Thang Dao ballet dancer
“Là một vũ công, tôi không thích lặp đi lặp lại một ý tưởng nhiều lần. Nhưng khó khăn lớn nhất là biến những ý tưởng thành sự thật.” (Hình: Thắng Đào cung cấp)

Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc có một ngày nào đó, tôi – một đứa con trai chưa từng một lần đứng trên sân khấu, chưa từng một lần thử uốn mình trong bất kỳ một vũ điệu nào – lại bỗng dưng tò mò, sục sạo tìm hiểu, rồi lại được chuyện trò với một vũ công ballet trong niềm thích thú kỳ lạ.

Thắng Đào ballet dancer
“20 năm nhưng tôi chỉ mới gặp được 4 hay 5 vũ công là người gốc Việt.” (Hình: Thắng Đào cung cấp)

Đặc biệt hơn, đó không phải một vũ công “thường thường bậc trung”, mà là Thắng Đào, người từng nhận được nhiều lời khen ngợi từ những nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng của The New York Times, The Boston Globe, Austin American-Statesman, người mà ở năm 2008, tại Contemporary Dance Festival, trong vai trò biên đạo múa, dàn dựng, đã nhận được giải thưởng Prince Grace Fellowship cho hai vở ballet SOS và Glass Violin Concerto.

Nếu nói rằng tôi chưa từng một lần xem múa ballet hay không có chút xíu gì hình ảnh của một diễn viên múa ballet trên sân khấu thì hoàn toàn không đúng. Bởi, từ nhỏ, tôi vẫn thường theo mẹ đi xem chị tôi múa ballet trong những buổi trình diễn văn nghệ. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn bộ môn nghệ thuật này, cho đến khi tình cờ đọc được những dòng viết về Thắng Đào, người dàn dựng chương trình “Vết Lăn Trầm” bằng sự kết hợp dòng nhạc Trịnh Công Sơn, giọng ca Khánh Ly cùng các chuyển động đặc biệt của ballet.

Thắng Đào, cử nhân về ballet tại Boston Conservatory và cao học về ballet của New York University, trong mắt tôi, đã làm được những điều mà chưa người gốc Việt nào làm được, ở lãnh vực không dễ dàng dấn thân này.

Boston Conservatory

Nhạc viện có lich sử lâu đời trong việc đào tạo những học sinh ưu tú, sánh ngang với Juilliard School. Trường nằm trong top 20 nhạc viện lớn nhất Hoa Kỳ, và được công nhận đẳng cấp quốc tế trong việc tiên phong trong lãnh vực âm nhạc và nghệ thuật.

Thắng Đào, người vũ công có đôi mắt sáng, trong, gương mặt đẹp một cách tự tin, cho tôi biết con đường đưa anh đến với ballet thực ra chỉ từ một sự “may mắn.”

“Gần nhà mình có một ngôi trường nổi tiếng mà mình muốn vào, đó là Los Angeles County High School For The Arts. Khi biết trường đang thiếu vũ công nam, mình ghi danh tham gia để được trường nhận. Sau hai năm, mình cảm thấy đây là con đường mình nên tiếp tục đeo đuổi để trở thành vũ công chuyên nghiệp, thế  là mình thi vào trường Julliard School, nơi chuyên đào tạo về múa, kịch nghệ và âm nhạc” anh nhớ lại.

Juliliard School Logo
Hàng đầu thế giới trong việc đào tạo nhân tài lãnh vực nghệ thuật. Cựu học sinh của trường từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá, như 105 giải Grammy, 62 giải Tony, 47 giải Emmy, 26 giải Bessie, 24 giải Oscar, 16 Pulitzer, và 12 National Medals for the Arts. Tỷ lệ đậu vào trường này vào năm 2015 là 7.2%.

Ra là vậy, sự thành công có thể không đến từ giấc mơ thuở bé, mà là sự bừng tỉnh hiểu được mình là ai, mình muốn gì. Và cứ thế mà dấn bước.

Dẫu vậy, tôi nghĩ anh có thêm một sự may mắn nữa, đó chính là sự ủng hộ của gia đình.

Anh cho biết, “Ba mẹ chỉ mong mình chuyên tâm vào việc học nên khá thoải mái trong việc chấp nhận ngành học của mình, ủng hộ sự lựa chọn của mình.”

University of New York logoNEW YORK UNIVERSITY

Đại học danh giá, hàng năm có hơn một trăm ngàn hồ sơ xin nhập học, nên được nhận vào trường này được xem là vinh dự lớn. Trường từng đoạt nhiều giải Nobel, Pulitzer, Lasker, và nhiều giải thưởng khác.

Có lẽ, nếu song thân anh cũng gieo vào đầu anh suy nghĩ chỉ nên trở thành luật sư, bác sĩ như phần nhiều gia đình gốc Việt quan niệm thì hôm nay tôi đã khó có cơ hội được đối thoại cùng một người từng là vũ công của đoàn Stephen Petronio Company, làm việc với Metropolitan Opera và Little Orchestra Society, từng tỏa sáng ở sân khấu New York, Boston, California, Colorado, Austin, rồi Châu Âu và một số quốc gia ở vùng Đông Bắc Á.

Thắng Đào, vũ công ballet trẻ tuổi, mới bước vào ngành biên đạo múa vài năm gần đây, đã biết cách sắp xếp các động tác vào nhau, để tất cả hợp nhau chuyển động thuần thục và hợp lý. Các vũ công của Thắng Đào đều được đào tạo từ các trường nổi tiếng, hầu hết tại Nhạc Viện Boston và Juilliard School, và họ biết duy trì, phát triển sự sắc nét của sáng tạo. Và chính Thắng Đào cũng thông minh thừa nhận một điều, hãy còn nhiều phong cách ballet truyền thống để khai thác và lưu tâm.

— The New York Times —

Và như anh thừa nhận, “Làm việc trong lãnh vực này gần 20 năm, nhưng mình chỉ mới gặp được 4 hay 5 vũ công là người gốc Việt mà thôi.”

Tôi biết nhiều người từng thử sức mình ở lãnh vực nghệ thuật này, nhưng không mấy ai chọn nó để làm sự nghiệp của đời mình, như chị tôi đó. “Có khi nào anh nghĩ đến việc bỏ ngang con đường này chưa?” Tôi hỏi.

Anh cười, “Mình chưa từng nghĩ đến điều này, nhưng mình biết nhiều người đã từ bỏ ballet sau khi tốt nghiệp đại học, vì niềm đam mê múa không còn có trong họ nữa.”

“Với mình, ballet là công cụ giúp mình nhìn và hiểu thế giới theo một góc nhìn khác, rõ hơn. Mình cảm nhận thế giới dưới góc nhìn của một vũ công ballet, với những chuyển động rất riêng của nó,” anh suy niệm.

Sự chiêm nghiệm của anh khiến tôi nhớ lại chương trình ballet “Vết Lăn Trầm” (Quiet Imprint) do anh dàn dựng với sự tài trợ của tổ chức Princess Grace Foundation vào năm 2009.

Biên đạo múa

Biên đạo múa là người dàn dựng và chỉ đạo động tác cho vũ công để họ thể hiện tốt nhất về mặt nghệ thuật. Ngoài chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng các tiết mục sân khấu, biên đạo múa cũng cần giành nhiều thời gian sáng tác, nhằm tạo ra một bước nhảy mới, rồi chỉnh sửa và hoàn thiện những động tác ấy. Thế nên một số phẩm chất để trở thành một người biên đạo múa chuyên nghiệp gồm: Tư duy sáng tạo trong nghệ thuật, chịu khó rèn luyện và không ngừng học hỏi, thích tìm tòi khám phá và khả năng biến hóa một vở diễn trở nên sống động.

Tôi biết đến chương trình này cũng từ trong quá trình tôi mày mò tìm hiểu về anh, muốn nhìn thấy cách anh, một người Mỹ gốc Việt lớn lên sau khi chiến tranh đã kết thúc, dùng ballet hiện đại để thể hiện sự cảm nhận và chuyên chở những tình tự quê hương, qua dòng nhạc thấm đậm chất thiền và triết lý của Trịnh Công Sơn, là như thế nào.

Cách chọn lựa bài hát của anh để từ đó xây dựng nên những vũ điệu, làm tôi có cảm giác anh đang đưa người xem đến hai bề cuộc sống.

NEWSLETTER Ghi danh để nhận bản tin Newsletter Người Việt thẳng vào hộp thư email của quý vị mỗi ngày, 7 ngày 1 tuần .  Newsletter là bản tin tóm lượt gồm những tin nổi bật nhất trong ngày.  Ghi danh nhanh và dễ dàng.  Hãy ghi danh ngay.Ghi Danh

Một bên là thực tại cuộc chiến đang diễn ra, một bên là nội tâm chất ngất của lòng người.

Một bên là hình ảnh trần trụi của cuộc đời, của “thù hận,” của “đấu tranh,” của “bom lửa đạn,” của “nước mắt lưng tròng” trong “Hãy Sống Dùm Tôi.” Một bên là những da diết  của “ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ,” hay “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài, trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi” trong “Phôi Pha.”

Austin 360

Hỏi: Từ nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, do Khánh Ly trình diễn, anh đã chuyển hóa thành vũ điệu ballet ra sao? Câu chuyện nào, ý tưởng nào, nằm sau các bước nhảy?

