Thursday, March 28, 2024

Để đưa tiễn Trần Văn Nam

Viên Linh/Người Việt

Thật là nhanh quá. Còn nhớ mơ hồ hồi trước 1975 một hôm tòa soạn tờ báo tôi chủ trương nhận được bài của nhà giáo Trần Văn Nam từ Vĩnh Long gửi lên, một trong những bài có nội dung “thơ và triết học” mà những năm về sau anh viết thêm nhiều, tôi bỗng có phản ứng đáng kể là bốc đồng.

Ngắm nhìn cái xe Lambretta bụi bặm của mình, tôi nghĩ thầm, xe này Sài Gòn-Vĩnh Long kể gì. Nổ máy, chẳng nói với ai, tôi xuống Vĩnh Long tìm Trần Văn Nam, tôi cần bàn với chàng này. Quyết định đó đã mở đầu một tình bạn gần nửa thế kỷ.

Số là làm báo, nhất là làm một tạp chí văn nghệ, tôi rất quen thuộc với những trang bài chỉ có chữ là chữ, nhất là khi nhận được một truyện ngắn hay một bài tham luận dài cỡ 20 trang viết tay – với tôi, đó là 10 trang chữ in dày đặc nếu in hết bài đó mà không xen vào hình ảnh hay một bài thơ, hay những khung chữ hoặc in nghiêng, hoặc in đậm, hoặc bằng một kiểu chữ khác, in xen vào với bài chính.

Nghĩa là tôi bị ám ảnh bởi sự việc độc giả cầm một tờ báo lên, lật vèo một cái xem qua từ trang đầu tới trang cuối tờ báo, rồi để nó vào chỗ cũ. Với ba cái truyện ngắn hay bài tham luận dài cỡ 20 trang như nói ở trên, chữ là chữ, độc giả kia sẽ có cảm tưởng tai hại là báo ít bài quá, mới lật qua một cái đã hết tờ báo rồi, nghĩa là báo sẽ ế.

Thế là tôi có mặt ở Vĩnh Long, hôm ấy tôi đề nghị anh tiếp tục viết cho tôi những bài tương tự, nghĩa là ngắn như bài anh mới gửi về tòa báo. Trên tờ Thời Tập của tôi từ đó bài của Trần Văn Nam chỉ dài bốn trang, năm trang cỡ trang sách mà thôi. Trình bày một tờ tạp chí mà gặp được những bài ngăn ngắn, người thư ký tòa soạn hay người họa sĩ rất dễ chịu: tờ báo có thêm tựa bài, bớt đi những trang chỉ có chữ dài dằng dặc, dĩ nhiên chưa cần biết nó có hay không. Hãy biết nhiều bài ngắn sẽ làm cho nội dung thêm phong phú, đa dạng, độc giả nhận ra dễ dàng là tờ báo có nhiều người cộng tác.

Nhà văn Trần Văn Nam người Vĩnh Long, sinh ngày 18 Tháng Mười Một, 1939, mới mất hôm 10 Tháng Giêng, 2018. Khoảng năm 1955, 1956 tôi đã loáng thoáng thấy tên anh trên mấy tờ báo định kỳ ở Sài Gòn, nhất là tờ Đời Mới của ông Trần Văn Ân. Hồi ấy anh làm thơ nhiều hơn sau này. Hãy thưởng thức thơ của một nhà phê bình, nhà biên khảo, kiêm nhà văn và nhà thơ, một cây bút hỗn hợp và dung dị.

Thiết Lộ Khuất

(Trần Văn Nam, 10.2008)

Ga thành phố, thu vàng, đường rực lá
Mùa đã mát trời, tất cả lây vui
Trên thềm ga đôi lứa Việt ngậm ngùi
Chắc ít thôi, vì chỉ là tạm biệt.

Xe Amtrak sẽ về miền núi tuyết
Colorado mờ biếc cao nguyên
Ng
ười ở Cali học nốt ra trường
Hẹn cùng nghiệp nghề nơi miền xa ấy.

Mấy phút chia tay thoắt không còn thấy
Thiết lộ lẫn vào phố lớn ngăn che
Bãi trống xa lại thấp thoáng đoàn xe
Rồi khuất hẳn bởi chập chùng cao ốc

Kẻ ra đi trên hành trình xa lắc
Có cuộc đời đã tê tái đôi phen
Chuyến xe trầm theo dãy núi nhá nhem
Tuyết trắng Denver, đỉnh trời liên tiếp

Nếu hẹn hò mãi không thành duyên kiếp
Sẽ buồn nh
ư tình duyên lỡ phôi pha
Nếu thiết lộ chỉ tạm khuất sân ga thiên lý.
Xin nối dài cho thành đường thiên lý.

Văn chương anh nhẹ nhàng, anh nói năng nhỏ nhẹ, khi có mặt trong một nhóm nhỏ, người ta có thể nhận ra sự có mặt của anh, nhưng nếu đó là một đám đông, hình dạng anh sẽ mất hút. Con người ấy hay viết về thơ, và thơ trong triết học, hay ngược lại.

Bút lực anh không mãnh liệt nhưng bền bỉ. Cuốn sách sau cùng của anh dày tới 550 trang, phát hành trong năm 2016, nhan đề “Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975.” Anh còn nhiều cuốn sách khác bàn về văn học, như “Văn Học Miền Nam, Các Thời Kỳ Văn Học từ 1963 tới 1975,” “Văn Học Hải Ngoại: Thơ Hoài Hương Trong Các Vùng Trọng Điểm…”

Sau đây là một số nhan đề những bài nhận định của Trần Văn Nam, đọc qua những nhan đề này người ta cũng co thể hình dung ra thế giới của ông:

-Lời của thi sĩ tiết lộ điều bí ẩn.

-Việt Ngữ tương giao văn học và triết học.

-Văn học và âm nhạc thời chiến ở miền Nam.

-Dẫn khởi từ thơ Đinh Hùng nghĩ về nhạc Schubert.

-Chỉ là ước mơ qua các bản quân ca xưa.

-Thơ hai bên về cuộc tranh thủ cao nguyên.

-Văn chương bên lề cuộc chiến.

-Cảm thức địa hình bằng phẳng trong tác phẩm Sơn Nam.

-Tân truyện và tiểu thuyết của Viên Linh.

-Ba thời kỳ của Dương Nghiễm Mậu.

Và để đưa tiễn người bạn văn non nửa thế kỷ, tôi không biết làm gì hơn là nhắc nhở đến anh Trần Văn Nam qua những dòng ngắn ngủi này. Và chân thành phân ưu cùng chị Nam và tang quyến. (Viên Linh)

Mời độc giả xem chương trình giới thiệu “Giai Phẩm Xuân Người Việt Mậu Tuất 2018”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT