Friday, March 29, 2024

Thanh Nam đất khách, những ngày Tháng Tư

Viên Linh

1. Hôm nay, 18 Tháng Tư, 2017, ngồi trước trang giấy trắng trên màn hình, từ sáng sớm tinh mơ, chỉ mới đánh mấy con số ghi ngày tháng, tôi đã thấy hiện lên khuôn mặt hình bóng người bạn văn có một thời đã thuê chung phòng khi chúng tôi còn độc thân: Thanh Nam (1931-1985). Năm 1975, chúng tôi gặp nhau hàng ngày vào những ngày giữa Tháng Tư, có ngày gặp mấy lần, nhà anh và nhà tôi ở cùng một con đường Lý Thái Tổ gần ngã sáu Chợ Lớn, tan sở làm trước khi về nhà, tôi dừng xe trước ngõ nhà anh nói ba điều bốn chuyện trong năm mười phút, rồi mới cảm thấy yên tâm. Lúc ấy đang xuất bản tạp chí Thời Tập ra hàng tháng, song tôi vẫn làm thường trực ngày 8 tiếng cho Ðài Mẹ Việt Nam, còn vợ anh là cộng tác viên của đài, mỗi tuần gửi tới đài một bài “Câu Chuyện Phụ Nữ” đọc trong 5 phút phát thanh. Do đó, Thanh Nam và tôi cùng theo dõi các biến chuyển thời sự và bàn tính chuyện đi hay ở, chuyện nên chuyện không nên,… trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn, những ngày Tháng Tư 1975.

Có những tác giả được gọi là nhà thơ, mà trong thực tế, họ viết văn nhiều hơn làm thơ; ngược lại, có những người được gọi là nhà văn, mà tác phẩm tâm huyết hay được ưa thích của họ lại là một tập thơ, đó là trường hợp Thanh Nam: anh xuất bản và có vài chục tập tiểu thuyết in và đăng trên các báo, nhưng tập thơ Ðất Khách duy nhất của anh mới bày tỏ hết tâm tư của anh; tập thơ này lại chỉ được xuất bản ở hải ngoại vào năm 1983, hai năm trước khi Thanh Nam từ trần vào Tháng Sáu 1985.

Mở đầu cho tập thơ là hai câu in ngay ở trang 5, tiếp theo là một bài thơ làm từ Tháng Mười Một 1975 khi đã ở Hoa Kỳ:

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá tự do…

Sương
Sớm nay trời đổ sương mù
Ðồi cao ngó xuống thấy mờ biển khơi
Bỗng dưng lòng thoáng bồi hồi
Tưởng đâu Phú Quốc đêm rời quê hương…
(Thanh Nam, Ðất Khách, tr.9)

Tưởng đâu Phú Quốc, đêm rời quê hương. Như tôi còn nhớ, cuối Tháng Ba 1975, nhân viên Ðài Mẹ Việt Nam được trao một tờ giấy với những câu hỏi, trong đó có câu đại ý “nếu tình hình chiến sự khiến đài phải di chuyển khỏi Sài Gòn, ông (bà) sẽ di chuyển theo đài hay không?” Ðây là câu hỏi quyết định, những ai trả lời sẽ di chuyển theo đài, như tôi, sau đó được liên lạc tiếp bằng cách nộp một danh sách những người trong gia đình sẽ đi theo mình. Thanh Nam không làm trong đài nhưng vợ anh là cộng tác viên của đài: Túy Hồng viết mục “Câu Chuyện Phụ Nữ.” Vào ngày 18 Tháng Tư 1975 tôi được cái hẹn sẽ di chuyển theo đài vào 9 giờ sáng 21 Tháng Tư 1975, với toàn thể gia đình 10 người của tôi như trong danh sách đã nộp. Chúng tôi hoàn toàn không rõ sẽ đi đâu, chỉ biết mình đã đồng ý rời Sài Gòn di chuyển theo đài, một khi vì tình hình, đài phải di chuyển.

2. Chúng tôi tới điểm hẹn, bãi đậu xe ở góc đường Hiền Vương-Bà Huyện Thanh Quan, trước giờ hẹn khoảng 15 phút, không gặp ai quen. Một người mặc quân phục không rõ cấp bậc, chỉ biết có vẻ Á Châu, dường như là một người Nùng, da vàng đậm, tới gặp thẳng tôi, trên tay cầm danh sách có chữ ký của tôi từ trước. Ông ta gật đầu ra vẻ chào, tôi cũng gật đầu đáp lại khi nhìn thấy bản danh sách có chữ ký của mình. Ông ta dẫn chúng tôi tới chiếc xe nhà binh Dodge 4×4 đậu bên lề đường, cả gia đình bước lên, xe chuyển bánh ngay, không có ai xa lạ khác. Xe chạy theo một chiếc motor Hadley dường như cũng do một binh sĩ người Nùng lái, chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất qua khung cổng phía bên trái. Trước đây ra vào phi trường tôi thường đi qua khung cổng dân sự bên tay phải.

Xe chở chúng tôi dừng lại trên một góc sân bay, cách chiếc DC 3 khoảng bốn hay năm chục thước. Từ lúc chạy tới lúc ngừng, cả xe im lặng. Chúng tôi được dẫn thẳng tới chân cầu thang của máy bay, mang theo hành lý bốn năm chiếc va-li lên máy bay với mình. Không lâu hơn mười lăm phút, chiếc DC 3 cất cánh. Tôi ngạc nhiên, nhất là khi đếm số người trên máy bay, trước gia đình tôi chỉ có 16 hành khách, cộng với gia đình tôi, chuyến bay rời Sài Gòn chỉ có 26 người, không kể phi hành đoàn. Cả máy bay không ai nói với ai, có trao đổi gì cũng chỉ nhìn nhau.

