Thursday, March 28, 2024

‘Quyền thứ năm’

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Quyền thứ năm,” dịch từ tiếng Pháp, “Le cinquième pouvoir,” một nhóm từ mới do Ignacio Ramonet Miguez sáng tạo ra cách đây gần 15 năm, là tựa đề của một bài báo khá dài được đăng tải ngay trang đầu của số báo “Le Monde diplomatique” phát hành vào Tháng Mười, 2003.

Trong bài này, Miguez phân tích tình hình chính trị văn hóa thời đại toàn cầu hóa, đề ra khái niệm về quyền thứ năm, và cách hành xử  thứ quyền mới mẻ này trong thế giới hiện đại. Dù viết đã lâu, nhưng quan điểm của Miguez vẫn đầy tính thời sự. Xin tóm tắt những ý chính trong tiểu luận này để giới thiệu đến bạn đọc.

Tại sao lại gọi là “quyền thứ năm?” Quyền thứ năm, được sử dụng để chỉ hệ thống thông tin toàn cầu (media) bao gồm Internet, dư luận công chúng và hệ thống kinh tế toàn cầu, là loại “quyền thứ tư” được bổ sung, cải tiến và tăng cường thêm nhằm chống lại sự lạm dụng thông tin của tập đoàn truyền thông quốc tế trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay.

Như hầu hết chúng ta đều biết, “quyền thứ tư” là quyền tự do báo chí. Trong một chế độ dân chủ, để tránh sự lạm dụng quyền hành, người ta đã thực hiện ba thứ quyền ngang nhau và kiểm soát lẫn nhau là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dẫu vậy, kinh nghiệm cho thấy quyền hành vẫn có thể bị lạm dụng, đưa đến những thất bại và sai lầm. Do đó, quyền tự do báo chí được xác lập để giúp ba thứ quyền trên tránh được những thất bại và sai lầm đó. Để bảo vệ quyền này, trong rất nhiều trường hợp, các nhà báo, phóng viên nhiều khi phải trả một cái giá rất đắt: bị tấn công, bị bắt cóc hoặc bị ám sát như ở các nước Colombia, Guatamala, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Philippines, vân vân.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, khi sự toàn cầu hóa mỗi ngày mỗi gia tốc, thì cái “quyền thứ tư” này dường như càng ngày càng bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nó mất dần chức năng chính yếu của nó như là một “đối quyền” (contre-pouvoir) nhằm bảo đảm sự tự do, công chính cho xã hội.

Lý do là vì, ở giai đoạn này, thay vì quan hệ giữa ba thứ quyền hành phân lập truyền thống trong một quốc gia, chúng ta chứng kiến một sự đụng đầu giữa thị trường và nhà nước, giữa khu vực tư và công, giữa cá nhân và xã hội, giữa sự ích kỷ và tình liên đới. Quyền hành thực sự bây giờ nằm trong tay của những tập đoàn kinh tế toàn hành tinh và những xí nghiệp toàn cầu mà sức nặng trong công việc thế giới của họ đôi khi có vẻ còn quan trọng hơn công việc của các chính phủ và quốc gia.

Họ bây giờ là những “ông chủ mới của thế giới,” bao gồm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (IB) và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), tập hợp nhau hằng năm ở Davos, trong khung cảnh của “Diễn đàn kinh tế toàn cầu.”

Chính trong khung cảnh địa lý-kinh tế này mà sản xuất ra một hóa thân quyết định của ngành truyền thông đại chúng, ngay trong lòng cơ cấu kỹ nghệ của chúng. Các đài phát thanh, các công ty báo chí, truyền hình và Internet tự tái tập hợp để xây dựng những tập đoàn truyền thông có tầm cỡ thế giới trong đó là những xí nghiệp khổng lồ như News Corp, Viacom, Aol Time Warner, General Electric, Microsoft, United Global Com., Disney, Telefonica,…

Ba lãnh vực văn hóa đại chúng, văn hóa giao tiếp và thông tin vốn độc lập, bây giờ dần dà nhập vào nhau dưới sự chi phối của những xí nghiệp truyền thông khổng lồ, đến nỗi không thể nào phân biệt được cái nào và cái nào. Sản xuất dây chuyền tăng gấp bội số lượng phát ra đủ mọi loại lẫn lộn nhau: TV, hoạt họa, phim ảnh, trò chơi điện tử, CD, nhạc, DVD, ngành xuất bản sách, báo, tiểu thuyết…

Tóm lại, những tập đoàn truyền thông có hai đặc tính mới: Thứ nhất là chúng chiếm hữu tất cả những gì có được từ sách báo, truyền thanh, truyền hình và phát ra trên những kênh khác nhau (báo chí, TV, truyền thanh, Internet). Thứ hai là chúng có tính toàn cầu, không còn chỉ nằm trong biên giới quốc gia hay địa phương nữa.

Những siêu xí nghiệp này, do cơ chế tập trung, tìm cách mua hết những xí nghiệp truyền thông khác nhau trong nhiều nước, nhiều lục địa và trở thành vai trò trung tâm của chính sách toàn cầu hóa tự do. Họ tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng cách áp lực lên các chính phủ địa phương để bãi bỏ các điều luật chống độc quyền. Những tập đoàn này, tuy mang tiếng là truyền thông, nhưng không hành xử vai trò của “quyền thứ tư” nghĩa là chống lại sự lạm dụng quyền hành, sửa sai những lầm lẫn của chế độ dân chủ, do đó, không còn hành động như một đối quyền (contre-pouvoir). Lúc lâm sự, họ lại còn là một bổ sung cho quyền hành đang hiện hữu.

Trong cuộc chiến ý thức hệ cho chính sách toàn cầu hóa, truyền thông được sử dụng như một vũ khí chiến đấu. Lượng thông tin, do sự bùng nổ thông tin, một mặt trở nên đa dạng và quá dồi dào, đáp ứng đủ thứ nhu cầu của người tiêu dùng – nhưng mặt khác lại đang bị ô nhiễm, đầu độc bởi đủ loại ảo tưởng, xuyên tạc, biến dạng và âm mưu. Trong trường hợp này, thông tin cũng giống như lương thực thực phẩm.

Từ xưa, vì thiếu ăn, người ta tìm cách khắc phục sự thiếu đói bằng cách tăng nhanh sản lượng lương thực. Ðời sống, nhờ thế, được nâng cao. Nhưng từ khi lương thực dồi dào, người ta nhận thấy nhiều đồ ăn bị nhiễm trùng, nhiễm độc do sử dụng thuốc trừ sâu (để tăng sản lượng), đưa đến bệnh tật. Tóm lại, trước, người ta chết vì đói, bây giờ người ta chết vì bị nhiễm trùng. Như đồ ăn, thông tin bây giờ thừa mứa đồng thời bị “nhiễm trùng” nặng nề. Nó đầu độc tinh thần, ô nhiễm óc não, nhồi nhét vào trong ý thức và vô thức những thứ mà chúng ta không có hoặc không cần có.

Bởi thế, theo Miguez, bổn phận của những người yêu tự do là phải tìm cách chống lại. Cần hình thành một ngành nghiên cứu gọi là “L’écologie de l’information” (môi trường học về thông tin) mà mục đích là rửa sạch, đè bẹp cơn “thủy triều đen” (marée noire) này, hay nói cách khác là để tẩy trùng thông tin.

Cần tạo ra tổ chức “L’Observatoire internationale des médias (Media Watch Global = MWG = Tổ chức giám sát truyền thông toàn cầu). Ðó là một vũ khí hòa bình nhằm chống lại thứ siêu quyền hành của các tập đoàn thông tin lớn. Hay nói cách khác, đó là “quyền thứ năm” thay thế hẳn cho “quyền thứ tư” bây giờ đã mất tác dụng. Tự do thông tin không phải là tự do trưng thu bởi các tập đoàn có thế lực. MWG xây dựng thành một đối quyền (contre-pouvoir) chống sự lạm dụng thông tin. Tổ chức mới này tập hợp ba loại thành viên:

-Những nhà báo, chuyên môn hay không chuyên môn, đang làm việc hay nghỉ hưu thuộc tất cả mọi loại truyền thông.

-Các giáo sư, học giả, những nhà nghiên cứu mọi lãnh vực và đặc biệt những chuyên gia về truyền thông trong các trường đại học, vốn là nơi hiện ít bị ô nhiễm bởi truyền thông nhất.

-Những người thụ hưởng mọi loại truyền thông: khán giả, thính giả, độc giả…

Trong lúc những người chủ trương toàn cầu hóa tuyên bố rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của những xí nghiệp toàn cầu, tổ chức truyền thông mới này phải xác định rõ rằng đó cũng là thế kỷ của truyền thông và đảm bảo truyền thông đó thuộc về mọi công dân. Ðược biết, phiên họp đầu tiên của tổ chức mới này đã diễn ra tại Paris vào ngày 24 Tháng Chín, 2003, dưới sự chủ tọa của Giáo Sư Armand Mattelart, chuyên gia về khoa học truyền thông.

Bài viết không trực tiếp đề cập đến văn học nghệ thuật vì văn học nghệ thuật được bao gồm trong truyền thông nói chung. Nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo cũng như nhà báo, cùng với những tác phẩm của họ, phải được quyền diễn tả tư tưởng một cách tự do và không bị các tập đoàn xuyên quốc gia lợi dụng và lũng đoạn.

Ignacio Ramonet Miguez là nhà văn và nhà báo, sinh ngày 5 Tháng Năm, 1943, tại Redondela, Tây Ban Nha (Spain). Ông tốt nghiệp Đại Học Bordeaux Montaigne (Pháp) và đã từng đảm nhiệm vai trò tổng biên tập của nguyệt san văn hóa chính trị Pháp “Le Monde diplomatique” trong 17 năm (1991-2008). (Trần Doãn Nho)

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ đồ giả giữa Los Angeles”

MỚI CẬP NHẬT