Thursday, March 28, 2024

Khu báo chí Sài Gòn

Viên Linh

Khi khởi sự viết mấy chữ “khu báo chí Sài Gòn” người viết đã khựng lại ngay vì mấy chữ vừa viết ra làm nghĩ ngay tới một cuốn bản đồ thành phố Sài Gòn.

Cuốn bản đồ chi tiết (gọi là cuốn vì có bìa màu trong có nhiều trang, gấp lại thì như một cuốn sách mà mở ra trải lên bàn lại như một tấm bản đồ lớn); như là đó là một cuốn sách mà các trang sắp xếp tài tình, không bị cắt rời ra, có bản đối chiếu tên đường phố xưa và nay (tên cũ tiếng Pháp và tên mới tiếng Việt, xưa là trước 1954 và nay là sau 1954, chứ không phải nay là năm 2018 khi tôi đang viết những dòng này).

Và mỗi lần như thế tôi lại tức giận với mình: Một người bạn thân nài nỉ mượn, tôi đã khăng khăng từ chối, mà cuối cùng người đó đã ra về với tập bản đồ Sài Gòn hiếm quý ấy. Dĩ nhiên không bao giờ tôi còn thấy lại cuốn bản đồ ấy, không những thế tôi còn mất luôn người bạn ấy. Mất người bạn ấy tôi không tiếc, nhưng mất cuốn bản đồ ấy gần như tôi mất quá nhiều thời dĩ vãng của bản thân.

Phải nói đó là một kho tàng nho nhỏ mà vì mình không biết quí báu nó một cách xứng đáng, nên hơn nửa thế kỷ sau vẫn còn tiếc nhớ… Sao không thể có một tập bản đồ Sài Gòn tương tự như thế nữa, tên đường phố cũ thời Pháp cai trị đối chiếu với tên mới thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1963, hay tệ ra cũng là trước 1975… Còn bây giờ sau năm 2000 cả chục năm rồi, đâu là nguồn gốc cho một người Sài Gòn tìm lại quá khứ xa xăm thời niên thiếu, khi đất nước vừa bị chia cắt?

Hãy nói về một khoảng phố rộng, dài chưa tới một cây số, nơi tôi lui tới hầu như mỗi ngày trong gần 20 năm, một đầu đâm vào bùng binh Chợ Bến Thành, nơi có bến xe buýt, từ bến xe buýt có thể nhìn thấy tòa soạn một tờ báo kỳ cựu của miền Nam là nhật báo Sài Gòn Mới, chủ nhân là Bà Bút Trà và nhà văn Phú Đức; gia đình ông bà này còn sở hữu một vài báo định kỳ thâm niên và giàu thịnh ở miền Nam dẫn đầu là tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn.

Vẫn đứng ở vị thế ấy, nhìn về phía tay trái sẽ thấy Nhà Hát Lớn, sau là trụ sở Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa; nhìn về phía tay phải là nhìn suốt con phố Phạm Ngũ Lão, trên đó bên tả là trụ sở các tờ báo Màn Ảnh, báo Thời Nay, báo Tiếng Vang, báo Kịch Ảnh, báo Phổ Thông, báo Khởi Hành.

Đặc san của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, chủ nhiệm chủ bút là nhạc sĩ Anh Việt tức Đại Tá Trần Văn Trọng, tổng thư ký là Thiếu Tá Tô Kiều Ngân nhưng ra được tám số thì trong một cuộc họp tại trụ sở hội trong khuôn viên Cục Quân Cụ, tờ báo được tái phối trí, biến thành một tuần báo, và với kinh nghiệm làm tuần báo mấy năm trước, tác giả Viên Linh được mời làm tân tổng thư ký.

Từ số 1 Khởi Hành tuần báo, tổng thư ký Viên Linh đặt trụ sở tòa soạn tại đường Phạm Ngũ Lão, một bên là nhật báo Tiếng Vang, một bên là bán nguyệt san Phổ Thông. Tòa soạn mới đặt tại nhà in Thế Giới của ông Nguyễn Văn Hợi, một nhà xuất bản sách kinh nghiệm từ trước chia cắt 1954, chuyên in loại sách Học Làm Người mà tác giả bài này biết từ thời niên thiếu ở Hà Nội.

Tòa soạn quá nhỏ chỉ kê được một cái bàn nên các nhà văn nhà thơ lui tới đều được mời ra ngoài quán. Đó là một quán cà phê, chủ quán là một phụ nữ miền Nam, chị Năm. Chị luôn luôn phải kê thêm ra mặt hè phố hai cái bàn mới đủ chỗ cho năm bảy nhà văn nhà báo ngồi trên những cái ghế đẩu di động quanh hai cái bàn đó.

Chỗ đó đông khách lại là khách nhà văn nhà báo lui tới hầu như mỗi tuần nên “chị Năm Đen” nhiều khi lại là người ứng trước nhuận bút cho các tác giả của Khởi Hành, trường hợp tôi không tới kịp. Không khí báo chí văn nghệ như thế sau này cũng vẫn là không khí tương tự nơi những tờ báo tôi trông coi biên tập: Diễn Đàn, Thời Tập (góc đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn), Khởi Hành hải ngoại từ số 1 năm 1996 trên đường Bolsa tới số 250 năm 2018 tại Orange County, California. Không khí những tòa soạn ấy với tôi là không khí khu báo chí Sài Gòn, dù địa danh có khác.

Nhưng để con đường báo chí được toàn vẹn (trên đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn) tôi xin kể thêm về một số báo khác.

Kề cận là tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ, với các tác giả thường xuyên Nguyễn Văn Cổn, Thu Nhi, Vi Huyền Đắc, Phạm Văn Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn Thu Minh, Cô Diệu Huyền (một bút hiệu của Nguyễn Vỹ).

Nguyễn Vỹ là một tên tuổi lớn từ thời tiền chiến, cần phải viết về ông trong một bài riêng, bài này chính yếu là về khu báo chí nói chung. Báo Phổ Thông những năm 1959, 1960 cũng là tờ báo duy nhất (hay đặc biệt) mời được sự cộng tác của những tên tuổi lớp trước, mà đa số các báo khác không mời được: có thể kể đó là Thiếu Sơn, Tế Xuyên, Vi Huyền Đắc…

Phổ Thông khá trường cửu, sống tới hơn 20 năm, khoảng hơn hai trăm số báo, trong khi đó sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, Nguyễn Vỹ còn xuất bản nhật báo Dân Ta bán rất chạy. Ông được mời vào Hội Đồng Lập Hiến mới (để tiến tới thành lập một Quốc Hội mới) chẳng may nhà thơ Nguyễn Vỹ thiệt mạng trong một tai nạn lưu thông ở Mỹ Tho.

Tiến về phía Cống Quỳnh phía bên kia đường có nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng và trụ sở các tạp chí Văn, Văn Uyển, trong đó Văn được đón nhận sâu rộng, quy tụ hầu hết các nhà văn lớp cũ, và mở cửa cho nhiều nhà văn lớp trẻ bước vào thế giới văn chương. (Viên Linh)

Cuộc thi viết “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm”

MỚI CẬP NHẬT