Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 147)

Tạ Phong Tần

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam

Mấy ngày sau tôi đi ra phòng y tế lấy thuốc uống thì gặp con Hoa (nói giọng Bắc). Con Hoa là tù nhân lúc trước ở chung với tôi phòng của Ðội 10, chuyên cạo vỏ hột điều ở trên đầu. Nó gặp tôi thì khóc thút thít nói từ rày về sau “không dám ốm nữa.” Tôi hỏi tại sao? Nó kể mấy ngày trước nó bị sốt, đau đầu quá mới xin nghỉ đi lao động. Vậy là tất cả hơn chục đứa nghỉ bịnh hôm đó bị đem nhốt vào cái phòng giam nhỏ trong kẹt, gần căn-tin. Không có ai đưa cơm, vậy là nó nhịn đói, nhịn khát cả ngày. Những đứa khác có đem nước uống, đồ ăn theo thì có ăn, nó không có nên phải nhịn, mấy đứa kia thương tình chia cho một ít cơm, nước ăn đỡ đói. Tôi hỏi sao không kêu lên? Nó nói kêu hoài không ai lên tiếng, kêu một hồi mệt quá nghỉ kêu luôn. Tôi hỏi vậy chỗ nằm thì sao? Con Hoa nói sàn xi măng lạnh ngắt, vừa nóng vừa ngộp thở, ở trong cái kẹt đó không có gió thổi vô. Chiếu, mền phải vác theo trải nằm, chớ trong đó không có gì hết, dơ bẩn lắm. Tôi hỏi tiếp mấy giờ thì mở cửa cho về phòng giam của đội ăn cơm? Con Hoa nói đến năm giờ chiều, gần tới giờ lùa phạm nhân vô đóng cửa phòng giam tập thể mới mở cửa phòng giam bệnh nhân cho nó về phòng. Tôi nghe con Hoa kể mà máu sôi lên, tôi an ủi nó vài câu chớ biết làm sao.

Con Hoa này ở tù không có ai thăm nuôi, nhà nghèo “bần cùng sinh đạo tặc.” Lúc tôi còn ở chung phòng với nó thấy nó ăn cơm với muối mè chớ không có gì khác, mà muối mè cũng là đứa khác cho chớ cũng không phải của nó có, tôi mới cho nó thịt heo chà bông, tép rang muối, muối mè của tôi thì nó không dám nhận. Nó nói sợ cán bộ biết nó ăn đồ của tôi cho, cán bộ kêu tụi nó lên nói rằng không được qua lại thân mật với tôi.

Sáng hôm sau, tôi cũng lên phòng y tế lấy thuốc uống, tôi để ý thấy các phạm nhân bịnh nặng ngồi la liệt, người nào cũng ôm theo cái chiếu, cái gối, cái mền một đống sù sụ. Sau khi tất cả phạm nhân xuất trại đi lao động hết rồi thì những phạm nhân bịnh nặng có cán bộ y tế ký giấy cho phép nghỉ lao động được kêu tên điểm danh dẫn đi ra phòng nhốt người bệnh. Có nhiều người bịnh đi một mình còn không xong, lê lết từng bước mà phải ôm cái đống sù sụ đó đi theo. Tôi bèn đi theo phía sau coi cái phòng đó ở đâu, gần đến nơi tôi không vô mà quẹo qua căn-tin đứng, chờ cho con cán bộ trực trại khóa cửa xong đi ra tôi mới đi vô quan sát, thấy đúng y như lời con Hoa kể.

Nhờ vậy mới biết thủ đoạn dã man của bọn quản lý trại giam, có lẽ chúng cố tình hành hạ người bịnh như vậy để cho phạm nhân sợ, có bịnh mấy cũng phải ráng lết đi lao động kiếm tiền cho chúng nó.

Tôi đi ra gặp con cán bộ trực trại hỏi:

– Tôi nghe nói ngày đó ngày đó không đưa cơm cho tù nhân bị nhốt trong phòng bịnh để người ta nhịn đói? Cán bộ cho tôi biết có phải đúng vậy không?

Con cán bộ trực trại (khoảng hơn hai chục tuổi, tên gì quên rồi) trả lời:

– Hôm đó có kêu chị phạm nhân phụ trách quét dọn vệ sinh (có nói tên, tôi biết chị này cũng thuộc loại tử tế) đem cơm vô mà chị đó quên.

Tôi nói với con cán bộ:

– Tôi hy vọng là cán bộ nói đúng. Cán bộ đừng để tôi phải thất vọng về cán bộ.

Tôi lại đi ra kiếm chị phụ trách vệ sinh đó hỏi lại. Chị xác nhận với tôi rằng chị quên.

Tôi vừa cười vừa nói:

– Bà nội. Lần sau bà quên nữa cho con người ta chết đi. Bà còn quên nữa bà biết tay tui.

Chị cười, nói:

– Biết rồi, không quên nữa đâu.

Hôm sau nữa, con cán bộ trực trại kêu chị Hoa Mi Nơ trực sinh thông báo cán bộ muốn gặp tôi ở phòng tự quản. Tôi đi ra gặp thì nó nói:

– Ở đây ai cũng phải lao động hết, cho nên chị cũng phải lao động cải tạo như mọi người.

– Tôi không phạm tội nên không cần phải cải tạo. – Tôi nói.

– Thì chị cũng phải làm việc gì đó chớ. – Con trực trại nói.

– Tôi không biết làm gì hết trừ làm báo. – Tôi nói.

– Ở đây chị em phạm nhân cạo hột điều hoặc bóc vỏ hột điều. – Con trực trại nói.

– Tôi không làm, không phù hợp với sức khỏe của tôi. – Tôi nói.

– Vậy chị phụ với chị Hoa Mi Nơ làm vệ sinh phòng ở của các chị. – Con trực trại nói.

– Ừ, cái này thì được. – Tôi nói.

Sở dĩ tôi ừ luôn lẹ như vậy vì tôi nghe thằng Quách Tĩnh (hai-phai, tên thật là Quách Thị Mỹ Dung, nhà ở Sài Gòn) nói tất cả trực sinh ở trại này đều phải bỏ tiền túi ra mua chổi, thùng hốt rác, chất tẩy rửa, dụng cụ làm vệ sinh chớ trại giam không cung cấp. Ðứa nào không có tiền thăm gặp thì phải làm mướn, làm thuê cho đứa khác (lột vỏ hột điều, cạo hột điều, giặt quần áo, rửa chén, lau chỗ nằm… ) thì nó mua cho những thứ cần dùng làm vệ sinh.