Tôi chăm chú nhìn qua cửa kính máy bay, biết rõ lắm đây có lẽ là lần cuối cùng mình nhìn thấy thành phố thân yêu, thành phố mình đặt chân xuống khi chiếc DC 3 của quân đội Pháp rời Hải Phòng và đáp xuống Tân Sơn Nhất vào đêm Noel 1954. Giờ ra đi, 20 năm sau, rời Tân Sơn Nhất. Tôi nhìn xuống, không rời mắt những phong cảnh hiện ra phía dưới máy bay, cố ghi nhận, nhưng không nhận ra gì nữa. Không có gì quen thuộc nữa hết.

Mấy ngày trước khi còn trong đài Mẹ Việt Nam, hôm 18 Tháng Tư 1975, nhận danh sách đã đánh máy có chữ ký của mình, tôi được dặn dò: nhớ mang theo 5 ngày lương khô. Hỏi vài người bạn đồng sở, nay tôi nhớ, các anh không còn ở đời này nữa, các anh đã đi lần lượt đi rồi, chúng tôi đã hỏi nhau: mang theo 5 ngày lương khô là thế nào? Chúng tôi hỏi nhau, cười, và lắc đầu, không ai trả lời được. Ban biên tập của chúng tôi lúc ấy có anh Nguyễn Thượng Tiến (danh sách gia đình anh khoảng 30 người!); anh Trúc Sĩ trong nhóm tạp chí Thế Kỷ Hà Nội 1950, tác giả Kẽm Trống, nay không còn nữa; anh Ch. Ph. của báo Ngôn Luận từ 1955 cả chục năm rồi không gặp; nhà văn Xuân Vũ tác giả Ðường Ði Không Ðến đã qua đời ở Austin, Texas;… Ngoài ra là các cộng tác viên chỉ gửi bài vào: có nhà văn Võ Phiến đã qua đời; có Túy Hồng ở đâu đó vùng Tây Bắc Washington state.

Những ngày này, và cái hẹn 21 Tháng Tư năm 1975 ra bến xe để vào phi trường Tân Sơn Nhất đã là một cơn khủng hoảng cho các cộng tác viên với đài, nếu cộng tác viên ấy ngoài đời là công chức hay quân nhân. Họ đã đối đầu một cái hẹn sinh tử: ngày 21 Tháng Tư 1975 bỏ Sài Gòn ra đi, nếu anh là công chức: anh là kẻ đào nhiệm; nếu anh là quân nhân: anh là kẻ đào ngũ. Chính là vấn đề đó mà sau này tôi đoán ra tại sao chiếc DC 3 trên có gia đình tôi đã chỉ có 26 người: những người khác không tới vì họ không thể đào nhiệm hay đào ngũ vào ngày 21 Tháng Tư 1975. Buổi sáng hôm đó ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chưa đọc diễn văn từ chức trên truyền hình, mãi tối hôm đó ông mới đọc. Có thể nếu giờ hẹn là sáng hôm sau 22 Tháng Tư thì khác. Riêng tôi không có gì thay đổi vì đã giải ngũ từ năm 1972 sau khi thi hành xong nghĩa vụ quân sự. Tôi quyết định ra đi dù không giải nghĩa được rõ ràng tại sao đi theo đài phải mang theo 5 ngày lương khô. Chúng tôi (các anh Trúc Sĩ, Thượng Tiến,… Thanh Nam và tôi) đã cười nói với nhau: họ gián tiếp cho mình biết rằng khoảng cách của chuyến di chuyển là 5 ngày lương khô, nếu đi đường biển: Saigon-Ðài Loan, Saigon-Subicbay; Saigon-Guam,… khoảng 5 ngày lương khô là thế!

Ðể nhớ Thanh Nam ngày cùng đi Phú Quốc, cùng lên tàu American Challenger lúc 11 giờ đêm 29 Tháng Tư 1975:

Thơ Thanh Nam

Buổi đầu
Tới đây mùa đã xuân hồng

Cây vui trổ lá, nụ mừng đơm hoa
Xin chào bằng hữu gần xa
Dẫu chưa quen biết đã là anh em
Ðất lành chào mộng bình yên
Tình Ðông nghĩa Bắc càng thêm mặn nồng
Ðường vui chào bước tao phùng
Rộn ràng phố thấp, chập cùng đồi cao
Ngất ngây hương vị buổi đầu
Say say men rượu ngọt ngào chất nho
Tới đây như tự bao giờ
Ngẫu nhiên nắng sớm, tình cờ mưa khuya
Tủi mừng dăm mặt cố tri
Tưởng xa nghìn dặm lại về một phương.
Ngậm ngùi câu chuyện tha hương
Nhìn nhau tóc đã điểm sương điểm buồn
Lạc trong trận đấu mê hồn
Còi chưa mãn cuộc, chân còn tới lui
Về đây chung phận chung đời
Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi chào quá khứ ngủ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời
Giã từ luôn nữa nổi trôi
Cành tươi chim đậu, bên vui thuyền về…
(Seattle, 30 Tháng Tư, 1976)

Dân Đồng Tâm vẫn giữ 20 công an, cán bộ

MỚI CẬP NHẬT