Thursday, March 28, 2024

Tổ đờn ca tài tử là nhạc quan triều đình nhà Nguyễn

Ngành Mai/Người Việt

Tổ đờn ca tài tử là cụ Ba Đợi, tên thật Nguyễn Quang Đại, vốn là một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn.

Sau ngày thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, từ giữa cuối thế kỷ XIX, triều đình Huế mất dần chủ quyền. Ông tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Cần Vương tan rã, ông buồn nản, bỏ quan vào Nam sinh sống, cư ngụ tại vùng Tân Định, Đa Kao, Sài Gòn. Vốn giỏi nhạc cùng đình, ông trích lấy bài bản để dạy học trò.

Về sau, để thích ứng với tình cảm của người đất Nam Kỳ, ông cải biên lại một số bài bản của “nhã nhạc” miền Trung, chấn chỉnh dần hơi điệu.

Những học trò của cụ Nguyễn Quang Đại thì nhiều lắm. Lớp học trò tiền bối một thời vang danh ở Sài Gòn như Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Cao Hoài Sang, Sáu Thới, Tư Bường, Chín Chiêu… Cũng như các thế hệ thứ hai, thứ ba với những Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Kỳ, Sáu Tửng, Bảy Hàm, Tư Huyện… đã đi vào lịch sử ca nhạc tài tử miền Nam.

Nhưng cuộc đời của nhạc sư Ba Đợi, cuối cùng rồi cũng ra đi trong sự nghèo khổ cùng cực. Quan tài của ông được chuyển đi trên một chiếc xe song mã, buồn bã tiến về phía Rạch Cát, thuộc quận 8, Sài Gòn. Trải bao thăng trầm thế sự, mồ mả của ông hiện nay cũng không còn dấu vết, coi như xiêu mồ lạc mả. Giáo Sư Thinh (trường Quốc Gia Âm Nhạc) có kể lại ngày mất của ông Nguyễn Quang Đại là 19 Tháng Giêng Âm Lịch, nhưng không nói rõ năm nào.

Mãi đến năm 1994, Câu Lạc Bộ Ca Nhạc Tài Tử Quận 8 lần đầu tiên đứng ra tổ chức lễ cúng giỗ cụ Nguyễn Quang Đại rất long trọng tại Nhà Văn Hóa Quận 8 vào ngày 19 Tháng Giêng Âm Lịch. Đông đảo văn nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ đến dự. Ngoài ra còn có anh em tài tử ở Bình Dương, Biên Hòa, Long An, Cần Đước, Cần Giuộc, Hóc Môn góp mặt đông đảo.

Hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc thời Pháp thuộc tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An, nơi mà ngày xưa cụ Ba Đợi truyền nghề cho nhiều môn đệ về nhạc lễ và nhạc tài tử. Do vậy mà kể từ năm 1996, ban quý tế đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) hằng năm tổ chức trọng thể lễ húy kỵ nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Nhiều bài tham luận cũng như phát biểu ý kiến làm sáng tỏ công lao của cụ đã được đọc trong các dịp này.

Hồi năm 1994, linh vị của cụ Nguyễn Quang Đại được thờ tại Nhà Văn Hóa Quận 8. Nhưng đến năm 1996, linh vị được hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc rước về thờ vĩnh viễn tại đình Vạn Phước.

Một thế kỷ trôi qua, kỷ vật duy nhất của cụ Nguyễn Quang Đại còn để lại là chiếc ống tiêu, cụ mang từ Huế vào Nam. Cụ trao kỷ vật này cho một học trò ruột là ông Lại Văn Thới (thường gọi là nhạc sĩ Sáu Thới). Ông Sáu Thới qua đời, con ông tiếp tục giữ gìn kỹ lưỡng và sau cùng người cháu nội ông Sáu Thới là ông Lại Văn Bửu hồi năm 1994 đã trao kỷ vật này cho Nhà Văn Hóa Quận 8 để thờ bên cạnh linh vị cụ Nguyễn.

Xuất phát từ cội nguồn văn hóa Thăng Long, Phú Xuân, âm nhạc truyền thống xuôi chảy về phương Nam theo những chặng đường khẩn hoang, lập ấp của tiền nhân.

Nếu có người đặt câu hỏi: Nhạc tài tử miền Nam từ đâu mà có? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng: Nhạc lễ miền Nam được chấn chỉnh từ nhạc cung đình Huế. Nhạc tài tử miền Nam xuất phát từ nhạc lễ. (Ngành Mai)



Lễ cúng tổ đờn ca tài tử

Lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, 8 Tháng Hai (tức 23 Tháng Chạp Âm Lịch), sẽ có buổi lễ cúng tổ đờn ca tài tử do Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Đây là lần đầu tiên ở hải ngoại có buổi cúng tổ đờn ca tài tử. Ban tổ chức xin mời tất cả giai nhân tài tử, khán giả và thân hữu đến tham dự niệm hương vị tổ đã khai sáng nhạc tài tử miền Nam.

Ban tổ chức cũng nhận được sự ủng hộ lễ cúng tổ đờn ca tài tử của các mạnh thường quân: nghệ sĩ Đỗ Thanh $300, ông Nguyễn Văn Lực (phó hội trưởng) $200, bác Giang (khán giả) $100, nhà thơ Hàn Ly Hương $20, ca sĩ tài tử Thanh Nương $50, ca sĩ tài tử Ngọc Điệp $50, ca sĩ tài tử Hồng Thanh $50, bà Trương Thị Yến (hội cổ nhạc) một con heo quay.

Lễ cúng tổ đờn ca tài tử trùng với ngày đưa Ông Táo về Trời của nhân gian. Sau phần cúng tổ là sinh hoạt đờn ca như thường lệ vào Thứ Năm hằng tuần.

Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thành phố tình yêu Venice”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT