Thursday, March 28, 2024

Thơ trào phúng Tú Kếu

Viên Linh

Tú Kếu là một thi sĩ trào phúng nổi tiếng nhất của làng báo miền Nam trong hai thập niên ’60 và ’70 qua các mục thơ biếm chích thường xuyên trên các nhật báo và tuần báo mà anh đặt là Thơ Ðen, Thơ Chua, Thơ Chém Treo Ngành. Một trong những mục đó là một mục thường xuyên của Khởi Hành trước 1975.

Ðối tượng của thơ Tú Kếu không phải chỉ là những thói hư tật xấu của một hạng người nào đó, mà còn là chính quyền đương thời. Do đó thơ anh thường bị kiểm duyệt đục bỏ, toàn bài hay từng câu từng chữ. Mục thơ trào phúng của anh một mặt làm báo bán chạy, mà mặt khác cũng làm báo ra chậm, vì một khi bài thơ bị đục bỏ, người ta phải dùng mục đen bôi đi, nếu ít, hay phải in lại, nếu báo lỡ in rồi.

Ngoài thơ trào phúng trên các nhật báo ký tên Tú Kếu, hay Lý Bí, khi còn trẻ làm thơ tình cảm ông ký tên Hoàng Bình Sơn, sau lại ký Trần Ðức Uyển, do đó nhiều người nghĩ đó là tên thực của thi sĩ, kể cả nhiều bài viết của các nhà phê bình, thực ra không phải. Tên thật ông là Nguyễn Huy Nhiên, còn ngoài ra chỉ là những bút hiệu ông dùng trong khi làm những bài thơ không châm biếm hay thơ dịch từ Anh ngữ.

Tú Kếu sinh năm 1937 tại Sơn Tây, dạy học trước khi bước vào làng báo. Anh lập gia đình rất muộn, với con gái một người bạn, và đó là gia đình đầm ấm anh sống cho tới cuối đời, ở Sài Gòn và Lâm Ðồng, nơi gia đình bên vợ.

Sau khi miền Nam sụp đổ, anh bị cộng sản bắt, và đưa ra tòa, bị lên án 18 năm tù. Dĩ nhiên cũng vì những bài thơ chống Cộng của anh. Ở tù được trên mười năm thì Tú Kếu được thả về, có lẽ vì căn bệnh alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bắt đầu tác hại. Ra khỏi tù, anh về sống ở Bảo Lộc. Những ngày đầu Tháng Tư 2002, bệnh của Tú Kếu quá trầm trọng, anh được gia đình đưa về Sài Gòn, nơi có nhiều hy vọng chữa trị. Cái chết của Tú Kếu là một cái tang lớn cho làng thơ Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của anh là cuốn Thơ Ðen, in năm 1965, trong có bài bạc in ở cuối tập của Viên Linh, người năm 1969 khi làm thư ký tòa soạn tờ Khởi Hành đã mời Tú Kếu chủ trì cho mục thơ trào phúng của tờ báo. Thơ trào phúng của Khởi Hành, từ Việt Nam tới hải ngoại, luôn luôn gắn liền với thời thế chính sự, bởi thế đọc thơ chính sự đúng nghĩa, cũng là đọc văn chương thời thế Việt Nam.

Hai bài thơ Tú Kếu sau 1975

Sáu Phần Mười

Ðây là tiếng gõ
Tôi gõ cửa lương tâm loài người
Dĩ nhiên không phải những lương tâm đang ngủ.
Những lương tầm còn thức sáng ngời

Tôi sẽ nói gì với họ?
Không! Không cần, xin cứ đọc thơ tôi
Do hạn chế bởi ngôn từ thi sĩ
Tôi nói lên chưa được sáu phần mười.

Hai Nàng Kẹo Kéo

Khá khen hai gái má hồng
Tuổi xuân mơn mởn đã chồng hay chưa?
Tuổi xanh nghị lực có thừa
Ðẩy xe kẹo kéo, nhạc khua phố phường
Người rằng thương, ta rằng thương
Gót chân liệu châm cổng trường bao lâu?
Mẹ cha nay đã bạc đầu?…
Có chăng vất vả thân trâu kiếp lừa?
Hay là nặng nhọc sớm trưa
Bảo nhau khuất bóng, bây giờ mồ côi?
Này hai cô bé kia ơi!
Thoáng nghe tiếng nhạc, tim người nhói đau
Ðời này vàng lẫn với thau
Tim càng hãy giữ bền lâu với đời
Nàng đi kéo kẹo cho đời
Tơ tằm ta kéo dâng lời thủy chung.

MỚI CẬP NHẬT