Tuesday, April 23, 2024

Một tuần báo văn học thời chiến

Viên Linh/Người Việt

Do một vụ dọn nhà, một thùng hộp giấy cũ kỹ méo mó hiện ra dưới mắt tôi, trong có bìa báo tuần báo Nghệ Thuật xuất bản năm 1965.

Đây là tờ báo gây nhiều dư luận tốt, nhất là về sự sáng tạo trẻ trung và mỹ thuật, quy tụ gần như không thiếu một nhà văn nhà thơ nhà biên khảo nổi tiếng nào của miền Nam Việt Nam, kể cả những người những khuynh hướng đối nghịch nhau. Tới nay là 63 năm sau, người ta đã có thể kiểm chứng dễ dàng.

Về thơ, có Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, bên cạnh có Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Hoàng Trúc Ly. Về kịch có Vi Huyền Đắc, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan bên cạnh có Trần Lê Nguyễn. Về nhạc có Phạm Duy, Phạm Đình Chương bên cạnh có Cung Tiến, Anh Ngọc (trong tòa soạn).

Về văn có Lê Văn Trương Bình Nguyên Lộc, bên cạnh có Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn. Dịch thuật biên khảo có Mặc Đỗ, Nguyễn Hữu Hiệu. Phê bình nghiên cứu có Nguyễn Nhật Duật, Cao Huy Khanh.

Về họa thì phong phú với Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Nguyễn Trung…

Năm 1965 là năm khởi đầu cho những vận động chính trị quân sự văn hóa của miền Nam, thu nhỏ vào tờ tạp chí nói trên, mà tổng thư ký và thư ký tòa soạn lần lượt là Thanh Nam (từ số 1-17), Viên Linh (1-57).

Từ 1965 tới 10 năm kế tiếp, chúng tôi đã gặp đã tiếp xúc với một thế hệ cầm bút đặc biệt của miền Nam: Những người cầm súng mau hơn bút, những nhà văn trẻ từ 18 trở lên vừa bước vào hay đang trong quân đội, chúng tôi cùng độc giả đã chứng kiến một thế hệ nhà văn sinh tử với văn chương báo chí trong và ngoài mặt trận. Có thể nói là chưa từng có.

Cùng tờ Nghệ Thuật là tuần báo, chúng tôi còn song hành biên tập các tờ tạp chí bạn như Khởi Hành, Văn, Vấn Đề, Thời Tập,… không kể những tờ xuất hiện khoảng năm năm trước đó như Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ, Hiện Đại. Mấy tờ sau này có mặt năm năm đầu thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1954-1960). Tờ Nghệ Thuật đánh dấu giai đoạn Quân Đội cầm quyền, số 1 ra vào Tháng Mười, 1965.

Bài vở bên trong xem qua mục lục một số ta thấy:

-Tiểu luận Nguyễn Nhật Duật: Người văn nghệ trước bản thân, thực tại đời sống, trước nghệ phẩm và người khác.

-Tiểu thuyết dịch: Khởi đăng truyện dài “Phận Người” của André Malraux do Tô Thùy Yên dịch.

-Có ba truyện dài: “Viên Đạn Đồng Chữ Nổi” của Mai Thảo, “Vạch Một Chân Trời” của Sơn Nam, “Dấu Mặt” của Thanh Tâm Tuyền.

-Truyện ngắn “Sayonara” sáng tác của Lê Huy Oanh.

-Truyện ngắn dịch: “Ngôi Làng Cám Dỗ” của Frank Kafka, Đinh Hoàng Sa dịch.

-Thơ của Cao Thoại Châu, Hoàng Ngọc Biên.

-Thơ hay Tiền Chiến, Nguyễn Đăng (Mai Thảo) chọn và bình: “Thu” của Chế Lan Viên.

-Điểm phim trong tuần: Hồ Tùng Nghiệp (Viên Linh) xem và bình: “Les Hors-la-Loi de Casa Grande.”

-Phổ nhạc thơ tự do: Cung Tiến phổ và dẫn giải bài “Lệ Đá Xanh,” thơ Thanh Tâm Tuyền.

(Nghệ Thuật in khổ giấy 9.5 x 12.5 phân Anh, ghi rõ 34 trang, giá bán 8 đồng một số. Tòa soạn tại 233 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn).

Nếu không cần ghi rõ xuất xứ từng số báo, còn nhớ một số những tác giả sau đây đã từng cộng tác với Nghệ Thuật: Tam Ích, Nguyễn Vỹ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Văn Trung, Trần Trọng San, Tuệ Mai, Lê Xuyên, Chu Tử, Tú Kếu, Nguyên Sa, Thanh Nam, Bùi Giáng,… (Viên Linh)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Mì bò sốt cà chua”

MỚI CẬP NHẬT