Thursday, April 18, 2024

Tâm sự năm thứ 21 ‘Khởi Hành’

Viên Linh

Tạp chí Khởi Hành xuất bản ở hải ngoại số 1 ra vào đầu Tháng Mười Một 1996, tới nay vừa qua số 246, năm 2017, như vậy đang ở năm thứ 21, chỉ ở hải ngoại không thôi. Nói thế vì tờ báo từng hiện diện ở Sài Gòn từ Tháng Năm 1969, là cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội*, và ra tới số 156 thì ngưng. Bộ cũ ở trong nước hay bộ mới ở hải ngoại đều do một người trông coi tòa soạn, thu góp bài vở và trình bày trang báo, cho nên tâm sự Khởi Hành là tâm sự của hơn 400 số báo – đích xác là 156 số bộ cũ + 246 số bộ mới = 402 số – kể ra ngổn ngang và mênh mông, song tôi xin bắt đầu một các tự nhiên, thấy thế nào kể ra thế ấy, đôi điều giản dị, ngắn gọn, còn những gì dài dòng, chúng ta cần một cuốn sách, xin để sau này, khi viết hồi ký.

Tâm sự hôm nay chỉ là tâm sự trang 1, của tờ báo Khởi Hành số 1 hải ngoại, ra trước Tháng Mười Một 1996, sau này có thể là tâm sự số 1, của tờ báo Khởi Hành số 1 trong nước, ra trước Tháng Năm 1969. Khuôn khổ tờ báo là 10 x 13.50” (phân Anh), bìa và ruột cùng một thứ giấy in báo, nghĩa là không có bìa láng trên giấy trắng mịn, và gấp kiểu yên ngựa (saddle), nghĩa là không có gáy vuông. Với bề dày cả ruột lẫn bìa chỉ có 32 trang người ta không thể và không cần đóng gáy vuông, mà nếu muốn đóng gáy vuông cho đẹp cho sang, phải tính thêm công đóng mỗi số báo là 30 xu, 1000 số báo là 300 Mỹ kim thêm, một uổng phí không cần thiết. Trong khi nếu không đóng gáy vuông, cả tiền giấy và tiền in 1000 số báo 32 trang chỉ có 800 Mỹ kim, lại là in kiểu rất sang và tốn kém là hai trang bìa in được đủ màu (full colors) – ta quen gọi không chính xác là in 4 màu – trong khi với 4 màu vàng đỏ xanh đen (yellow, magenta, cyan, black) với hệ thống in với 4 máng mực cho một cái máy đồ sộ như thế, người ta có thể in ra một tờ báo một cuốn sách hàng chục màu trong nháy mắt (bằng cách bấm một nút điện), chứ không phải chỉ có 4 màu.

Trên bìa báo ra vào Tháng Mười Một 1996 có in 8 cái hình của 8 tác giả nghệ sĩ có viết bài hay được nói đến trong số báo: Nhượng Tống, Phùng Cung, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Hữu Hiệu, bìa sách của Phạm Công Thiện, hình Củng Lợi (Cong Li) trong bài điểm phim Temptress Moon của Chen Kaige, băng nhạc của Khúc Lan, nhiếp ảnh nghệ thuật của Ngân Hà, sách mới về Võ Phiến của Nguyễn Hưng Quốc, phòng tranh đầu tiên của họa sĩ Thái Tuấn ở Hoa Kỳ, v.v… Những người được nhắc đến trong phần tin tức hay sinh hoạt nghệ thuật của tờ báo, không số nào là không có, nghĩa là một mục mở đầu bắt buộc phải có của Khởi Hành từ xưa đến nay. Làm báo văn nghệ không thể không có tin tức sinh hoạt trong các ngành văn thơ, ấn loát phim ảnh hội họa. Một tờ báo gọi là văn nghệ mà chỉ có thơ văn là không đủ, một tờ báo học thuật mà không có tin tức về những gì liên hệ tới sự hình thành các nghệ phẩm (phương pháp, xuất phẩm) cũng không thể gọi là một tờ báo. Vả chăng dù là báo gì cũng cần được trình bày cho đẹp mắt, nên bài viết mà thiếu hình tượng tô điểm hay dẫn chứng kèm theo thì toàn thể chỉ là chữ và chữ, không tạo được cho báo mình một số độc giả riêng; hay tệ hơn nữa, nó chưa thể được gọi là một tờ báo. Báo là báo tin, một tờ báo không báo tin gì mới, không thể được gọi là báo, chỉ có thể được gọi là tài liệu. Lúc này hai mươi năm sau nhìn lại các trang tin tức đương thời, tôi vẫn hình dung được sinh hoạt thuở ấy của quá khứ, chính là nhờ những hình ảnh chụp từ người, từ phim, từ sách, từ cảnh vật… trong các trang tin tức, cụ thể là trong mấy trang tin của tờ Khởi Hành số 1 đang được nói đến. Ta bất chợt ngừng lại và tự hỏi: Bây giờ những người ấy – những người viết bài hay được nói đến trong tờ Khởi Hành Tháng Mười Một 1996, bây giờ họ ra sao?

Dựa theo hình ảnh ngoài bìa của tờ báo, theo thứ tự từ trái sang phải từ trên xuống dưới, ta sẽ thấy các bài với nhan đề và tác giả như sau:

-Nhượng Tống: “Ai đã ra lệnh ám sát học giả Nhượng Tống?” Tác giả bài viết là Nguyễn Tà Cúc. Nhượng Tống là nhà văn, viết báo, một thủ lãnh của Quốc Dân Ðảng, bị ám sát giữa Hà Nội khoảng 1949, 50.

-Phùng Cung (nhân vật trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm): bài viết của Nguyễn Hữu Hiệu sau khi gặp Phùng Cung ở Hà Nội, cùng thơ và truyện ngắn Phùng Cung đăng kèm theo.

Nén Nhang

Phùng Cung
(Tặng bạn Nguyễn Hữu Hiệu)

Phỉnh phờ đê tiện
Bả bẫy tù đầy
Máu chảy đầu rơi ngày tháng
Ngót thế kỷ bạo quyền
Không dập tắt nổi nén nhang.

Vụ Nhân Văn-Giai Phẩm xảy ra đã hơn nửa thế kỷ qua, tới nay ít ai còn nhớ rõ, tuy nhiên chúng ta cũng không thể quên nhà văn nhà thơ Phùng Cung (1928-1997). Ông ra đời ngày 18 Tháng Bảy tại Vĩnh Yên, một phần đất ngoại thành, ráp ranh Hà Nội, tham gia kháng chiến từ những ngày đầu khi mới 17, 18 tuổi, từng lãnh đạo dân chúng địa phương cướp chính quyền nhưng cũng sớm thấy bản chất thật sự của Việt Minh, nên vốn là con người khẳng khái, ông chống lại, và sau đó bị họ bắt giam, mới đầu ở Hòa Lò Hà Nội, rồi sau đó cầm giữ ông suốt 12 năm trong các nhà tù khác vùng Việt Bắc. Ông mất ngày 28 Tháng Tư 1997 tại Sài Gòn.

Ðọc thơ văn Phùng Cung người ta nhận ra ngay một ngữ pháp riêng, khúc chiết và quyết liệt. Nhiều câu thơ của ông nghe như thổ ngữ của một vùng miền Bắc khai nguyên, chắt lọc mọi rườm rà, sạch bong như thân trúc, gióng tre, lơ đãng lóng cóng đụng vào có thể rách da, xước máu.

Hai bài kể trên trong số ra mắt, Khởi Hành hẳn nhiên có chủ trương làm báo như thế nào, làm báo để làm gì. Văn chương nghệ thuật song không phải văn chương nghệ thuật để nhàn dư. Những tác giả như Nhượng Tống, như Phùng Cung là những ngòi bút đã viết trong máu lửa, và đời sống của họ đã trải qua nhiều năm tháng sau song sắt, trong cùm gông. Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế tác giả bài Triết Lý Thực Dụng nơi trang 19 không chỉ là một nhà giáo, ông từng bị kiên giam (trong cùm) nhiều năm vì sau 1975 ở Sài gòn đã viết bài “Ðể tiến tới một chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người.”

Nhà thơ Cao Tiêu biết rõ chủ trương của tờ tạp chí, nên để đóng góp trong số ra mắt, nơi trang 4, ông gửi tới một bài thơ viết tay, với nét bút cứng cỏi

Cảm Ðề

Cao Tiêu

Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?
Nỗi đau chung từ đất nước chiến chinh.
Góp tiếng văn chương, làm lại cuộc khởi hành
Bằng bút mực thay cho sung đạn.
Gìn giữ tấm dư đồ như nâng níu áo trận
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Tấc son còn để với đời
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.
(Khởi Hành số 1, Tháng Mười Một 1996, trang 4)

MỚI CẬP NHẬT