Friday, March 29, 2024

‘Đất và nhà của bà Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt’

Du Tử Lê/Người Việt

Theo ghi nhận riêng của tôi thì, rất nhiều chương sách “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù” của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, được độc giả ưa thích, vì nội dung độc đáo, bất ngờ; hiểu theo nghĩa chưa từng được sách nào nói tới hoặc đào sâu, chi tiết…

Một trong những chương sách đạt tới tiêu chí ấy là chương tựa đề “Đất và nhà của bà Nhu ở Đà Lạt” (từ trang 187, tới trang 208).

Rất nhiều chi tiết liên quan tới tiểu tựa vừa kể được tác giả nghiên cứu, sưu tầm, và viết xuống một cách đầy đủ, nhưng không vì thế mà kém phần văn chương…

Mở đầu phần viết về bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu, họ Nguyễn ghi nhận:

-Năm 23 tuổi, sau một cuộc loạn ly, Trần Lệ Xuân đến Đà Lạt. Nơi đây, bà gặp lại chồng mình, ông Ngô Đình Nhu, người sau này là cố vấn cho chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đây cũng là một khoảng thời gian bà Nhu có đời sống bình yên, nhẹ nhàng và nhất là tìm thấy sự hài hòa hôn nhân với người chồng quá chênh lệch về tuổi tác cũng như tính cách. Nơi thành phố kiểu Tây phương miền cao nguyên, bà chọn cách sống khiêm cung, chăm chút cho những đứa con ngoan ngoãn, xinh xắn được hưởng chế độ giáo dục của các trường Pháp. Bọn trẻ được coi bình đẳng với đám trẻ con em quan chức Pháp ở Đông Dương đang lớn lên dưới những “vườn ươm” đặc biệt này.

-Ông bà Ngô Đình Nhu từng cho thấy sẽ chọn Đà Lạt để ở khi về hưu.

-Ngay khi trở thành một vị đệ nhất phu nhân thì bà Nhu vẫn thường cùng chồng quay về Đà Lạt vào mỗi cuối tuần. Dù được thu xếp ở trong Dinh Toàn Quyền (Dinh 2), nhưng bà cố vấn ngoài 35 tuổi, vẫn thích du ngoạn và ghé về các biệt thự của mình. Đà Lạt vẫn mang đến cho cuộc sống gia đình bà những khoảnh khắc bình dị, trở lại với cảm giác hạnh phúc lâu bền, thoát ra khỏi những toan tính chính sự. Tinh thần ấy, toát lên trong những bức ảnh của Larry Burrows, tạp chí Life ghi lại những chuyến du ngoạn, tận hưởng bình yên ở Đà Lạt của gia đình bà Nhu. (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang 187, 188).

Sau đấy, họ Nguyễn cho biết thêm:

“…Có lẽ vì vậy mà từ thân phận lưu dân chạy trốn binh biến và những xáo trộn thế cuộc, vợ chồng bà cố vấn, chính xác thì một mình bà Nhu, xoay xở bằng nhiều cách, đã tạo dựng nên một cơ ngơi nhà cửa không nhỏ ở thành phố này. Đây cũng chính là nguyên do của những đồn đoán, chỉ trích về sự tư lợi hay phù phiếm của người đàn bà này – một luận điểm quen thuộc mà phe chống chính quyền anh em họ Ngô thường sử dụng. Điều này có thể làm cho ông Nhu – một người Tây học và có phong thái nhà Nho truyền thống – chẳng lấy gì làm vui. Và cách mà một mình bà Nhu thu xếp khéo léo để sở hữu đất đai, nhà cửa ở Đà Lạt thì khá thú vi…” (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang 188).

Tìm hiểu cặn kẽ cách hợp thức hóa các dinh cơ, biệt thự ở Đà Lạt của bà Nhu, căn cứ trên các giấy tờ, công chứng, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trưng dẫn nhiều tư liệu cho thấy, bà Nhu đã đi những nước cờ quanh co, nhiều bước về mặt thủ tục…

Thí dụ, như để trở thành chủ nhân hợp pháp của biệt thự nổi tiếng Alphido, ở số 2 đường Lê Thánh Tôn, Đà Lạt (1), vốn do thân mẫu của bà Nhu (tức bà Trần Văn Chương, nhũ danh Thân Thị Nam Trân) đứng tên mua. Nhưng người chi trả mọi phí tổn lại là bà Trần Lệ Xuân. Bước tiếp theo là thủ tuc xác nhận khoản tiền vay mượn. Và, sau đó, bà Thân Thị Nam Trân từ Mỹ về Đà Lạt làm giấy chuyển nhượng căn biệt thự cho con rể Ngô Đình Nhu bằng một tờ di chúc. (2)

Cùng một cách thức để trở thành chủ nhân hợp pháp nhiều biệt thự cũng như nhiều lô đất khác ở Đà Lạt, nơi trang 192, họ Nguyễn đã nhắc tới những nhà cửa, đất đai bà Nhu đứng tên với sự tiếp tay tích cực của ông thị trưởng Đà Lạt thời đó:

“…Trước đó, có lẽ chưa ở đỉnh cao quyền lực, việc sở hữu đất đai nhà cửa chưa bị các phe chính trị đối lập nhòm ngó, suy diễn, xem như điểm yếu để tấn công, thì những giao dịch với các tài sản bất động sản khác của bà Nhu tại Đà Lạt diễn ra có vẻ nhẹ nhàng hơn; thuần túy là những giao dịch dân sự được ông Thị Trưởng Trần Văn Phước khán duyệt nhanh gọn. Việc gom các thửa đất số 55, 56, 57 khu Lam Sơn là một thí dụ” (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang 192).

Cũng vậy, vẫn theo họ Nguyễn trong tác phẩm “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” thì việc bà Nhu trở thành sở hữu khu đất 1,700 thước vuông, để làm vườn tược ở số 1 đường Hải Thượng, “…cũng không quá khó khăn, chỉ cần bà Nhu ngó thấy thích cuộc đất thì sẽ tìm cách giao dịch nhượng địa ngay…” (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang192).

Nhưng trên hết, khi nói đến đất đai, nhà cửa của bà cố vấn tại Đà Lạt, trong thời gian khá dài bà gắn bó với thành phố này, thì phải kể đến biệt điện, công trình được xây trong năm năm tại một khu đất lớn trên đường Yết Kiêu, cấu trúc chính gồm ba khu vực: Biệt thự Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc (Hồng Ngọc chính là biệt thự Alphino mà bà Thân Thị Nam Trân đã di chúc cho ông Nhu thừa kế). Khuôn viên rộng hơn 13,000 thước vuông. “Monique Brinson Demery tác giả cuốn ‘Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madam Nhu’ đã tái hiện không gian của quần thể biệt điện này…” (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang195) (3)

Trước khi bước qua chương kế tiếp của “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” họ Nguyễn có một kết luận, rất đáng để người đọc suy gẫm:

“…Trong công việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa tại Đà Lạt, bà Nhu là người cầu toàn, thường mời những kiến trúc sư tên tuổi hàng đầu của miền Nam lúc ấy, như Vĩnh Dự, Võ Đức Diên, Ngô Viết Thụ tham gia thiết kế, góp ý. Nhưng bà cũng là người chặt chẽ về tiền bạc. Những kiến trúc sư tên tuổi thường quảng giao, dễ tìm được các nhà thầu khoán có ưu đãi giá vật liệu, sử dụng lại vật liệu từ các công trình khác còn tốt,… đảm bảo ít tốn kém. Chỉ sau một cơn gió bụi, những dự định và ý chí của người đàn bà quyền lực (và hẳn là có trái tim luôn rộn ràng với thành phố này) đã tiêu tan như đám sương mỏng trước cơn gió nhẹ” (“Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù,” trang 205).

***

Với tôi, nếu những ghi nhận dàn trải trong cuốn sách của họ Nguyễn là trái tim, thì hình ảnh, tư liệu, tài liệu, sơ đồ hiếm, quý mà tác giả có được, chính là lá phổi của tập sách.

Rồi đây, có thể chúng ta cũng sẽ có một thứ “Hoàng Triều Cương Thổ” khác, như cựu hoàng Bảo Đại, từng có tham vọng chọn làm thủ đô thứ hai cho Việt Nam. Nhưng trường hợp nào, nó cũng sẽ không thể có được cái công phu phục dựng trầm tích quá khứ như tâm, sức của Nguyễn Vĩnh Nguyên, dành cho Đà Lạt, hôm nay…

Chính vì thế, tôi nghĩ, nếu muốn ghi nhận tương đối đầy đủ về những nghiên cứu, sưu tầm giá trị mà Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đem đến cho người đọc, tôi e phải là một cuốn sách khác – phân tích từng chương mục, từng chi tiết – với số lượng 400 trang chữ in, khổ lớn, (gồm cả “Mục từ tra cứu”) như “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù;” hoặc chí ít, cũng phải ngang bằng độ dày hiện hữu của tác phẩm. Điều đó, tiếc thay, nằm ngoài khả năng giới hạn của tôi.

***

Bạn đọc cần liên lạc với tác giả, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, xin qua địa chỉ email: [email protected]. (Du Tử Lê)

—–

Chú thích:

(1) Trước đó, con đường này có tên là Roberin. Từ năm 1953 cho đến nay, đường được đổi tên là Lê Thánh Tôn (chú thích từ nguyên bản).

(2) Họ Nguyễn trích dẫn theo tài liệu Higgins, Our Vietnamese Nightmare, 70, dẫn lại: Monique Brinson Demery. Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền Lực Bà Rồng. Mai Sơn dịch. NXB Hội Nhà văn, 2016, trang 95 (chú thích từ nguyên bản).

(3) Bản tiếng Việt: “Madam Nhu Trần Lệ Xuân – Quyền Lực Bà Rồng.” Monique Brinson Demery. Mai Sơn dịch. Phương Nam Book & Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, 2016 (chú thích từ nguyên bản).

MỚI CẬP NHẬT