Thursday, March 28, 2024

Sách Mới: Tản Văn Thi

Hà Châu

Sách Mới: Tản Văn Thi
Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Minh
Văn Học Press xuất bản, Tháng Năm, 2018
Giá bán $15. 00
Mua trên Amazon, xin bấm vào đường dẫn sau:
https://www. amazon. com/dp/1986736768/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1525122603&sr=8-1&keywords=tan+van+thi

Tản Văn Thi là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Thị Khánh Minh. Chúng ta hãy xem những ý kiến về tác phẩm này của Vũ Hoàng Thư: “…Hành trình thơ là một hành trình tìm về tuyệt đối đối với Khánh Minh. Không chấp nhận dễ dãi, chữ nghĩa chọn lọc vì thơ là mạch sống của chính bản thân cô… (trang 172), Hồ Đình Nghiêm: “…Thơ văn của người mang tên Nguyễn Thị Khánh Minh sẵn lòng thì thầm với bạn về thứ hạnh phúc tự nó đang đi trên sợi dây căng ngang hai đầu: Tuyệt vọng và Hy vọng…” (trang 157), Tô Đăng Khoa: “…Đó là đồn lũy cuối cùng của Chí Thiện trước vòng phong tỏa của muôn trùng cái Ác. Sự “dị thường” của việc nhận ra “xứ sở chiêm bao” này là: cái Ác không còn khả năng làm ta nao lòng nữa…” (trang15), Trịnh Y Thư: “…Từ một thực tại linh động, từ cái mà chị gọi là “bức tranh sắc mầu cuộc sống,” chị đã nâng niu nuôi nấng cảm xúc rồi phó thác nó vào chiêm bao thơ mộng, và nhờ hơi thở bùa phép thi ca cho nó một đời sống mới, một siêu-thực-tại…” (trang 176)

Và khi tác phẩm này xuất hiện ở trong nước, Đỗ Hồng Ngọc mới viết một bài có tên là: Một vài cảm nghĩ khi đọc Tản Văn Thi của Nguyễn Thị Khánh Minh “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (*), đề Saigon 24.5.2018. Ông mở đầu: “Tôi không tin Tản Văn Thi của Khánh Minh là giấc mơ, là huyền thoại, là chiêm bao. Trái lại, nó rất hiện thực. Nó rất ở đây và bây giờ. ‘Đó là bức tranh sắc mầu cuộc sống’: bức tranh của một gia đình hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ như ‘Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo… Tôi nghe tiếng còi tàu…” (Kỷ Niệm, Phạm Duy)

Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng chim trao lòng tin cậy; chỉ ở đó mới có bờ vai nương tựa sớm hôm; chỉ ở đó mới có những ánh mắt sao trời thơ trẻ; và đôi cánh bay lên những ước mơ đằm thắm ngọt ngào của người thi sĩ, luôn nhắc nhở mình “đừng như bóng mây tan.” Phải rồi. Chỉ ở đó mới có tiếng reo vui Tat-bà-ha của Tâm kinh Bát nhã khi thấy biết “ngũ uẩn giai không/ độ nhất thiết khổ ách.” Bát nhã (Prajnã) là cái nhận thức có trước nhận thức, là cái trí tuệ có trước trí tuệ, không đếm đo, toan tính, nó vậy là nó vậy. Và chỉ ở đó, người ta mới thực sự hồn nhiên, thực sự reo vui:

“Tiếng chim ríu rít mách tôi sự trong trẻo ban mai trao lòng tin cậy.
Bóng đêm mở nỗi sợ cho tôi tìm ra ánh sáng bờ vai nương tựa.
Những vì sao tặng tôi cách nhìn ngây thơ trong sáng.
Gió cho tôi đôi cánh và đường bay mơ ước con người.
Bóng mây tan nhắc tôi mỗi phút giây ở lại bên mình yêu dấu.
Tiếng cười bé thơ cho tôi nghe reo vui lời tâm kinh bát nhã.

(Khánh Minh, Khoảnh Khắc Giấc Mơ)
(*) Trịnh Công Sơn

MỚI CẬP NHẬT