Monday, April 15, 2024

‘Bàng Bạc Gấm Hoa,’ câu hỏi lớn về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam!

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Và, đây là “chân dung” nhà văn Mai Thảo qua nét vẽ (bằng chữ) của Mặc Lâm trong “Bàng Bạc Gấm Hoa:”

“Mai Thảo từ nhiều thập niên trước khi sang Mỹ đã được giới phê bình đánh giá là ngòi bút văn xuôi đậm chất thơ nhất nước. Văn chương của ông ngoài phần kỹ thuật viết, bàng bạc trên các trang chữ là không khí lung linh của thi tứ, của chắt lọc tinh tế chỉ có trong thơ và hơn hết, Mai Thảo chứng tỏ rất sành sỏi khi lựa những cập chữ đậm dấu ấn thi ca vào truyện của ông. (…)

“Trong ‘Ta thấy hình ta những miếu đền’, nhiều bài chỉ bốn câu ngắn viết lên những suy tưởng khác nhau của Mai Thảo. Ngắn nhưng được ông gọt giũa, chưng cất nên thơ của ông trở thành chuẩn mực của một kinh nghiệm có được sau khi sống trọn đời cho văn xuôi. Bài Cục Ðất vừa hóm hỉnh lại vừa thâm trầm, ít nhiều nói lên được cá tính của ông:

“Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhòa
Thì treo cục đất toòng teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa”

“Từ trên phi cơ, núi non ngất ngưởng và mây trắng bồng bềnh, Mai Thảo nhìn thấy cái vô cùng vừa bát ngát vừa đe dọa cho mầm sống cũng đang lơ lửng trên không là ông. Mai Thảo ‘con người’ chợt nẩy ra ý tưởng cân bằng cái bao la của vạn vật chỉ bằng một cục đất treo toòng teng chính giữa. Và ông nhận ra cái vô cùng cũng hiền hòa, cũng bình an như cục đất vậy thôi…” (BBGH, tr. 88, 89)

Khi đề cập tới nhà thơ Nguyên Sa, Mặc Lâm nhấn mạnh:

“…Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1953 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu.

“Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từ lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái , thủ đô của những dòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới (…)

“Thanh niên Saigon nhớ cái mà họ chưa từng trải nghiệm qua thơ Nguyên Sa. Bắt đầu từ đây ông bước vào lãnh thổ khép kín của nhiều người. Ông cùng với họ thở hơi thở thi ca bằng những ngôn từ mới, rất mới, cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn mới tinh. Paris có gì lạ không em?

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?…”
(BBGH, tr.109,110,111)

Trước khi ra khỏi bài cảm nhận về thơ Nguyên Sa, Mặc Lâm đã rất tinh tế khi viết:

“Nhắc đến Nguyên Sa người yêu thơ ông vẫn tưởng nhà thơ đang rong chơi đâu đó vì ngôn ngữ vẫn sát với khung cảnh thường nhật hôm nay. Mặc dù nhà thơ đã từ trần ngày 8 tháng 4 năm 1998 nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhắc tới như xưa, đặc biệt trong hoàn cảnh tình yêu tuổi học trò ngày một biến mất để thay vào đó là những trò chơi tình cảm nhục dục của thanh niên trong thời đại mới.” (BLGH, tr. 118, 119)

Nhiều người theo dõi sinh hoạt văn chương, nghệ thuật của Mặc Lâm, cho rằng, anh luôn có những nhận xét thâm trầm, sâu sắc về các tác giả mà anh đề cập. Cụ thể, qua 14 nhà văn nhà thơ ở hải ngoại cũng như trong nước. Nhưng qua tác phẩm BBGH, khi bước vào phần thứ 2, tựa đề “Văn Hóa Dân Gian” và phần thứ 4, tựa đề “Nét Ðẹp Việt,” độc giả mới thực sự thấy rõ tính hàn-lâm, tức khả năng nghiên cứu chuyên sâu của Mặc Lâm qua từng bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Trong chúng ta, ít, nhiều hầu như ai cũng hãnh diện về nền văn học Việt truyền thừa từ đời này, sang đời khác. Nhưng nếu bị hỏi hoặc được yêu cầu trưng dẫn và, giải thích một cách rõ ràng thì, chúng ta thường lúng túng, lảng tránh. Lý do, có nhiều hình thái nghệ thuật cổ truyền của chúng ta như “Hát Xoan, Hát Xẩm, Quan Họ, Ðàn Tính Hát Then, Bài Chòi”, v.v…, có thể chúng ta chỉ nghe nói, nghe nhắc tới mà, không thực sự hiểu rõ nó ra sao? Thế nào? Thậm chí, cũng có những hình thái nghệ thuật cổ truyền của tiền nhân, chúng ta không hề nghe tới chỉ- danh, một lần nào trong đời mình!

Mặc Lâm là một tác giả còn trẻ, nhưng như đã nói, là người nặng lòng với hồn tính văn hóa dân tộc, nên anh đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, để tìm hiểu cặn kẽ lịch sử hình thành, lộ trình sinh, tử của khá nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền – Mà, nếu để lâu hơn nữa, lịch sử của những bộ môn đó có thể, sẽ không còn ai biết tới nữa, nếu những nghệ nhân có thẩm quyền, những truyền thừa nhiều đời của các bộ môn nghệ thuật này, không còn nữa.

Sự lặn lội tìm tới tận đầu nguồn của những kênh nghệ thuật cổ truyền của Mặc Lâm, tôi cho là một đóng góp rất đáng kể của tác giả trẻ tuổi này.

Thí dụ, mở đầu cho phần thứ 2: “Văn Hóa Dân Gian” trong tác phẩm BBGH, Mặc Lâm đã ghi lại cố công tìm hiểu của anh về thể loại “Hát Xoan” của Việt Nam, như sau:

“Cho tới nay một loại hình văn hóa dân gian được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho là cổ xưa nhất Việt Nam đó là Hát xoan.

“Thể loại này đang hiện diện tại Phú Thọ nơi có di tích Ðền Hùng. Hát xoan được coi là xuất hiện từ thời vua Hùng với nhiều truyền thuyết còn lưu giữ trong dân gian, sánh đôi với những câu chuyện chung quanh các thời đại Hùng Vương làm cho Hát xoan bao phủ thêm nét huyền hoặc của thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc.

“Hát xoan tuy xuất hiện lâu đời nhưng trong dân gian cả nước lại ít có người biết thể loại này như Quan Họ Bắc Ninh của miền Bắc, Hát Cung Ðình của Huế hay thậm chí gần nhất là Ðàn Ca Tài Tử của miệt sông nước Nam Bộ. Với bề dày như thế nhưng Hát xoan chỉ quanh quẩn tại khu vực Ðền Hùng hay chỉ vài vùng chung quanh đang là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa của tỉnh Phú Thọ, nơi sở hữu di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO thừa nhận…” (BBGH, tr.143)

Câu hỏi này của Mặc Lâm, theo tôi, không chỉ được đặt ra cho các nhà nghiên cứu văn hóa mà còn cho tất cả người Việt Nam…

Ðó là một góc khuất rất nhỏ trong tiến trình gần năm nghìn năm lịch sử Việt vậy.

(Calif. Tháng Tám 2017)

Nhiều đại học ở Việt Nam lừa sinh viên tăng học phí

MỚI CẬP NHẬT