Thursday, April 18, 2024

Hà Nội một thời văn đoàn

Viên Linh/Người Việt

Nhiều khi ngồi vào bàn viết mà không một chữ trong đầu, kinh nghiệm làm việc của tôi (ở đây là viết, là sáng tác hay biên soạn), là cứ bắt đầu đã, nghĩa là cứ nhấn từng ngón tay lên máy chữ.

1.

Sự cử động của hai bàn tay, của những ngón tay, tiếng gõ trên bàn phím của cái máy chữ Olympia cũ kỹ, tiếng sột soạt của mấy trang giấy sẽ thúc đẩy cái đầu suy nghĩ, trí nhớ động đậy, và nhìn vào khoảng trống của tờ giấy trắng: chữ đã xuất hiện; hay ít nhất trước mắt mình đã có vài dòng vài câu cho mình đọc.

Nếu không bắt đầu, không đánh vào chữ trên bàn máy, hay đánh chữ từ bàn máy lên trang giấy, thì làm sao chữ hiện ra như thế kia? Sau này chữ hiện lên nhanh hơn với cái máy computer.

Còn nhớ mấy năm sáu mươi của thế kỷ trước, hàng đêm trong ngôi nhà mái tranh vách gỗ nền gạch thuê trong hẻm Chi Lăng miệt Gia Định, hai người bạn, một trai một gái và tôi là ba, thức khuya trò chuyện và cuối cùng, làm thơ hay viết văn.

Họ là một đôi, riêng tôi một mình. Người bạn nhỏ hơn tôi năm sáu tuổi, cô bạn nhỏ hơn tôi một hai tuổi, cả hai thất nghiệp.

Đúng ra cô bạn chưa từng đi làm bao giờ, còn đang nửa chừng trung học Đệ Nhị cấp Đồng Khánh, cậu bạn đã bỏ học hoàn toàn từ năm học Đệ Ngũ tư thục Hàn Thuyên và sống quanh các tờ báo.

Còn tôi làm phóng viên thường trực cho một nhật báo ở Sài Gòn, đang lạc lõng vì người bạn gái dự trù sẽ cùng nhau lập gia đình thì dự định không thành – một cách nửa vui nửa buồn – nàng được học bổng Colombo bốn năm qua Canada du học, và tôi chưa biết sẽ như thế nào. Thấy rõ ngay rằng nàng xa đất nước và xa tôi bốn năm, ngày về chắc là sẽ khác. Nhưng sự thực không biết có đúng như tôi nghĩ không, vì chẳng bao giờ nàng trở về cả.

Còn lại với đôi bạn kia, ban ngày chúng tôi tản mát, ban đêm trở về ngôi nhà miệt Gia Định, và làm thơ, viết văn. Anh Thọ, một người bạn thuộc ngành giáo dục đang phát triển một ngôi trường tư thục trên Ban Mê Thuột thấy thế, kéo tôi lên tỉnh lỵ miền Tây Nguyên, đẩy tôi vào dạy Quốc Văn cho ba lớp Thất Lục Ngũ của trường, chỉ hai tháng sau lại dạy thêm lớp Luyện Thi Quốc Văn Đệ Tứ.

Thế là tự nhiên bước vào một môi trường mới, điều phải thay đổi thích ứng tức thì là tác phong: nhà văn nhà báo khác nhà giáo nhà sư phạm. Hồi trước tôi tự do phóng túng dù giữa nơi quan-chiêm, làm thầy giáo rồi thì khuôn thước phải giữ gìn đúng mực thước, muốn sao thì cũng vẫn phải nhìn trước nhìn sau, chuẩn bị để gật đầu chào lại nếu có ai bất chợt chào mình ngoài phố, dù không biết người đó là ai! Có thể là học trò mình hay học trò trong trường mình dạy, không chào lại, dù sơ ý, là sẽ có bình phẩm đến tai ngay.

2.

Chúng tôi có lẽ khác lớp bạn trẻ văn nghệ cùng lứa ở chỗ phần lớn họ viết văn làm thơ qua thời, chúng tôi lại chọn làm sinh kế lâu dài. Viết là một nghề cũng như dạy học là một nghề, các bạn tôi mười người thì có tới hai ba người làm nghề viết văn làm báo, bốn năm người làm nghề dạy học, còn lại là bị chọn vào ngành quân sự, chuyên nghiệp hay không.

Một khi chọn nghề viết, nông hay sâu đều có liên hệ tới nghệ thuật, nhiều hay ít phải có ảnh hưởng từ báo chí, và báo chí văn học. Tôi biết những điều đó từ chập chững đôi mươi và dường như không hề có ý coi văn chương là một giai đoạn; không, bộ sách “Nhà Văn Hiện Đại” của Vũ Ngọc Phan đã mở ra trong tôi một vài cánh cửa.

Để có sự nghiệp, người cầm bút phải tạo ra các tác phẩm riêng biệt của mình, nhà văn không thể không có tác phẩm, và nhà văn cũng không thể không có… văn đoàn! Đấy là những ý nghĩ đầu tiên. Và nếu có bạn đọc nào còn nhớ lại được, thì có một giai đoạn chúng ta có rất nhiều văn đoàn được thành lập.

Các văn đoàn có chủ trương riêng, khác biệt nhau, và có nhà xuất bản riêng, cái gương rõ nhất là Tự Lực Văn Đoàn và Nhóm Hàn Thuyên. Hồi ở Hà Nội trước năm 16 tuổi tôi thấy các Nhóm Thế Kỷ với Triều Đẩu và Trúc Sĩ, rầm rộ quảng cáo các tác phẩm “Trên Vỉa Hè Hà Nội” và “Kẽm Trống.” Cũng xấp xỉ thời gian đó nhộn nhịp không kém là “Cầu Sương” của Ngọc Giao và “Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu” của Hoàng Công Khanh. Cũng đã nghe Tạ Tỵ, Thanh Nam…

Như viết ở trên, “…mấy năm sáu mươi của thế kỷ trước,” năm 1960 là dấu mốc rõ nét nhất, năm ấy miền Nam Việt Nam xảy ra cuộc đảo chánh quân sự đầu tiên, do các ông Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông cầm đầu. Lúc ấy chỉ mới sáu năm sau chia cắt đất nước 1954.

Lớp cầm bút trẻ chọn nghề văn nghề báo không nhiều, hay nhiều nhưng rơi rụng cũng lắm nên còn lại chẳng bao nhiêu. May mắn lắm nên gặp nhau từ 1950, 1951 ở Hà Nội, qua các tờ Sinh Lực, Cải Tạo, Tiếng Dân, Vị Ý, Phí Ích Nghiễm (sau là Dương Nghiễm Mậu), Ngô Mạnh Thu và Viễn Linh (sau bỏ dấu ngã) sau này tái ngộ ở Sài Gòn, và đi với nhau một đoạn đường khá dài, dài cả 20 năm.

Còn những người nữa gặp tại Hà Nội cùng thời gian ấy nhưng không bao giờ tôi được gặp lại họ. Đó là Trường Giang, và mấy người nữa đã từng cùng nhau hội họp văn đoàn nơi sân Tòa Án Hà Nội, trên bãi cát phù sa Sông Hồng hay trong Thảo Cầm Viên.

Có lần cùng nhau đạp xe quanh Hồ Tây, nhưng chỉ một lần, vì sau một vòng đạp thì không còn sức để mà hội họp nữa. Nghi Tàm Quảng Bá quá rộng cho nhóm thiếu niên 15, 16 tuổi… Nhóm Sông Hồng của tôi tìm mãi không thấy ai, những Thức, những X, Y… Chỉ phảng phất hình bóng Thuần, chỉ nhỏ nhoi dáng dấp Đông Duy ít tuổi nhất hàng xóm ven Hồ Thiền Cuông.

Niên thiếu văn nghệ Hà Nội thời đó gặp nhau vui sướng nhất là thấy tên thấy bài của nhau trên Tiếng Dân, Cải Tạo, Giác Ngộ, hay nhi đồng hơn, trên Giang Sơn.

…Hồi tưởng lại một thời vô tư trong khi tìm tòi những bóng hình cũ, của gần ba phần tư thế kỷ trước, thật là một nỗi ngậm ngùi khó tả. Nhưng dần dần rồi hy vọng “sẽ có một ngày, mối sầu hôm nay, tưng bừng hội ngộ…” (Viên Linh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT