Friday, April 19, 2024

Nhà văn di dân Ha Jin

Trần Doãn Nho/Người Việt

Ha Jin, chữ Hán viết là 哈金 (Hà Kim), sinh năm 1956 tại một thành phố phía Bắc Trung Hoa, thuộc tỉnh Liêu Ðông. Cha là một sĩ quan trong Quân Ðội Nhân Dân Trung Quốc.

Lúc nhỏ, ông mới đi học được hai năm thì trường được lệnh đóng cửa vì ông Mao Trạch Ðông bắt đầu thực hiện cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Gia đình Ha Jin cũng là một trong những đối tượng bị phê phán. Sách của cha ông bị mang ra đốt. Mẹ ông thì bị phê bình dữ dội.

Không biết làm gì hơn, ông phải gia nhập Hồng Vệ Binh. Trong mấy năm trời, ông “mang băng đỏ, vẫy cờ và hát những bài ca cách mạng.” Ðến năm 14 tuổi, ông khai gian tuổi để được gia nhập quân đội, chỉ vì lúc đó, nhà nước tuyên truyền rằng Liên Xô sắp tấn công Trung Quốc mà ông thì không muốn chết tại nhà.

Giống như mọi người, Ha Jin “muốn được trở thành một anh hùng, một kẻ tuẫn đạo.” Ông được điều ra đóng quân ở biên giới Liên Xô-Trung Quốc. Rốt cuộc sau mấy năm nhà cầm quyền làm ầm ĩ mà chẳng hề có chiến tranh, ông được giải ngũ năm 19 tuổi. Ông kiếm việc làm và bắt đầu học Anh văn.

Năm 1977, ông được nhận vào trường Đại Học Hắc Long Giang và học hết bốn năm ở đó, môn chính là Anh văn. Vào những năm đầu thập niên 1980, khi các chính sách của nhà nước nới lỏng, ông theo học Đại Học Shangdon và tốt nghiệp cao học văn chương Mỹ.

Thời gian này, ông mê say William Faulkner, Saul Bellow, Theodore Roethke… và bắt đầu nuôi mộng viết văn bằng Anh Ngữ. Nhờ sự giúp đỡ của một số giáo sư thỉnh giảng từ Hoa Kỳ sang dạy tại Đại Học Shangdon, năm 1985, ông được học bổng sang du học ở Hoa Kỳ để lấy bằng tiến sĩ.

Ông theo học tại trường Đại Học Brandeis, thành phố Waltham, bang Massachusetts, đặc biệt nghiên cứu về thơ của Ezra Pound, T.S. Eliot, và Yeats. Ông có ý định về lại Trung Quốc để dạy học sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại đây.

Nhưng vào năm 1989, khi chứng kiến cảnh sinh viên biểu tình và cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp thô bạo tại quảng trường Thiên An Môn, ông quyết định xin định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. “Trong thâm tâm, tôi không nghĩ là điều đó lại xảy ra. Tôi đã luôn luôn cho rằng quân đội Trung Quốc có mặt để bảo vệ nhân dân.”

Từ đó, số mệnh của Ha Jin rẽ sang một khúc ngoặt mới.

Ha Jin bắt đầu viết khi đang còn theo học tại Đại Học Brandeis. Ông thường lợi dụng thì giờ rảnh rỗi khi làm ca đêm tại một xưởng hóa chất ở Waltham, để viết. Lúc đầu, ông làm thơ bằng tiếng Anh.

Do sự gợi ý của một ông thầy, Jin mang một vài bài thơ đến cho nhà thơ Frank Bidart, cũng đang dạy học tại Đại Học Brandeis, đọc thử. Ðọc xong, Bidart sửng sốt phát biểu: “Thật là kỳ lạ khi biết ra rằng những bài thơ được sáng tác bởi một người mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Anh ta có một cách diễn đạt tuyệt vời.”

Một trong những bài mà Bidart thích nhất là “The Dead Soldier’s Talk.” Bài thơ, theo Bidart, hay đến nỗi khi ông đọc qua điện thoại cho một người bạn là Jonathan Galassi (lúc đó là tổng biên tập nhà xuất bản The Paris Review và sau đó là tổng biên tập của nhà xuất bản Farrar, Straus & Giroux) công nhận ngay là thơ hay.

Ít năm sau, tập thơ đầu tiên ra đời, trong đó có bài “The Dead Soldier’s Talk.” Bài thơ viết về tâm trạng đặc thù của một người lính trẻ Trung Quốc, bị chết đuối chỉ vì tìm cách vớt một bức tượng Mao Trạch Ðông bằng thạch cao trong một tai nạn chìm tàu vào Tháng Chín, 1969. Bức tượng được mang đặt trong viện bảo tàng, anh lính chết thì được huy chương và người mẹ mất con thì vẫn lao động vất vả hằng ngày kiếm sống.

Nhưng sở thích của Ha Jin là viết văn. Ông ghi danh theo học khóa viết văn tại trường đại học Boston University. Tuy viết tiếng Anh rất đạt, nhưng ông lại nói không lưu loát. Lối phát âm của ông nặng nề, khiến cho không khí lớp học những lúc có thảo luận tương đối khó khăn.

Truyện của Ha Jin viết rất táo bạo về mặt tình dục, khiến một vài nữ sinh viên cảm thấy không thoải mái. Cô Jhumpa Lahiri, bạn cùng lớp, người có một tuyển tập truyện ngắn “Interpreter of Maladies” (1999) cho biết, “Anh ấy là một người rất dễ thương, nhưng truyện của anh ấy thật ghê. Có nhiều cảnh hiếp dâm tàn nhẫn. Có cảnh một người đàn ông tự thiến mình. Tôi nhớ là có người đã khiếp đảm và nổi giận vì cái cảnh ấy.”

Một trong những thầy dạy ông, Giáo Sư Leslie Epstein, cho biết ông còn nhớ rất rõ những lần thảo luận sôi nổi trong lớp học. “Một trong những truyện hay nhất của anh ta ‘Man-to-Be’ có một cảnh hiếp dâm kinh khủng trong đó một người đàn ông chỉ phục hồi được nhân tính khi anh ta nhìn vào trong đôi mắt của người đàn bà mà anh ta sắp hiếp.”

Một trong những màn gây ấn tượng mạnh nhất trong tác phẩm nổi tiếng “Waiting” cũng là cảnh hiếp dâm, trong đó, nhân vật chính là cô Manna Wu bị hiếp dâm một cách tàn nhẫn. Ðược hỏi về những màn sex đó, Jin cho biết: “Truyện của tôi không phải là những chuyện nhẹ nhàng. Vấn đề tôi luôn luôn đặt ra là: làm sao viết về những điều khủng khiếp mà không đưa tới chỗ tầm thường, dung tục. Tôi cho rằng tôi có thể đẩy mọi điều xa hơn cái người ta mong đợi. Nhưng theo tôi chính cái đó là cách trắc nghiệm chính mình như là một nhà văn.”

Giống như hầu hết những nhà văn, nhà thơ Việt Nam hải ngoại, Ha Jin chỉ viết về quá khứ, tức là về cuộc sống ở nước Trung Hoa Cộng Sản mà anh từng sống. Ðiều này làm ông khác hẳn với một số nhà văn Mỹ gốc Á Châu nổi tiếng khác như Amy Tan, Gish Jen (gốc Trung Hoa) hoặc Chang-rae Lee (gốc Ðại Hàn), chỉ viết về xã hội Hoa Kỳ mà họ đang sống.

Truyện của Ha Jin phản ảnh rất sắc nét nhiều hình thái cuộc sống trong nước Trung Hoa Cộng Sản, nhất là sau thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Ðồng thời cũng cho thấy nhiều tập tục, thói quen cũ vẫn tồn tại và tồn tại mạnh mẽ, dưới hình thức này hay hình thức khác, có dịp chúng lại trồi lên, gây nên những chuyện trái khoáy, vừa bi vừa hài.

Được hỏi tại sao tại một người viết tiếng Anh hay như ông lại nói không trôi chảy, Ha Jin trả lời, khác với nói, trên trang giấy, “Tôi có thể dùng tất cả thời gian tôi cần. Tôi có thể kiên nhẫn. Tôi có thể làm việc, làm việc cho đến khi tôi nghĩ rằng tôi đã hầu như đúng.”

Lúc đầu, theo ông, “Tôi chỉ viết cho có viết.” Nhưng khi đã viết được rồi, ông cảm thấy viết tiếng Anh mang lại cho ông một mùi vị tự do mà ông không bao giờ cảm nhận được khi viết bằng tiếng Hán. “Tôi đã từng nhiều phen làm thơ bằng chữ Hán, nhưng tôi không thích mấy. Chữ Hán quá văn chương, quá trí thức và bị tách khỏi ngôn ngữ đời thường hằng ngày. Nó không có cái uyển chuyển của tiếng Anh. Bởi thế mà tôi dần dần bắt đầu vắt cái não trạng văn chương kiểu Trung Hoa ra khỏi đầu óc.”

Ðược hỏi về chuyện học Anh văn và viết văn bằng Anh văn, Jin cho biết: “Trong những năm đầu, trông giống như (tôi) phải chịu một sự truyền máu, giống như phải thay máu hoàn toàn.” Còn bây giờ thì sao? Ha Jin trả lời: “Tôi đã đi quá sâu vào Anh văn rồi. Ngôn ngữ cũng giống như nước. Ta sống trong đó rồi, rất khó mà trở lại được như cũ.”

Về kinh nghiệm viết truyện, ông nhận xét: “Ta có thể đi vào một truyện ngắn và đi ra dễ dàng. Nhưng nếu viết truyện dài, phải lặn sâu mình vào trong đó hoàn toàn trong một thời gian đã. Ta giống như bị hút bởi tác phẩm.”

Ha Jin đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong đó, truyện dài “Waiting” (Đợi Chờ) đoạt giải National Book Award và Giải Faulkner Award năm 1999 và truyện dài “War Trash” (Rác Rưởi Chiến Tranh) đoạt giải Faulkner Award năm 2004.

Với thành tích đó, ông được xếp ngang hàng với những nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ như Philip Roth, John Edgar Wideman và đã được đưa vào Viện Hàn Lâm Văn Chương Nghệ Thuật Hoa Kỳ (American Academy of Arts and Letters) năm 2014.

Ha Jin hiện đang dạy tại đại học Boston University. (Trần Doãn Nho)

Tài liệu tham khảo:
-Wikipedia.
-Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện (Trần Hữu Thục)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT