Thursday, April 18, 2024

Tháng Chín, nhớ Françoise Sagan: Tiểu yêu nữ khả ái

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Bonjour Tristesse” (Buồn Ơi Chào Mi), ngay sau khi tác phẩm được phát hành vào Tháng Ba, 1954, Françoise Mauriac, một trong những nhà văn được kính trọng nhất thời bấy giờ của Pháp, trong một bài báo viết trên trang đầu của tờ “Le Figaro,” không nhắc đến tên tác phẩm mà cũng không nêu tên tác giả, gọi Françoise Sagan là một “tiểu yêu nữ khả ái” (charmant petit monstre). Nhóm từ này, về sau, trở thành một biệt hiệu khác dành riêng cho Sagan.

Cái tên, cái tựa đề, cả Pháp lẫn Việt, không chỉ là tên và tựa đề mà – với tôi – là biểu trưng cho cả một thời kỳ.

Cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, thế hệ chúng tôi, đặc biệt những người sống ở các thành phố lớn như Huế, Sài Gòn, Ðà Nẵng, Ðà Lạt, người thì vừa bắt đầu vào Trung Học Đệ Nhị Cấp (đệ tam, đệ nhị, đệ nhất), kẻ thì vừa bước chân lên ngưỡng cửa đại học, thế hệ chúng tôi được chứng kiến và sống trọn với nhiều chuyển biến đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn học nghệ thuật miền Nam.

Từ những “Hồn Bướm Mơ Tiên,” “Đoạn Tuyệt,” “Nửa Chừng Xuân”… của Tự Lực Văn Đoàn, chúng tôi bước vào “Cũng Đành,” “Chuyến Tàu Trên Sông Hồng”… Từ Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, chúng tôi hào hứng đến với Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, và rất nhiều khuôn mặt mới toanh khác, thuộc đủ mọi ngành nghệ thuật.

Về văn học nước ngoài, tuy người Pháp đã ra đi, nhưng ảnh hưởng của văn hóa Pháp vẫn còn mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn thích nói về Paris, về viện bảo tàng Louvre, về sông Seine, về khu Saint-Germain-des- prés, về công viên Luxembourg, những địa danh xa xôi nào đó ở Paris mà chúng tôi chưa hề đặt chân tới.

Chúng tôi đọc sách báo Pháp, nghe nhạc Pháp, xem phim Pháp, chuộng phong thái “parisien.” Chúng tôi vẫn thường lui tới các phòng thông tin văn hóa Pháp để đọc sách, mượn sách và theo học các lớp Pháp Ngữ. Ở đó, chúng tôi bắt đầu “quen biết” những khuôn mặt văn chương hiện đại Pháp: những Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Jacques Prévert…

Chả thế mà, khi ra đường hay tới quán cà phê, sau yên chiếc xe đạp hay trên tay, có chàng lúc nào cũng kè kè một cuốn “Livre de Poche” gọn, nhỏ mà chữ nghĩa và tên tuổi rất “nặng ký,” chẳng hạn như “La Condition humaine” hay “Le Mur,” “La Nausée,” “Le Malentendu”… Để đọc thì ít nhưng để “làm le,” để “trộ” bạn bè hay làm dáng thì nhiều.

Rồi xem phim của Brigitte Bardot đóng, rồi nghe Sylvie Vartan, Johnny Hallyday hay Francoise Hardy hát. Vân vân và vân vân. Đó là “mốt” thời thượng của thế hệ chúng tôi.

Trong không khí đó, Françoise Sagan với “Bonjour Tristesse” xuất hiện. Cuốn truyện, ấn bản “Le Livre de Poche” nhỏ, gọn, chỉ khoảng 170-180 trang, chữ khổ trung bình. So với Sartre, Camus hay Malraux, văn của “Bonjour Tristesse” viết gọn ghẽ, dễ hiểu hơn nhiều. Tư tưởng tuy mới, nhưng tương đối gần gũi, không có gì cao siêu, khó hiểu, chỉ cần trình độ Pháp văn trung bình là có thể đọc hết nguyên con trong một thời gian tương đối ngắn. Với “Bonjour Tristesse,” một cánh cửa vốn đóng im ỉm bỗng nhiên mở toang trước mặt chúng tôi. Thế giới đột nhiên mênh mông hẳn ra. Cuộc sống bỗng nhiên trở thành lạ mặt. Thành phố, người thân, người yêu, bạn bè, trường học, gia đình… bỗng xuất hiện trong một dáng dấp hoàn toàn đổi khác.

“Bonjour Tristesse” kể một câu chuyện rất lạ và rất mới.

Cô gái tên là Cécile, 17 tuổi cùng cha là Raymond, trong độ tuổi 40, góa vợ và bà Elsa, tình nhân của cha, đi nghỉ Hè ở bờ biển Côte d’azur. Sau, cha cô mời thêm một người bạn cũ của mẹ cô là Anne cùng đến đó. Trên bãi biển, cô quen một sinh viên, cũng đi nghỉ Hè, tên là Cyril, và cùng nhau đi chơi, đi bơi, đi khiêu vũ. Rồi hôn nhau và… làm tình với nhau.

Anne là một người đàn bà cỡ tuổi 40, chăm sóc cô như một người mẹ và khá nghiêm khắc. Bà ta tỏ ra không ưa Cyril và muốn Cécile bỏ anh ta và học để thi lại cái bằng tú tài mà cô hỏng năm rồi. Ðiều này khiến Cécile vô cùng bực bội và đâm ra ghét Anne.

Ðã thế, sau một thời gian ngắn, cha cô yêu Anne, bỏ rơi Elsa và dự tính kết hôn cùng bà ta, khiến cô lại càng tức giận hơn. Thế là cô cùng anh chàng tình nhân vừa quen sắp đặt một kế hoạch để ly gián hai người. Ðược sự đồng ý của Elsa (bà này cũng đang buồn vì bị tình phụ), hai người dàn một cảnh trong đó có vẻ như Cyril và Anne yêu nhau và để cho cha cô trông thấy.

Ông giận dữ vì thấy tình nhân của mình lại bị một tay trai trẻ bằng tuổi con mình chiếm đoạt, nên hối hận, quay về với Elsa. Anne bắt gặp hai người âu yếm, buồn tình bỏ đi, và bị tai nạn, chết. Mọi người hối hận, nhưng chuyện đã rồi. Cha cô và cô trở về lại Paris, sống lại đời sống bình thường cũ. Nhưng cô gái trẻ bây giờ không còn vô tư như trước mà phát sinh ra một trạng thái tình cảm mới: nỗi buồn.

Văn chương cũng lạ và mới. Nụ hôn đầu đời giữa anh chàng và nàng: “Chàng ôm chặt lấy tôi, nâng tôi lên, đầu dựa vào vai chàng. Lúc đó, tôi yêu chàng. Trong thứ ánh sáng của buổi sáng, chàng cũng rực rỡ, cũng dễ thương, cũng dịu dàng như tôi, chàng bảo bọc tôi. Khi môi chàng tìm môi tôi, tôi bắt đầu run rẩy vì khoái cảm y như chàng và chúng tôi hôn nhau mà không một chút hối hận, không một chút hổ thẹn mà chỉ là một kiếm tìm rướn sâu, ngắt quãng bởi những tiếng thì thầm.”

Cảnh làm tình được diễn tả ngắn gọn, cô đọng: “Chàng nắm lấy cánh tay tôi, vừa giữ tôi lại vừa cười. Tôi quay về phía chàng và nhìn chàng; mặt chàng tái đi như tôi và buông tay tôi ra. Nhưng rồi chàng lại vội vàng ôm lấy tôi và kéo tôi lại. Tôi mơ hồ cảm nhận: cái đó sắp tới rồi, cái đó sắp tới rồi. Sau đó là liên khúc tình yêu: nỗi sợ hãi tiếp sức cho cơn ham muốn, sự dịu dàng và cuồng nhiệt và rồi nỗi đau buốt nối tiếp với cơn hả hê khoái cảm. Ngày ấy, tôi sung sướng – còn Cyril hết sức dịu dàng – khám phá cơn khoái cảm đó.”

Sau giây phút “ghê gớm” đó, cô gái trở về phòng với một cung cách trông rất bình thường, thậm chí rất thản nhiên y như chẳng hề có gì xảy ra: “Tôi lấy điếu thuốc trên bàn, quẹt một que diêm trên hộp quẹt. Diêm tắt. Tôi cẩn thận đốt một que khác, không có gió thế mà bàn tay tôi run rẩy. Diêm tắt ngay khi chạm điếu thuốc. Tôi lầm bầm bực bội và lấy thêm một que nữa. Lúc này không hiểu tại sao, que diêm này lại mang sự quan trọng sống còn đối với tôi đến như vậy.”

Thực ra, cái cách hút thuốc này chỉ để khỏa lấp sự bối rối một cách vô thức. Ấy thế mà, cuối cùng, cô gái từ giã người tình đầu, dửng dưng, tỉnh bơ y như một chuyện thường ngày, không có gì quan trọng cả: “Cyril bước về phía tôi và đặt tay trên vai tôi. Tôi nhìn chàng: tôi không hề yêu chàng. Tôi thấy chàng tốt và hấp dẫn; tôi mê cái khoái cảm mà chàng đã cho tôi; nhưng tôi không hề cần chàng. Tôi sắp ra đi, rời ngôi nhà này, rời người con trai này và rời mùa Hè này.”

Ðơn giản và thẳng thắn và sòng phẳng đến thế thì thôi!

Và đây là đoạn văn cuối cùng trong tập truyện: “Chỉ khi tôi lên giường nằm ngủ vào lúc rạng đông, với tiếng động duy nhất là xe cộ chạy trong thành phố Paris, thì trí nhớ phản bội tôi: (tôi tưởng) mùa Hè trở lại với tất cả những kỷ niệm (êm đềm) của nó. Anne, Anne! Tôi gọi thầm tên Anne nhiều lần, gọi rất lâu trong bóng tối. Có điều gì dâng lên trong lòng khi tôi đón nhận cái tên này, mắt tôi khép lại: Buồn ơi, chào mi!”

Đấy, văn chương của “Bonjour Tristesse.” Đọc lại, ta vẫn cảm thấy có chút gì gần gũi, thú vị, thiết tha. Và đọc lại để nhớ “tiểu yêu nữa khả ái” Françoise Sagan.

Nàng đã vĩnh viễn ra đi. Chao ơi, mới đó mà 13 năm rồi!

Mời độc giả xem phỏng vấn “Cô gái gốc Việt chế cải lương dạy Việt ngữ trên Youtube hơn 2 triệu người xem”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT