Thursday, April 18, 2024

Cuốn phim ‘Lan và Điệp’ với đạo diễn Lê Dân

Ngành Mai/Người Việt

Đến năm 1972 thì “Lan và Điệp” lại bước thêm một bước thật dài, được đưa lên màn bạc, tức được quay thành phim. Năm ấy ông Bầu Xuân, giám đốc đoàn Dạ Lý Hương, quyết định quay cuốn phim “Lan và Điệp,” giao cho đạo diễn Lê Dân đảm trách.

Thời điểm này cải lương ế ẩm, khán giả thưa thớt, đại đa số gánh hát rã gánh, số còn lại mỗi tuần mở màn 1, 2 xuất hát vẫn không bao nhiêu người đi coi. Một phần do một số lớn đào kép tên tuổi đã nhảy sang điện ảnh đóng phim, mà phim có nghệ sĩ cải lương thì lại ăn khách lúc đó, chẳng hạn như phim “Loan Mắt Nhung” với Thanh Nga đóng vai chánh và phim “Chiều Kỷ Niệm” với kép Thanh Tú vai chánh, các phim này nghe nói lời cả chục triệu.

Trước tình hình cải lương sống dở chết dở đó, mà làm phim lại lời nhiều, nên ông Bầu Xuân đã cho đoàn Dạ Lý Hương đình chỉ hoạt động, để tập trung vào thực hiện cuốn phim “Lan và Điệp.”

Tuy là làm phim, nhưng về khai thác thương mại thì ông Bầu Xuân lại không nhắm vào khán giả xi nê, mà đặt nặng vào số khán giả cải lương. Do đó mà ông có kế hoạch chọn toàn đào kép cải lương đảm nhận các vai trò nòng cốt như Thanh Nga vai Lan, Thanh Tú vai Điệp, Bạch Tuyết vai Thúy Liễu. Và về phần nhạc đệm cho phim thì ông dùng cổ nhạc, thay vì tân nhạc như hầu hết những phim đã có từ trước.

Một điểm đặc biệt khác là theo đề nghị của đạo diễn Lê Dân, ông Bầu Xuân đã thuê mướn trực thăng quay toàn cảnh một ngôi chùa ở Biên Hòa (ngôi chùa Lan đi tu).

Lúc bấy giờ có người hỏi rằng đoàn Dạ Lý Hương đang hoạt động, rồi bỗng dưng đình lại thì đào kép công nhân sống làm sao đây? Ông Bầu Xuân rất điệu nghệ và có tình có nghĩa, hằng ngày ông cho xe đưa tất cả đào kép nhân viên đến địa điểm quay phim, có việc gì làm việc nấy, phụ giúp công cuộc quay phim, và trả cho mỗi người một ngàn đồng một ngày, so với đồng lương công chức công nhựt thì gấp đôi. Khó có bầu gánh nào mà có hành động tốt đẹp như ông Bầu Xuân trong vấn đề này vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 5):

Huệ Minh nói: Anh Điệp!

Điệp nói: Em Lan, anh đã ly dị với Thúy Liễu, anh lên đây để rước em về.

Huệ Minh nói: Không thể được hết rồi.

Điệp nói: Mở cổng cho anh vào.

Huệ Minh nói: Không thể được, anh phải đi về đi, đã hết rồi.

Điệp nói: Lan đành cắt đứt dây chuông.

Khai Chuông:

U minh vỉ mãng vô thượng tấn tốc,

Ngưỡng lao đại chúng an tọa tịnh chung.

Văn chung thinh nhứt tâm thế niệm A Di Đà Phật.

Huệ Thông nói: Bạch thầy có Vũ Khắc Điệp đến.

Hòa Thượng nói: Mời người vào.

Huệ Thông nói: Mô Phật.

Điệp nói: Mô Phật bạch hòa thượng.

Hòa Thượng nói: Mô Phật, bần tăng xin chào ngài. Ngài có phải là Vũ Khắc Điệp mà cách đây mấy tháng, ngài có đến chùa này một lần.

Điệp nói: Bạch hòa thượng phải.

Hòa Thượng nói: Ngài vừa tới cổng giựt chuông để gọi chúng tăng ra mở cửa, thì có một chú tiểu vội cắt đứt dây chuông, rồi ngất xỉu, lúc ấy ngài đi luôn không vào chùa, và từ đó tới nay cũng không khi nào ngài trở lại.

Điệp nói: Bạch hòa thượng, trong lúc cắt đứt dây chuông tôi vì cảm xúc quá nên cũng té gục trên cổng, chừng tỉnh lại nhìn vào chùa thấy bốn bề vắng ngắt nên ngậm ngùi lặng lẽ ra về.

Hòa Thượng nói: Ngài có biết đâu, sau khi ngài đi rồi, chú tiểu ấy phát bịnh nặng, những lúc mê sảng thường kêu gọi ba tiếng Vũ Khắc Điệp luôn, đến nay thuốc thang đà vô phương cứu chữa, nên bần tăng mới cho người đi tầm ngài tới đây, bần tăng cũng vẫn biết sống chết là một lẽ đương nhiên, song có điều làm cho bần tăng không yên lòng, là chú ấy cứ nài nỉ khẩn cầu xin bần tăng chứng minh cho chú ấy trao gởi nỗi niềm tâm sự, điều ấy bần tăng khó thể nhận lời, ngài cũng đủ biết giùm cho bần tăng ngày nay.

Ca Vọng Cổ

1- Đã ngơ lấp chuyện hồng trần, lòng thanh thản hồn nhiên trước cửa từ bi, bao nỗi thị phi, tai chẳng buồn nghe, mắt cũng không buồn trông thấy nữa.

2- Không sắc đã thay cho danh lợi tự giác nhi giác tha, Lục tự di đà vô biệt niệm trót ba mươi năm mà công quả vẫn chưa tròn.

3- Ngày nay cũng bởi tiểu Huệ Minh, trần lụy đa mang, nghiệp oan chưa dứt, kiếp duyên còn nặng nợ, lòng bận bịu nơi sóng mê bể khổ, nên bịnh căn trầm trọng mỏi mòn.

4- Đã ba hôm rồi yêu cầu bần đạo chứng minh cho người, gởi chút niềm riêng nhưng bần đạo đã xả thân khổ hạnh, thì luật tu hành không thể nhận, chớ có phải đâu sắt đá là loại vô tri, cỏ cây là loài vô cảm mà chẳng thương tâm trước cảnh mất còn. (Ngành Mai)

Mời độc giả xem “Ký 2 của nhà báo Đinh Quang Anh Thái”

MỚI CẬP NHẬT