Friday, March 29, 2024

Hộp đồ chơi bằng gỗ

Viên Linh/Người Việt

Sách truyện của Nhật Bản tôi đọc không được nhiều, song cũng không đến nỗi quá ít, dù sao những gì liên hệ tới đất nước và con người của dân tộc này dường như vẫn có một chút gì sâu đậm hơn nơi tôi so với các dân tộc khác ở Á Châu.

Hôm nay trong cuộc hành trình, kề cận không thư viện và sách vở, tôi mường tượng những gì tâm trí còn gợi ra được, và tự nhiên ngôi nhà của cha mẹ tôi thời tôi còn thơ ấu hiện ra… Ngôi nhà trong những ngày có bóng dáng của những quân nhân người Á Đông, đầu đội mũ lưỡi trai, đôi chân quấn sà-cạp, không cao lớn trừ người đeo bên hông thanh gươm dài gần sát đất.

Có lẽ đó là năm 1947…

Pháp đang thất thế ở Đông Dương và quân Nhật đang chiếm đóng khu nhà ga đường xe lửa và những ngôi nhà gạch trong khu phố Đồng Văn, trong đó có ngôi nhà của cha mẹ tôi, lúc ấy cha tôi không còn nữa. Người ra đi thế nào tôi chỉ được nghe kể lại…

Trong cuốn “gia phả họ Nguyễn làng Đồng Văn” mà tôi có một bản sao, ngoài bìa có in hình ngôi nhà thờ họ Nguyễn và một dòng chữ chú thích “sơ đồ do ông Lý Trưởng Nguyễn Mạnh Cáp thiết kế.”

Lúc nhỏ tôi được nghe một ông bác giảng giải: Trong tên họ của nam giới, thời trước hay thấy mấy chữ đệm “mạnh, trọng, quý, hay mậu” thì người nào tên có chữ đệm là mạnh, là người đó là con cả trong gia đình, người nào tên đệm có chữ trọng là con thứ hai và tên đệm có chữ quý (hay mậu) tức là con thứ ba.

Quả thế, ba người con trai của vị tú tài Hán học khóa chót (1915) làng Đổng Kính (sau thấy gọi là làng Đồng Văn) có tên lần lượt là Nguyễn Mạnh C., Nguyễn Trọng T. và Nguyễn Mậu T. Nguyễn Mạnh C. hay Mạnh Cáp là tên cha tôi.

Mẹ tôi sinh thời cho biết, chính cha tôi đứng ra làm khai sinh cho các con. Giờ này tôi vẫn còn giữ được tờ khai sinh của mình trong tay, và tất cả những di vật của cha mà tôi có là chữ ký của người trên khai sinh của tôi, một chữ ký cứng cỏi tưởng có thể làm rách toạc tờ giấy.

Cha tôi qua đời đột ngột, bệnh và mất trong vòng hai ngày, ở tuổi 37, hay 38 trong sự ngơ ngác của mọi người. Tại làm sao? Ai cũng hỏi thế. Uống lầm thuốc, đó là câu trả lời. Người có tiệm thuốc Bắc khang trang giữa phố, Phúc Hưng Đường, vậy mà qua đời với nguyên do khó tin.

Tôi không bao giờ quên khuôn mặt cung cách dáng điệu người, hai tay xoay chuyển ngọn đòn càn (một khúc ống tre bóng lưỡng khoảng 6 cm hai đầu vạt nhọn), cùng với chú Kim tôi, tả xung hữu đột trong một trận quần thảo trên đình làng Đổng Kính, hai người trơ trọi đã dồn cả nhóm sáu bảy người hung tợn từ đình làng xuống hồ ao bên dưới, khiến cả bọn lõm bõm í ới bỏ chạy thoát thân.

Khi quân Nhật chiếm thị xã, đóng lại nhà ga Đồng Văn, họ dùng căn nhà ngói của gia đình chúng tôi làm trụ sở. Đó là chuyện đương nhiên, không những ngôi nhà trấn giữ một ngã ba của khu phố sầm uất, cao hơn những ngôi nhà tranh hai bên, phía sau còn là một bến đò, thả xuống một con thuyền là trong nháy mắt thuyền đã trôi vào đầm sen rậm rạp ăn thông với hồ ao của chùa Đổng Kính, nhà chùa, sư cụ sư bác với gia đình chúng tôi là chỗ tương giao nhiều năm.

Khi quân Nhật chiếm khu phố, mẹ tôi vào cư ngụ trong làng với các em tôi, chỉ còn tôi 8, 9 tuổi lui tới ngôi nhà gạch để trông nom đàn lợn năm con nuôi ở cánh phải của ngôi nhà, trong một cái chuồng mái tranh khá lớn. Nghĩa là sau khi mẹ tôi sửa soạn bèo cám các thứ, tôi phải mang vác, đội vào khu nhà bị Nhật chiếm hiện còn đàn lợn bên trong, lo cho chúng ăn, xối nước rửa chuồng…

Một hôm khi ra về, ngang qua cái bàn mấy quân nhân Nhật ngồi, chợt thấy tờ giấy bạc 5 đồng Đông Dương dưới đất, tôi nhặt để lên mặt bàn, rồi tiếp tục ra về. Họ ngó tờ giấy bạc, ngó nhau nói chuyện, một người đứng dậy xoa đầu tôi (lúc ấy 8 hay 9 tuổi). Sau đó ít ngày quân Nhật rút đi.

Chuyện tưởng không có gì nữa cho đến khi mãi sau này tôi nhận được môt thùng gỗ từ Nhật gửi qua. Lúc ấy người Nhật không ai còn ở Việt Nam nữa. Chiến tranh hình như không còn quân Nhật. Từ Tokyo họ gửi tới ngôi nhà gạch của gia đình tôi một cái hộp gỗ, bên trong đầy đồ chơi bằng gỗ đủ màu, xe hơi tàu thủy, máy bay, nhà cửa, xe hỏa nhiều toa,… không còn nhớ hết mọi thứ. Hình như không ai đọc được chữ gì, nhưng tôi biết họ gửi thùng đồ chơi đó cho tôi.

Ngoài tôi ra quanh đó có ai biết quý đồ chơi đâu?

Một bài thơ còn mới:

Đêm Mơ Thấy Huệ Năng Về Nam

Mưa thôi tầm tã lúc ban mai
Nắng hửng ngoài khung cửa đợi người
Cóc chết ba năm về núi cũ
Thuyền đi kiếp trước thấy đâu đây.

Mang mang sóng vỗ bờ sông Hậu
Khấp khấp mây lùa góc núi Tây
Ng
ười chết thành ma, ma hóa mị
Ta sinh tần thủy, trụ thiên nhai.

Chợt thấy đêm qua trời Ngũ Lĩnh
Bóng ng
ười gom củi đốt thang cây
Ngồi không thành Phật – thôi đi nhé,
B
ơi với kình ngư vượt hải đài.

Thắp lửa trong tâm về thạch động
Thấy ta đối vách tưởng là ai
Mới hay m
ưa đã thôi tầm tã
Nắng hửng trong hang đá đợi người. (Viên Linh)

MỚI CẬP NHẬT