Thursday, March 28, 2024

Ngôi sao hài tắt lịm, nghệ sĩ Văn Chung vĩnh viễn ra đi

Ngành Mai/Người Việt

Sân khấu cải lương kể từ đây vắng bóng cây cười Văn Chung, ông đã theo chân Năm Châu, Má Bảy Phùng Há về với tổ nghiệp ở bên kia thế giới vào lúc 2 giờ 7 phút sáng Thứ Ba, 23 Tháng Giêng, tại bệnh viện UCI, Orange, California, hưởng thọ 90 tuổi.

Từ thập niên 1950 sang qua những năm đầu thập niên 1960, người trong giới, cũng như khán giả khó ai tiên đoán được Văn Chung từ một anh kép mùi lại chuyển sang kép hề, để rồi tên tuổi trở thành ngôi sao chói rạng trên bầu trời nghệ thuật.

Trong hoạt động sân khấu, hề chiếm giữ vai trò khá quan trọng, tuồng hát không thể thiếu hề, đó là quy luật bất thành văn của cải lương. Nói đến hề Văn Chung thì người ta nghĩ ngay đến những tràng cười ồn lên cả rạp.

Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh quán tại Hiệp Hòa, nơi có lò đường Hiệp Hòa thuộc quận Đức Huệ, tỉnh Long An. Thời kỳ chiến tranh, quận Đức Huệ sáp nhập tỉnh Hậu Nghĩa, và bây giờ thì Hiệp Hòa thuộc Long An như cũ. Thân phụ của Văn Chung là nhạc sĩ Quách Văn Hồ chuyên sử dụng cây độc huyền cầm và thổi tiêu. Gia đình nhạc sĩ chẳng khác gì cái “lò” nho nhỏ vậy, nên lên 9 tuổi là Văn Chung có điều kiện học hát.

Năm 1946 lúc chiến tranh nổi lên, đa số dân chúng vùng Hiệp Hòa đi lánh nạn, và Văn Chung đi Sài Gòn xin vào làm kiểm soát viên cho hãng xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn. Thời đó con đường Trần Hưng Đạo được gọi là đường xe lửa giữa, nhà ga chính của hãng xe lửa điện đối diện rạp hát Văn Cầm, Chợ Quán.

Xuống Sài Gòn, Văn Chung cư ngụ xóm lao động gần chợ Nancy, ngày đi làm, tối đến đi với nhóm đờn ca tài tử cổ nhạc, và giới cổ nhạc ở đây đã gọi Văn Chung là Sáu Nancy (do ở xóm nhà lá gần chợ Nancy).

Cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Chung khởi đi từ đờn ca tài tử ở vùng Chợ Quán, và quanh quẩn khu vực phía bên này cầu Chữ Y, nơi mà rất nhiều ca sĩ miền Lục Tỉnh lên đây lánh nạn chiến tranh.

Sau gần bốn năm làm kiểm soát viên ở hãng xe điện, đến khoảng năm 1950 thì Sáu Nancy đổi nghề bằng cách gia nhập vào ngành cảnh sát. Lúc bấy giờ so với những bậc đàn anh thì Văn Chung được kể như tài năng trẻ, nên danh ca Tám Thưa đã mời Văn Chung gia nhập “Ban Việt Nam Cổ Nhạc Kịch Đoàn” để cùng trình diễn với Bảy Quới, Ba Ngươn, Sáu Vị và hai nữ danh ca Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh (Tám Thưa có chương trình ở đài phát thanh Pháp Á).

Danh hài Văn Chung. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Tuy vậy, ban chỉ hát tuồng ở đài rồi phát đi cho thính giả nghe tiếng chớ không ai thấy diễn thế nào như hát trên sân khấu. Qua làn sóng phát thanh thính giả nghe Văn Chung có vai trò trong vở hát “Ngọn Cỏ Gió Đùa” của soạn giả Duy Lân, và tiếp đó người ta lại nghe Văn Chung trong tuồng “Tội Của Ai” của soạn giả Năm Châu. Cũng trong vở hát “Tội Của Ai” mà Văn Chung gặp Thanh Hương và chẳng bao lâu thì tình đồng nghiệp đổi ra tình vợ chồng.

Tuy ca hát diễn tuồng ở đài phát thanh suốt mấy năm, nhưng Văn Chung vẫn còn ăn lương cảnh sát, nói rõ hơn là chỉ những giờ không có đi làm việc thì mới có mặt ở nơi ca hát mà thôi. Mãi đến khi bắt đầu lên sân khấu biết mình hát được Văn Chung mới làm đơn xin thôi việc.

Sau mấy năm chỉ ca hát ở đài phát thanh, đến khoảng năm 1955 cặp vợ chồng nghệ sĩ Văn Chung-Thanh Hương có dịp lên sân khấu ra mắt khán giả, thay vì thời gian qua thiên hạ chỉ nghe tiếng mà không thấy hình dạng người nghệ sĩ ra sao.

Số là năm ấy ba đào kép chánh gánh Thanh Minh là Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thúy Nga cùng lúc rời khỏi đoàn tách ra cùng với Thanh Tao lập gánh Kim Thanh (cả bốn người đều là giám dốc).

Đào kép cột trụ bỏ đi hết, tạo cho gánh Thanh Minh của bầu Năm Nghĩa một lỗ hổng lớn, tình trạng xuống dốc thấy rõ bởi đêm nào cũng lưa thưa người coi hát, thay vì trước đó luôn đầy rạp.

Năm Nghĩa cũng là nghệ sĩ nổi danh, nhưng lúc ấy căn bệnh trầm kha đã vương vào người không thể hằng đêm lên sân khấu được. Lâu nay ông từng nghe người trong giới đồn đãi rằng ở đài phát thanh có giọng ca Thanh Hương đang được thính giả khắp nơi mến chuộng. Năm Nghĩa đến hãng dĩa hát ở gần đài để gặp Văn Chung, Thanh Hương mời đôi nghệ sĩ trẻ này về cộng tác.

Văn Chung được giao cho vai Vũ Khanh là vai chánh trong tuồng “Người Nô Lệ” thay thế Út Trà Ôn. Thế nhưng Văn Chung làm sao thay thế được đệ nhứt danh ca chứ! Thành thử ra gánh Thanh Minh vẫn tình trạng đi xuống.

Cũng nên biết rằng thời đó khán giả đi coi cải lương mục tiêu là nghe ca vọng cổ, còn tuồng hay dở chỉ là phụ thôi. Với Thanh Hương thì dễ dàng giao vai chánh. Vì làn hơi ca Thanh Hương ăn bứt Kim Chưởng, Thúy Nga, nhưng hơi ca của Văn Chung mà so với Út Trà Ôn thì chắc rằng khán giả đâu chấp nhận được.

Khổ nỗi thời đó, khi nghệ sĩ đã thành vợ chồng rồi thì bầu gánh muốn mời về phải mời luôn cả hai, chớ không thể mời một người, chẳng hạn như bầu Sinh thành lập gánh Hương Hoa, ông muốn mời đào Ngọc Nuôi, bắt buộc phải mời luôn Việt Hùng thì bà Ngọc Nuôi mới chịu về cộng tác. Và trong trường hợp Năm Nghĩa cũng vậy, muốn mời Thanh Hương về đoàn Thanh Minh thì phải mời luôn cả Văn Chung.

Một thời gian ở đoàn Thanh Minh thì cặp Văn Chung, Thanh Hương về đoàn Năm Châu, tức đoàn hát của thân phụ Thanh Hương. Lúc gánh Năm Châu rã gánh, cặp này đầu quân gánh Kim Thanh và khi đoàn Kim Thanh rã, đào Kim Chưởng lập gánh mời cặp Văn Chung, Thanh Hương gia nhập và đoàn lấy bảng hiệu Kim Chưởng-Thanh Hương. Tiếp đó thì hai người đi gánh Hữu Tâm của bầu Ba Khuê.

Năm 1959 mãn giao kèo với đoàn Hữu Tâm, cặp vợ chồng Văn Chung-Thanh Hương đứng ra lập gánh hát lấy tên bảng hiệu Thanh Hương-Văn Chung. Gánh hát đang làm ăn khá thì nội bộ không ổn, Văn Chung rời bỏ gánh hát, rồi không hiểu sao, động lực nào đưa đến khiến cho ông không còn ca vọng cổ mà trở thành kép hề luôn cho đến bây giờ. (Ngành Mai)


Đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt

Kể từ nay giới đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử.

Riêng những người yêu thích, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả. Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Little Saigon tiễn đưa nghệ sĩ danh hài Văn Chung”

MỚI CẬP NHẬT