Thursday, March 28, 2024

Một tác phẩm của George Orwell đột ngột trở thành ‘bestseller’ của Amazon

Trần Doãn Nho

George Orwell mất năm 1950, tức là cách đây 67 năm. Ấy thế mà một trong những tác phẩm của ông mới đây, Tháng Giêng 2017, đột ngột nằm ở hàng đầu trong danh sách “bestsellers” của Amazon.

George Orwell là ai? Ông là tác giả của tập truyện hư cấu nổi tiếng toàn thế giới nói về thế giới Cộng Sản: Trại Súc Vật (Animal Farm). Tác phẩm này đã từng được đài BBC dịch ra tiếng Việt và đọc vào chương trình phát thanh hàng đêm khoảng thập niên 1980. Nó cũng đã được xuất bản ở trong nước nhưng dưới một cái tựa đề rất “vô duyên,” “Chuyện ở Nông Trại,” có lẽ để tránh kiểm duyệt.

Tác phẩm “bestseller” này là gì? Là Nineteen Eighty-Four, sau này được đổi thành “1984” cho gọn, được Amazon đặt in lại 75 ngàn ấn bản. Xin lưu ý: Con số 1984 ở đây chỉ là cách nói ngược với năm 1948, năm hoàn tất tác phẩm, nhằm mục đích đưa ra một khái niệm về tương lai. Tác phẩm này chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Truyện mô tả một thế giới bị chi phối bởi ba siêu cường quốc: Eurasia, Eastasia và Oceania. Oceania luôn luôn sống trong tình trạng chiến tranh với hai siêu cường kia, đẩy toàn thế giới ở trong một tình trạng thù hận, cô lập và sợ hãi. Xứ sở này được cai trị bởi đảng và nhà lãnh tụ nắm giữ quyền hành tuyệt đối có tên là “Big Brother” (Ðại Ca), mà khuôn mặt của ông ta hiện diện khắp nơi trên các tấm pa-nô tuyên truyền lớn với dòng chữ “Big Brother Is Watching You” (Big Brother Ðang Theo Dõi Bạn). Người dân không có bất cứ một thứ quyền riêng tư nào, “ngoại trừ một ít phân khối nằm bên trong cái sọ của anh,” theo cách mô tả trong truyện.

“Ðại Ca” kiểm soát đất nước bằng bốn bộ: Hòa Bình, Tình Yêu, Thịnh Vượng và Sự Thật. Chức năng của bốn bộ này là một nghịch lý: Bộ Hòa Bình thì đảm nhiệm chiến tranh, Bộ Tình Yêu thì phụ trách chuyện hành hạ, Bộ Thịnh Vượng thì chuyên lo về bỏ đói, chuyên môn công bố những bản thống kê hoang đường và Bộ Sự Thật thì đảm trách chuyện nói láo. Nhân vật chính là Winston Smith, 39 tuổi, một nhân viên làm việc cho Bộ Sự Thật. Tất cả những gì lưu trữ trong bộ này đều không mảy may liên hệ gì đến thực tại bên ngoài. Chúng được hoàn toàn dựng nên bởi đảng, nghĩa là bằng sự dối trá. Bộ Sự Thật không những chỉ lo thay đổi hiện tại mà còn tiêu hủy cả quá khứ.

Một trong những phương cách thống trị quần chúng hữu hiệu của đảng là sáng tạo ra một hệ thống ngôn ngữ mới gọi là “Newspeak,” bắt buộc tất cả mọi người đều phải sử dụng. Rất nhiều từ sẽ không còn hiện hữu như “tự do,” “dân chủ,” “công bằng,” “tôn giáo,” “danh dự,” vân vân… Mục đích của việc tạo ra thứ chữ mới là giới hạn “tầm tư tưởng” (range of thought) của con người và đồng thời nhằm mục đích xóa bỏ tất cả ký ức về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Xin nêu một vài từ điển hình trong tự điển này:

– duckspeak/nói như vẹt: nói mà không suy nghĩ; nói như con vịt kêu quạc quạc.

– blackwhite/đen-trắng: cùng một vật mà nói đen cũng được, trắng cũng được.

Không chịu đựng nổi một nhà nước như thế, Winston âm thầm chống đối. Anh liên kết với một người tên là Charrington và O’Brien, người làm cùng sở với anh. Ngoài ra, anh còn lôi kéo cô tình nhân Julia. Họ gặp nhau và thảo luận về việc gia nhập tổ chức bí mật “Brotherhood” có mục đích lật đổ nhà độc tài. Chưa làm được gì thì anh đã bị bắt. Hóa ra, Charrington là một cảnh sát tư tưởng còn O’brien là thành viên cao cấp của đảng. Winston và Julia bị bắt. Nàng thú nhận rằng nàng cũng đã phản bội anh. Sau khi bị tra tấn và tẩy não, Winston hoàn toàn bị khuất phục.

Cốt truyện không có gì gây cấn. Tác giả chỉ muốn đẩy ý niệm về một nhà nước toàn trị đến chỗ tuyệt đối của nó. Trong ý niệm đó, nhà nước toàn trị là một xã hội hoàn toàn mới, trong đó, đảng là Thượng Ðế. Xã hội đó sẽ như thế nào? Ðó là một xã hội, “Sẽ không còn sự trung thành nào khác ngoài trung thành với đảng. Sẽ không còn tình yêu nào ngoài tình yêu đối với Big Brother. Sẽ không còn nụ cười nào ngoài nụ cười mừng chiến thắng khi kẻ thù bại trận. Sẽ không còn nghệ thuật, không còn văn chương, không còn khoa học. Khi chúng ta có quyền năng vô biên thì chúng ta đâu có cần gì đến khoa học. Sẽ không còn phân biệt giữa đẹp và xấu. Sẽ không còn sự tò mò, không còn cái thú hưởng thụ cuộc sống. Tất cả những lạc thú sẽ bị hủy diệt (…). Nếu anh muốn có một hình ảnh về tương lai thì hãy tưởng tượng đó là một chiếc giày ống đạp lên trên một khuôn mặt người – mãi mãi,”

Khác với “Trại Súc Vật” đề cập đến một cuộc cách mạng kiểu Cộng Sản và sự phá sản của nó, 1984 mô tả một thế giới trong đó hình thức nhà nước toàn trị đã đạt đến giai đoạn ổn định và đang trên đường hoàn chỉnh lý tưởng mà nó đã đặt ra. Ðó là một nhà nước mà quyền lực đạt mức cao nhất đến độ trở thành vô chính phủ. Xã hội đó hầu như vô luật pháp, vì không có gì còn được gọi là bất hợp pháp nữa. Một xã hội nghịch đảo.

***

Tại sao “1984” lại trở thành “bestseller” lúc này? Theo nhận định của Peter Stansky, người viết tiểu sử Orwell, thì sự gia tăng số lượng sách bán ra xuất hiện từ sau khi nữ cố vấn của Trump, Kellyanne Conway, sử dụng từ “alternative facts” để biện hộ cho phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Sean Spicer khi ông này nhất quyết cho rằng số lượng người tham dự buổi lễ nhậm chức của Tổng Thống Trump nhiều hơn Obama trước đây, mặc dù các hình ảnh và số thống kê cho thấy điều ngược lại. “Alternative facts” có nghĩa là “những sự kiện chọn lựa.” Nghĩa là, theo ý Conway, Spicer vẫn đúng dù không phù hợp với những gì diễn ra trong thực tế. Ðiều đó nhắc người ta nhớ đến loại từ vựng trong tự điển “Newspeak” mà Orwell nêu ra trong 1984, “whiteblack,” “duckpeak,” nghĩa là nói sao cũng được miễn phù hợp với ý định của nhà cầm quyền. Ý kiến này được dư luận trên mạng xã hội và nhiều cơ quan truyền thông như CNN, New York Times, USA Today, Quarzt, vân vân – cái mà ông Trump cho là chuyên môn đưa tin giả (fake news) và nặng nề hơn, bị ông kết án là “kẻ thù của nhân dân Mỹ” (Media is the enemy of the American People) – chia sẻ.

Thực ra, “1984” đã bắt đầu bán chạy kể từ khi Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, 8 Tháng Mười Một 2016 và đạt đến cao điểm sau khi bà Conway phát biểu từ “alternative facts.” Ðây là một phản ứng với một Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Cách vận động tranh cử bất thường cũng như các sử dụng ngôn ngữ không nhất quán (flip-flop) để hạ bệ và vượt thắng các đối thủ cũng như để tấn công và bôi nhọ truyền thông của Trump khiến người ta lo sợ một Trump-tổng-thống sẽ thao túng sự kiện và ngôn ngữ và do đó, có nguy cơ đưa Hoa Kỳ đến một sự khủng hoảng chính trị tệ hại. Hiện tượng “bestseller” của“1984” có vẻ như là một lời cảnh cáo của công luận về một chế độ độc tài toàn trị có thể thoát thai từ cơ chế dân chủ. Ðây không phải là lần đầu tiên, 1984 gia tăng số lượng bán. Thời Tổng Thống Reagan mới lên cầm quyền năm 1981, sách cũng bán chạy vì người ta sợ rằng Reagan có thể trở thành độc tài. Và gần đây nhất vào năm 2013, lúc Edward Snowden, nhân viên hợp đồng của của cơ quan National Security Agency, tiết lộ chương trình dò thám cá nhân quy mô của chính phủ Hoa Kỳ, sách cũng bán rất chạy.

Nhưng Stansky đồng thời cũng cho rằng, chính Internet cũng đã góp phần khiến cho các sự kiện bị bóp méo. Ðó là nơi chồng chất thông tin, đúng lẫn sai vì là nơi “cha chung không ai khóc,” người ta có thể điều chỉnh, sửa đổi, ngụy tạo tin tức và sự kiện một cách dễ dàng để ảnh hưởng đến công luận.

Tóm lại, một lần nữa, “1984” của George Orwell lại xuất hiện đúng lúc như một lời cảnh báo đến các nước dân chủ về nguy cơ của một chế độ toàn trị được khởi đầu bằng những lời lẽ mỵ dân và gây xúc động.

————–
Tham khảo:
– “Nineteen Eighty-Four,” George Orwell, nxb Hatcourt, Brace and Company, New York, 1949
– USA Today, CNN, New York Times, Quarzt… các ngày 25, 26/1/2017

Mời độc giả xem phóng sự: “Đi ăn vịt quay Bắc Kinh ở Virginia”

MỚI CẬP NHẬT