Friday, April 19, 2024

‘Việc Từng Ngày’ và tác phẩm Ðoàn Thêm

Viên Linh

Tháng Tư, 1967 – Tháng Tư, 2017, 50 năm trước…

“Ngày 11 Tháng Tư, 1967: Tin loan ra tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Việt Nam được dịch ra tiếng Ðức, do Bác Sĩ Hubert Hohl, giám đốc Trung tâm Văn Hóa Ðức tại Sài Gòn. (Ðoàn Thêm, Việc Từng Ngày, 1967).”

“Việc Từng Ngày” là nhan đề một trong 5 (năm) tác phẩm của ông Ðoàn Thêm, khởi sự từ 1965 cho tới 1969, soạn theo thời gian liên tục, không kể hai cuốn “Những Ngày Muốn Quên (1975-1983)” và “Những Ngày Chưa Quên,” ký sự về thời quá khứ của ông. Ngoài ra còn cuốn “1945-1964, – Hai mươi năm qua” khoảng 500 trang khổ lớn nữa.

Sách của Ðoàn Thêm thường do Nam Chi Tùng Thư xuất bản, một nhà in được sự chăm sóc của những người trong nghề hàng chục năm, thận trọng và mỹ thuật. Sách Ðoàn Thêm thường có lời Tựa của bạn ông là nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc. Trong cuốn “Hai Mươi Năm Qua, Việc từng ngày (1945-1964)” – Tựa của nhà văn Lãng Nhân viết có đoạn như sau:

“Trong 25 năm qua, ông [Ðoàn Thêm], đã thấy rộng biết nhiều trong chính giới, ở những chức vụ tập trung hoạt động của các chính quyền, lại ham thâu thiệp tài liệu vì nhu cầu nghiên cứu và trước-tác của riêng ông. Hơn nữa, những tác phẩm mà ông từng phổ biến, những lập trường và quan điểm mà ông trình bày trên báo chí về những vấn đề thời sự hay văn hóa, đã đủ tỏ rõ một đường lối ngay thẳng đáng tin.

“Thể theo lời yêu cầu của chúng tôi, Ðoàn quân đã xếp đặt lại những điều ghi trong các cuốn sổ tay từ bao năm trước; hơn nữa, ông còn đem sánh rất kỹ với những tài liệu… để kiểm điểm và bổ túc cho cụ thể hơn, sau đó ông mới chọn và giữa lại những gì đáng chú ý, ở mọi lãnh vực đời sống chung.” (Tựa, Lãng Nhân viết).

Tác giả Ðoàn Thêm sinh ngày 5 Tháng Mười Một, 1915 tại Hà Nội, nguyên quán Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông, trong một gia đình Nho học khoa bảng, thân phụ là cụ cử nhân Ðoàn Triển. Thiếu thời Ðoàn Thêm học trường Bưởi, sau khi đậu tú tài ông theo học Luật, tốt nghiệp cử nhân Luật Ðại Học Ðông Dương năm 1945. Vào ngành công quyền từ thập niên 50, từ Hà Nội vào Saigon. Thập niên 60 ông được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc nhưng không nhận “vì lý do riêng.” Về sáng tác, Ðoàn Thêm là tác giả các thi phẩm Nhạc Dế, 1960, Vườn Mây, Hòa Âm, Từ Thức, Taf Mahal. Về biên khảo nghị luận có Quan niệm về sáng tác Thơ 1962, Tìm Ðẹp (về hội họa), 1964. Hai mươi năm qua, ký sự, 1966, Việc từng ngày, từ 1 đến 5, từ 1965 đến 1969, 5 tập. Những Ngày Chưa Quên, 1967. Những Ngày Muốn Quên, 1992. Nhà Quê Ra Tỉnh, 1996, dày gần 650 trang.

Sau 1975, ông qua Canada, mất tại đây ngày 8 Tháng Tám, 2005, thọ 90 tuổi.

Người viết bài này đọc ông từ 1960 nhất là khi nghe tin ông từ chối Giải Văn Chương Toàn Quốc. Thơ văn ông luôn luôn là sản phẩm tổng hợp hòa hài, lý trí thắng tình cảm, dù làm thơ ông vẫn cho thấy ông không phải là thi sĩ trọn vẹn, hay ngược lại, dù viết biên khảo các vấn đề cao viễn ông vẫn cho thấy ông không rời xa xã hội ông đang có mặt. Ðể bạn đọc trực tiếp với Ðoàn Thêm, xin trích dẫn dưới đây một đoạn văn trong tác phẩm cuối cùng của ông xuất bản năm 1996: Nhà Quê Ra Tỉnh: (văn của ông lúc nào cũng có tính truyền bá kiến thức, và ứng dụng kiến thức):

“Giới văn hóa miền Nam đông đảo và sống động hơn trước 1954, vì sự có mặt và đóng góp của nhiều nhà báo, nhà văn và nghệ sĩ di cư từ miền Bắc.

Tuy bị kiểm duyệt và có lúc xuống thấp, báo chí vẫn ngoi lên và theo đà tăng mạnh.

Tại Sài Gòn, có 16 nhật báo năm 1961, rồi 30 cuối 1963 và 60 năm 1968.

Trong những năm chiến sự dữ dội nhất (1968-71), số tạp chí và tập san có định kỳ, từ 93 lên 148.

Số lượng giấy in báo, 25,080 tấn năm 1970, năm sau vọt tới 48,581 tấn.

Các loại sách với những đâu đề thuộc mọi lãnh vực sinh hoạt, xuất hiện nhan nhản trong nhiều tiệm và ngay trên các vỉa hè, kể cả những cuốn bị cấm thời Pháp thuộc hoặc biến khỏi miền Bắc sau 1945.

Chỉ trong ba năm 1961-63, đã thấy 2,624 nhan đề. Nhiều nhất là tiểu thuyết và thơ, 546 cuốn.”

MỚI CẬP NHẬT