Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 155)

Tạ Phong Tần

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam

Ngày 8 Tháng Ba, trại giam cho tù nữ nghỉ lao động một ngày, mời một lão ở Trung Tâm Văn Hóa huyện Xuân Lộc đến nói chuyện về quyền của phụ nữ và vài “ca sởi” ở trung tâm đó đến hát cho nữ tù nghe. Tôi nghe tụi nó nói lão này nói chuyện nghe hay lắm, năm nào cũng được mời đến nói chuyện nên cũng mò ra sân chung coi lão nói “hay” đến cỡ nào.

Tôi không còn nhớ lão này tên gì, cũng già rồi, nói giọng Bắc xoe xóe. Tưởng gì, lão “ca” mấy bài cũ rích về quyền phụ nữ theo “đường lối, định hướng” cả chục năm về trước, hết sức lạc hậu thời cuộc, có lẽ lão này lười đọc báo. Bọn ở tù lâu năm ở đây có biết gì về tình hình bên ngoài đâu, nghe lão nói cứ vỗ tay rầm rầm, còn tôi nghe lão nói thì muốn ói.

Một đứa ngồi cạnh tôi hỏi:

-Ổng nói hay quá mà còn tình cảm nữa, sao không thấy chị vỗ tay?

-Hay con mẹ gì. -Tôi nói. -Lạc hậu muốn chết, toàn chuyện cũ xì thời Hùng Vương còn cởi truồng. Tao nói còn hay hơn.

Con kia nghe tôi trả lời nín thinh luôn.

Đến màn “ca sởi” miệt vườn lên hát vài bài. Xong đến các nữ tù lên hát. Có chị Châu cồ, nguyên ca sĩ quán bar ở Sài Gòn, dính vô ma túy rồi vô đây, chị Châu lên hát quá chuyên nghiệp làm mấy “ca sởi” kia quê độ quá cuốn gói dông sớm.

Tôi bỏ đi vô phòng đọc báo. Một lúc sau, mấy đứa trong phòng tôi về, nói:

-Hồi nãy chị không ra coi, bà Ba già tặng hoa cho bộ Quang. Mọi người nhảy vui quá trời.

-Ngày 8 Tháng Ba đáng lẽ phải tặng hoa cho phụ nữ, phụ nam không tặng cho phụ nữ thì thôi, còn nhận hoa phụ nữ tặng nữa. Nếu là tao thì tao nhục lắm đó. -Tôi nói.

Qua hôm sau, báo Nhân Dân ra ngày 9 Tháng Ba năm 2013 đăng tin người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam chửi bà Hillary Clinton và ông John Kerry -ngoại trưởng Mỹ vì họ dám “can thiệp nội bộ Việt Nam” bằng cách trao danh hiệu “Phụ nữ can đảm thế giới” cho tù nhân Tạ Phong Tần. Đồng thời, lập lại cái câu cũ xì tôi nghe mòn lỗ tai mấy chục năm nay là “Ở Việt Nam không có tù chính trị, mà chỉ có người vi phạm pháp luật và bị xét xử theo pháp luật Việt Nam.” Tôi đọc xong tin đó cảm thấy vui quá, ngay lập tức đem tờ báo ra đưa cho chị Dung coi và dặn Dung phải giấu kỹ đi.

Sau đó, tôi gặp chị Khanh, nói cho chị Khanh biết tin đó nhằm mục đích để cho Khanh báo lại cho bọn công an, coi như mình cười vô mặt chúng nó và cái nhà nước Cộng Sản của chúng. Đúng như tôi dự đoán, khoảng mười lăm phút sau chị Khanh chạy xuống phòng giam kiếm tôi đòi tờ báo lại.

Tôi hỏi:

-Sao bữa nay đòi sớm vậy? Chưa đọc xong mà? Lý do gì? Bộ trại này chỉ có duy nhất một tờ báo đó hay sao?

-Cán bộ kêu lấy lại thì em đi lấy lại, chớ em đâu có biết tại sao? -Chị Khanh nói.

-Em cho một đứa ở trên lầu nó mượn đọc rồi. Để chiều em đi lấy lại cho. -Tôi nói.

Chị Khanh bỏ đi. Tôi đi lên căn-tin mua đồ, rồi ở đó loanh quanh nói chuyện này chuyện nọ khoảng ba chục phút mới trở về phòng giam của tôi. Về đến phòng, tôi nghe chị Tròn nói:

-Hồi nãy có cán bộ trực trại đến chỗ em lục lọi tìm kiếm, chị hỏi kiếm cái gì thì nói kiếm tờ báo.

-Rồi kiếm có không? -Tôi hỏi.

-Không có. Kiếm không thấy thì đi rồi. -Chị Tròn nói.

Tôi rỉ tai cho chị Tròn nghe tin tôi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vinh danh là một trong mười người “Phụ nữ can đảm thế giới.” Hai chị em vui mừng cười ha hả.

Hôm sau, tôi ra chỗ của Dung lấy tờ báo, Dung cũng đã kịp thời rỉ tai với những người “cảm tình viên” của mình biết tin này và cho họ mượn đọc nên ai gặp tôi cũng vui vẻ chúc mừng. Tôi đem tờ báo về phòng cắt lấy cái đoạn báo đó giấu đi. Khi nào có tù nhân nam qua khu bên này lao động làm việc nặng như xây dựng, kéo rác thì tôi lân la nói chuyện, thấy người nào có hiểu biết, quan tâm đến xã hội thì lúc vắng vẻ tôi đưa đoạn báo ấy ra cho họ coi. Tất nhiên số người như thế này không nhiều, nhưng đáng mừng là đọc xong họ cũng vui vẻ nói chúc mừng và còn cám ơn tôi nữa. Hỏi cám ơn chuyện gì, họ nói cám ơn tôi đã binh vực người nghèo.

Theo quy định, tù nhân được cấp mỗi tháng một người ba trăm gram xà bông giặt, nữ được phát băng vệ sinh quy ra tiền bằng giá hai ký rưỡi gạo thường, nhưng ở trại Xuân Lộc này nó không phát băng vệ sinh mà phát luôn tiêu chuẩn băng vệ sinh bằng xà bông giặt, như vậy, mỗi người được chia gần tám trăm gram xà bông bột. Xà bông nguyên bao mỗi bao năm chục ký loại “không có họ tên, địa chỉ” gì hết, giặt quần áo có bọt nhưng không sạch, tù nhân phải mua thêm xà bông Omo ở căn-tin trộn vô xài cho đỡ tốn mà giặt sạch quần áo.Còn băng vệ sinh nữ tù phải mua ở căn-tin, người nào có gia đình thăm nuôi kêu gia đình gởi vô hàng tháng. Nếu nhà nghèo mắc thêm “cái eo” băng vệ sinh này nữa vậy.

(Còn tiếp)