Wednesday, April 17, 2024

Một chiều ở Quy Nhơn năm 1957

Viên Linh/Người Việt

Trong những ngày tháng cuối năm, bầu trời có những lúc bảng lảng mây đen, và trong ngày có vài phút mưa rơi lác đác, vô tình đến mấy người ta cũng biết, hay cũng mang máng nghe mây bay gió thổi, nắng xiên bóng xế mặt đường. À, mùa Thu!

Với tôi, suy nghĩ theo thời gian lần tìm về năm tháng là chuyện thường xuyên, và con số 57 lại vô cùng đậm nét. Năm ấy, cách đây đúng 60 năm, 2017-1957, chàng phóng viên nhật báo Ngôn Luận được cử đi làm phóng sự đường xa, từ Sài Gòn đáp xe lửa ra Trung tới thăm Hội Chợ Kinh Tế Bình Định.

Chuyến đi chỉ có hai người, gồm ông Lê Tâm Việt, giám đốc trị sự tờ báo, lo phát triển quảng bá tờ báo ở địa phương và Lê Nguyên, biên tập trang trong tờ báo, phụ trách viết bài tường thuật. Lê Nguyên chỉ là tên hai họ Lê Nguyễn ghép lại, chẳng là cô bạn học tôi họ Lê, còn tôi họ Nguyễn.

Lúc ấy chưa tới tuổi hai mươi, “phái đoàn” đã phải họp để quyết định có cho tôi đi theo không vào lúc phải “tường thuật” các sự kiện ban đêm quanh hội chợ. Tòa báo nghèo, người ta chỉ cho nhân viên (phóng viên) ở các nhà trọ bình dân, có người nghĩ rằng cứ cho tôi đi theo, vì để tôi ở lại phòng trọ một mình còn nguy hiểm hơn là cho đi theo, có giám sát trực tiếp.

Tôi giữ im lặng mỗi khi nghe bàn về mình, không phải chỉ một lần. Và, tôi vẫn thường im lặng quanh bạn bè. Chả thế mà năm 1960 trong một bài thơ đăng trên tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, đã có hai câu tôi bày tỏ thái độ: “Chẳng tả hữu gì tôi đứng giữa. Hẳn làm sao không có ý riêng.”

Từ Sài Gòn, hai nhà báo ra ga xe lửa gần khu quán Hòa Bình cạnh bùng binh chợ Bến Thành, mua hai cái vé lên tàu tới trạm đầu tiên là Nha Trang. Trước khi ra Quy Nhơn, vị đồng nghiệp lớn tuổi ghé thăm gia đình nghỉ lại một đêm ở Nha Trang, thả tôi đi thăm thành phố tự do.

Tôi ngồi uống bia 33 ở quán số 7 trên bờ biển một mình, và vì mặc chiếc áo sơ-mi chim cò bỏ ngoài quần, vai khoác cái hộp da máy ảnh, ngồi gác chân lên cái ghế bên cạnh uống 33, hút Pall Mall đầu lọc điếu dài, hộp thuốc và cái bật lửa ga màu đỏ để bên cạnh hai cái vỏ chai trên mặt bàn, mấy cô gái tưởng tôi là người Phi Luật Tân hay Nam Hàn gì đó, vì họ tới gần hỏi nhỏ tôi toàn bằng Anh ngữ. Tôi không thể nhớ họ đã nói ra sao, nói những gì, chỉ nhớ nói gì tôi cũng lắc đầu.

Chuyến đi còn in dấu trong tâm trí tôi nhất là hình ảnh trên sông Ba, lúc xe đò ngừng lại bên bờ, vì cây cầu sắt đã bị mìn phá sập. Một vai cầu sắt sơn đen còn nổi trên mặt nước nhiều năm sau. Cũng như khoảng gần Quy Nhơn, một cột cờ của một chiếc tàu bị đánh đắm còn trồi lên mặt biển, xiên một góc chéo trên dưới 40 độ.

Từ Sài Gòn đi dự hội chợ kinh tế Bình Định năm 1957 là chuyến công tác đường trường còn nhớ mãi, dù không phải là chuyến đi xa đầu tiên. Đầu tiên là trước đó hơn một năm khi vào rừng Sác theo Trung Tá Dương Văn Minh. Người ta gọi ông là đại tá, tuy tôi chỉ thấy hai ngôi sao bạc trên cổ áo ông.

Tôi đứng trên chiến đỉnh Chi Lăng hành dinh lưu động chiến dịch Hoàng Diệu, lúc con tàu chạy từ Cap Saint Jacques vào rừng Sác, chỉ khoảng một hai năm sau chia cắt đất nước 1954. Trong khi tàu chạy, đang nói với các phóng viên, chợt ông ngừng lại và nhìn tôi hỏi: “Ủa cậu này làm chi ở đây?” Tôi chưa kịp trả lời thì một đồng nghiệp nhiều tuổi mà tôi từng gặp tại trụ sở ba Tổng Liên Đoàn Lao Công, Lao Động, Thợ Thuyền ở Sài Gòn đã đỡ lời, đại khái tôi là phóng viên nhà báo trong toán báo chí đâu bốn người đi tường thuật chiến dịch Hoàng Diệu và các sự việc hồi đó.

Không còn nhớ hết, song tôi không thể quên những “phóng viên nhà báo” một thời với mình như Quốc Phượng dong dỏng cao của Tiếng Chuông, Anh Quân từng bị hành hung què giò vì nghề nghiệp của Trời Nam, Dzoãnh Bình, Văn Mạnh, Ngô Công Minh của mấy tờ báo Nam (Tiếng Dội, Lẽ Sống)…

Nhật báo Sài Gòn làm theo kiểu Bắc lúc ấy chỉ có hai tờ, Tự Do và Ngôn Luận. Tự Do do một nhóm chủ trương đề tên đầy đủ là Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu, có Phạm Tăng vẽ hí họa, Đinh Hùng làm thơ diễu, thơ trào phúng mỗi ngày, ký tên là Thần Đăng, (hàm ý là ông thần đèn, chắc vì ông hút thuốc phiện ai cũng biết, thường xuyên nằm hơ dọc tẩu trên ngọn lửa leo lét).

Trở về với những chuyến công tác xa Sài Gòn, tôi không bao giờ quên Vòng Đua Lục Tỉnh của cuộc đua xe đạp đường trường qua sáu châu thành tỉnh lỵ miền Nam Việt Nam, trải qua nhiều chặng nhiều ngày, với tuổi 18, 19, làm phóng viên chuyên đi tường thuật xa của một vài tờ nhật báo ở thủ đô.

Nhớ lại lúc nào tôi thêm yêu miền Nam lúc ấy. Châu Thành Vĩnh Long, mặt sông mưa róc rách chân tường khách sạn, vài chiếc thuyền nhỏ bơi qua quặt lại và tiếng phụ nữ nói vọng lên cửa sổ nhà trọ “Đi không anh;” phủ quận Định Tường Mỹ Tho đường phố nhộn nhịp quanh khu chợ. Sông nước Đồng Nai, vườn tược ven bờ sông Tiền sông Hậu. Ngôi mộ ở Cần Đước của Liễu. Bệnh viện tâm trí ở Biên Hòa của Loan.

Ôi mùa thanh xuân đẫm lệ nồng và vang dội tiếng nói tiếng cười tiếng la tiếng thét và tiếng khóc của Hạnh của Chi. Mùa thanh xuân nào chẳng đẹp, chẳng nguy nan, chẳng hồi hộp và thao thức…

Trở về Quy Nhơn, cũng là trở về Tuy Hòa, nơi cây cầu gãy. Có biết bao nhiêu cây cầu đã gãy trong thời thanh xuân? Có biết bao nhiêu dòng sông bến bờ chia tay ly biệt của thời tuổi trẻ? Từ tuổi 17 tới năm 2017 khi tóc không còn xanh? Với tôi Quy Nhơn lúc nào cũng thân thiết dù xa vắng ngàn trùng. (Viên Linh)

Hội An không có nước sạch sinh hoạt suốt một tuần

MỚI CẬP NHẬT