Thursday, March 28, 2024

Tản mạn sự tích Tháng Chín

Viên Linh/Người Việt

Mấy năm chót của thế kỷ trước, khoảng 1995, tôi rời bỏ thế giới nhật báo, cảm thấy làm nhật báo thì vui, ngày nào cũng có biến chuyển mình có thể ghi nhận, song những gì viết cho nhật báo, đăng trên nhật báo, một là xô bồ linh tinh, hai là người ta đọc xong rồi ném tờ báo đi, hoặc dùng làm giấy gói đồ.

Vì vậy, tốt hơn nên chăm chú vào việc làm tạp chí, gần với văn chương nghệ thuật hơn, những gì viết ra có nhiều cơ hội được người ta giữ gìn lâu hơn. Hay mình vẫn làm nhật báo, nhưng phải xây dựng cho mình một tờ tạp chí riêng. Do đó mà năm sau, 1996, tạp chí Khởi Hành số 1 được xuất bản tại Hoa Kỳ.

Bài này không viết về tờ báo đó, chỉ hàm ý suy nghĩ của tác giả về sự hiện diện của một bài viết ra sao, khác nhau thế nào một khi nó được đăng trên nhật báo, hay báo định kỳ có sự hiện diện lâu hơn: một tuần (tuần báo), hay lâu hơn nữa: bán nguyệt san, nguyệt san, tam cá nguyệt, lưỡng niên… nói chung là báo định kỳ.

Tờ Khởi Hành hải ngoại sống tới số 248, ra vào Tháng Chín, 2017, đếm từ số 1 ra vào Tháng Mười Một, 1996, tới số sau cùng, nó đã hiện hiện lâu nhất trong các tờ tạp chí văn học tại hải ngoại, hơn 20 năm!

Chỉ phải ngưng một thời gian ngắn năm 2014 khi chủ nhiệm, chủ bút của nó phải tự lái xe đi gửi rồi vào bệnh viện quận Cam. Nhưng hai ngày sau được gửi lên Cedars-Sinai Medical Center ở West Hollywood giải phẫu tim, lúc ra về còn làm tờ báo tiếp, cho tới ba năm sau mới ngưng hẳn, Tháng Chín, 2017.

Lịch hay Lịch Sách hay những văn phẩm mang tính thời gian luôn luôn hiện diện trong tầm tay người viết này. Tôi không thể viết những gì không có thời gian tính. Những gì vô căn vô cứ ở bên lề cuộc sống không mấy khi làm tôi lưu tâm lưu ý. Viết là viết về sự sống về dòng lưu chuyển về lên thác xuống ghềnh của ý nghĩ tâm tư của đôi chân đôi tay của cả mạch ngầm hay làn gió giọt mưa, ngay cả hạt bụi mơ hồ từ đâu bám vào cửa kính.

Trong cuốn I, Lịch Sách, Tháng Chín đã có bài về năm người là Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Thái Tuấn và Võ Phiến. Như tiêu chuẩn đặt ra cho cuốn sách có nhan đề là Lịch Sách, chương một sẽ gồm những bài viết về các văn nghệ sĩ từ trần vào Tháng Giêng, chương hai sẽ gồm những bài viết về các văn nghệ sĩ, trí thức từ trần vào Tháng Hai; và cứ như thế cho tới Tháng Mười Hai.

Đã gọi là lịch, thì theo lịch, mỗi năm chỉ có 12 tháng, và thỉnh thoảng cũng có tháng nhuận, tức là tháng thứ 13. Tháng thứ 13 trong cuốn Lịch Sách nếu có sẽ dành cho những bài viết về các văn nghệ sĩ từ trần không ai biết rõ vào ngày nào, tháng nào, hay năm nào.

Với tiêu chuẩn tháng nào viết về những người từ trần vào tháng đó, nên cứ tuần tự như thế, thật là tự nhiên khi gọi Tháng Giêng là chương một, Tháng Hai là chương hai, và cũng tự nhiên khi gọi tháng thứ 13 là tháng nhuận, vì chữ nhuận xưa nay đã được dùng quen rồi. Tuy thế trong tác phẩm đầu tiên của loại lịch sách, chưa có chương nhuận, chỉ có 12 chương, 63 mục (hay bài), trung bình mỗi chương có năm bài, mỗi bài viết về một tác giả.

Bài này được nhuận sắc vào Tháng Chín, nhân đó ta kiểm lại các tác giả ra đi trong Tháng Chín, ta thấy như sau: Chương 9, Tháng Chín, Lịch Tháng Chín, các tác giả ra đi trong tháng gồm Mặc Đỗ, trang 303; Vũ Hoàng Chương, trang 311; Vũ Khắc Khoan, trang 320; Võ Phiến, trang 326; Thái Tuấn, trang 331.

Chỉ trong Tháng Chín (chỉ kể tháng, không kể năm) cuốn I viết được năm người như trên. Các vị khác ra đi vào Tháng Chín sẽ xuất hiện trong Chương 9, Tháng Chín, cuốn kế tiếp, sẽ như sau (thứ tự trước sau có thể thay đổi):

-Trần Hưng Đạo (mất 20 Tháng Tám Âm Lịch, Dương Lịch 1300).

-Nguyễn Trãi (mất Tháng Chín, 1442).

-Hồ Biểu Chánh (mất Tháng Chín, 1958).

-Lê Thương (mất Tháng Chín, 1996).

-Hoàng Thi Thơ (mất Tháng Chín, 2001).

-Nguyễn Văn Thuận (tổng giám mục, mất Tháng Chín, 2002).

-Vĩnh Noãn (mất Tháng Chín, 2003).

-Vũ Đình Trác (linh mục, mất Tháng Chín, 2003).

-Thích Minh Châu (hòa thượng, mất Tháng Chín, 2012).

-Nguyễn Xuân Hoàng (mất Tháng Chín, 2014).

Cứ mỗi tháng, ta tìm sự tích những người mất vào tháng đó, công việc ấy sẽ giúp cuộc sống có nhiều ý nghĩa, và vô vàn những điều ta không biết sẽ dần dần làm sáng tỏ những khoảng tối của cuộc u minh.

Cuốn sách đầu tiên của thể loại này ra mắt đã hai năm nay, đã in hai lần, và sắp in lần thứ ba.

Không phải tự nhiên một thể loại như thế hiện ra, chính những lúc “không biết viết gì” đã khiến tôi lần giở những tờ báo cũ, những cuốn sách cũ, ngắm nhìn và so sánh, và viết xuống giấy những chuyện trong tháng.

Tháng nào cũng viết, và đột nhiên có những trùng hợp hiện ra, cả sự tình cờ cũng hiện ra, và hiện nay người viết biết mình phải viết gì, chỉ sợ không có thì giờ để viết. Vì có nhiều điều để viết quá, không viết ra không phổ biến là vô tâm vô tình, là chưa làm hết sức mình.

Chỉ hạn chế thời gian của lịch sử – chỉ lấy 20 năm thôi, như 20 năm chia cắt đất nước, 1954-1975, chỉ thế thôi, nếu ta viết lại được từng tháng, chỉ tưởng tượng thôi, ta đã tìm được một kho tàng, kho tàng chưa từng thấy mà có đó. Và nếu mỗi người đi tìm sự tích của mỗi ngành – không chỉ trong ngành thơ, ngành văn, ngành vẽ, còn nhiều ngành khác về địa dư, sông biển, núi non, con người, sinh vật, thảo mộc… tất cả.

“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời hẹn nước thề non
Nước đi ra biển non còn đứng trông.”
(Tản Đà)

Tại sao bốn câu thơ này lại hiện ra trong khi tôi đi tìm một câu kết cho bài tản mạn này? Không nên giải thích có thể sai lầm, hẳn phải có nguyên do để núi sông non nước hiện lên. Phải chăng bài viết tả một ao ước mông lung, và từ mông lung, những câu thơ của thi sĩ sông Đà núi Tản hiện về với tôi, kẻ vừa trở về “cố quận.”

Vâng, mồng 3 Tháng Tám, 1975, tôi từ trại tị nạn đi xe buýt tới vùng Washington, D.C., Virginia, chín năm sau bỏ đi và tháng này tôi trở về, tìm không thấy tăm tích một ai thời đó. (Viên Linh)

130 người tại 30 tiểu bang Mỹ nhiễm vi khuẩn salmonella do ăn ngũ cốc Kellogg

MỚI CẬP NHẬT