Trả lời: “Một trong những bài hát [của Trịnh Công Sơn] nói về vụ thảm sát Mậu Thân, một thảm kịch xảy ra khi quân đội Miền Bắc Việt Nam tấn công Huế. Tôi là người gốc Huế. Trong các cuộc phỏng vấn, người ta nói về cảnh người dân đi bộ sau khi Huế bị tấn công – đi và nhìn thấy thi hài người chết, trẻ em và cả phụ nữ. Tôi không tái dựng cảnh này một cách chi tiết, nhưng tôi nghĩ về các chuyển động của người đi bộ, những chuyển động mà người ta mô tả lại.”

Một bên là hình ảnh đau thương của “người con gái chợt ôm tim mình, mang giấc mơ quê hương lìa kiếp sống” trong “Người Con Gái Việt Nam ”. Một bên là hình ảnh lẻ loi của “người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm” hay lạc lõng bơ vơ của kiếp người loay hoay tìm “có đường phố nào vui cho ta qua một ngày” trong “Ru Ta Ngậm Ngùi.”

Tôi xem lại chương trình này, và thấm thía hơn lời anh tâm sự về “cách cảm nhận thế giới dưới góc nhìn của một vũ công ballet” là như thế nào.

Điều đáng sợ nhất trong nghệ thuật là sự lặp lại. Tôi thường hay suy tư về điều đó, và cũng mang câu hỏi đó đặt ra với anh, “Làm sao để luôn tìm ra những ý tưởng mới cho các vở diễn trong tương lai?”

“Là một vũ công, mình không thích lặp đi lặp lại một ý tưởng nhiều lần. Nhưng khó khăn lớn nhất là biến những ý tưởng thành sự thật,” anh trả lời.

Vậy thì phải làm sao?

“Chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong sự chuyển động của đời sống chung quanh là một phương pháp hay giúp mình có thêm cảm hứng. Âm nhạc là một điều quan trọng trong múa ballet, cho nên những ca khúc mới cũng giúp mình nghĩ ra ý tưởng mới. Đôi khi đứng trước một bức tranh đẹp, lắng nghe một bài thơ hay cũng giúp mình toát lên ý tưởng, cho mình thêm chất liệu sáng tác. Ngoài ra, mình cũng học hỏi và lấy cảm hứng từ những vũ công khác. Nếu có sự liên kết giữa mình và bạn diễn, hai người có thể học hỏi lẫn nhau nhiều điều khác nữa.” Anh giải thích như thể đang truyền lại kinh nghiệm của mình một cách chân thành nhất.

Cách anh nói chuyện, cách anh cười, khi hớn hở, khi say sưa, đã lôi cuốn tôi một cách kỳ lạ, dù tôi chưa nghĩ đến việc sẽ thử sức mình trong lãnh vực này.

Còn một điều, đắn đo mãi, rồi tôi cũng quyết định nên hỏi, “Không ai chọn con đường nghệ thuật để làm giàu, hay nói một cách chính xác hơn thì kiếm sống bằng công việc của một vũ công không phải là điều dễ dàng. Vậy, anh sẽ nói gì với những bạn trẻ muốn dấn thân vào lãnh vực này?”

Anh trả lời thật nhẹ nhàng, “Lương cho vũ công không được nhiều cho mấy, cho nên vũ công phải cần làm thêm nghề tay trái để kiếm tiền. Mỗi người mỗi cách. Một số vũ công mở lớp dạy múa và họ kiếm được rất nhiều tiền từ việc đó. Một số khác thì làm giảng viên cho các trường đại học, đó cũng là cách kiếm tiền để nuôi dưỡng đam mê của mình.”

Và cũng thật thẳng thắn, anh cho rằng, “Là một biên đạo múa, mình khá kén chọn người để hướng dẫn nếu như không thể truyền đạt được cho họ điều gì cũng như không nhận lại được từ họ thành quả gì. Thế nên thật sự mình không bị công việc ngốn hết thời gian.”

“Lúc rảnh rỗi, mình thích nấu ăn, vui chơi với bạn bè. Hiện tại mình đang có một cuộc sống khá cân bằng giữa việc công và việc tư,” anh cười chia sẻ.

Thang Dao and friends
Thắng Đào và các đồng nghiệp. (Hình: Thắng Đào cung cấp)

Kết thúc chuyện trò cũng là lúc anh ra phi trường trở lại New York, tiếp tục với những công việc còn dang dở của mình.

Dĩ nhiên, tôi biết chắc mình không trở thành một vũ công như Thắng Đào, không là người có thể dàn dựng những chương trình tuyệt vời như Vết Lăn Trầm, nhưng con đường anh đi, cách anh thể hiện niềm đam mê với công việc chính là điều tôi muốn có được, trong quá trình tập tễnh bước vào lãnh vực mà tôi đang dấn thân: trở thành một nhà báo thực thụ.


Xem sơ lược tiểu sử Thắng Đào »

Corolla 2017 sponsored banner cho bài viết "Thắng Đào và thế giới trong vũ điệu ballet"