Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 142)

Tạ Phong Tần

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam

Tôi ở chung với Đội 10 khoảng năm sáu ngày, chiều nào tụi nó đi lao động ngoài xưởng về tôi cũng lân la hỏi chuyện tụi nó. Trong phòng này chia làm hai loại tù: Loại thứ nhất là bọn nịnh bợ cán bộ công an để lập công, đó là con nhỏ đội trưởng Nguyễn Thị Ngọc Hà, những đứa còn lại đều vô một loại là căm ghét bọn công an, nay nghe nói tôi là tù chính trị “can tội chống nhà nước” thì tụi nó “xả” cho tôi nghe đủ thứ chuyện thúi tha trong trại này có “đính kèm” chửi bới, nguyền rủa cầu cho bọn công an “bị tông xe chết hết đi.” Không phải bọn này nó anh hùng gì, mà phòng này toàn tù nhân án ngắn, phần lớn đều sắp hết án về nhà rồi, nên tụi nó không cần “đóng vai hiền” để mong giảm án nữa, có “hiền” hay “quậy” thì bọn công an cũng không còn đem chuyện “kỷ luật,” “không giảm án” ra hù dọa nó được nữa.

Đội 10 làm công việc cạo hột điều. Tức là lấy con dao nhỏ cạo cho sạch vỏ chung quanh hột điều cho tróc hết lớp vỏ lụa bên ngoài, hột điều trở nên trắng hết được. Mới lên trại học làm thì giao cho cạo một ngày bảy ký lô một ngày, sau khoảng nửa tháng thì tăng lên mười lăm ký lô một ngày. Ai cạo không nổi thì bị kiểm điểm, kỷ luật (tức là nhốt vô xà lim), không được xét giảm án. Tụi nó nói xưởng làm việc ẩm thấp, tối tắm, mái lợp tôn thấp lè tè, nóng hừng hực, tù nhân phải tự bỏ tiền ra mua quạt máy, mua bóng đèn neon gắn lên chỗ ngồi của mình quạt cho đỡ nóng mới ngồi làm việc được, nếu không thì nóng chịu không nổi. Tôi hỏi mua bằng cách nào, tụi nó nói kêu người nhà gởi tiền cho cán bộ quản giáo mua dem vô xưởng lao động, dĩ nhiên không phải mua không mà phải “biết điều,” tức mỗi lần người nhà thăm nuôi phải lót tay cán bộ quản giáo ít nhất ba trăm ngàn đồng, nhà nào khá giả mỗi lần “phong bì” cho cán bộ vài triệu đồng thì muốn đem vô trại giam món gì cũng có.

Có lần, vừa từ ngoài xưởng hột điều về phòng giam, con Sang kêu tôi lại, nó thò ngón tay vô lỗ mũi nó ngoái một cái rồi đưa ra cho tôi coi, nó nói:

-Ngày nào con về cũng vậy, ho khạc ra đàm đen thui đó cô.

-Sao không đeo khẩu trang? -Tôi hỏi.

-Không đeo được, đeo khẩu trang nóng, ngộp thở chịu không nổi. -Con Sang nói.

-Vậy bịnh rồi làm sao? -Tôi hỏi tiếp.

-Thì phải chịu vậy chớ sao, con ngày nào cũng ho khạc ra đàm đem thui. Ráng vài tháng nữa con về rồi, mấy người án dài kìa, mới bị bịnh nhiều. Xương bụi bay mù mịt, nhìn thấy mờ mờ như là khói. -Con Sang nói.

-Không ai đòi phải cải thiện điều kiện lao động tốt hơn sao? -Tôi hỏi.

-Làm gì có ai dám nói. Ai cũng cố nín trông cho được giảm án để về sớm. -Con Sang nói.

Tôi hỏi thêm những đứa khác nữa thì đứa nào cũng nói giống y như con Sang.

Tôi công nhận mấy đứa trong phòng này nói đúng, không phải tụi nó nói mà tôi tin liền, vì tôi đã nhìn thấy trong trại giam này có một vài tù nhân thuộc loại “có máu mặt” chuyên bán đồ tạp hóa dạo trong trại một cách công khai dù nội quy trại giam là cấm tù nhân buôn bán. Bọn họ rủ tôi mua cái kiếng soi mặt nhỏ bằng miệng cái chén nhỏ, thứ này mua ngoài chợ khoảng chừng từ ba đến năm ngàn đồng một cái, nhưng ở đây giá năm chục ngàn đồng. Son môi loại thường giá vài trăm ngàn đồng một cây tùy nhãn hiệu, trong khi mua ngoài chừng vài chục ngàn một cây là cao. Một đôi giày hàng chợ vài chục ngàn đồng ở đây nó bán một trăm rưỡi ngàn đồng. Kim may quần áo mười ngàn đồng một cây, lúc trước tôi mua ở chợ Tân Định, quận 1, Sài Gòn một gói kim gần hai chục cây có bốn ngàn đồng. Một cái giỏ nhựa nhỏ có quai xách chợ Bà Chiểu bán mười mấy ngàn đồng một cái thì ở đây nó hét giá tám chục ngàn đồng, v.v…

Nói chung là thứ gì cũng đội giá gấp mười lần trở lên. Tôi hỏi trả tiền như thế nào, tụi nó nói ai không có tiền mặt xuống căn-tin trại mua đồ khác trả lại bằng giá. Tụi nó nói ở đây không cho xài kiếng soi mặt, kim may quần áo nên vài hôm bọn công an chúng nó lục soát lấy hết thì mình lại mua cái mới. Tôi lại hỏi cái mới ở đâu ra, nó tủm tỉm cười nói thì công an đem vô đưa tụi nó bán chớ ở đâu ra. Tôi nói tôi không xài son phấn nên không có nhu cầu soi cái bản mặt của tôi, ở trong tù càng xấu càng tốt, mua kiếng làm chi, lâu lâu mượn của ai đó ngó một cái được rồi, hay là chạy lên Phòng Y Tế coi kiếng cũng được. Bọn bán đồ nghe tôi nói thì lắc đầu mà cười, vì ở đây phần lớn tụi tù nữ đứa nào cũng nhịn ăn mà để dành tiền mua son phấn bôi trét lên mặt, quần áo kiểu cọ, giày cao gót đi mỗi ngày, làm gì thì không nói ra nhưng ai cũng hiểu. Tụi nó mặc bộ quần áo của nó ở trong, mặc bộ đồ sọc của tù ở ngoài, ra đến xưởng lao động nó cởi bộ đồ sọc ra, chỉ mặc bộ đồ mỏng của tụi nó thôi.

(Còn tiếp)