Thursday, March 28, 2024

Thanh Thúy và ca khúc ‘Ướt Mi’ của Trịnh Công Sơn

Du Tử Lê/Người Việt

Trịnh Công Sơn không phải là người đầu tiên gieo cầu nhắm vào Thanh Thúy, mà mối tình đơn phương này còn có nhiều nghệ sĩ khác nữa…

Tiếp tục phân tích thêm về tiếng hát, cũng như con người của nữ ca sĩ Thanh Thúy, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung qua bài viết của ông, đã ghi nhận thêm rằng, Thanh Thúy hát những bài hát buồn bằng một giọng trầm, với gương mặt xa vắng, khiến khán giả cảm thấy như họ bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi, nhưng cũng rất quen thuộc, gần gũi với họ.

Đó là hình ảnh dễ dẫn tới những rung động, cảm nghĩ gắn liền với đất nước, ruộng đồng; với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì được gọi là dân tộc, đặc tính địa phương về mặt tiêu cực: Một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định (1).

Do đấy, có thể coi Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn ấy. Cho nên khi hát, Thanh Thúy không chú ý phát âm rõ, và người nghe hình như cũng không đòi hỏi hiểu được lời ca vì cốt yếu là truyền cảm được nỗi buồn, bằng một giọng buồn và thông cảm được điệu buồn, nỗi buồn không nội dung rõ rệt, không nguyên cớ sâu xa.

Cuối cùng, Giáo Sư Trung đi tới kết luận… “mở,” rất… phiếm định, rằng: “Có lẽ khán giả thích Thanh Thúy là thích vì vậy, không phải giải thích như một thân xác, nhưng như một người đàn bà, một thiếu nữ Việt, một cô gái Huế qua những cái rất ‘đàn bà,’ rất ‘Việt Nam’ và rất ‘Huế’ của Thanh Thúy.”

Sau thời gian bài viết của Giáo Sư Trung được phổ biến, người dân Sài Gòn cũng được đọc bài viết khá “ấn tượng” của cố nhạc sĩ Trịnh công Sơn, xác nhận mối tình một chiều, ông dành cho Thanh Thúy, và quan niệm của ông về lẽ thành, bại, được, mất… của ông.

Mở đầu bài viết có tính cách “tâm sự đời tôi,” Trịnh Công Sơn nhắc tới một câu ngạn ngữ của người Pháp, cho rằng: “Cái gì khởi đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt.” Tuy nhiên, theo tác giả ca khúc “Thương Một Người” (một trong những ca khúc ông viết cho Thanh Thúy) thì ở địa hạt văn học, nghệ thuật, đôi khi câu ngạn ngữ kia, chẳng những không đúng mà có khi còn ngược lại. Ông viết: “Có những trường hợp người nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay, nhưng kết thúc lại rất tệ.”

Về trường hợp cá nhân mình, Trịnh Công Sơn cho biết, ông bước vào lãnh vực âm nhạc tương đối sớm. Ông nói: “Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường…”

Giải thích thêm, ông kể, sau một vài biến cố lớn của gia đình, ông đã bắt đầu một cuộc sống riêng tư, không phẳng lặng. Đời sống mới, từ đó, xô đẩy ông vào sâu mộng mị triền miên. Cũng ngay tự thời đó, có một câu hỏi đã thường trực ám ảnh ông. Câu hỏi: “Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?”

Sau những suy gẫm có tính triết lý như những sợi thừng được tung ra tuồng tự cột, trói mình, nhạc sĩ Trịnh nhắc tới ca khúc đầu tiên của ông. Ca khúc “Ướt Mi” viết cho Thanh Thúy.

Thanh Thúy trình diễn tại trại tị nạn Pendleton, California, vào năm 1985. (Hình: thanhthuy.me)

Đây là một phần lai lịch của bài hát ấy: “Bài hát ‘Ướt Mi’ được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959. Thuở ấy, hình như Nguyễn Ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn Khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng hát liêu trai Thanh Thúy…”

Trịnh Công Sơn nói, ông cố nhớ lại vào năm 1958, ở một phòng trà Sài Gòn, ông thấy Thanh Thúy hát “Giọt Mưa Thu” của Đặng Thế Phong và cô đã khóc (2). Hồi đó, Trịnh Công Sơn đã sớm biết chuyện thân mẫu của Thanh Thúy bị bệnh lao phổi. Hằng đêm bà hát “Giọt Mưa Thu,” nằm chờ con gái về lại nhà. Những giọt nước mắt ấy, với nhạc sĩ này, như một cơn mưa nhỏ, rơi khắp tâm hồn quá mức mong manh, nhạy cảm của ông. Ông thấy như cơn mưa nhỏ kia, đã đưa ông về một quá khứ xa xôi. Một cõi đời mịt mù nào đó, khiến ông cũng phải nhỏ lệ.

Từ những hạt lệ thương xót cho mẹ của Thanh Thúy, tới hạt lệ “tiền kiếp” chính mình, Trịnh Công Sơn thấy dường như có chung một định mệnh giữa hai tiếng khóc. Ông nói, chúng tìm đến nhau, để làm thành dan díu khởi đầu. Làm thành một thứ tài sản tinh thần riêng của Trịnh Công Sơn. Ông cũng tiết lộ rằng: “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài ‘Ướt Mi,’ nhưng bài ‘Ướt Mi’ thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm. Dù sao thì những năm 1959-1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.”

Trở lại với một câu ngạn ngữ của tây phương, tác giả “Ướt Mi” vẫn không quên tự hỏi “Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?” Theo ông, sự kết thúc mọi chuyện trong đời sống đều không giống nhau. Ông vẫn có xu hướng muốn đắm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung. Dù cho: “… Người đời cứ thích kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.”

Vẫn theo tác giả “Ướt Mi” thì trong mỗi cuộc lên đường, luôn có cái đích để chạm tới. Nhưng trong lãnh vực nghệ thuật lại khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn, và biết đâu, có khi nó đã có trước thời hạn mà mình không ngờ tới. Ông cũng quan niệm, sự bất tử không có trước có sau. Thường khi nó nằm ở điểm mọi cơ duyên cùng tụ lại…

Có dễ vì thế mà Trịnh Công Sơn đã, không hề có ý định viết bài cuối cùng bởi vì ông cho rằng, thời điểm cuối cùng, là thời điểm mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó, ông bị bắt buộc phải lên đường, để viết về những ý nghĩ cuối cùng thì ông tin rằng, đó là lúc ông sẽ cố gắng cởi trói ông thoát khỏi mọi hệ lụy của đời, để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.

Bài hát cuối cùng của ông, sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà, ông nghĩ rằng cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa. Để nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức nữa.

Kết thúc bài viết của mình, ông nhấn mạnh: “Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bèo bọt vô hình tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu, có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều. Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc. Không chắc gì hạnh phúc thì tại sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?”

***

Nhiều người nói, Trịnh Công Sơn không phải là người đầu tiên gieo cầu nhắm vào Thanh Thúy. Ngoài ông, với mối tình đơn phương, còn có nhiều nghệ sĩ khác nữa. Trong số ấy, ồn ào, sôi nổi và cũng bền bỉ nhất là tài tử Nguyễn Long, tự Long Đất…

Tôi không biết Giáo Sư Nguyễn Văn Trung có chia sẻ quan niệm không cần phải có thêm cuộc gieo cầu… cuối cùng, như minh xác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? (Du Tử Lê)

Chú thích:

(1) Thanh Thúy sinh năm 1943 tại Huế. Đi hát từ năm 1959. Năm 1961, cô được chọn là “Hoa hậu nghệ sĩ,” do Bác Sĩ Trương Quang Hớn tổ chức ở phòng trà Anh Vũ. Đồng thời cô cũng được coi là nữ ca sĩ ăn khách nhất trong ba năm liên tiếp.

(2) Đặng Thế Phong sinh năm 1918, mất năm 1942. Ca khúc “Giọt Mưa Thu” là sáng tác cuối cùng của ông, viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh năm 1942. Ban đầu bản nhạc mang tên “Vạn Cổ Sầu,” nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là “Giọt Mưa Thu” cho bớt sầu thảm. Một số tài liệu xưa từng ghi, ca khúc này có sự tham gia viết lời của cố nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919-1985) (theo Bách Khoa Toàn Thư).

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT