Tuesday, April 23, 2024

Nhân một cái phân ưu

Viên Linh/Người Việt

Mới 2 Tháng Giêng, 2019, do dậy sớm nên tôi đọc báo trên mạng hơi lâu, đọc tới cả cáo phó, phân ưu, và thấy một cái phân ưu bên dưới kê tên tới gần một trăm danh tính, thoáng nhìn đã thấy tên nhiều bạn học thời trẻ, nhìn lại tên người quá cố, chính là bạn mình thời trung học. Thế ra Nguyễn Đức Nhuận không còn nữa.

Phân ưu chỉ có ba chữ Nguyễn Đức Nhuận, không ngày sinh hay nghề nghiệp, nên phải đọc vào thành phần những người chia buồn xem liên hệ mới biết chắc. Trong phân ưu không nói gì về Nhuận, với tôi anh còn là đồng nghiệp trong nhiều năm, anh nguyên là người chủ trương tạp chí Thứ Tư, có thời cùng nhà văn Vũ Bằng thực hiện tạp chí Văn Học của Phan Kim Thịnh nữa. Hai người bạn này Nhuận và Thịnh, không rời nhau từ hồi đó như tôi biết.

Nửa cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước, chúng tôi ở khoảng tuổi 15, 16, từ miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 vào Nam, thảy đều gặp nhau không ở Chu Văn An thì Nguyễn Trãi, không ở Nguyễn Trãi thì không ở đâu khác ngoài Hồ Ngọc Cẩn, ba trường trung học công lập thời đó, mà Hồ Ngọc Cẩn, tên một ông tổng giám mục, đương nhiên là nhiều, rất nhiều, học trò Thiên Chúa Giáo (bài này không đề cập các trường địa phương hiện hữu từ trước và vẫn đang hoạt động, cũng như các trường nữ).

Giai đoạn hậu 1954 ở Sài Gòn sau này có thể coi là chỉ chấm dứt vào Tháng Tư, 1975, tách riêng ra các thứ, 1954-1975 là thời hoàng kim của văn học nghệ thuật miền Nam, vì có thời nào khác mà mọi bộ môn văn nghệ đều phát triển tối đa, sách được xuất bản hàng trăm cuốn trong một tháng, các kiosques sách báo băng nhạc ngoại quốc và thổ sản tràn ngập khắp nơi.

Đã thế tôi còn muốn chú thích thêm, ngay cả bây giờ đây ở Arlington, Virginia, nhiều lần lên xe một người bạn chở đi đây đó, tôi đều nghe thấy tiếng hát từ xe anh vọng ra, trước khi anh vặn nhỏ lại để trò chuyện với tôi. Đó là những giọng ca quen thuộc từ nửa thế kỷ qua, hoặc là “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương,” hoặc là “Nửa Đêm Ngoài Phố,” hoặc là Khánh Ly, hoặc là Thanh Thúy, Lệ Thu, hoặc là Tuấn Ngọc, hoặc là Sỹ Phú, Vũ Khanh… Chưa có một thời nào văn nghệ Việt Nam lại phong phú và kéo dài cả nửa thế kỷ sau nơi những người xuất thân từ thời kỳ đó, và sau cả thời kỳ đó.

Rời Việt Nam năm 1975 tôi không rõ trực tiếp hiện tượng “nhạc vàng” sau đó như thế nào, song tổng thể mà nói, từ nhạc vàng tới thơ đen, thơ xám, từ sách báo tới tiểu thuyết 20 năm 1954-1975, đó là khoảng thời gian lạ kỳ của văn học nghệ thuật Việt Nam.

Gia đình nhà thơ Nguyễn Bính. (Hình: Zing)

Bạn đọc Người Việt theo dõi loạt bài chân dung văn nghệ sĩ ký giả Việt Nam ký tên Viên Linh trên mặt báo Người Việt – khởi sự từ 2010, vào mỗi Thứ Năm – chắc chắn không phải Thứ Năm nào cũng đọc, nhưng giả dụ quý bạn đọc hết, thì số bài đã đăng trên tám năm qua (mỗi năm có 52 tuần lễ), 52 tuần x 8 năm ta có = 416 tuần lễ hay 416 bài (chỉ kể từ 2011 tới hết 2018). Trên thực tế, năm 2014 tác giả vào Cedar Sinai Hospital giải phẫu tim mạch, nghỉ ba tuần, vậy còn 416 – 3 = 413 bài.

Theo cách viết của tác giả, Tháng Giêng chỉ viết về những văn nghệ sĩ trí thức ra đi trong Tháng Giêng (từ trần trong Tháng Giêng Dương Lịch, các ngày tháng âm lịch đều được chuyển ra dương lịch đúng cách). Trong cuốn I, nhan đề “Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam,” chúng tôi đã in lại và bổ sung bài viết của các vị ra đi vào Tháng Giêng (nhắc lại, tính theo dương lịch), như sau:

1-Viên Chiếu Thiền Sư (Viên Chiếu mất vào đời Lý, chúng tôi đã tìm ra ngày giỗ của ông tính theo âm lịch, và đổi ra dương lịch, nhằm ngày 28 Tháng Giêng, 1091).

2-Nguyễn Bính.

3-Tam Ích.

4-Tuệ Mai.

5-Mai Thảo.

6-Xuân Vũ.

Và với dạng thức này, Tháng Giêng viết về những vị ra đi vào Tháng Giêng, cuốn II của bộ “Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam” đang được thực hiện.

Cuốn I dày gần 500 trang khổ lớn (6×9”), cuốn II cũng sẽ in cùng dạng thức, nghĩa là chương I của cuốn II (hay có thể của cả cuốn III), Tháng Giêng cũng là chương I.

Cứ như thế, bài viết về những người ra đi vào Tháng Hai dương lịch sẽ được xếp vào chương II và tuần tự như thế cho tới chương XIII. Một năm chỉ có 12 tháng, sở dĩ có chương XIII là dành cho tháng nhuận, năm nhuận, tức là những trường hợp ngoại lệ nếu có.

Chúng ta vừa bước vào Tháng Giêng, 2019, cũng khoảng tháng này nhà thơ Nguyễn Bính qua đời ngay nơi quê quán Nam Định của ông, nhưng vào năm 1965. Chí ít lâu sau tôi viết bài “Nguyễn Bính, hệ lụy trong cuộc đời” đăng trên tuần báo Nghệ Thuật, số 3, Tháng Mười, 1965.

Nguyễn Bính còn những bài trăm câu một vần, những bài hành dào dạt. Hành của Nguyễn Bính là số một, bài “Hành Phương Nam” chẳng hạn, một nhân thế vây bọc con người sảng khoái phóng túng. Cuồn cuộn như mây, như nước, lôi cuốn ở đó cái bạc bẽo, giả nghĩa của cuộc đời, qua đó trái tim là tất cả, tâm hồn là trước hết.

Một thân lận đận nơi trời xa
Nằm nghe mưa rơi trên mái nhà
Gió bắt vào thu đầy tiếng lá
Đời tàn mộng đẹp tiếc xuân qua.

Cũng may cho những người lưu lạc
Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà.
Mấy tháng chưa nguôi sầu hận cũ
Nằm đây chăn chiếu của người ta.

Đĩa đèn chết đuối thân hồ hải
Chung Tử đi rồi lẻ Bá Nha
Khá thương nghìn đặm thân là khách
Nằm đọc liêu trai bạn với ma…
(Viên Linh)

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT