Thursday, March 28, 2024

Đọc một truyện ngắn hay, ‘Bún Chả’ của Ninh Kiều

Trần Doãn Nho/Người Việt

Tình cờ tôi đọc được truyện ngắn này trên Internet, tựa đề “Bún Chả” và tác giả là Ninh Kiều. Truyện không có gì éo le, gay cấn. Cũng chẳng lồng vào một tư tưởng nào cao siêu về nhân sinh, thế sự. Mà chỉ là những chi tiết đơn giản, bình thường, thậm chí rất tầm thường.

Nhân vật chính là bà Mẹ (viết hoa), không có tên. Năm 1949, để tránh chiến tranh, bà mẹ vào Sài Gòn đưa ông bố, tức là chồng và đứa con trai qua Pháp sống, sau đó, trở về Hà Nội để trông cửa hàng, nuôi ba đứa còn ở lại, đồng thời nuôi cả hai bố con bên Tây trong khi chờ ngày hòa bình để hai bố con trở về đoàn tụ như đã hứa hẹn. Năm 1954, chia đôi đất nước, họ không về. Bà mẹ thông cảm, vì chưa có gì bảo đảm là đã hết chiến tranh. Nhưng rồi đến năm 1975, chiến tranh chấm dứt hẳn, họ cũng không về.

Thế là bà mẹ buộc lòng phải tự mình khăn gói bay từ Hà Nội qua Paris thăm chồng và con, đúng ba mươi mốt năm sau ngày cả hai rời bến cảng nhà Rồng. Bố cũng như con viện cớ bận, không đi đón. Đã thế, vì con đã có gia đình, mà chồng cũng có gia đình, lấy một bà vợ Pháp, không thể ở chung được với ai, nên bà mẹ đành phải nhờ bà chị, vừa đón rước ở sân bay vừa cho ở trong nhà.

Không có phương tiện đi lại, lại cũng chẳng biết mô tê gì ở một thành phố đông đúc và xa lạ, muốn thăm hai người, bà mẹ chỉ biết lập đi lập lại chuyến hành trình “xuống lầu, đi bộ một quãng, lên xe buýt, xuống xe điện ngầm, đi bộ một quãng, rồi leo bốn tầng lầu” để gặp bố hoặc con; gặp xong, thì lại “xuống lầu, đi bộ một quãng, xuống xe điện ngầm, lên xe buýt, đi bộ một quãng, rồi leo lên tầng ba thì về đến nhà.” Lần nào cũng như lần nào, một trong những thứ mà bà không quên mang theo là món bún chả. Vì đó là món ăn mà cả hai bố con đều rất thích khi còn ở Hà Nội.

Trước hết, đi thăm con. Lần đầu, gọi điện thoại hẹn, khi đến nơi thì không gặp vì con đợi lâu quá phải đi. Lần sau, không cần hẹn, người mẹ lại đi thăm. Lần này, được gặp, nhưng bị trách.

“‘Sao Mẹ không gọi điện báo cho con biết trước.’

Người Mẹ nghe có tiếng động trong phòng ngủ của Con nhưng giả điếc.

Mẹ hãy hiểu cho con con có cuộc sống của con.’

Người Mẹ lặng lẽ bày món bún chả lên một góc bàn.

Con ăn đi.’

Con tiễn Mẹ ra cửa: ‘Mẹ đến thăm con lúc nào cũng được nhưng phải báo trước.’

Người Mẹ vin tay vịn xuống lầu: ‘Đến thăm Con mà gặp lúc không tiện cho con thì Mẹ về không sao cả.’

Hôm khác Mẹ nhé’ và cửa đóng lại.”

Con thì thế, chồng thì sao? Cũng như khi đến thăm con, thăm chồng, lúc nào người vợ cũng xách giỏ bún chả. Phiền là lần nào cũng thế, gặp được chồng, lại gặp cả vợ của chồng.Thành thử, cuộc sum họp vợ chồng trở thành một cuộc gặp gỡ buồn cười, không như ý bà mẹ.

“…trong buổi viếng thăm đầu tiên người Mẹ cũng được mời nước một cách lịch sự song những lần sau đó thì người Mẹ nhất định từ chối khéo vì thấy phiền hà chủ nhà quá. Nào ông chủ nhà phải đứng lên, kéo mặt kính tủ gỗ chưng các thứ bát đĩa, ly tách sắp xếp thứ tự đẹp mắt, để tìm cho ra bộ tách theo sự hướng dẫn của bà chủ nhà. Bà ấy quay lưng lại cái tủ gỗ mà vẫn hướng dẫn ông ấy rành mạch như chính mắt mình đang nhìn thấy. Khi ông chủ nhà lấy đúng cái bộ tách dành riêng cho khách, lấy đúng cái muỗng phù hợp với bộ tách nầy thì nghe tiếng bà chủ: ‘Bây giờ ông chỉ còn mỗi một việc là đun nước và đem nước ra cho tôi, sau đó thì mọi thứ tôi sẽ lo vì ông biết rõ là ông không thể nào trả lại đúng chỗ của nó, bộ tách nầy.’ Ông chủ nhà vào bếp nấu nước rồi mang cái phích nước nóng ra để trên bàn trước mặt bà ấy để bà ấy làm nốt công việc còn lại, trong yên lặng.”

Nhưng người mẹ vẫn không tỏ dấu nản lòng. Lần khác, không cần hẹn, bà cứ mang bún chả đi thăm, thì bị ông chồng trách sao đến mà không báo trước. Trách thì trách, người vợ cứ bày bún chả lên bàn cho chồng ăn. Lại bị trách, vì bây giờ, ông chẳng thích bún chả nữa. Không sao. Bà cảm thấy dễ chịu, thoải mái vì đây “là lần đầu tiên, từ hôm từ Hà Nội qua Paris đến giờ, hai vợ chồng mới ngồi riêng được với nhau, không có người thứ ba, không phải nghe tiếng Pháp.”

“Lần nầy chỉ có mỗi hai người, tự nhiên người Mẹ bạo dạn đứng lên đến xem từng tấm ảnh đóng khung treo trên tường.

Thế bao nhiêu ảnh tôi gửi sang cho hai Bố Con đâu rồi nhỉ?’

‘Đây nầy, cất giữ đầy đủ cả’

Người Mẹ quay lại và nhận ra ngay vật kỷ niệm trong tay ông Bố, đó là cuốn anbom đã theo hai Bố Con qua Tây. ‘Thế ông giữ anbom ở đây thì con nó có gì để xem.’ Ông Bố gắt ‘Thế bà muốn tôi trao cho nó để mất hết cả à.’

Thế rồi quá khứ kéo họ xích lại gần nhau, không ai mời ai, họ cùng ngồi bên nhau trên chiếc ghế dài để ôn lại khá khứ và ngắm đàn cháu của tương lai. (…) Nhưng rồi ông như người ngủ quên chợt giật mình thức giấc, hốt hoảng đứng lên: ‘Ấy chết, bà ấy sắp về rồi.’ Người Mẹ cũng đứng lên, đến ghế lấy áo khoác mặc vào, xách cái giỏ không đi ra cửa. Lần nầy ông bước hẳn ra ngoài hành lang, mở đèn, gọi thang máy cho bà, mở cửa thang máy cho bà, giữ cánh cửa thang máy và nói với bà đã đứng bên trong ‘Bà ấy là người tốt, lúc tôi lao phổi nhờ bà ấy săn sóc nếu không tôi đã chết,’ rồi đóng cửa thang máy nên không kịp nghe tiếng người Mẹ: ‘Thế ông thấy tôi có nên cám ơn bà ấy không?’”

Trong mười ngày còn lại trước khi rời Paris về Hà Nội, người mẹ đi thăm viếng chào hỏi từ giã nhiều người và tỉ mỉ thiết lập lại tuần tự theo thời gian quãng đời của hai bố con trong ba mươi mốt năm nơi xứ lạ quê người. Rồi mỗi tối về nhà, người mẹ lại tâm sự với bà chị họ tốt bụng và bao giờ cũng chặc lưỡi hối tiếc: “Biết thế tôi chả cho hai Bố Con đi. Thằng bé nhà tôi nên người nhưng tôi thấy nó thế nào ấy. Còn Bố nó thì chỉ lo trả cho xong cái nợ săn sóc lúc ốm đau đủ mất mẹ cả một đời người, còn mong gì trông với nhờ.”

Câu chuyện chỉ có thế. Đọc đi đọc lại nhiều lần, cũng chẳng tìm thấy điều gì cao siêu, sâu xa; cũng chẳng tìm thấy tiếng khóc, nụ cười hay vẻ đăm chiêu, sự xúc động hay nỗi tiếc nuối của bất cứ nhân vật nào. Tác giả chỉ có mỗi một việc: diễn tả con người và sự việc y như chúng đã diễn ra, không mất công thêm thắt, pha chế, cũng chẳng cần biện giải hay suy đoán điều gì. Nhưng đọc xong, tôi cảm thấy bồi hồi, rất bồi hồi, tìm thấy tấm lòng vừa bao la, rộng lượng lại vừa sâu sắc của một người mẹ Việt Nam phải sống và chịu đựng một hoàn cảnh khá éo le, hậu quả của một giai đoạn lịch sử vô cùng bi thương của dân tộc.

Cuối cùng, người mẹ/người vợ trở về lại quê nhà, một mình, chẳng mang được gì, ngoài một số ý nghĩ “vớ vẩn” của người phụ nữ rất Việt Nam đó trong đoạn cuối của truyện, sau một chuyến viếng thăm lặng lẽ và buồn bã:

“Giá cứ mỗi khi sắp đánh nhau thì cứ phải hội các bà mẹ tất cả phe xem ý kiến các bà như thế nào, nhỉ! Mà cũng lạ thật, thường đánh nhau vì…, vì cái gì nhỉ, à… à… vì danh dự, chết vì danh dự. Đấy là tôi chuyện chung chung, không phải chuyện xứ mình, các ông ạ. Đàn bà chả thấy ai chết vì danh dự, các ông thì khối, vợ con có phải chết theo cũng được… thế đàn bà không có danh dự à. Có chứ nhưng nó chả được chiếu cố ưu tiên thế thôi. Có những thứ ưu tiên hơn, hơn… cái danh dự. Nói thật bụng thì các ông mắng cho chứ phải bán trôn nuôi con tôi cũng bán đấy.”

Thật đáng suy gẫm! (Trần Doãn Nho)

———
Tài liệu:
“Bún chả,” xem www.diendan.org/sang-tac/bun-cha

Nhận quà là vé số kiến thiết, hai người ở Kon Tum trúng độc đắc

MỚI CẬP NHẬT