Friday, March 29, 2024

Thi sĩ Đinh Hùng và ngôi nhà ông đã ở

Du Tử Lê/Người Việt

Cảm nghĩ của tôi về Đinh Hùng trước khi được tiếp xúc với ông, ở hai trạng thái thật dị biệt.

Ngày còn cắp sách đến trường, cũng như mọi cậu học trò mê thơ văn, tôi tìm gặp Đinh Hùng trong những bài thơ đăng rải rác trong các báo, qua những bài báo, những tập sách loại phê bình văn học nghệ thuật…

Tôi đã vẽ trong trí tưởng tượng thơ ngây, non nớt của mình, hình ảnh một chàng lãng tử ngơ ngác giữa dòng đời, mà hành trang chỉ là những mộng ảo, những ước mơ dang dở, những trăng gió bướm hoa, những thiên thai, bồng đảo. Và võ khí tự vệ của ông, chỉ là tấm lòng đắm đuối, thiết tha không tưởng về một thiên đường đã mất.

Tôi nghĩ về ông bằng khuôn dáng lý tưởng đó. Tôi nghĩ đời sống ông giống như đời sống của trích tiên, ngày đêm mơ mộng tiêu dao. Tôi cũng nghĩ, người thi sĩ đó phải là người có nhân dáng thư sinh, khoan thai, dịu đàng, tâm hồn không bao giờ phải rộn phiền thế cuộc…

Rồi khi lớn lên, tập tễnh làm văn nghệ, mỗi khi viết được một bài thơ, một đoạn văn đắc ý, tôi sung sướng, rộn ràng gò lưng chép lại, nắn nót từng chữ từng nét (mặc dù càng nắn nót, chữ của tôi càng thêm xấu), xong gửi tờ báo tôi thích.

Lúc này, tôi bắt đầu giao thiệp với vài bạn đồng sở thích. Họ kể cho tôi nghe rất nhiều điều xấu xa về Đinh Hùng. Như một người bị tình phụ, tôi bắt đầu có ý nghĩ không tốt về ông. Hình ảnh đẹp về một Đinh Hùng, thi sĩ, như một con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư, trong mùa Thu thiếu phụ đã không còn. Nó nhường chỗ cho vóc dáng một ông cai thầu văn nghệ…

Cũng từ đó, tôi rất bực dọc mỗi khi đọc thơ ông. Tôi nghĩ ông không chỉ tự lừa dối ông mà còn lừa dối mọi người, khi hạ bút viết những bài thơ bàng bạc ý nghĩa khinh mạn cuộc đời. Những bài thơ chan chứa tình người phảng phất nét siêu hình Đông phương, hay u hoài chua xót, như những hạt lệ còn vướng đọng trên mi người trinh nữ vừa vuột mất thiên đường trong giấc mộng.

Tuy vậy, tôi chưa hề biết mặt ông. Cũng như tôi chưa hề biết cuộc sống thực của ông ra sao. Những cảm nghĩ phức tạp, những hình ảnh trừu tượng cứ dềnh lên trong trí tôi mỗi khi nghĩ tới ông… Mỗi khi tiếng nói đầy giai điệu từ đài phát thanh vang vọng đến tận đáy tâm hồn tôi. Những giây phút đó, tôi nghĩ không lẽ một con người có giọng nói đầy tình cảm, quyến rũ như thế lại có thể, xấu xa thủ đoạn vậy sao? Không lẽ với cả một “Mê Hồn Ca,” lại không mang một chút sắc diện tâm hồn tác giả?

Tôi băn khoăn tự hỏi, phải chăng những người bạn văn nghệ của tôi đã quá chủ quan, thiên vị, bất công, hay ghen tức với tài hoa của một thi sĩ khởi nghiệp thi ca từ tiền chiến, mà hôm nay lại càng chói lọi hơn. Những mâu thuẫn đó càng ngày càng xui khiến, thôi thúc tôi tìm đến ông để nhận diện gương mặt tâm hồn đích thực của ông. Một khuôn mặt không sơn vẽ, không son phấn, giai thoại!

Tôi có quen biết vài người thường giao thiệp với ông. Nhưng vì tự ái, vì mặc cảm mình chưa có “một cái gì” cho nên không bao giờ tôi thổ lộ điều ao ước đó với họ. Hơn nữa, giữa tôi và ông, cũng như giữa tôi và những người nổi tiếng khác, tôi vẫn thấy dường có một sự cách biệt (mơ hồ thôi) nhưng rất lớn. Dù khâm phục hay không, với tôi, họ vẫn là một thế giới mà tôi khó với tới.

Tâm lý này, thực ra, cũng không là điều gì khó hiểu. Bởi chính cá nhân tôi, dù không là gì, mà đã có người bạn mới, sau buổi gặp lần đầu, đã thành thật, nói rằng, “hồi chưa biết mặt ông, tôi cứ tưởng ông ghê gớm, thần thánh lắm, hóa ra… cũng như mọi người.” Hay, “tôi tưởng anh to lớn già dặn lắm, ai ngờ lại rất nhỏ bé…”

Vì thế, ngày này qua ngày khác, hình ảnh thi sĩ Đinh Hùng luôn biến đổi trong trí tưởng tôi. Khi thì đó là hình ảnh một Đinh Hùng lộng lẫy. Lúc khác, lại là một Đinh Hùng xấu xa, tùy những giai thoại tôi được nghe về ông. Mãi cho đến khi tôi in xong tác phẩm đầu tay, tôi nhờ T.P đưa lại nhà để tặng sách; với hàm ý muốn nhờ ông giới thiệu trên ban Thi Văn Tao Đàn của ông. Lần đó chúng tôi không gặp. Cách một tuần sau, tôi không còn nhớ rõ ngày nào, nhưng khoảng đầu Tháng Ba, 1964, chúng tôi trở lại.

Nhà thơ Đinh Hùng, sinh năm 1920, mất năm 1967 tại Sài Gòn. (Hình: wikipedia.org)

Căn nhà ông ở là một trong ba căn lầu liền nhau, có lối thang đi riêng, nằm ngay ngã ba Trần Quang Khải và Nguyễn Văn Thạch, cũ. Sau khi gõ nhẹ cánh cửa khép kín. Lắng tai, bên trong không một tiếng động. Tôi đã thất vọng. Nhưng đúng lúc ấy, cậu con trai đầu của ông ra mở cửa.

Cảm giác đầu tiên của tôi là cái cảm giác ngơ ngẩn, lạc lõng trước khung cảnh lạnh lẽo, tối tăm của căn phòng ẩm mốc. Bốn bức tường nâu đã ngả màu đen xám. Tôi nghĩ ít nhất căn nhà này cũng có tới trên 10 năm chưa một lần được tu bổ.

Đối diện với cửa chính, trên tường cao là một trang thờ khá to, màu đỏ sẫm. Hình như đây là bàn thờ Phật. Hai bên bàn thờ là những câu đối viết trên giấy điều. Dưới chân tường một đống sách được gói ghém cẩn thận, phủ lên bởi tấm giấy dầu (sau này tôi được biết đó là mấy trăm cuốn thơ “Đường Vào Tình Sử!”).

Bên tay phải là một tủ kính nhỏ. Loại tủ kính tôi nghĩ dùng để bày tách chén thì hợp lý hơn là để những cuốn sách đủ loại tây, tàu, ta, truyện, thơ, biên khảo ngổn ngang… Trên mặt tủ kính, gia chủ bày một bát hương, hai tấm ảnh, cụ bà, cụ ông. Có lẽ là song thân của thi sĩ. Bát hương còn trơ vài chân nhang lạnh.

Đối diện với tủ kính này là căn buồng nhỏ. Giống như một nhà bếp. Với chiếc bàn gỗ, trên bày bừa bãi ít bát chén ly tách. Phía trái cửa chính để chiếc bàn tròn, kê sát góc nhà. Một bên kê một chiếc ghế. Bên kia ba chiếc khác. Đó là bộ salon, loại gỗ trơn. Một chiếc màn gió ngăn với phòng bên cạnh. Nếu không nhìn kỹ, ta có cảm tưởng tấm màn màu vàng, kỳ thực nó thuộc loại vải sọc.

Sở dĩ tôi dài dòng như vậy, là để bạn có thể hình dung một cách rõ ràng “phòng văn” của một thi sĩ tiếng tăm lừng lẫy trong văn giới. Thú thực, tôi không thể ngờ căn nhà ông lại hoang vắng, tẻ nhạt, tiêu sơn đến thế. Cái nghèo quá rõ! Làm sao che đậy được khi các đồ vật đều mang dấu vết tàn phai của thời gian, của bụi bám thảm đạm.

Cảnh trí này, theo tôi, đã nói lên một phần nào bản sắc tâm hồn ông: Coi thường đời sống vật chất. Không điểm trang chưng diện. Không giấu giếm. Cái vô trật tự không làm dáng, không giả tạo ngụy trang, thật thơ, thật đáng mến.

Một tình cảm dịu nhẹ, hơi buồn (nhưng không hẳn là buồn), hơi bùi ngùi (nhưng không hẳn là xót xa) trải đầy tâm hồn tôi. Tôi không muốn nhìn lâu hơn những đồ vật trong căn phòng ấy.

Một lát, Đinh Hùng từ phòng bên đi ra. Dáng dấp ông vội vàng, hấp tấp. Chiếc quần ngủ màu nâu nhàu nát. Chiếc áo sơ mi dài tay trắng tinh, nút vàng chưa kịp cài. Tóc dài để xõa hai bên tai, như đôi cánh của một con gà sau cơn xáp chiến, rũ xuống xác xơ mệt mỏi. Ông dùng cả hai tay vuốt tóc, rồi bắt tay chúng tôi với nụ cười cởi mở, duyên dáng nở trọn. Sau khi nghe T.P giới thiệu, ông nhìn tôi và nói: “À, à, hay quá, hôm nay mới được gặp anh đây.”

Ông đưa tay ra dấu mời chúng tôi ngồi rồi vồn vã hỏi thăm về đời sống của T.P và tôi. Ông nói giọng nhanh, âm thanh reo vui, rộn rã. Ông kể lại, trong quá khứ, ông có chọn một số thơ đăng trên báo của tôi, cho ngâm trong ban Tao Đàn.

Khi người con đem bình nước ra, ông trở vào phòng bên tìm cuốn “Đường Vào Tình Sử” tặng cho T.P. Cuốn sách được đề tặng cho T.P từ năm 1961 nhưng chưa có dịp gửi. Ông nói sẽ soạn một số sách tặng tôi sau.

Cử chỉ, lời nói, nét mặt ông bộc lộ rõ cái chí tình, không kiểu cách, không đỏm dáng, làm tôi quên bẵng bao nhiêu thành kiến không đẹp về ông.

Tôi có cảm tưởng như gần gũi và quen biết ông thuở nào rồi. Cái ý tưởng cần phải đề phòng, thận trọng không còn nữa. Điều ức đoán của tôi về ông hoàn toàn sai lạc. Tôi cảm động và lúng túng không biết nên nói gì! Từ đó tất cả những câu chuyện dĩ vãng được nhắc nhở lại.

Nào là chuyện cách đây 10 năm T.P đến nhậu nhẹt tại nhà ông, say quá phải ngủ lại, tới chuyện in tập thơ “Đường Vào Tình Sử.” Thời gian ông làm cho các báo. Xen lẫn là những câu thăm hỏi về đời sống riêng của tôi, cũng như những câu tôi hỏi có tính cách tra vấn về một số điều tiếng mà ông đang phải gánh chịu. Chính trong cuộc nói chuyện này, tôi được biết thêm nhiều sự thực đau lòng. Nhiều sự thực khó ai có thể tưởng tượng. Vậy mà nó có!

Ông cũng cho biết hồi ông làm tờ tuần báo Người Việt Tự Do, phụ trách trang thơ, phải đọc nhiều, ông đã thực hiện một chương trình phát thanh đặc biệt dành riêng để giới thiệu thơ của ba người là Bùi Giáng, tôi và một người nữa.

Đại ý ông nói, đó là ba người mà thơ của họ ít nhiều có sắc thái cá biệt, khó chìm lẫn. Chương trình này thâu xong thì xảy ra cuộc chỉnh lý: Tướng K, lật Tướng M. Nên đài không cho phát…

Buổi chiều tàn lúc nào chúng tôi không hay, đèn đường khu Tân Định đã bật sáng. Hai tiếng rưỡi trò chuyện cởi mở qua quá mau. Chúng tôi từ biệt ông, sau cái xiết tay thân mật lời dặn dò ân cần nhớ lại chơi…

Hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được về ông trong buổi gặp đầu tiên này là hình ảnh của một thi sĩ tên tuổi, với hai thứ tóc trên đầu, và một thân xác héo khô, nhỏ bé, mất hút trong chiếc cầu thang hẹp xoáy trôn ốc.

Trên đường về, T.P nói thêm với tôi về nhiệt tình của Đinh Hùng. Nhưng tôi biết trong chúng tôi, mỗi người đều ẩn chứa một cảm nghĩ riêng tư. Ở tôi là cảm nghĩ định mệnh mới khắt khe, cay nghiệt làm sao cho một thân tằm nhả tơ trong một đất nước có gần năm ngàn năm văn hiến, nhưng nghèo nàn, chậm tiến.

Một đất nước chỉ dư thừa chiến tranh điêu tàn, khốn khổ. Một đất nước chỉ thừa máu xương, nước mắt. Biết đến bao giờ? Chừng nào? Bóng tối xã hội mới thôi bủa vây những con người tự nguyện hiến dâng đời mình cho văn chương nghệ thuật, như Đinh Hùng. Để ít nhất trong những tháng, năm chót của cuộc đời, họ còn được thấy ánh sáng vinh quang, và cũng ơn nghĩa hiến tặng của quần chúng đương thời! (Du Tử Lê)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT