Tuesday, April 16, 2024

Làm báo Nghệ Thuật 50 năm trước

Viên Linh/Người Việt

Tuần báo Nghệ Thuật số cuối cùng là số 57, ra vào giữa Tháng Mười Một, 1966, lúc ấy quanh tờ báo chỉ còn hai người là Thanh Nam và Viên Linh, khác hẳn lúc đầu năm 1965 đông vui với những Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Anh Ngọc, Phạm Duy, Đằng Giao,…

Tôi viết những dòng này hơn 50 năm sau, nhân vừa chợt thấy số báo cuối cùng với hình nhà văn Dostoievsky in đen trắng. Mấy chục số trước, tờ báo in offset đủ màu rực rỡ, chẳng hạn như số 5 có ảnh màu tươi đẹp với ba nữ nghệ sĩ tên tuổi Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng và Thái Thanh.

Số báo chót của Nghệ Thuật rất sơ sài đã khiến bài này thành hình: bài viết sẽ cho thấy một khoảng sinh hoạt nghệ thuật rầm rộ của miền Nam, chỉ hai năm sau cuộc đảo chánh đẫm máu, 1 Tháng Mười Một, 1963.

Vốn liếng ở đâu để một vài nhà văn ra báo, lại là tuần báo, lại in offset đủ màu, là kỹ thuật in ấn tối tân nhất lúc bấy giờ ở Sài Gòn, các nhà văn ấy ai cũng biết là chẳng giàu có gì. Mặt khác, tờ báo lại quy tụ những khuôn mặt tên tuổi ở các giới rộng hơn là giới văn chương: có Phạm Đình Chương giữ một mục thường xuyên, có Vũ Khắc Khoan viết sổ tay, có Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Sỹ Tế…

Nhà văn Dostoievsky trên bìa tuần báo Nghệ Thuật số cuối cùng. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Tôi có mặt ngay từ số một, cùng họa sĩ Đằng Giao giữ việc trình bày offset (làm việc tại nhà làm Cliché Dàu), mà mãi về sau mới rõ nguồn tài chính để làm Nghệ Thuật. Nguyên do khởi từ cuộc hội ngộ giữa nhóm các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Thái Thanh trong Ban Hợp Ca Thăng Long, cùng Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Thanh Nam với Tướng Râu Kẽm trong Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc tại phi trường Tân Sơn Nhất, năm 1965.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vốn là bạn thời niên thiếu với ông Nguyễn Cao Kỳ ở Thanh Hóa, và cuộc hội ngộ tại Huỳnh Hữu Bạc sau đảo chánh 1963 đã khơi dậy mối duyên văn nghệ thuở xa xưa của đôi bạn thời trung học, và từ đó, ông Kỳ trong đêm văn nghệ ấy đã trở thành một vị Mạnh Thường Quân với nhóm nhà văn khởi đầu tờ Nghệ Thuật.

Trên Nghệ Thuật những số đầu, ngay trang 1, có các khung chữ như sau: Chủ nhiệm-chủ bút: Mai Thảo. Tổng thư ký tòa soạn: Thanh Nam. Trị sự-quản lý: Từ Ngọc Toản (ca sĩ Anh Ngọc). Mục Văn Nghệ và Cuốc Sống do Vũ Khắc Khoan phụ trách. Bài vở trong hai ba số đầu như dưới đây:

– Mai Thảo: Văn học nghệ thuật trong chiến tranh hiện tại và hòa bình tương lai.

– Nguyễn Mạnh Côn: Nghệ thuật Việt Nam đi đâu, đi đến đâu?

– Thạch Chương (Cung Tiến): Chơi cờ ca rô.

– Doãn Quốc Sỹ: Kịch Chiêu Hồn.

– Bình Nguyên Lộc (truyện ngắn): Con nai vàng.

– Thanh Tâm Tuyền (truyện ngắn): Dọc đường.

– Trần Thanh Hiệp, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Nhã Ca: Thơ.

– Mặc Đỗ (truyện dịch): Anh Meaules…

Chỉ với những cái tên ấy trong ban chủ trương tờ báo đã gây tò mò cho người đọc. Nhưng cái quan trọng là tờ Nghệ Thuật đã thành công ngay từ đầu, tờ báo hấp dẫn, các tiết mục phong phú.


Thơ I
Cửa mở ngoài muôn dặm
Mơ hồ sương mù trời
Thơ ta như bóng nhạn
Không bao giờ có đôi.
Virginia, mùa Đông 1983
Viên Linh

Thơ II
Thơ đỏ sẫm Thu Đông
Điệu rì rào lá rụng
Lời gửi tự quê hương
Bay kín lòng xa vắng.

Viết những năm lữ thứ
Loanh quanh nguồn Biển Nam
Nghe thì thầm thổ ngữ
Gọi nhau ngoài non sông.
Viên Linh


Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 4 tháng 10 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT