Thursday, March 28, 2024

Tân nhạc thân tình chào đón ‘Lan và Điệp’

Ngành Mai/Người Việt

Từ khi vở hát “Lan và Điệp” ra đời, hiện diện trên sân khấu suốt hai thập niên, hầu như không ai nghĩ đến chuyện sẽ có ngày “Lan và Điệp” lại có thể chen chân vào lãnh vực tân nhạc.

Bởi vì tân nhạc có một lối sinh hoạt khác xa với cải lương, có người còn nói tân nhạc và cổ nhạc hình như không thích nhau, thậm chí còn chê bai nhạo báng lẫn nhau.

Thế mà đến giữa thập niên 1960 tân nhạc đã mở rộng cánh cửa thân tình, chào đón “Lan và Điệp,” đó là năm 1965 người ta bất ngờ nghe xướng ngôn viên Đài Phát Thanh Sài Gòn giới thiệu nhạc bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh.

Bản nhạc có lời ca điệu nhạc truyền cảm ấy được thính giả lúc bấy giờ ưa thích, gởi thư yêu cầu nhiều nên Đài Phát Thanh Sài Gòn và Đài Ba Xuyên đã cho phát đi phát lại bản nhạc này nhiều lần, đến đỗi có người nghe riết rồi thuộc lòng và hát luôn.

Có điều lạ là đa số thính giả yêu cầu đài phát bản “Chuyện Tình Lan và Điệp” lại là thính giả thường nghe chương trình cổ nhạc cải lương, và họ cũng nói phải chi bản nhạc này mà có Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được ca thêm vài câu vọng cổ thì hay biết mấy.

Thế là hãng dĩa hát Hồng Hoa đã “bắt mạch” được, họ thương lượng với tác giả bản nhạc mua bản quyền và “đặt hàng” cho soạn giả Viễn Châu viết thêm lời ca vào, gọi là vọng cổ pha tân nhạc. Đồng thời chọn các ca sĩ tân cổ nhạc đang nổi tiếng lúc bấy giờ là Thanh Tuyền, Hồng Phúc, Thanh Nga, Thành Được, Tấn Tài.

Còn đệm tân nhạc thì hãng chọn ban nhạc Huỳnh Anh, về cổ nhạc thì nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm, Bảy Bá đờn tranh và lục huyền cầm, Tư Huyện đờn vĩ cầm. Với thanh phần ca nhạc sĩ khá hùng hậu này mà hãng chỉ thu thanh có một dĩa nhựa 45 tua, thì phải nói rằng hãng dĩa Hồng Hoa đã chịu bỏ tiền đầu tư một số vốn khá lớn, và dĩ nhiên hãng thu lại gấp bội khi dĩa vọng cổ pha tân nhạc này có mặt cùng khắp miền Tây miền Đông.

Thật ra nếu như nói đây là bài vọng cổ có pha tân nhạc thì không đúng lắm, vì nguồn gốc của bài ca là bản tân nhạc được soạn giả cải lương dựa theo tình tiết nội dung lời nhạc để viết thêm phần cổ nhạc vào. Như vậy cổ nhạc chỉ là phụ thôi, mà căn bản của nó là bản tân nhạc đã có sẵn. Thế mà thiên hạ, người nghe vẫn luôn cho rằng là bài vọng cổ pha tân nhạc, cái trái ngược mâu thuẫn trong vấn đề là vậy.

Dưới đây là đoạn kế tiếp dĩa hát “Hoa Rơi Cửa Phật” (kỳ 3)

Điệp nói: Dạ xin chào ông đạo.

Huệ Thông nói: Mô Phật, nơi đây là chùa Phật, thầy tới đây có chuyện chi?

Điệp nói: Ông đạo làm ơn cho tôi hỏi thăm.

Huệ Thông nói: Thầy muốn hỏi thăm điều chi?

Điệp nói: Chẳng biết trong chùa nầy có ni cô nào tên Lan không?

Huệ Thông nói: Chùa này không có ni cô.

Điệp nói: Vậy từ Tháng Hai năm ngoái tới nay, có người nào đến quy y không?

Huệ Thông nói: Có nhưng không phải tên Lan.

Điệp nói: Người ấy ra làm sao?

Huệ Thông nói: Người ấy tướng tá không cao không thấp, hình vóc không ốm không mập, gương mặt không tròn không dài, tiếng nói thiệt trong như chuông ngân, mà cặp mắt lúc nào cũng như đầy nước mắt.

Điệp nói: Vậy ông làm ơn vào nói với người ấy, có tôi, tên là Điệp tới thăm.

Huệ Thông nói: Không được đâu thầy, chú ấy không tiếp ai hết, trước kia có một vài lần người ta đến hỏi thăm, nhưng chú không chịu ra bảo nói dối rằng không có chú ở đây.

Điệp nói: Nhưng ông cứ vào nói có một người tên Điệp thì chú ấy ra lập tức mà.

Huệ Thông nói: Sao lạ vậy, chú ấy tên là Điệp mà thầy cũng là Điệp nữa.

Điệp nói: Phải rồi, chú ấy giận cha mẹ họ hàng, nên mới mượn tên tôi mà đi tu, bây giờ chú ấy chỉ biết có một mình tôi thôi.

Huệ Thông nói: Vừa rồi chú ấy và tôi mới bị hòa thượng quở phạt, chú đang buồn chẳng tiếp ai đâu.

Điệp nói: Chú ấy làm gì mà bị quở phạt.

Huệ Thông nói: Kìa thầy không không trong thấy à.

Ca Khóc Hoàng Thiên

Chính giữa một cái mả cao hai mả thấp,
Chú ấy đem chôn lấp, xác bướm với cành lan,
Bướm khô lan đã tàn,
Con dao tây chận ngăn đôi đàng,
Thật rõ ràng nào sai,
Khóc than lâm râm khấn lạy,
Vì thấy chú ấy sát sanh,
Sợ lây tội tình,
Luật ở chùa giới nghiêm,
Thế nên tôi lên bạch thầy,
Mới bị rầy cả hai. (Ngành Mai)

Cuộc thi viết “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm”

MỚI CẬP NHẬT