Wednesday, April 24, 2024

Sài Gòn trong thơ văn

Viên Linh/Người Việt

Rất tự nhiên mà thôi thúc, mấy câu thơ lục bát xa xăm bỗng hiện lên trong tâm tưởng một buổi chiều có chút hơi nước thổi về, như tự một cơn mưa xa, như tự một luồng sóng gần, khiến tôi nhớ tới thành phố thân yêu một thuở:

Ngồi đây trong quán Sài Gòn
Lòng không muốn ở, chân còn chưa đi.
Giữa đời tôi kẻ phân ly
Dửng dưng lúc được, ù lỳ hồi thua.

Ngồi đây đối cảnh tiêu sơ
Quỷ tôi về đỉnh nhà thơ đầu thai
Kiếp tôi lướt thướt hình hài
Da căng thập tự, xương mài mộ bia.
Xa em, chuông gióng tin về
Ầm vang biển nhớ lê thê phố sầu.
Xa em, để tóc nuôi râu
Làm chim xếp cánh trong lầu mộng hư…
(Viên Linh, Ngồi Quán; Hóa Thân, 1964)

Bài thơ này làm trong một lúc xa Sài Gòn, nhưng nhớ lúc ngồi quán ở Sài Gòn. Hay cũng có thể hiểu còn đang ngồi trong quán ở Sài Gòn mà đã nghĩ tới lúc xa Sài Gòn thì nó như thế! May thay bài thơ có ghi ở dưới: 1969-1970, thời gian ấy tôi vừa tình nguyện nhập ngũ, nhưng khi nhập ngũ đã biết mình chỉ phải xa Sài Gòn một thời gian ngắn, chỉ đủ để thụ huấn quân sự cho phải phép rồi về lại trở về Sài Gòn để tiếp tục phục vụ cho trọn vẹn ba năm nghĩa vụ quân sự của một thanh niên thời chiến. Nói thế thôi, thời gian ấy đã nhân lên gấp đôi, hơn gấp đôi, là bảy năm.

Mỗi người yêu thủ đô một cách, tôi yêu Sài Gòn cách nào mà hôm sinh nhật ngoài 30, sau gần 20 năm ở Sài Gòn, tôi thấy mình già cỗi:

Hôm nay năm tận, Sài Gòn
Tôi nghe khiếp hãi tâm hồn già nua.
Giật mình con quỷ ban trưa
Tiếc mùa hoan lạc còn chưa đủ hời”
(Như thế là chưa yêu Sài Gòn hết cỡ, yêu còn thiếu, còn ít)

Hôm nay trời đất có tôi
Trên ba mươi tuổi làm người lãng quên
Xuân hồng, một góc thiếu niên
Năm năm mê mải những miền hoài nghi.

Trên ba mươi tuổi ù lỳ
Đêm về kéo cửa ngày đi kiếm mình
Cảnh đời một cõi u minh
Cảnh tôi thấp thoáng bóng hình những ai?”

Như thế là đang mất mình, hay sắp mất mình trong một Sài Gòn u minh, thấy niềm tin mình hao hụt và dường như cho rằng mình chưa yêu Sài Gòn cho thật xác đáng lẽ yêu và sự yêu:

U mê hết tháng năm dài
Chân trong lối kiệt, hồn ngoài bến không
Hôm nay năm tận, bàng hoàng
Giục thêm tiệc rượu nhồm nhoàm đĩa vơi.

Nhìn ra cảnh cỗi, riêng tôi
Trong hiên viễn phố thấy đời buồn lây.”
(Viên Linh, Sinh Nhật: Thủy Mộ Quan, 1982)

Yêu Sài Gòn đến mấy đi nữa trong cuộc đời, thế nào cũng có lúc người ta phải xa Sài Gòn. Tôi đã xa thành phố ấy nhiều lân, có lần xa vài năm rồi được trở lại. Sự việc được tìm thấy trong đoạn thơ suôi sau đây:

Sài Gòn, Sài Gòn, mưa năm năm rào rào tiếng vọng, mưa âm thầm ngõ hẻm ngoài ô.
Ôi Chí Hòa, Chí Hòa, ôi khu rừng cao su đã cháy, ôi ụ đất đã san, ôi tôi rời rã.
Chí Hòa, Chí Hòa, mưa sân nhà em rì rào tiếng hát. Con ngựa nào qua, cỗ xe nào đỗ, âm thanh nào lẩn xuống bàn chân?
Ôi em thân yêu ôi nước mắt ngọt ngào, ôi tình yêu đã lủi, ôi con dế mèn lớp cát nhà xưa.
Giọt nước rơi mưa đổ rạt rào…”
(Viên Linh, Tháng Năm ở Sài Gòn, Hóa Thân)

Sài Gòn không phải của riêng ai, Sài Gòn của tất cả mọi người vì đó là thủ đô của một nước; ít nhất là thủ đô của một nửa đất nước, nhưng tôi vẫn tin tưởng, với đất đai sông rạch phì nhiêu, với bến cảng mở ra Thái Bình Dương bao la độ lượng cho cả triệu triệu con người, với tâm hồn bản địa và sông rạch hòa hài cỏ cây tươi mát bao dung, Sài Gòn dù thế nào vẫn là của tất cả Việt Nam, dù Việt Nam đi hay Việt Nam ở. Nói đến Sài Gòn là nói đến đất nước.

Người Sài Gòn không nhất thiết phải sinh ra ở Sài Gòn, họ có thể là người Miên, người Hoa, người Bắc, người Trung, nhưng đương nhiên người Sài Gòn là người Bến Nghé Đồng Nai.

Người Sài Gòn có thể chết giống như mọi loại chết của con người, nhưng không bao giờ chết đói, chết khát hay chết rét.

Mời độc giả xem phóng sự “Còn những cảnh nghèo”

MỚI CẬP NHẬT