Thursday, April 18, 2024

Những con chữ ‘tử tế’ trong ‘Khoảnh Khắc Chiêm Bao’ của Nguyên Giác

Du Tử Lê/Người Việt

Cư sĩ Nguyên Giác (nhà thơ Phan Tấn Hải) người có nhiều cống hiến giá trị cho nền văn học Phật Giáo Việt Nam ở quê người, lại mới gửi tới độc giả của ông tác phẩm tựa đề “Khoảnh Khắc Chiêm Bao.”

Trong phần “Lời Thưa,” tác giả viết:

“Tuyển tập này thuần là cảm xúc riêng, mang tính chủ quan của tác giả đối với một số người hoạt động văn học nghệ thuật liên hệ tới nhà Phật. Tất cả những dòng chữ được viết lên vì thiện ý. Một số bài điểm sách cũng được viết từ cương vị thân tình riêng, hoàn toàn không phải là phê bình văn học.

Tác giả viết trong tấm lòng trân trọng tất cả những người đã đem chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa để làm đẹp hơn cho cuộc đời, cùng lúc là để làm sáng tỏ ý nghĩa Phật pháp. (…)

Nhan đề sách ‘Khoảnh Khắc Chiêm Bao’ là mượn bốn chữ cuối bài thơ bốn câu của Thầy Tuệ Sỹ. Xin chép bài thơ của Thầy Tuệ Sĩ như sau:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Quá khứ không hề có, vì chỉ là ký ức trong tâm. Tương lai không hề có, vì chỉ là phóng chiếu của tâm. Hiện tại không hề có, vì chỉ là khoảnh khắc giữa hai thời không hề có, và cũng vì không ai nắm giữ được. Nhưng đau đớn đã hiển lộ trong kiếp này, bất kể thực tướng là vô ngã. Những dòng chữ này được viết từ khoảnh khắc chiêm bao đó.”

Trong phần “Lời Tựa” của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, có đoạn:

“…Tôi từng nghe Giáo Sư Nguyễn Văn Trường nói chuyện tu hành bản thân và nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói về văn hóa Phật Giáo tại chùa Việt Nam bên Houston độ nào. Họ cũng được thính chúng lúc đó ngưỡng mộ và thu nhận những bài nói chuyện này như một kiến thức chớ không phải là những tín điều để theo đó mà tu tập.

Sách ‘Khoảnh Khắc Chiêm Bao’ của cư sĩ Nguyên Giác cũng vậy, đem kiến thức đến người đọc hôm nay và mãi xa trong tương lai, nhưng chắc chắn không phải là những tín điều (…)

Duyên may biết bao cho những ai được đọc ‘Khoảnh Khắc Chiêm Bao.’”

***

Với 27 tiểu mục mà, mở đầu là “Nén hương dâng cụ Nghiêm Xuân Hồng,” Nguyên Giác viết:

“Một tháng trước khi từ trần, cụ đã nói với người con trai là một hai tháng nữa ‘thì tao đi.’ Và đúng bốn tuần sau đó, cụ ra đi.

Buổi chiều ngồi trên xe về nhà, cụ nhìn trời và nói với người con trai đang lái chở cụ về nhà, ‘Bầu trời đổi sắc rồi.’ Và đêm hôm đó, cụ ra đi.

Hình ảnh cụ Nghiêm Xuân Hồng lúc nào cũng thanh thản, kể cả khi rũ áo lìa đời. Những điều cần phải làm, cụ đã làm cả. Và làm rất tận lực. Một thời thơ trẻ, cụ cũng liều thân cứu nước, cố gắng suy nghĩ cho ra một lý thuyết về giai cấp tiểu tư sản để tìm phương hướng đấu tranh và xây dựng đất nước. Rồi cụ tham chính, giữ cả chức bộ trưởng. Và rồi cụ bỗng nhiên thấy mình xa lạ với đủ thứ trò quỷ quái chính trị, nên trở về với Kinh Phật, tìm nghĩa cứu cánh, tận lực thăm dò cho ra thật tánh để chữa tận căn gốc muôn bệnh của chúng sinh. (…)

Điều hay nhất nơi cụ Hồng chính là việc cụ chuẩn bị cho cái chết. Ít người làm được như vậy. Cụ đã sống với cái Nguồn Thiền Như Huyễn và Hoa Nghiêm Tạng Pháp Giới nhiều hơn một thập niên cuối đời – trong các cảnh giới đó, cái sống và cái chết đã hòa lẫn vào nhau, tương nhập, tương tức.

Đó chính là chỗ của công án ‘Sống ư, chết ư.’ Nói sống cũng sai mà nói chết cũng sai. Trong các khoảnh khắc của hiện tiền không hề có cái gọi là sống hay chết. Nó chỉ thế là thế. Cụ Hồng đã liên tục đi dạo trong cảnh giới Như Huyễn và Hoa Nghiêm Tạng trong nhiều năm thì làm sao mà cái chết với cái sống bận chân cụ được. Chỉ đơn giản, thấy mệt thì dứt áo ra đi. Đâu có bao nhiêu người làm được chỗ này.” (Khoảnh Khắc Chiêm Bao, trang 7)

Kế tiếp trong bài “Tuệ Sỹ Đạo Sư và các Phương Trời Viễn Mộng,” Nguyên Giác viết:

“…Tuyển tập ‘Tuệ Sỹ Đạo Sư’ biên tập bởi Thượng Tọa Nguyên Siêu, được in và phát hành bởi Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, sẽ ra mắt tại hải ngoại tuần này, những ngày giữa tháng 4-2006, giữa lúc vị thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ vẫn còn bị quản thúc tại quê nhà.

Thực sự, Thầy Tuệ Sỹ không phải là một thi sĩ theo nghĩa đời thường. Hãy đọc lại bài thơ ‘Cúng Dường’ của Thầy:

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bình bát lệ vô ngôn.”

Đây thực sự không phải là thơ. Các dòng chữ trên đã vượt qua những gì ngôn ngữ loài người có thể chuyên chở. Đó chính là hoa từ cõi trời thả mưa vào ngục tối, để một nhà sư nhặt chữ lên và cúng dường Phật. Đó không phải là chữ, mà chính là nước mắt, là nỗi đau đớn của cơ thể khi cầm chén cơm lên và là nỗi thương xót khi thấy thế gian đầy máu hận, và rồi vị sư này thốt lời cảm ân đức của Đấng Thế Tôn… Bài thơ  “Cúng Dường” chữ Hán này mang sức mạnh bất tử của các dòng kệ trong những nghi thức tụng kinh.

Bản dịch:

“Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.”
(Tuệ Sỹ Đạo Sư, trang 91)

Trong tuyển tập “Tuệ Sỹ Đạo Sư,” có in một thư ngỏ của Thầy Tuệ Sỹ gửi các Tăng Sinh Thừa Thiên Huế, ngày 28 Tháng Mười, 2003, có đoạn được cư sĩ Nguyên Giác trích lại, nguyên văn như sau:

“…Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố dao động mang tính thời đại. Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong chia sẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khởi tô ngọn đèn chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa…’

Bức thư trên ngay lập tức đã mang tính bất tử, dù bị nhà nước CSVN ngăn cấm nhưng đã được lưu giữ và phổ biến rộng rãi trong giới tăng ni Phật tử. Không một cuốn sách nào trong nước in lại lá thư gửi các tăng sinh trẻ đó, nhưng âm vang của các dòng chữ đã in sâu vào tâm của bất kỳ Phật tử nào một lần được nghe qua. Đó là sức mạnh của chân lý, của Phật pháp. Thầy Tuệ Sỹ, người mang án tử hình đã và đang khắc chữ vào dòng lịch sử dân tộc và Phật Giáo bằng chính cuộc đời Thầy. Từng việc làm, từng lời nói, từng dòng chữ của Thầy đều không hề xa lìa hạnh Bồ Tát.” (Khoảnh Khắc Chiêm Bao, trang 11, 12)

***

Trên đây chỉ là hai bài trong số 27 bài viết của cư sĩ Nguyên Giác, chúng tôi trích dẫn theo thứ tự của tác phẩm.

Theo tôi thì, từ dòng chữ đầu tiên tới cuối cùng, tác giả đều không rời xa tấm lòng chân thành biết ơn và, chia sẻ hết mực của một cư sĩ và, cũng là một nhà thơ.

Vẫn theo tôi, thì, đó cũng là những con-chữ-tử-tế đáng kể trong sinh hoạt văn học nghệ thuật hôm nay, của chúng ta, vậy. (Du Tử Lê)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT