Thursday, March 28, 2024

Phan Kế Bính và các nhân vật nước Nam

Viên Linh

Một trong những nhà Nho đỗ đạt mà không ra làm quan, sống bằng nghề dạy học tư và viết văn làm báo như là nghề nghiệp sinh nhai là Phan Kế Bính, tác giả nhiều danh phẩm trong văn học sử Việt Nam, trong có những cuốn trở thành kinh điển từ đầu thế kỷ XX như Nam Hải Dị Nhân (Những người kỳ tuyệt ở nước Nam). Cuốn sách này in năm 1909, (nhưng ở dưới bài tựa lại ghi 9 April 1912) có lẽ là tác phẩm đầu tay của ông được in thành sách, còn đăng báo thì năm 1907 ông đã phụ trách mục Hán văn trên tờ Ðăng Cổ Tùng Báo, rồi tiếp theo, viết cho những tờ báo thế giá của thời chữ quốc ngữ còn phôi thai: Ðông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn.

Nam Hải Dị Nhân là một nhan đề giản dị, trong khi chữ Dị Nhân của ông đã được dùng cho Trưng Nữ Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Ðôn, Tản Viên sơn thần, Liễu Hạnh tiên chúa, Từ Thức, Tả Ao, Nguyễn [Ðoàn] Thị Ðiểm, dịch giả Chinh Phụ Ngâm; như thế, chữ Dị Nhân nên hiểu là những nhân vật khác thường, siêu việt.

Phan Kế Bính quan niệm như thế nào về những con người đó, và vì sao ông chọn họ về viết trong những bài viết những năm ông khoảng xấp xỉ 30 tuổi?
Bài Tựa của ông sẽ giải thích hai câu hỏi đó, và hơn thế nhiều, sẽ cho ta thấy tâm tư của một nhà văn Việt Nam mấy chục năm cuối thế kỷ XIX và hai chục năm đầu của thế kỷ XX. Nét chính trong bài Tựa của ông là câu hỏi này: “…mình là người nước Nam, mà sự tích các bậc danh giá trong nước Nam mình không biết, chẳng hóa ra kiến thức của mình kém lắm dư?”

“Hào kiệt anh tài là khí tinh anh của một nước: cho nên nước nào cũng có, mà thời nào cũng có. Lớn thì gây dựng nên thời thế, tô điểm cho non sông; nhỏ thì lập nên công nghiệp, để danh tiếng về sau; cũng là làm gương cho đời cả.”

“Nước Nam ta từ xưa đến nay, trải hơn 4000 năm, chẳng thiếu gì người tài đức, người danh tiếng,…”

Trong cuốn Nam Hải Dị Nhân, Phan Kế Bính viết về từng nhân vật một, dài ngắn tùy theo, và đã phân loại các dị nhân anh kiệt tài đức của đất nước ra làm 8 lãnh vực:

-Các bậc đại anh kiệt, 7 người, dẫn đầu là Trưng Vương.
-Các bậc danh thần, 9 người, dẫn đầu là Lý Thường Kiệt.
-Các bậc danh hiền, 4 người, dẫn đầu là Mạc Ðĩnh Chi.
-Các bậc văn tài, 8 người, dẫn đầu là Nguyễn Hiền.
-Các bậc mãnh tướng, 9 người, dẫn đầu là Lê Phụng Hiểu.
-Các vị thần linh ứng, 8 vị, dẫn đầu là Sử [Chử] Ðồng Tử.
-Các vị tiên tích, 6 vị, dẫn đầu là Từ Thức.
-Các người có danh tiếng, 4 người, dẫn đầu là Ngô Soạn.

Tổng cộng là 55 vị. Trong 55 vị ấy, khoảng 45 người là những anh hùng hào kiệt, danh sĩ, thánh hiền, vương tướng, số còn lại là tiên thánh (Liễu Hạnh tiên chúa ở Vụ Bản Nam Ðịnh, thơ từ ca nhạc hiển linh; Từ Thức người Thanh Hóa, từ quan lên thiên thai, từ cõi trần vào thiên quốc; Phù Ðổng Thiên Vương ở Bắc Ninh, dùng lửa dẹp giặc phương Bắc, người ở nhà trời; Tản Viên sơn thần trên núi cao ở Sơn Tây, và những kẻ đối nghịch nơi thủy phủ – Sơn Tinh Thủy Tinh; Thần bạch mã thành Thăng Long, phá vụ xây thành của giặc Bắc; Phạm Viên người Nghệ An có phép tiên chỉ biết có hai chữ mà được trọng vọng; Chử Ðồng Tử ở Hưng Yên, có gậy vạch sông dẫn thủy nhập điền nuôi dân no ấm,…).

Nhà văn Phan Kế Bính (1875-30 Tháng Năm, 1921). (Hình: Viên Linh cung cấp)
Nhà văn Phan Kế Bính (1875-30 Tháng Năm, 1921). (Hình: Viên Linh cung cấp)

Phan Kế Bính người làng Thụy Khuê huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Ðông, sinh năm 1875 trong một gia đinh Nho học, năm 1906 thi đỗ cử nhân song không theo đường công sự, ở nhà dạy học tư và viết văn làm báo. Theo nhà văn Nguiễn Ngu Í, Phan Kế Bính “học cổ, nhưng lúc viết theo phương pháp mới” nên văn ông sáng sủa, là “một trong số ít người cựu học gia nhập làng báo sớm nhất. Ông giữ một vai trò quan trọng trong các báo Ðông Cổ Tùng Báo, 1907; Ðông Dương Tạp Chí, 1913; Trung Bắc Tân Văn, 1915; Học báo, 1919.” Ông từ trần ngày 30 Tháng Năm 1921, mới 46 tuổi.

Tác phẩm: Nam Hải Dị Nhân liệt truyện (1912), Hưng Ðạo Vương truyện (1912), Việt Nam Phong Tục (1915), Việt Hán Văn Khảo (1918). Truyện dịch có: Tam Quốc Chí (1907), Ðại Nam điển lệ toát yếu (1915), Ðại Nam nhất thống chí (1916), Việt Nam khai quốc chí (1917). Ngoài tên thật ông còn ký vài bút hiệu như Bưu Văn, Liên Hồ Tử.

Trong Nhà Văn Hiện Ðại, ông Vũ Ngọc Phan viết: “Trong các nhà Nho viết văn hồi bấy giờ, văn Phan Kế Bính đáng coi là những áng văn xuất sắc hơn hết. Văn ông đã sáng suốt, lời lại đanh, nhiều câu đọc chắc nịch.” Văn thơ dịch của ông rất hay. Bài thơ dưới đây trích lại theo Vũ Ngọc Phan:

Núi Bàn Cốc nhà ngươi ở đấy
Ðất trong hang cầy cấy dễ sao?
Suối kia tắm rửa ào ào
Ấy nơi xa vắng ai nào muốn tranh.

Hang sâu thẳm thanh thanh rộng rãi
Ðường quanh co qua lại trập trùng
Cảnh hang vui thú lạ lùng
Hùm beo lánh vết, rắn rồng náu thân.

Sự quái gở quỉ thần giúp hộ
Vui ăn chơi cho độ tuổi già
Ta về sắm ngựa xe ta
Theo vào hang đó la cà cùng ngươi.
(Phan Kế Bính dịch Cổ văn Hàn Xương Lê, Ð.D. tạp chí, số 173, tr. 768)

Mời độc giả xem Người Việt Bếp Việt 2: Gỏi cầu vồng

MỚI CẬP NHẬT