Thursday, March 28, 2024

Lê Công Tâm ghi nhận được những gì qua Hiệp Định Geneva 1954?

Du Tử Lê/Người Việt

Với hàng trăm tài liệu cùng những văn kiện có tính cách lịch sử liên quan tới định mệnh của đất nước Việt Nam mà tác giả bộ sách “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” có trong tay nhờ sự giải mật nhiều hồ sơ lưu trữ của Văn Khố các cường quốc liên hệ – nhất là tài liệu từ các thư viện tổng thống Hoa Kỳ liên quan tới cuộc chiến Việt Nam.

Luật Sư Lê Công Tâm cho rằng, ông thật may mắn khi ông có thể truy lục được các tài liệu liên quan về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử cận đại trên hầu hết thế giới một cách không mấy khó khăn, ngoại trừ tài liệu tại Văn Khố Vatican.

Theo ông, hầu hết các tài liệu tại các Văn Khố của các quốc gia Cộng Sản kể cả tại miền Bắc, ngày nay nhờ vào công nghệ thông tin, các tài liệu phần lớn từ các Viện Đại Học Mỹ nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, thư viện của các tổng thống Mỹ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam từ thời Tổng Thống Franklin Roosevelt đến Tổng Thống Gerald Ford.

Đặc biệt là tài liệu từ Bộ Ngoại Giao Mỹ, Bộ Quốc Phòng, Thư Viện Quốc Hội Mỹ, The Pentagon Papers hai ấn bản khác nhau (ấn bản của U.S. Senator Mike Gravel, Alaska và của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Mc Namara, hiện lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson, Austin Texas). Thư viện của Tổng Thống John F. Kennedy và Richard M. Nixon cũng có rất nhiều tài liệu về cuộc chiến Việt Nam.

Họ Lê luôn nhấn mạnh, ông có may mắn tìm đến được các thư viện vừa kể, cũng như Văn Khố nhiều quốc gia khác, như Đài Loan, Moscow, Bắc Kinh, Thượng Hải, Bộ Thuộc Địa Pháp, Bộ Hải Quân Pháp để thu thập một số các tài liệu liên quan đến những nhân vật có can dự đến cuộc chiến Việt Nam, và những tài liệu đó, hầu hết đã được chuyển dịch sang Anh Ngữ…

Tác giả bộ “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” cũng có một số tài liệu từ miền Bắc điển hình như Bộ Hồ Chí Minh Toàn Tập, tài liệu của Bộ Chính Trị CSVN xuất bản… Đặc biệt nhất là hồi ký của các nhân vật chính trị, quân sự, tình báo Hoa Kỳ, dính líu trực tiếp vào những quyết định trong cuộc chiến Việt Nam. Tài liệu của báo chí và giới truyền thông Hoa Kỳ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam mà, thời đó chưa được gọi là “Fake News” như tờ New York Times chẳng hạn. Những cơ quan và cá nhân các nhân vật Hoa Kỳ có thẩm quyền, nhân danh những quyền lợi cá nhân hay quốc gia của họ, đã không ngớt công kích, đả phá miền Nam một cách vô nhân đạo.

Tóm lại, Luật Sư Lê Công Tâm, tác giả “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam,” đã có trong tay hầu hết những tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. Nhưng ông lại đặc biệt quan tâm, nghiên cứu về nhiều khía cạnh chồng chéo phức tạp của các cường quốc thế lực trên thế giới, đưa tới thảm họa bất hạnh nhất cho dân tộc, đất nước Việt. Ngoài ra, vẫn theo ông, Hiệp Định Geneva đã lột mặt nạ của rất nhiều cường quốc chủ tâm xâu xé đất nước Việt Nam, với sự ủng hộ, hưởng ứng của chính đảng CSVN ấy.

Ở lãnh vực này, họ Lê đã dành ra nhiều trang sách ở chương thứ XIII và chương thứ XIV để phân tích, trình bày mọi tác động gần xa, lắt léo cùng hậu quả tồi tệ, ô nhục chưa từng thấy, kể từ 1954. Và, có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm tháng nữa của cái gọi là Hiệp Định Geneva, Tháng Bảy, 1954.

Với tiểu tựa “Con đường đưa đến hội nghị Geneva của Chu Ân Lai,” Luật Sư Lê Công Tâm ghi nhận rằng: Các tài liệu Văn Khố Trung Cộng được bạch hóa, cho thấy chi tiết, vai trò quan trọng của Trung Cộng ảnh hưởng đến kết quả của hội nghị Geneva năm 1954. Và những áp lực đè nặng lên đảng CSVN trong bàn hội nghị. Đồng thời tài liệu hiện có, cũng ghi rõ thái độ chủ tớ của CSVN đối với đàn anh Liên Xô và nhất là Trung Cộng. Tinh thần nô lệ ngoại bang này, đã ảnh hưởng đất nước Việt Nam, kéo dài tới hôm nay.

Vẫn theo tác giả “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam,” sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục năm 1949, thì mục tiêu Mao muốn đạt tới là thống nhất trọn vẹn nước Tàu, trong đó có Đài Loan. Để từ đó, sẽ “xuất cảng” chủ nghĩa Cộng Sản tới các nước láng giềng. Nhưng tham vọng của Mao bị khựng lại vì cuộc chiến Triều Tiên. Mao nhận ra rằng, bất cứ một nỗ lực bằng vũ lực nào, nhằm thay đổi bàn cờ thế giới của Mao, cũng đều bị chặn đứng bởi Hoa Kỳ và đồng minh của cường quốc tự do này. Do đấy, Mao Trạch Đông dồn mọi nỗ lực vào “kế hoạch hóa ngũ niên” lần thứ nhất tại Hoa Lục qua việc chấp nhận đề nghị tức khắc cho một hội nghị hòa bình ở bán đảo Đông Dương.

Họ Lê viết, đây là lúc Chu Ân Lai, được Mao giao trọng quan trọng tại hội nghị Geneva. Họ Chu chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Trung Cộng soạn thảo một Bạch Thư mang tên “Tài liệu sơ khởi ước tính và sửa soạn cho hội nghị Geneva.” Nội dung: Trung Cộng sẽ khai thác tối đa quan điểm khác biệt giữa Mỹ, Anh và Pháp về vấn đề Đông Dương để sớm đạt được thỏa thuận dù tạm thời…

Ở thời điểm này, căn cứ trên tài liệu Qiang Zhai, Ibid, trang 51, tác giả “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” ghi xuống rằng:

“…Sau khi đưa ra việc phục hồi hòa bình ở Đông Dương đòi hỏi một cuộc chiến đấu dai dẳng, tài liệu này nhấn mạnh Trung Cộng phải làm sao tránh để hội nghị tan vỡ. Cuộc thương thuyết xảy ra đang trong lúc giao tranh, sẽ gia tăng khó khăn cho nội bộ của Pháp, và chia rẽ Pháp với Mỹ, tạo cơ hội thuận lợi cho các dân tộc giải phóng. Bạch Thư được lãnh đạo Trung Cộng chấp nhận.

Chu Ân Lai thành lập phái đoàn Trung Cộng hầu hết là các nhân vật ngoại giao kinh nghiệm của CCP, Li Kenong, thứ trưởng Ngoại Giao, Qiao Guanhua và Huang Hua (Hoàng Hóa) là những nhà thương thuyết trong cuộc chiến Triều Tiên. Huang là phát ngôn nhân của phái đoàn.

Vào giữa Tháng Ba, Chu gọi cho Hồ Chí Minh, chuẩn bị tham dự hội nghị và phải sửa soạn tinh thần cho việc chia cắt đất nước. Chu nói, đường ranh vĩ tuyến 16 là đường chia cắt lý tưởng. Chu yêu cầu ông Hồ sang Bắc Kinh vào cuối Tháng Ba đầu Tháng Tư và du hành đến Mạc Tư Khoa để trao đổi quan điểm với lãnh đạo tối cao Liên Xô…”

Tác giả “Những Lầm Lỗi Định Mệnh Trong Cuộc Chiến Việt Nam” ghi nhận theo tài liệu của Zhou Nianpu, thì Tháng Ba, Bộ Chính Trị CSVN nhóm họp ba lần để thảo luận đường lối và chính sách mà CSVN sẽ áp dụng tại hội nghị Geneva. CSVN đồng ý việc chia đôi lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc có lợi cho đảng. Cuộc họp cũng quyết định cử Phạm Văn Đồng làm trưởng phái đoàn…

Họ Lê cho biết, theo tài liệu của Li Haiwen trong “Chu Enlai zai Rineiwa huiyi qian wei huifu Induzhinz Heping jixxing de nuli” trang 58 thì: Chu Ân Lai đã làm ba cuộc viếng thăm trong Tháng Tư.

Ngày 1 Tháng Tư, Chu cùng với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đến Mặc Tư Khoa để thảo luận với Nikita Khrushev và Ngoại Trưởng Liên Xô Vyaxheslav Molotov.Thời điểm đó Liên Xô có rất ít quyền lợi tại Đông Dương. Quan tâm chính của lãnh đạo Liên Xô là làm thế nào để Pháp từ chối tham dự Liên Minh Phòng Thủ Âu Châu. Với Liên Xô, việc tái vũ trang cho Đức bị thất bại quan trọng hơn tiếp tục chiến tranh cách mạng ở Đông Nam Á.

Trong khi Liên Xô và Trung Cộng cùng chia sẻ mục đích chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, thì cả hai đều có những hy vọng khác nhau về hội nghị Geneva này. (Du Tử Lê)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT