Friday, April 19, 2024

Đi thăm nhà văn John Steinbeck

Trần Doãn Nho

Thế mà cũng có ngày tôi đến thăm John Steinbeck!

Trên đường lái xe trở về Little Saigon từ San Jose trong một ngày đẹp trời tháng 7/2016, thay vì đi đường số 5 như thường lệ, tôi và người bạn, anh Lê Chớ, theo đường 101 là con đường dọc theo bờ biển. Chỉ khoảng một giờ lái se từ San Jose, quẹo vào exit 329 là đến thành phố Salinas. Đó là quê hương của một trong những nhà văn hàng đầu của Hoa Kỳ, John Steinbeck và cũng là nơi tọa lạc của viện bảo tàng John Steinbeck, The John Steinbeck Center.

Với tôi, cư dân bờ biển phía Đông Hoa Kỳ, có dịp đặt chân đến đây là một kỷ niệm đáng nhớ. Salinas là một thành phố nhỏ, yên tĩnh, sạch sẽ.

Đường thưa thớt người. Viện bảo tàng khá rộng rãi và khang trang, là nơi chứa đựng tất cả những gì liên hệ đến John Steinbeck, một con người và một nhà văn, một nhà văn tầm cỡ. Đồng thời đó cũng là nơi tái hiện rất sinh động lại cả một vùng đất, nơi nhà văn sống và sáng tác. Hư cấu lẫn trong hiện thực.

Phần chính của bảo tàng bắt đầu với những năm đầu đời của nhà văn đi xuyên qua nhiều tác phẩm chính của ông. Sau đó là nhiều phần khác nhau, mỗi một phần tập trung chung quanh một tác phẩm đặc biệt của tác giả hay một phần đời sống của tác giả được mang vào trong truyện. Nhiều màn truyền hình lớn liên tục chiếu lại những phim tài liệu hay những đoạn phim được đóng, phỏng theo các tác phẩm của ông. Có chỗ trưng bày tác phẩm được dịch sang một số ngôn ngữ khác.

Đó đây là thủ bút của nhà văn qua các thư từ, bản thảo. Nhiều vật dụng, áo quần mà người dân dùng trong thời gian đó như mũ, nịt, áo khoát, hộp thư , hàng rào gỗ, xe…cũng như nhiều tranh phong cảnh thuộc khu vực Salinas được trưng bày xen lẫn với tranh ảnh của những người thân trong gia đình và cả những cuốn sách mà nhà văn có trong tủ sách thời niên thiếu. Cũng có hình chụp lại những trang nhật báo viết về Steinbeck từ những năm thập niên 1930, 1940.

Có rất nhiều hình ảnh và khá nhiều trích dẫn từ trong các tác phẩm, những trích dẫn nêu lên những nét chính trong các tác phẩm cũng như các chủ đề chính. Chẳng hạn như tập bút ký “Travels with Charley” (Du hành với chú chó Charley), ghi lại chuyến đi vòng quanh nước Mỹ 10 ngàn dặm với bạn đồng hành là chú chó Charley, tôi đọc thấy mấy trích dẫn với nét chữ khá lớn: “A journey is a person in itself; no two are alike,” hay “We find after years of struggle that we do not take a trip; a trip takes us.”

Sau khi tham quan hết viện bảo tàng, chúng tôi đi bộ đến “The Steinbeck House” để ăn trưa. Đây chính là ngôi nhà của gia đình Steinbeck, nơi nhà văn sống thời nhỏ từ năm 1900, chỉ cách Viện Bảo Tàng chừng vài phút đi bộ. Vào năm 1973, ngôi nhà được tổ chức The Valley Guild mua lại và chuyển thành một tiệm ăn. Tất cả hiện vật trong căn nhà được giữ hầu như nguyên vẹn. Ăn xong, khách được các hướng dân viên dẫn đi từng phòng giới thiệu các kỷ vật cũng như những sinh hoạt của nhà văn và gia đình lúc sinh thời. Khách gần như được sống lại cuộc sống điển hình của một gia đình điển hình Hoa Kỳ vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Tran-DoanNho

John Steinbeck (1902-1968), giải Nobel văn chương năm 1962, là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Hoa Kỳ. Ông được xem như là nhà văn tạo nên một thời kỳ tiểu thuyết đặc trưng thập niên 1930-1940, phản ảnh một thời kỳ suy thoái trầm trọng của xã hội Hoa Kỳ, hậu quả của chế độ tư bản đang trong thời kỳ phát triển. Ông là tác giả của 27 tác phẩm gồm có 16 truyện dài, 6 cuốn biên khảo, ký sự và 5 tập truyện ngắn. Hầu hết tác phẩm của ông đều lấy khung cảnh của vùng nam và trung tiểu bang California, đặc biệt là thung lũng Salinas và vùng bờ biển. Hầu hết tác phẩm của ông thăm dò chủ đề về số phận và sự bất công.

Các tác phẩm không chỉ phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của hiện thực Hoa Kỳ khoảng thời gian 1930-1940 mà còn chuyển tải được những vấn đề có tính vĩnh cửu của con người. Nổi bật nhất là “The Grapes of Wrath” và “Of Mice and Men. Cả hai tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt trước năm 1975, một là “Chùm nho uất hận” do Võ Lang dịch, và hai là “Của chuột và người” do Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập dịch.

Sau 1975, hai cuốn đã được tái bản trong nước. Riêng The Grapes of Wrath có một bản dịch khác với tựa đề hơi khác,“Chùm nho phẫn nộ”, do Phạm Thủy Ba dịch. Có thể nói “Chùm nho uất hận” là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp dài hơi của Steinbeck. Với một loại văn bình dị, hiện thực, tác phẩm dày cả 600 trang này đã dựng lại một giai đoạn đen tối nhất của xã hội Hoa Kỳ, thể hiện rõ nét cuộc đấu tranh giành giựt quyền sống quyết liệt và đầy cay đắng giữa những người lao động làm thuê và giới chủ nhân bóc lột. The Grapes of Wrath được đóng thành phim năm 1940 do John Ford đạo diễn, các diễn viên Henry Fonda, Jane Darwell, John Carradine. Phim giành hai giải Oscar, là một trong 100 phim hay nhất của điện ảnh Mỹ. Cũng cần ghi nhận, dù được xem là một nhà văn tả khuynh, ông và cả con trai của ông (cũng là một nhà văn) đã từng sang phục vụ tại Việt Nam và bản thân ông đã từng lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống Cộng Sản.

Vào năm 2002, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của John Steinbeck và 40 năm ngày ông đoạt giải Nobel văn chương, đã có hơn 200 chương trình khác nhau dành cho Steinbeck, diễn ra trong tất cả 38 tiểu bang, rầm rộ nhất là tại California, tiểu bang nhà của ông. Nhân dịp này, sáu tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn đã được tái bản, trong đó có hai tác phẩm nổi tiếng là “Of Mice and Men” và “The Grapes of Wrath”. Theo ước tính của các nhà xuất bản và các tạp chí văn học thì trong mấy chục năm qua, các tác phẩm của Steinbeck được bán ra khoảnghai triệu ấn bản/năm. Ðiều đó cho thấy ảnh hưởng của nhà văn không hề suy giảm trong công chúng thưởng ngoạn Hoa Kỳ mặc dù ông đã mất cách đây mấy chục năm rồi.

Ấy thế mà, trong giới nghiên cứu văn chương đại học, Steinbeck mới được phục hồi chỉ mới vài năm gần đây. Nhưng điều đáng ghi nhận là, ông được lưu tâm không phải vì giá trị văn chương của các tác phẩm, mà là vì các giá trị lịch sử và xã hội của chúng. Theo Alan Trachtenberg, nguyên giáo sư đại học Yale, thì sở dĩ Steinbeck được lưu ý trở lại  vì “một nhóm học giả trẻ đang cố gắng phục hồi  sự khảo sát về xu hướng cấp tiến trong những năm thuộc thập niên 1930” và vì “có một quan tâm mới về mối liên hệ giữa xu hướng chính trị cấp tiến và một số tác phẩm hư cấu”. Có nhiều bằng chứng cho thấy các tác phẩm của ông chứa đựng nhiều thông tin về giai đoạn “Ðại Suy Thoái” (Great Depression) và cơn hạn hán và bão cát kéo dài cả chục năm ở các vùng đồng bằng rộng lớn ở các bang miền Nam Hoa Kỳ thường được gọi là “Dust Bowl” khiến cho kinh tế Mỹ đã tuột dốc lại càng bi đát thêm. Tác phẩm quan trọng nhất của Steinbeck là “The Grapes of Wrath” hiện đang được nghiên cứu như là cách suy nghĩ về văn hóa Hoa Kỳ trong giai đoạn đặc biệt này.

So với những viện bảo tàng khác mà tôi có dịp đến, The John Steinbeck Center khiêm tốn và đơn giản, tuy nhiên đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh và sâu sắc. Nó cho thấy người Hoa Kỳ rất quý trọng và bảo tồn những giá trị nhân bản mà nhà văn để lại cho cuộc đời qua các tác phẩm của mình.

MỚI CẬP NHẬT