Thursday, March 28, 2024

Góc khuất của những tên tuổi nổi tiếng trong ‘Ký’ Đinh Quang Anh Thái

Du Tử Lê/Người Việt

Mới đây, nhà xuất bản Người Việt Books gửi tới độc giả, những người yêu chữ, nghĩa, tác phẩm mang tên “Ký” của nhà báo tên tuổi, Đinh Quang Anh Thái.

Ông được dư luận mô tả là rất giàu có vốn sống ở nhiều lãnh vực khác nhau, từ kinh nghiệm tù đày khi còn rất trẻ do những hoạt động mang tính chống phá nhà cầm quyền CSVN.

Ông cũng được mô tả là người có thâm tình đặc biệt với những nhân vật làm chính trị, cách mạng, cũng như văn học, nghệ thuật nổi tiếng của người Việt trong nhiều thập niên qua.

Điển hình là những bút ký của ông về những nhân vật tạm gọi là tiêu biểu cho thời đại chúng ta như nhà văn hóa, nhà cách  mạng Hồ Hữu Tường; nhà báo Như Phong/Lê Văn Tiến; Giáo Sư Tâm Việt/ Nguyễn Ngọc Bích, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện… Những người trẻ, thế hệ kế tiếp, nhưng cũng đã để lại những dấu ấn lớn như cố Bác Sĩ Hoàng Cơ Trường; anh hùng Trần Văn Bá; nhà báo Đỗ Ngọc Yến,… Về phía nhà văn, nhà thơ, người ta thấy tác giả đề cập tới những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Tất Nhiên, Bùi Bảo Trúc, Đoàn Kế Tường,…

Có dễ vì Đinh Quang Anh Thái từng “neo” sinh mạng mình ở những “bờ bến sinh tử” thời sự khác nhau, nên “Ký” của ông đã được chào đón với nhiều tin cậy, thiện cảm, giữa cảnh “chợ chiều” của sinh hoạt chữ, nghĩa ngày một thêm lạnh, nhạt, co cụm,…

Tuy nhiên, trước hết, chúng ta cũng nên hiểu “ký” là tên gọi chung của thể loại văn xuôi vốn gần với bộ môn báo chí hơn là thể loại truyện ngắn, truyện dài hoặc tiểu thuyết…

Nói chung, theo định nghĩa thì nội dung căn bản của ký sự, hồi ký hoặc bút ký thường thiên về ghi chép các sự kiện có tính cách cá nhân trong đời thường; mô tả và tưởng nhớ của tác giả về một quá khứ xa, gần nào đó mà “chính diện” thường là những nhân vật hay sự việc mà tác giả có mối liên hệ đặc biệt; hoặc đó là những trang văn xuôi ghi lại một (những) cảnh vật mà tác giả đã mắt thấy, tai nghe trong những chuyến đi của mình. Bút ký tái hiện người và sự vật xen kẽ nhau một cách sinh động, phong phú. Nhưng qua đó, người đọc biết được cảm nghĩ, quan điểm của tác giả qua từng trường hợp…

Tuy nhiên dù với khuynh hướng nào thì phạm trù của “ký” vẫn ở bên kia đường biên hư cấu, tưởng tượng. Và, một tác phẩm thuộc thể loại “ký” sẽ có giá trị đáng kể, nếu nội dung của chúng là những dữ kiện hoặc kỷ niệm của riêng tác giả đó.

Tôi nghĩ, thật hạnh phúc cho những độc giả của Đinh Quang Anh Thái qua tác phẩm “Ký,” khi tác phẩm này hội đủ những đòi hỏi, để “Ký” của ông, chẳng những là một “ký” đúng nghĩa mà, còn xót, buốt dữ kiện, cùng những cảm nhận cá nhân rất độc đáo của tác giả.

Hơn thế nữa, với tôi, khi tổng hợp 12 bút ký của Đinh Quang Anh Thái, trong tác phẩm “Ký” này, người đọc sẽ có được một tấm gương, phản chiếu mọi góc khuất của những tên tuổi cá nhân – hay phóng lớn những bi kịch của từng lớp người, đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội, mà khi ráp nối lại, tác phẩm sẽ cho chúng ta thấy cả một chiều dài nhân sinh, chiều dài lịch sử xương, máu buồn/vui một dân tộc, một tổ quốc. (Đó là một thứ “ký ức tập thể” theo cách nói của Carl Gustav Jung) (1)

Mở vào “Ký” của mình, nhân vật đầu tiên được Đinh Quang Anh Thái đề cập là “Bác Năm Tường ‘Phi Lạc Náo Chí Hòa,’” thời điểm Tháng Giêng, 1979, tại trại giam T20 Phan Đăng Lưu (Gia Định); khi ôngh được giới thiệu, “ra mắt” nhà văn nổi tiếng Hồ Hữu Tường, có đoạn:

“Một buổi sáng, kẻng vừa điểm, báo hiệu giờ làm việc của trại, công an quản giáo trại giam, tay cầm danh sách đến từng phòng đọc tên tù nhân phải chuyển trại. Không khí ồn lên như cái chợ. Tiếng ‘cục tác’ vang từ phòng này qua phòng khác. Hầu như mọi người ai cũng ngoác miệng kêu lên thành tiếng như gà sắp bị đem đi cắt cổ. Tiếng kêu truyền khắp nơi nghe như âm thanh một lò sát sinh.”

“Chả là tù nhân gọi những lần chuyển trại là ‘bắt gà.’ Hình ảnh người ta thò tay vào trong chuồng lùa bắt từng con gà đem đi giết lấy thịt gây ra sự hoảng loạn cho loài gia cầm này ra sao, thì cảnh của các trại giam mỗi khi có lệnh chuyển phòng, hay chuyển trại, cũng y như thế. Người đi ưu tư lo lắng, không biết rồi đi về đâu; người ở lại buồn bã, không biết ở là tội nặng hay đi là tội nhẹ.”

“Từ phòng 5 khu C2, tôi và một số người nữa bị chuyển sang phòng 2 khu A, nhập cùng tù nhân từ các phòng giam khác. Chuyến chuyển phòng lần này giúp tôi rút ngắn được hình phạt còng tay 90 ngày vì tội… đánh ăng ten.”

“Bước chân vào phòng giam mới, tôi vui mừng vì gặp lại hai bạn tù cùng ở với nhau những tháng trước đó nơi phòng 5 khu C1, là anh Hồ Chánh và anh Nguyễn Văn Lịch. Chưa kịp bỏ những vật dụng nhếch nhác của đời tù xuống đất, anh Lịch nắm tay tôi kéo về phía góc phòng và giới thệu tôi với một ông già mà mới nhìn, tôi biết ngay là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy: Hồ Hữu Tường. Anh Lịch nói, bác Năm, thằng Thái nè, nó chính là thằng ‘Giao’ mà anh Linh định đưa đến gặp bác Năm lúc chưa bị bắt đó…” (Ký, trang 25, 26) (Du Tử Lê)

———–

Chú thích:

(1) Carl Gustav Jung sinh ngày 26 Tháng Bảy, 1875, mất ngày 6 Tháng Sáu, 1961, là một bác sĩ tâm thần, một nhà tâm lý học Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng nhờ ông thành lập một trường phái tâm lý học mới có tên là “Tâm Lý Học Phân Tích” (analytical psychology) nhằm phân biệt với trường phái “Phân Tâm Học” (psychoanalysis) của Sigmund Freud.

Jung được xem là một trong các nhà tâm thần học hiện đại tiên phong trong cách nhìn nhận về hệ tâm trí người như là thứ có “bản chất tôn giáo,” và lấy đó làm trung tâm điểm cho mọi khảo cứu. Ông cũng nổi tiếng là một người chuyên nghiên cứu về biểu tượng học và phân tích giấc mơ. Mặc dù dành phần lớn thời gian cho việc trị liệu lâm sàng, nhưng Jung cũng viết nhiều công trình về các lĩnh vực khác có liên quan, như các tác phẩm về triết học phương Đông và phương Tây, về Giả Kim Thuật, thiên văn học, xã hội học, văn học nghệ thuật.

Jung khảo xét sâu xa về cái được gọi là “Thành Toàn Bản Ngã – Individuation” (phân biệt thuật ngữ này khác với “Individulism – Cá Nhân Chủ Nghĩa”), đây là một tiến trình tâm lý nhằm thống hợp các mặt đối lập của hệ tâm trí là vô thức và ý thức trên cơ sở vẫn giữ mối liên hệ “tự hành” tương đối của chúng, giúp một cá nhân trở nên Thành Toàn. Khái niệm này là hạt nhân lý luận của học thuyết tâm lý học phân tích.

Jung cũng tạo sinh ra rất nhiều thuật ngữ tâm lý khác, như nguyên mẫu, ký ức tập thể, phức cảm, đồng hiện (synchronicity – có phần giống với thuyết “đồng thanh tương ứng – đồng khí tương cầu.” Là những “ngẫu nhiên có ý nghĩa,” theo một cách thức Nhân-Quả phi tuyến tính như butterfly effect)… (Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư Mở/ Wikipedia).

Mời độc giả xem bình luận “Tháng Tư lại về”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT