Thursday, April 18, 2024

Đinh Phụng Tiến, ‘minh họa’ khẩu hiệu tuyên truyền, thành ngữ mới?

Du Tử Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Tôi không biết tác giả tập truyện “Kẻ Thắng Cuộc” Đinh Phụng Tiến có cố tình dành nhiều định nghĩa mới; hay mượn những sự kiện có thật, xảy ra trong trại tù, để minh họa cụ thể cho những cụm từ mang tính khẩu hiệu, tuyên truyền của nhà nước CSVN?

Như những cụm từ “Ba dòng thác cách mạng,” “Cách mạng hồng,” “Lao động là vinh quang,” “Chủ nghĩa tư bản rẫy chết,” “Chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt,” “Học tập cải tạo”… Hay ông chủ tâm dùng tinh thần diễu nhại để ghi khắc một cách sống động phần nào bức tranh xã hội chủ nghĩa, thời khắp đất nước mọc lên rất nhiều nhà tù mang tên “trại cải tạo?”

Cụ thể, trong truyện ngắn “Cách Mạng Hồng,” nơi trang 71, tác giả viết: “Thuở ấy, những trại tù được dựng lên gấp gáp từ Bắc chí Nam. Ở miền Nam hầu như không một gia đình nào là không có người bị đi học tập cải tạo vì có dính líu với chế độ cũ. Ở miền Bắc cũng ít có gia đình nào không có người vào trại với nhiều tội danh khác nhau: Những ‘con phe,’ ‘đánh quả,’ ‘đột vòm,’ phát ngôn bừa bãi, chôm chĩa hàng của hợp tác xã, lang thang buôn bán…”

Đinh Phụng Tiến mỉa mai rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa tự hào là một xã hội ưu việt vì nhờ năng suất lao động cao. Mà cao nhất là ở những trại tù. Ở đấy chính quyền chẳng những đã không phải trả lương cho lao động, mà chi phí lại cực thấp. Chưa kể chính quyền (kẻ thắng cuộc), lại còn có thể thúc ép lao động bằng các biện pháp mạnh mà luật pháp cho phép. Các xã viên trong các hợp tác xã không được như vậy, họ rất chây lười, chỉ lo cải thiện riêng.

Trong truyện này, ngoài nhân vật chính được phóng lớn là “đám đông” tù cải tạo, còn có một nhân vật thu nhỏ, tên Xuân, được tác giả mô tả, nhắc tới như nạn nhân đáng thương của một trong hàng trăm bi kịch gia đình vỡ nát bởi phe thắng cuộc cột vào cổ đám tù nhân phe… thua cuộc.

Bi kịch tiêu biểu này bắt đầu với nhân vật tên Xuân bị bệnh nặng, được đưa lên bệnh xá. Kết quả ông ta có được hai ngày ăn cháo và, mỗi ngày uống hai viên thuốc “Xuyên tâm liên”…

Theo tác giả thì “Xuyên tâm liên” là một thứ thuốc dân tộc, giống như cơm khô giã nhuyễn, ép lại (không biết chữa được những bệnh gì?)… Tuy nhiên, cuối cùng nhân vật tên Xuân cũng thoát khỏi trận đau tinh thần, và thể xác khá nặng nề, nguy kịch.

Tôi không biết đó là may mắn hãn hữu, hay bất hạnh vực thẳm của người tù cải tạo tên Xuân? Ông sống sót, trở về, trở thành nhân vật chính của chương “Hồi Kết Không Có Hậu” của tập truyện “Kẻ Thắng Cuộc” của Đinh Phụng Tiến?

Tôi thực sự không biết và, cũng không dám có kết luận cho riêng mình về những trang sách cuối đó. Vì, trước khi cuốn sách được khép lại, nó lại mở ra một bi kịch khác – như chiếc bóng đen tối, đeo theo người tù “cải tạo” nếu không tới kiếp khác… thì cũng phải hết phần đời còn lại nơi kiếp này! Kết luận cho chương truyện này, tác giả viết: “Người Cộng Sản không sợ phải xây thêm nhà tù. Nhà tù là một đơn vị kinh tế hiệu quả nhất, lại có tính răn đe xã hội.”

Nơi truyện ngắn tựa đề “Dàn Hợp Xướng Tung Hô Lãnh Tụ,” tác giả cũng đề cập tới sự tương tác hữu cơ giữa cái đói của tù nhân và, tinh thần “sáng tạo” độc đáo của ban lãnh đạo trại tù như sau:

“Do quá đói nên một vài ‘trại viên’ có sáng kiến không ăn sáng nữa. Để dành miếng bột luộc tiêu chuẩn ‘lưỡi mèo’ đến trưa, ăn cùng một lúc, hầu thấy nhiều hơn… Cũng có ‘trại viên’ đề nghị nhịn ăn cả sáng lẫn trưa, để ăn cùng với suất chiều cho có cảm tưởng nhiều hơn nữa!

Nhưng thực tế, khi bạn phải gồng mình nhịn đói suốt một ngày với ‘chỉ tiêu’ phải đạt được là ‘hạ gục’ 20 cây cầu, là một ảo tưởng ‘vĩ đại’ hay, một lạc quan không thể ‘khủng’ hơn…”

Tác giả “Kẻ Thắng Cuộc” lý luận rằng, cũng như con tim, cái dạ dày có lý lẽ riêng của nó. Bất chấp mọi quy luật  tâm lý và vật lý. Nó chỉ tuân theo quy luật sinh tồn.

Đinh Phụng Tiến “bảo vệ quyền sống” của dạ dày với lập luận: “Nó réo gọi, lên tiếng bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Thời đại ngày nay là thời đại của ba dòng thác cách mạng. Từ Châu Á, Châu Phi đến Châu Mỹ La Tinh đang sôi sục tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cái dạ dày bỏ qua mọi xu thế tất yếu này mà đòi được ăn đủ…” (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 30, 31).

Về cái gọi là… “sáng kiến” nhịn đói của tù cải tạo, được Đinh Phụng Tiến kể lại rằng: “Trong một buổi họp hằng đêm, một tù ‘cải tạo’ đã đề nghị với ban Quản đốc trại giam là không phát nữa suất ăn sáng, để gộp chung với suất ăn trưa thì cái… ‘bánh’ buổi trưa sẽ to hơn. Ý kiến này, được nhiều bạn tù hưởng ứng so với hai ý kiến khác.”

Nhưng, tác giả tập truyện “Kẻ Thắng Cuộc” cho biết, cục bột luộc buổi sáng quá nhỏ! Nó chỉ đủ sức khiến cái dạ dày trống rỗng sau một đêm dài, thêm “trống trải” hơn mà thôi…

Cuối cùng “đề xuất” vừa kể được trình lên cấp cao hơn. Ban quản đốc trại giam phản hồi mau chóng với một cuộc tập họp ở sân trại tù.

Một cán bộ trại giam mở đầu cuộc họp bằng bài “diễn thuyết” thao thao bất tuyệt về những… “chiến thắng vang dội thế giới” của phe Cộng Sản trước phe tư bản bóc lột. Cán bộ này cũng không quên nói tới viễn ảnh, ngày mai tươi sáng, khi chủ nghĩa xã hội toàn thắng khắp địa cầu. Sau đó, ông ta mới trở lại mục tiêu của học tập cải tạo. Ông giải thích: “Cải tạo con người thông qua lao động là thước đo mức độ cải tạo trên căn bản vật chất làm chủ tinh thần (?) Tuy nhiên, ông cũng xác nhận, ban giám đốc trại đã nghiên cứu kỹ ‘đề xuất’ gộp hai suất ăn làm một của ‘trại viên.’ Ông nói: ‘Chúng tôi biết các anh ăn như vậy là chưa no, nhưng không đói. Dứt khoát không đói. Chỉ chưa no thôi…’” (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 31).

Vì thế nếu theo đề nghị của tù “cải tạo” gom hai suất ăn làm một là nối giáo cho… CIA. Là tiếp tay với bọn thù nghịch nước ngoài,  đang ra sức nói xấu… “cách mạng.” Chúng sẽ tuyên truyền rằng “chế độ ưu việt” của ta, không cho tù nhân ăn sáng! Trong khi thực tế, tù nhân được ăn đủ ba bữa sáng, trưa, chiều tối.

Tới đây, bất ngờ trong đám tù “cải tạo,” có một tiếng nói nhỏ thôi, nhưng đủ để mọi người nghe rõ là…:

“Vậy thì chia làm 5 bữa đi!”

Cán bộ quay ngoắt  về nơi phát ra lời nói ấy, hỏi: Anh nào vừa phát ngôn thế?

Toàn thể im lặng. Một im lặng nặng nề. Căng thẳng. Cán bộ lớn tiếng, gay gắt hơn, bảo ai nói, giơ tay lên…!

Thật cương cường, một người tù gầy, yếu thản nhiên đứng lên, bước ra khỏi hàng. Cán bộ ra lệnh cho vệ binh giải người tù đó xuống phòng kiên giam, chờ lệnh… Hai vệ binh bước tới, trói thúc ké hai tay người tù can đảm này, xong dẫn ông đi.”

Đinh Phụng Tiến viết: “Chúa ơi! Cách mạng bảo đóng cho một tháng hay mười ngày tiền ăn chứ có bảo đi học tập một tháng hay mười ngày đâu. Cách mạng bảo sẽ tăng khẩu phần ăn từ một thành hai ‘cái bánh’ chứ có nói tăng lượng bột mì luộc lên gấp hai đâu. Bất chợt, như dàn hợp xướng tung hô lãnh tụ cất vang tiếng hát. Có tiếng chim kêu ‘Bắt cô trói cột’ buồn bã.’ ” (“Kẻ Thắng Cuộc” trang 32). (Du  Tử Lê)

Cảnh báo đi du lịch, đột nhiên bị đưa vào bệnh viện, bị tính $16,000

MỚI CẬP NHẬT