Thursday, March 28, 2024

Mùa-thu-chết!

BP

Hôm nay là Thứ Năm, 4 Tháng Mười, 2018. Chào Tháng Mười, chào những ngày đầu Thu. Thu về từ Chủ Nhật (23 Tháng Chín). Về, bằng cơn mưa dai dẳng. Mưa thôi. Không gió se, không lá rụng. Chỉ những giọt lệ trễ tràng của Chức Nữ-Ngưu Lang. Mưa rửa sân. mưa tưới vườn. Gọn gàng, sạch sẽ. Để tiếp đón những ngày nắng đẹp. Và, suốt một tuần liền, chúng tôi có nắng ấm, kéo trở lại nhịp đời rộn rã, cho những nhịp chân mạnh mẽ lên đường.

Nói đến Thu là nói đến gió , mưa và lá rụng. Đó là 3 điều kiện “ắt có và đủ” để mùa được gọi là Thu: Thu-Tây-Phương. Ở miền Nam quê hương ta, không hẳn phải là thế. Nhiều nhạc sĩ , thi sĩ đã viết về Thu-Miền-Nam.

Nếu với Ngô Thụy Miên, “mùa thu mưa bay gió nhẹ,” với Trịnh Công Sơn “lá rụng đầy song,” với Phạm Duy “mùa thu nức nở, tiếng thở dài,”  thì Nguyễn Tất Nhiên lại thú nhận “Thu Miền Nam không có lá vàng bay/ anh phải nói buồn chúng ta màu trắng…” Đó là Thu đồng bằng. Thu cao nguyên thì dường như lại khác. Mà có vẻ như cao nguyên này cũng không giống cao nguyên kia. Như Pleiku và Đà Lạt.

Năm xưa, một chiều đi lên, đi xuống Pleiku, anh khách lạ Vũ Hữu Định than thầm “ở đây buổi chiều/ quanh năm mùa Đông.” Đà Lạt thì lại khác. Trong khi Đức Huy “cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ” thì không thấy một sũng nước nào trong Hoài-Thu của Văn Trí. Có thể bạn ta không nhớ tên nhạc sĩ nhưng ca khúc (duy nhất) này của ông, nhưng chắc bạn đã một lần nghe qua “Mùa Thu năm ấy/ trên đưòng đến miền cao nguyên/ Đà Lạt núi rừng sơn xuyên/…”?

Tôi có cái may mắn là đứa em út trong một gia đình mà mấy anh chị rất yêu nhạc. Yêu nên mua nhiều bài hát, yêu nên mới đến đóng thành mấy cuốn album nhạc tuyệt vời, để giữ cho lâu và để “trân trọng”  Khi các anh chị đi học xa, mấy cuốn album được thằng em út rà tới rà lui, lúc mới học guitare. Và một trong những ca khúc mà nó yêu nhất là Hoài-Thu của Văn Trí, khi tập chơi slow-fox.

Mang slow chậm buồn pha với fox reo vui, slow-fox có cái duyên-dáng-nửa-chừng của một người thiếu phụ: nửa con nít , nửa người lớn, nửa vui-vui, nửa buồn-buồn. Vậy đó, mà giết người không kịp trở tay! Bạn ta “đoạn trường qua lại dài dài mấy chiếc cầu” có thể xác định với tôi điều đó, n’est-ce pas?

Khác với các bài thu-ca, “Hoài Thu” không ướt át, không lê thê, không mất mát ê chề, không âu sầu não nuột. Mà nó chan hòa nắng ấm, gió nhẹ mơn man qua những khu rừng đầy lá rụng. Đó là một cái không gian không lắm vui mà cũng chẳng quá buồn. Một không gian chỉ làm cho viễn khách bâng khuâng.

Khi hát đến đoạn cuối “…Nhịp chân ai đấy/ Hay là gió thoảng xa xôi/ Gió nào rung động tim tôi/ Hay là dư âm thu rồi?,” tôi lại nhớ những câu thơ Hàn Mặc Tử: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng/ Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?” Có gì khác nhau giữa môt thu cao nguyên và một ngày xuân chín đồng bằng? – Không có gì khác cả. Chỉ là một nỗi bâng khuâng!

Trong tuần đầu Thu năm nay, mưa chưa kịp thấm đất, lá chưa kịp thay màu thì đã bao nhiêu xác người nằm xuống: Cơn động đất gây ra “sóng quỷ” ở đảo Sulawesi, hôm Thứ Sáu 28 Tháng Chín tuần qua, đã làm thiệt mạng trên 1,400 người Nam Dương! Cũng tối Thứ Sáu đó, khoảng 20 giờ 30, chúng tôi mất đi một người em, người bạn trẻ! Chúng tôi biết được cái tin “kinh khủng” ấy vào sáng Thứ Bảy 29, qua email một bạn ta. “Kinh khủng,” “kinh hoàng” là những chữ của bạn tôi!

“Trời ơi, Long chết rồi!” nhà tôi kêu lên! Tôi nghe mà lặng người, không có phản ứng gì !

Long là một trong vài ba“thằng em” (52 tuổi) mà tôi rất mực yêu mến. Yêu từ cái dễ thương, lễ phép, yêu đến cái duyên dáng cợt đùa. Yêu và nể phục. Về sự can đảm của hai vợ chồng. Từ một thanh niên tỵ nạn trắng tay, phải lao ngay vào đời để mưu sinh, Long đã làm đủ mọi thứ nghề, thượng vàng ít hơn hạ cám, cuối cùng dừng chân ở nghiệp “nhà hàng”: Cùng bà xã, hai vợ chồng Long gồng mình mở quán. Long kể: “Tụi em có biết… mẹ gì đâu, mà cũng chẳng thầy bà nào dạy. Chơi đại! Đi vòng vòng mấy nhà hàng ở “khu 13,” copier mấy cái thực đơn “dễ dễ” (dễ nấu, Tây ăn được).Vợ đứng bếp, chồng vừa làm mà miệng tế thần, ăn thử đồ vợ nấu, trước khi mang ra cho khách, vừa chạy bàn, giao duyên với khách! Thế mà trúng lớn! Nhờ biết làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” như “tặng” 1 món ăn chơi, hay “chùa” một ly cognac vân vân.

Quen biết lâu, từ khi Long là vua ảo thuật trong các buổi văn nghệ, nhưng thân tình thì chỉ mới 6, 7 năm nay. Đã có nhà hàng to, phía sau là một phòng tiếp tân (nhảy đầm) lớn, trên lầu 5, 6 phòng ngủ rộng. Thế mà đôi vợ chồng “trẻ” lại gồng mình tậu thêm cái villa không xa chỗ làm là mấy. Cả ngàn mẫu đất. Hai căn nhà nối lại. Chủ Nhật đóng cửa nhà hàng thì ông chủ lại tay búa, tay hồ, sửa lại nhà cửa theo ý mình.

Từ 3, 4 năm nay, cứ sắp tàn Xuân vào Hạ  là vợ chồng Long mời bạn bè (có khi lên tới 4, 50) tới ăn nhậu, ca hát, nhảy đầm. Từ trưa tới chiều tối, khiến tôi gọi đùa là một “beautiful Sunday.”

Tôi nói với Long: “Mai mốt có ngày giờ, em kể lại để anh viết hồi ký dùm em. Từ chuyện đắm tàu, trôi vào hoang đảo, đến chuyện chun ống thông hơi làm hệ thống điều hoà không khí, bị dị ứng “len” làm ngứa ngáy, mất ngủ mấy tháng trời. Rồi chuyện nấu bếp cương, chuyện “bricoler” đại nhà hàng, vân vân.” Chúng tôi ngoéo tay hứa như thế. Nhưng bây giờ thì sẽ không bao giờ có chuyên đó nữa! Hồi ký chưa viết ra đã “đi” theo tác giả!

Cả ngày Thứ Bảy 29, sang đến Chủ Nhật 30, nghĩ đến Long, nước mắt tôi cứ chực trào! Dẫu khi đang bơi, dẫu lúc làm vườn… Cứ nghe bên tai tiếng em cười cười, mời cái “beautiful Sunday,” hồi đầu Tháng Bảy. Tiếc là chúng tôi không dự được! Đấy cũng là lần cuối tôi nghe tiếng thằng em dễ thương: “Dạ, anh B., em Long! Long. L.đây. Tụi em mời anh chị…”

Tháng Mười Một năm ngoái, tôi mất Alain. Tháng Mười Một năm trước nữa, mất Tiến, thằng em nghệ sĩ, rồi mất Giang, người bạn collège. Trước nữa là Lộc, ông bạn chịu chơi. Rồi Quân, ông vua Rock (cũng Tháng Mười Một). Bạn ta Chiểu, “hết mình” với anh em, cuối Tháng Mười (2006). Không nói đến những thân tình khác, đa số mấy ông bạn thân của tôi đều chọn mùa Thu mà đi. “Thu đi cho lá vàng rơi/ lá rơi cho đám cưới về” là của Đoàn Chuẩn. Với tôi, từ 12 năm nay, thu đi là người đi/về: những vành tang trắng!

Chủ Nhật, 30 Tháng Chín, René Petillon, một trong những tài danh biếm họa Pháp qua đời (72 tuổi). Sáng Thứ Hai, 1 Tháng Mười, là đến lượt Charles Aznavour, cây đại thụ cuối cùng trong âm nhạc Pháp (94 tuổi), tác giả của nhiều ca khúc mà tôi rất yêu: La Bohème/ For me formidable/ Emmenez moi… Và: “Hier encore,” mà mỗi lần nghe là vẫn ngần ấy xúc động…” Hier encore/ j’avais vingt ans/ je caressai le temps/ j’ai joué de la vie/ comme on joue de l’amour et je vivais la nuit…” Đó là tôi, là chúng ta, thời 20 tuổi! Ngày hôm qua! Ôi, ngày hôm qua!..

Như thế, mùa Thu năm nay, với tôi, lại thêm một mùa thu chết! Dù không một “cụm hoa thạch thảo” nào bị ngắt đi! Thu chết cùng em đấy, Vũ Long!

BP
(Nguồn: LBP. [email protected]; qua Khai BUI <[email protected])

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT