Friday, March 29, 2024

Đinh Hùng, từ giải thưởng văn chương 1961, đến Ban Tao Đàn

Du Tử Lê

Nếu tính từ năm Đinh Hùng in “Mê Hồn Ca” 1954, cho tới “Đường Vào Tình Sử” 1961 thì hai thi phẩm cách nhau gần bảy năm trời.

“Đường Vào Tình Sử” gồm 60 bài thơ “Truyện Lòng” và “Tiếc Bướm,” in tại nhà in Kim Lai, mang tên nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, gồm 2,000 quyển trên giấy tốt. Với tác phẩm này, ông được lãnh giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc.

Nhưng nói tới Đinh Hùng, người ta thường nhắc tới “Mê Hồn Ca” nhiều hơn. Vì “Mê Hồn Ca” mới xứng đáng và tiêu biểu cho những gì là Đinh Hùng, tức gương mặt đích thực tâm hồn ông.

Tác phẩm “Đường Vào Tình Sử” được in sau “Mê Hồn Ca” tới bảy năm trời nhưng sự thực lại gồm cả những bài đã được làm trước.

Nhận xét đầu tiên của tôi khi đọc xong tập “Đường vào Tình Sử” là ở tập này, Đinh Hùng không đều tay. Ông không tạo được cho mình một cõi riêng. Một vùng bao la thần kỳ mang tên Đinh Hùng. Ở tập thơ này, theo thiển ý của tôi, nó mang nhiều tánh cách đánh dấu giai đoạn, ghi khắc kỷ niệm chứ không hoàn toàn mặc khoác một dòng tư tưởng. Tuy thế với “Đường Vào Tình Sử,” người đọc cũng bắt gặp cái nguồn mang mang, bàng bạc tinh thần Đông phương. Tinh thần tìm về cõi mộng, lấp lánh vũ trụ miên trường.

Theo thi sĩ thì kiếp sống vốn phù du. Cuộc đời vốn vẩn đục. Chỉ duy linh hồn, duy tình người, là có những giá trị đáng cho chúng ta xưng tụng. Giữa một xã hội như xã hội Việt Nam ta hiện nay, khi những giá trị tinh thần, ngày càng mất giá, vật chất ngày càng là cái đích cho con người lao ném cả cuộc đời, thân kiếp mình vào cuộc giành giựt, chém giết lạnh lùng kia, thì Đinh Hùng vẫn cố giữ phong thái “thi sĩ” của mình. Ông vẫn tin tưởng, tìm về nguồn suối ngọt ngào của tâm hồn, của tình người. Thơ ông vẫn mênh mang những nỗi sầu xưa cũ của đất nước. Những quá khứ buồn vui của quê hương. Ông vẫn nuối tiếc cái mà ta có thể gọi là “thiên đường đã mất.”

Giữa những tiếng thơ mặc khoác chiếc áo hiện sinh với nhiều hình ảnh, tư tưởng phá phách, nhiều nôn mửa, vay mượn, hoặc cái tối tăm, tuyệt vọng giả tạo của một số nhà thơ hôm nay, nhiều độc giả đã trở về để tìm gặp Đinh Hùng. Như tìm lại, thở lại cái không khí ảo huyền mê mộng bao la, dịu nhẹ trong một số thi bản, rải rác suốt 110 trang thơ khổ lớn.

Ban Tao Đàn và những sự kiện chung quanh

Nói đến những hoạt động của thi sĩ Đinh Hùng mà không nói tới Ban Tao Đàn, theo tôi là một thiếu sót lớn. Những hoạt động văn nghệ của ông tại miền Nam, nhất là mấy năm gần đây, ngoài việc viết báo, dạy học, đóng kịch… Mọi phạm vi hoạt động hầu như thu hẹp lại, và chỉ còn việc chủ trương Ban Tao Đàn là đáng kể mà thôi. Vì, Tao Đàn là một hoạt động thuần túy văn nghệ; lại hiện diện liên tục gần mười năm…

Vì thế, trong nhiều buổi tiếp tiếp xúc với ông, thi sĩ Đinh Hùng đã cho biết khá nhiều về những dữ kiện chung quanh Ban Tao Đàn. Và, dưới đây là phần ghi chép chi tiết mà, theo chính người đứng đầu Ban Tao Đàn, thi sĩ Đinh Hùng, cho là đáng ghi nhận.

Tác giả “Mộng Dưới Hoa” (1) cho biết: Ban Tao Đàn được thành lập từ năm 1955, do Đinh Hùng đứng tên, cùng sự góp sức của Thanh Nam, Thái Thủy, Tô Kiều Ngân. Buổi phát thanh ra mắt nhằm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, với các giọng ngâm nam là Tô Kiều Ngân, Hoàng Thư… Giọng nữ có Giáng Hương, Mộng Hoàn, Bích Hiền. Phần nhạc phụ họa có các nhạc sĩ Ngọc Bích, Phạm Đình Chương, Vĩnh Phan. Riêng Vĩnh Phan sử dụng đàn thập lục, đệm cho phần cổ thi và tiếng sáo Tô Lang (tức nhà văn Tô Kiều Ngân).

Một hai năm sau, Tao Đàn đã giới thiệu với thính giả hâm mộ một số giọng ngâm mới như Hồ Điệp, Bích Liễu, Lệ Liễu; sau nữa có Quách Đàm, Thái Hằng. Qua một thời gian thử thách, những giọng ngâm không bản sắc, đã bị đào thải. Nhưng ngược lại, cũng có hai giọng ngâm nổi bật đó là Hồ Điệp và Quách Đàm.

Sau đấy, Ban Tao Đàn lại giới thiệu với thính giả một số giọng ngâm trẻ… Vẫn theo đánh giá của thi sĩ Đinh Hùng thì hai giọng ngâm trẻ có khả năng thay thế lớp đàn anh, đàn chị là Hoàng Oanh và, Quang Minh.

Vẫn theo thi sĩ Đinh Hùng thì giữa khi tầm ảnh hưởng của Ban Tao Đàn mở rộng tới nhiều tầng lớp thính giả khác nhau thì, bất ngờ, nhà văn Tô Kiều Ngân, cộng tác viên đầu tiên của Ban Tao Đàn, rút lui cùng với nhà văn Thanh Nam.

Đó là thời gian ông Lê Văn Duyên được cử giữ chức giám đốc Nha Vô Tuyến. Nhà văn Tô Kiều Ngân được mời vào chức vụ chánh sự vụ sở chương trình. Thời lượng phát thanh của Ban Tao Đàn đang từ ba buổi mỗi tuần, bị rút dần xuống còn hai. Rồi một. Song song với sự kiện vừa kể, đài Sài Gòn lại có thêm một ban thi văn khác. Ban này do hai nhà văn Thanh Nam, Mai Thảo, đứng tên. Đó là Ban Tin Thơ. Tuy thế, thi sĩ Đinh Hùng cho biết, mỗi khi giới thiệu tên những người phụ trách, ông vẫn kể Tô Kiều Ngân, Thanh Nam… cho tới khi ai đó, chính thức yêu cầu bỏ tên…

Sau hai tháng ngồi ghế chánh sự vụ, nhà văn Tô Kiều Ngân lại trở về với nhiệm vụ cũ, khi giám đốc Lê Văn Duyên bị thay thế bởi ông Thái Văn Kiểm! Ban Tin Thơ sau đó cũng ngưng hoạt động.

Nhân cơ hội này, thi sĩ Đinh Hùng trình bày với ông Thái Văn Kiểm về trường hợp của Ban Tao Đàn. Tân Giám Đốc Thái Văn Kiểm nói, làm đơn theo thủ tục, ông sẽ căn cứ vào đó, hầu có thể cho xếp lại chương trình.

Tiếc thay, mọi việc chưa ngã ngũ thì, ông Thái Văn Kiểm đã bị ông Nguyễn Ngọc Linh thay. Một lần nữa đường hướng hoạt động lại đổi khác. Vấn đề Ban Tao Đàn coi như được… “cất kỹ!”

Ở thời điểm này, hoạt động của đài Sài Gòn dành ưu tiên cho vấn đề quốc sự. Nên ý định ban đầu của thi sĩ Đinh Hùng là: “Đặt các vấn đề về đường hướng thi ca,” không thực hiện được! Tác giả “Mê Hồn Ca” còn cho biết thêm: “Ngay cả việc cho trình bày các thi phẩm cũng gặp rất nhiều trở ngại. Lý do, tôi chủ trương chú tâm tới khía cạnh nghệ thuật và văn chương… Trong khi những người nắm vận mệnh đài, lại chú trọng tới khía cạnh cách thời cuộc!…”

Cuối cùng, phạm vi sinh hoạt của Ban Tao Đàn, phải thu hẹp trong khuôn khổ ngâm nga, nhận định lẻ tẻ về một vài thi phẩm, một vài nhà thơ! Thỉnh thoảng thi sĩ Đinh Hùng cũng chọn ngâm dăm ba bài thơ cổ hoặc, tiền chiến, theo yêu cầu của thính giả. Khi Ban Tao Đàn có sáng kiến giới thiệu những nhà thơ mới cùng tác phẩm của họ, ông nhấn mạnh, ông đã bị dư luận xì xầm ít nhiều!

“Nhưng, chỉ cần một vài người hiểu chủ tâm giới thiệu những tài năng thi ca mới của tôi, với riêng tôi cũng đủ bù đắp, lấp đầy những điều tiếng ghen ghét, tỵ hiềm của kẻ khác!” thi sĩ Đinh Hùng tâm sự.

Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì, giữa kỷ nguyên cơ khí, chiến tranh khốc liệt, giữa khi những giá trị thiêng liêng ngày càng bị mất giá! Giữa khi mãnh lực của đồng tiền, nhu cầu vật chất tiến gần địa vị độc tôn, thì sự có mặt của Ban Tao Đàn (cũng như những ban thi văn khác) trên đài phát thanh quả là cần thiết. Mà đóng góp của thi sĩ Đinh Hùng, chính là bước khởi đầu. Bước tiên phong. Ông là người thứ nhất mở một sinh lộ mới, cho thi ca đến với đại đa số quần chúng. (Du Tử Lê)


Chú thích:

(1) “Tự Tình Dưới Hoa” được cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương soạn thành ca khúc với nhan đề “Mộng Dưới Hoa.” Năm 1990, cơ sở Vincent and Company đã thực hiện tuyển tập nhạc “Mộng Dưới Hoa – 20 bài thơ phổ nhạc của Phạm Đình Chương,” họ Phạm đã ghi nơi trang 3, nguyên văn như sau: “Sau nhiều năm xa cách, gặp lại Đinh Hùng trong làn sóng di cư vĩ đại từ miền Bắc vào Nam. Cộng tác với ông trong chương trình Thi Nhạc Giao Duyên của đài phát thanh Sài Gòn, những lúc rảnh rỗi thường cùng nhau đàm đạo về Thi Ca. Viết ‘Mộng Dưới Hoa’ năm 1957, nguyên bài thơ mang tựa đề ‘Dưới Hoa Thiên Lý.’”

Tưởng cũng nên nói thêm, nhan đầu tiên của bài thơ là “Dưới Hoa Thiên Lý,” khi in thành sách, thi sĩ Đinh Hùng đã cho nó một tựa mới là “Tự Tình Dưới Hoa.”

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT