Thursday, March 28, 2024

Thiên đàng, địa ngục trong cõi riêng của Nguyễn Đông A

Du Tử Lê/Người Việt

Tôi vẫn cho rằng, trong mỗi con người, luôn có nhiều hơn một nhân thân. Nói cách khác, mỗi chúng ta thường có nhiều hơn một bản ngã.

Nhưng hiếm khi những bản ngã ở một con người đó, lại mang tính đối nghịch, quyết liệt, tựa thiên đàng và địa ngục như trường hợp của nhà văn, và cũng là nhiếp ảnh gia Nguyễn Đông A – tác giả bộ hình nghệ thuật “Lấp Lánh Áo Hoa” và tập truyện cùng cảm nhận văn chương, nhan đề “Lơ Thơ Vạt Cỏ” (*)

Để có được một cảm nhận tương đối hiện thực về cõi-hình nghệ thuật của Nguyễn Đông A của rất nhiều tác giả khác nhau, tôi chọn phần ghi nhận của nhà văn Kim Quyên, như sau:

“Ngoài viết truyện ngắn, viết phê bình lý luận duyên dáng, sắc sảo, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đông A còn đắm say nhiếp ảnh nghệ thuật. Anh thường đăng hình ảnh về hoa lá, phong cảnh thiên nhiên vùng Oregon (Hoa Kỳ), nơi anh đang sinh sống – những hình ảnh thật đẹp, lung linh, huyền ảo…”

“Tôi rất thích những tấm ảnh hoa lá cây cỏ, nhất là hoa hồng, hoa hồng thì thiếu gì ảnh trên sách báo nhưng hoa ở đây lóng lánh trong vùng ánh sáng huyền ảo, hình dạng và màu sắc kết hợp giữa tĩnh và động, hư và thực trông vừa lạ mắt, vừa lung linh, mỗi bông hoa như có tiếng nói riêng…”

Riêng với tôi, nếu “Lấp Lánh Áo Hoa” là những bức hình cho thấy tâm hồn nhạy cảm của Nguyễn Đông A trong ống kính. Để khi những bông hoa được in ra trên trang giấy hoặc trong không gian ảo của Facebook, tự thân, đã có được cho riêng nó, phần phấn-hương-thiên-đàng. Một thành tựu mà không phải bất cứ một nhiếp ảnh gia nào cũng có thể đạt được.

Tôi gọi những trang ảnh hoa, của Nguyễn Đông A là những phấn-hương-thiên-đàng vì tính lung linh, hư ảo, trong suốt và, tinh khiết đầy nghệ thuật của chúng – tựa như đó là hình ảnh, đường nét của một thế giới ở ngoài cõi nhân gian này.

Nhưng khi bước vào cõi-văn-xuôi Nguyễn Đông A thì đó lại là một thế giới khác nữa. Một thế giới ở ngay cõi nhân gian này. Mà nó lại là phần chìm khuất, phần bóng tối đôi khi nhầy nhụa thực tế đời thường. Với tôi, “thế giới nhầy nhụa đời thường” của Nguyễn Đông A gần với địa ngục trần gian, mặt khác của ảo ảnh thiên đàng… Mặc dù như ông đã khẳng định rằng, “xã hội nào cũng vậy, bên cạnh những điều hay, thế nào mà không có những điều chưa hay.”

Tôi trộm nghĩ, chúng ta có thể coi những ghi nhận có phần tiêu cực trong văn xuôi Nguyễn Đông A, như những mảng đời thường, tình cờ lọt vào tầm nhắm của ông mà thôi.

Trước khi bước vào cõi văn xuôi như những lát cắt, phơi bày phần nhầy nhụa đời thường qua một số truyện trong bảy truyện ngắn, ở phần thứ nhất của tác phẩm “Lơ Thơ Vạt Cỏ” và những gam màu bớt “gay gắt” hơn ở phần thứ hai. Phần ông đặt tên là “Hỗn Văn”; rồi với phần ba “Cảm Nhận Văn Chương,” lấp lánh những phân tích, nhận định bất ngờ,… trước khi kết thúc tập sách bằng phần “Trao Đổi” thân mật, ý nghĩa…

Chúng tôi xin mời bạn đọc theo dõi trích đoạn sau đây của tác giả Đinh Thị Thu Vân về tác phẩm độc đáo, “Lơ Thơ Vạt Cỏ” của Nguyễn Đông A:

“…Với tôi, mỗi truyện ngắn của anh như một khung cửa, men theo đó, tôi hy vọng thỏa tò mò…”

“Và những đoản văn rời, mà anh gọi là hỗn văn, chúng như những cơn gió to, biết lay từng cánh cửa, ánh sáng đôi lúc len vào, cùng với gió, để chúng tôi, những người đọc thân thiện, cứ tùy vào vốn liếng sống, tùy vào tâm tư, tùy vào sự lãng mạn, mà đoán, mà nghĩ và nghĩ, rồi phác thảo riêng cho mình chân dung tác giả…”

Như một đường dẫn cần thiết cho độc giả thân hữu của mình, nhà văn Nguyễn Đông A, phát biểu về truyện ngắn của ông, như sau:

“Tôi là người viết tự do, không chịu bất cứ ràng buộc, áp lực nào, chỉ viết theo trái tim của mình, nhưng tôi không thích viết những điều lớn lao, như tổ quốc, đất nước… Những điều đó để cho những người có tâm huyết. Nếu có viết, tôi chỉ viết về con người, những thân phận, đời người, viết về những cá thể đơn lẻ, nhỏ nhoi… Ít người quan tâm đến. Thế thôi.

“Tất nhiên mỗi con người đều sống trong một xã hội nhất định, nên khi viết thế nào mà chẳng phản ánh gì đó về xã hội ấy. Chỉ là tôi không tố cáo, tố kiếc gì hết. Đó không là mục tiêu tôi hướng đến. Bởi tôi quan niệm rằng xã hội nào cũng vậy, bên cạnh những điều hay, thế nào mà không có những điều chưa hay.”

***

Ngay khi bước vào cõi-giới truyện ngắn Nguyễn Đông A, tôi đã ghi nhận được chí ít cũng hai đặc điểm của nhà văn này.

Thứ nhất, chỉ với một số chữ giới hạn, rất kiệm lời, ở phần nhập đề truyện ngắn, Nguyễn Đông A giới thiệu được đủ nhân thân, cá tính, hoàn cảnh hay trường hợp nhân vật. Thí dụ với truyện ngắn đầu tiên, tựa đề “Hai Con Ma Đường Hàng Dương,” để nhập truyện, ông viết:

“Đêm tối lạnh lẽo, hai đốm lân tinh bay qua bay lại, vờn nhau chạm lẹt xẹt trên cành dương. Hai đốm sáng rơi xuống bãi cát vàng hiện ra bóng trắng, một tóc dài một tóc ngắn, hai con ma nữ hai thế hệ,một đài các thục nữ, một tinh quái ương bướng. Hai con ma đồng cảnh, dị tử kết nghĩa chị em.” (“Lơ Thơ Vạt Cỏ” trang 8)

Hoặc ở truyện ngắn tựa đề “Phần Trăm Cho Tình Yêu”:

“Lâu lắm hắn mới trở lại đây, hơn hai mươi năm. Khi ấy, tuổi hắn chưa đủ hai mươi mà giờ số tuổi ấy đã quá đôi. Cuộc đời chập chờn theo những giấc mơ, đứt quãng. Khi càng nhiều tuổi nhất là lúc say, người ta càng nhớ lại nhiều điều đi qua cuộc đời mình.” (“Lơ Thơ Vạt Cỏ” trang 26)

Thứ nhì, khả năng tả cảnh của Nguyễn Đông A cho thấy ông như một nhà văn có tay nghề cao hơn rất nhiều nhà văn khác. Nơi trang 21 của “Lơ Thơ Vạt Cỏ,” ông viết:

“…Người phụ nữ khỏa thân giữa trời biển, trần truồng thanh khiết cùng thiên nhiên. Thiên nhiên làm nền cho sự thanh khiết. ‘Sự trần truồng là một tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hóa. Chỉ những ý thức tà dâm về sự trần truồng ấy, mới là bản chất của kẻ gian manh.’ Nàng muốn phô diễn khoảnh khắc thanh xuân căng đầy của mình. Nàng không muốn lãng quên thân xác. Nàng ý thức được cái đẹp của bản thân và muốn tìm lại chính mình…”

Hoặc: “…Nàng mềm mại như đường cong của doi cát biển (…) Cái đẹp bình thường, thật thà hơn, lành hơn. Dường như che lấp được hết cả những tì ố” (…) Liệu xấu đẹp bề ngoài và cả bên trong nữa có quan trọng gì cho một đời sống vốn quá ngắn ngủi, trong khi điều mong muốn giản dị lại chính nỗi niềm khao khát yêu thương và được thương yêu?”

Bước qua phần tác giả đặt tên là “Hỗn Văn,” Nguyễn Đông A, trong đoản văn tựa đề “Nhan Sắc,” viết:

“…Nhan sắc từ phấn son che bớt làn da. Nhan sắc có khi nối dài với đường cong cơ thể.”

“Nhưng không chỉ thế, nhan sắc là sức sống, là thời gian, là sự biến động của cuộc đời. Nhan sắc là hai người yêu nhau, là tình nghĩa vợ chồng, làm cảm quan riêng tư.” (“Lơ Thơ Vạt Cỏ” trang 48)

Bước qua phần “Cảm Nhận Văn Chương,” Nguyễn Đông Á đã cho thấy tính nhạy cảm, sắc bén và rất chân thật của ông, một nhà văn, khi ghi nhận về trường hợp của nhà thơ nổi tiếng, Trần Mạnh Hảo, như sau:

“…Thơ Trần Mạnh Hảo có số lượng khá lớn, khi anh in đến 15 tập thơ, đó là chưa kể những bài thơ viết sau này chưa được in, anh viết cả văn xuôi, lý luận, trong đó có tiểu thuyết Ly Thân từng làm khổ đời anh.

“Anh cũng gây nhiều ân oán trong văn chương, nhiều học gỉa luận bàn đủ điều nhưng có một chuyện không ai có thể phủ nhận, là anh đã viết nhiều bài thơ tuyệt hay…” (“Lơ Thơ Vạt Cỏ” trang 122)

***

Với một tài năng văn chương/ nghệ thuật như nhà văn/nhiếp ảnh gia Nguyễn Đông A, tôi không nghĩ một vài bài viết, một vài trang báo có thể tiếp cận được quá nhiều phương diện của tài năng này.

Tôi mong, rồi đây, sẽ có người nghiên cứu về ông một cách đầy đủ, công phu và, sâu, rộng…

Ngay lúc này, tôi chỉ mong ông tiếp tục vẫn “…chỉ viết về con người, những thân phận, đời người, viết về những cá thể đơn lẻ, nhỏ nhoi… Ít người quan tâm đến. Thế thôi.”

Vâng! “Thế thôi” của Nguyễn Đông A, tự thân cũng đã là một đóng góp đáng kể cho văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay rồi. (Du Tử Lê)

————
Chú thích:

(*) “Lấp Lánh Áo Hoa” do nhà xuất bản Văn Hóa-Văn Nghệ ở Sài Gòn ấn hành, 2017. Và tập truyện cùng cảm nhận văn chương, nhan đề “Lơ Thơ Vạt Cỏ” của Nguyễn Đông A, do Hội Nhà Văn xuất bản, Hà Nội, 2017.

Tác giả tên thật Nguyễn Thành Sơn, sinh năm 1957 tại Long Điền, Phước Tuy. Sau đại học, ông nghiên cứu khoa học ở Đại Học Sư Phạm, Đại Học Tổng Hợp, Viện Khoa Học Xã Hội về các ngành ngữ văn, ngôn ngữ, lịch sử vào thập niên 1980, thế kỷ 20… Ông hiện cư ngụ tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon.

Mời độc giả xem tường trình APEC 2017 “Tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng, đọc bài diễn văn quan trọng”

MỚI CẬP NHẬT