Thursday, March 28, 2024

Mai về Ba Động cùng anh…

Viên Linh/Người Việt

Không bao giờ tôi quên được một chuyện xảy ra tại tòa soạn tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong tại đường Lê Lai, Sài Gòn, vào khoảng năm 1955, hay đầu năm 1956, khi tôi chưa qua tuổi 18 – sau khi bài lục bát có câu “Mai về Ba Động cùng anh” vừa được đăng lên.

Lúc đầu tờ Ngôn Luận của ông Nguyễn Thanh Hoàng nhận tôi vào làm việc như một thông tín viên rồi phóng viên. Hôm ấy, cũng như mấy tuần trước, tôi đạp xe tới 126 Lê Lai, là nơi đặt tòa soạn của hai tờ báo, của cùng một chủ nhân, là nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghẹ Tiền Phong.

Người duy nhất tôi tìm gặp là ký giả Giang Tân, phụ trách nhiều mục trong lãnh vực thơ văn và cả phụ nữ. Tôi biết anh qua tờ Văn Nghệ Học Sinh của ông Lê Bá Thảng, rồi biết thêm anh làm việc cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong, cho nên bài tôi gửi khi thì đăng trên Văn Nghệ Học Sinh, khi thì đăng trên Tiền Phong, tùy theo anh Giang Tân chọn lựa. Mãi sau đó khi trở thành nhân viên ăn lương tháng, việc viết lách mới tề chỉnh hơn.

Các báo mướn biên tập viên để viết nhiều loại, nhiều lãnh vực, không báo nào mướn người để viết văn hay làm thơ cả. Nói cách khác, người ta không mướn nhà văn nhà thơ để viết văn làm thơ, văn thơ là chuyện của riêng anh. Tờ báo mướn anh để làm công việc biên tập, là viết đủ thứ, từ phụ trách sửa bài cho tới soạn bài cho tờ báo, trang nào thiếu bài (còn giấy trắng có khi cả trang, nhiều khi còn một khoảng trắng nửa trang hay một góc trang), người phụ trách phải trám mọi chỗ trống càng nhanh càng tốt, để tờ báo phải đưa qua nhà in, đặng có báo phát hành cho đúng ngày giờ đã định.

Ngay từ bài thơ khởi đầu của tôi đã được đón nhận một cách tốt đẹp, mà chỉ do sự tình cờ. Đó là bài lục bát “Mai Về Ba Động”:

Mai về Ba Động cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”

Câu lục là của tôi, còn câu bát là ca dao, hiện ra trong đầu nhân chuyến ngồi ca nô từ Cap Saint Jacques vào Rừng Sát trong chiến dịch Hoàng Diệu tận diệt Bình Xuyên, ngang qua Ba Động, tôi nhại ra thành hai câu ấy.

Thơ vừa đăng lên, báo vừa phát hành được một hai ngày thì vào một buổi trưa, một chiếc Renauld hai màu xanh vàng (xe taxi) đậu lại trước tòa soạn, lúc tôi đang đứng nói chuyện với anh thư ký tòa soạn Giang Tân. Cửa xe mở, nữ kịch sĩ Kim Cương bước xuống. Nàng vui vẻ chào hỏi anh Giang Tân, anh vui vẻ nhưng ngỡ ngàng, cũng như tôi, không hiểu cô kịch sĩ xinh đẹp nổi tiếng ghé Tiền Phong có chuyện gì.

-Thưa anh cho tôi gặp ông Viên Linh?

Anh đưa mắt nhìn tôi chưa biết trả lời ra sao thì may thay Kim Cương nói tiếp:

-Chắc ảnh cùng quê với tôi! Tôi ở Ba Động Bà Rịa mà! Anh cho tôi xin số điện thoại cũng được. Ai dè tôi có người cùng quê làm thơ về Ba Động chớ?

Biển Ba Động. (Hình: vietnam.vnanet.vn)

Tôi kín đáo lắc đầu. Và hẳn ông thư ký tòa soạn cũng đã hiểu phải làm gì. Tôi người Bắc như anh, không thể có quê ở Bà Rịa. Anh thoái thác rằng không biết số điện thoại của tác giả bài thơ Ba Động, nhưng sẽ nhắn lại ngay. Anh nói:

-Chắc anh chàng mừng lắm, được cô nhận cùng quê thì hắn hãnh diện biết bao. Cô cho số điện thoại đi tôi sẽ đưa cho anh ta.

Tôi không thể gọi lại, cũng như anh thư ký tòa soạn đã phải thoái thác. Nói thật lúc ấy, là nhận mình không phải là người Bà Rịa, thì cô thất vọng biết bao?

Chuyện này được viết ra vì nó xảy ra năm tác giả vừa có thơ đăng báo, nó in sâu trong lòng, nhận cái này là từ khước cái kia, mà nhận cái kia là từ khước mình. Ôi chàng trai vừa qua tuổi 17 đành mãi mãi giữ niềm riêng không có cách chi phân bày giải thích.

Mà rồi cô Kim Cương sau đó cũng không đi tìm tác giả bài thơ ấy nữa, cho nên chuyện ấy chìm vào dĩ vãng. Khoảng mười năm sau đó, 1964, thi phẩm đầu tiên của tôi mới in thành sách, trong đó không có bài Ba Động.

Việc in tác phẩm đầu tay trong trường hợp tôi có thể không giống với nhiều tác giả khác, ấy là thi phẩm Hóa Thân ra đời năm 1964 đã không có cả chục bài thơ đã đăng báo trước đó. Lúc ấy tác giả mới 26 tuổi, và nhiều người, bạn hữu cũng như người chỉ quen sơ, phẩm bình tác giả “như một ông cụ già.”

Từ vẻ ngoài tới nội tâm, tác giả thận trọng cân nhắc hành vi của mình xét ra có quá đáng. Tôi rất sợ cái phóng túng của tuổi trẻ nên tránh xa sự quần tụ của lớp bạn cùng thời, không muốn hòa trộn chỉ vì để tránh cái sa đà mất kiểm soát, và rất thảnh thơi khi có một mình, hay chỉ với một người bạn gọi là “tâm giao.”

Lạ thay, những người bạn tâm giao thuở thanh niên của tôi đa số lại từ trần quá sớm, có thể gọi là mệnh yểu. Trần Đình Đoàn, Đan Chi, Liễu, Hạnh, Thức, Trần Đại, Thuần, đều chết trước tuổi 30, hay xấp xỉ 30. Già hơn cũng chết khoảng tuổi 40: Định, Liên…

Khi nàng chết

Tôi đặt vòng hoa trắng xong lui gót
Quấn cổ mình những sợi tóc đen em
Thôi ở lại nghe bình yên giấc ngủ
Anh sẽ về thăm mỗi rạng đông.

Như giọt sương đeo cành củi mục
Qua đêm dài nhỏ lệ ăn năn
Giờ phút đi chở khổ đau từng lượt
Cuộc đời sa theo khối nặng trên

Tới một ngày kia âm thầm mọc bụi
Ta gõ tay lên t
ường xua miết ngũ quan.
(Hóa Thân, 1964) (Viên Linh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT