương XII theo thứ tự niên lịch, trước khi qua chương nhuận, hay chương nhật thực, chương nguyệt thực, nếu có. Ở đầu mỗi chương mỗi tháng đều có Lịch Tưởng Niệm trong tháng. Lịch này dùng cho mọi năm không thay đổi.

Chương I Tháng Giêng Lịch Tháng Giêng: 01. Viên Chiếu thiền sư. 02. Nguyễn Bính, thơ và đời. 03. Tam Ích, bằng hữu tiễn đưa. 04. Tuệ Mai với nếp gia phong, 32. 05. Mai Thảo riêng tây, 35. 06. Xuân Vũ đường đi đã đến, 46.

Chương II Tháng Hai Lịch Tháng Hai: 07. Nguyễn Vỹ nhà thơ nhà báo, 59. 08. Duyên Anh chọc trời khuấy nước, 64. 09. Phùng Tất Đắc viết văn làm báo thời xa xưa, 68. 10. Hai Bà Trưng trong sử thi, 72. 11. Đông Hồ nhập thần Trưng Nữ Vương, 76. 12. Lê Văn Trương trận đời tan tác, 81.

Chương III Tháng Ba Lịch Tháng Ba: 13. Bình-Nguyên Lộc, thổ ngơi thơm phức, 91. 14. Lê Xuyên, nói ngắn viết dài, 98. 15. Tạ Ký, viễn liên tảo mộ, 103. 16. Thanh Tâm Tuyền và quá khứ Hà Nội, 110. 17. Vị Ý trong ngoài quán lú, 124. 18. Phạm Lệ Oanh và truyện Liêu Trai, 128.19. Chí CHÓE, trước và sau tranh biếm thời thế, 142.

Chương IV Tháng Tư Lịch Tháng Tư: 20. Chu Tử, nhà văn chết đầu nước, 146. 21. Người ta nói…, 150. 22. Tú Kếu, thơ chém treo ngành, 153. 23. Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn, 157. 24. Ngô Tất Tố, chuyện xưa tích cũ, 161. 25. Nguyên Sa khung cửa mới vào thơ, 165.

Chương V Tháng Năm Lịch Tháng Năm: 26. Nguyễn Văn Vĩnh, ông Tổ nghề báo Việt Nam, 178. 27. Nghiêm Xuân Hồng, người viễn khách đã xa, 181. 28. Võ Đình cơm với cá, 185. 29. Trần Cao Vân và thể loại thơ trong tù, 193.

Chương VI Tháng Sáu Lịch Tháng Sáu: 30. Hồ Điệp giọng vàng, 201. 31. Chu Thiên, ông thầy thời niên thiếu, 204. 32. Tản Đà và hai chữ non nước, 208. 33. Tự Đức qua chuyện con hạc, 212. 34. Nguyễn Đức Quỳnh trong đàm trường viễn kiến, 216. 35. Thanh Nam trước lúc rạng đông, 226.

Chương VII Tháng Bảy Lịch Tháng Bảy: 36. Lý Thường Kiệt, Nam quốc sơn hà, 229. 37. Huỳnh Phú Sổ, bài thơ khuyến nông, 233. 38. Hoàng Văn Chí, ngôn ngữ chiến lược, 238. 39. Trần Lê Nguyễn một linh hồn kịch, 243. 40. Ngọc Dũng trong thơ có họa, 249.

Chương VIII Tháng Tám Lịch Tháng Tám: 41. Trần Trọng San hải âu phi xứ, 259. 42. Thâm Tâm trước cơn thảo muội, 263. 43. Đinh Hùng chung một ngả đường, 276. 44. Trần Quốc Vượng tính trời nết đất, 282.

Chương IX Tháng Chín Lịch Tháng Chín: 45. Mặc Đỗ, nửa thế kỷ thư từ, 305. 46. Vũ Hoàng Chương rồng bay phượng múa, 313. 47. Vũ Khắc Khoan, trăm năm thân thế, 322. 48. Võ Phiến 50 năm trước, 328. 49. Thái Tuấn, đường nét đặc trưng người phụ nữ Việt, 333.

Chương X Tháng Mười Lịch Tháng Mười: 50. Bàng Bá Lân làm thơ để sống lại quá khứ, 343. 51. Quang Dũng tâm sự với cuốn sổ tay, 350. 52. Bùi Giáng khúc ca chung cuộc, 356. 53. Trần Văn Tuyên, chính khách người khách lạ, 365. 54. Đỗ Tốn, nhân vật và người thật, 369.

Chương XI Tháng Mười Một Lịch Tháng Mười Một: 55. Lý Chiêu Hoàng, nữ vương thứ hai của nước Nam, 379. 56. Nhượng Tống, anh ngã…381. 57. Nguyễn Sỹ Tế người tù kiên giam, 389. 58. Quách Thoại, nhà thơ thời dựng nước cộng hòa, 394. 59. Hai phút tới bất tử, 400.

Chương XII Tháng Chạp Lịch Tháng Chạp: 60. Dương Quảng Hàm, tác phẩm đầu tay năm 27 tuổi, 411. 61. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với quán Trung Tân, 421. 62. Trí Hải với những chuyến đi, 426. 63. Trần Hồng Châu Nguyễn Khắc Hoạch: thơ phải mới… 431. Cùng tác giả, 435. Sách gồm 121 hình ảnh các tác giả. (2)

Mời độc giả xem phón sự thăm KABC News ở Los Angeles

————
(1) Những chữ trong ngoặc kép trích trong bài Tựa “Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam,” Viên Linh, Khởi Hành xuất bản, 4.2017. (VL: [email protected])(2) Hình ảnh tranh vẽ của các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, CHÓE, Võ Đình, Duy Thanh, Lê Tài Điển, và các nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, Trần Xuân Thành, Trương Tuấn, Phan Diên, Trương Quốc Dũng.

MỚI CẬP NHẬT