Saturday, April 20, 2024

Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ văn hóa Á Châu

Trần Doãn Nho/Người Việt

Người ta ước tính, trong số 7 tỷ người trên trái đất, có chừng 2 tỷ người có thể nói được tiếng Anh, trong đó, khoảng 450 triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, 500 triệu người nói tiếng Anh thông thạo, và chừng 1 tỷ người có thể nói tiếng ở một mức nào đó.

Cũng theo ước tính, riêng Á Châu có khoảng 800 triệu người có thể nói tiếng Anh. Có thể nói hiện nay, tiếng Anh trở thành một thứ ngôn ngữ chung (lingua franca) ở Á Châu, thường được sử dụng ở giới chuyên môn, ở các thành phần ưu tú, ở Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN), ở doanh nghiệp và ở cả trong lãnh vực văn chương.

Năm 2001, lần đầu tiên, Hồng Kông là nơi đã tổ chức một cuộc hội thảo văn chương quốc tế do “Hong Kong International Literary Festival” (HKILF) đứng ra tổ chức với sự tham dự của 30 nhà văn Á Châu thuộc nhiều quốc gia khác nhau, kể cả hai nhà văn được đề cử giải “Booker Prize Award” của Anh là Thimothy Mo (Hồng Kông lai Anh) và Romesh Gunesekera (Sri Lanka/Tích Lan).

HKILF do Nury Vittachi, một nhà văn Sri Lanka, Jane Camens, giáo sư văn chương cùng với nhà thơ Mã Lai Shirley Geok-lin Lim sáng lập năm 2000. Và bắt đầu từ năm 2001, HKILF đứng ra tổ chức hội thảo hằng năm. Cuộc hội thảo lần thứ 17 đã được tổ chức tại Hồng Kông đầu Tháng Mười Một năm rồi (2017). Trong lúc đó, hai trường đại học ở Hồng Kông đã ấn hành hai tập san văn chương, đồng thời mở hai trang mạng văn chương trên Internet bằng tiếng Anh, chuyên điểm sách và đưa tin về các sinh hoạt văn chương. Phấn khởi trước không khí đó, nhiều nhà văn Á Châu đã bắt đầu cho xuất bản các tác phẩm của mình bằng tiếng Anh phát hành tại Á Châu.

Xu Xi (sinh năm 1954) là một nhà văn Trung Hoa lai Indonesia. Bà sinh sống ở Trung Hoa lục địa và rồi Hồng Kông, nhưng khác với những nhà văn đồng hương, bà không viết văn bằng Hoa Ngữ mà lại bằng Anh Ngữ. Bởi thế mà dù sống trên quê hương, bà luôn luôn cảm thấy cô đơn.

Không có độc giả, không có nhà xuất bản, bà đành phải sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Nhưng đó là thời gian của thế kỷ trước (thế kỷ 20). Mọi sự đã đổi khác từ năm 2001. Từ New York, bà trở về Hồng Kông để phát hành tuyển tập truyện ngắn mới nhất của bà, hầu như cùng một tuần với sáu nhà văn Á Châu khác, và sau đó là một truyện dài có tựa đề “The Unwalled City” (Thành Phố Không Tường). Tất cả các tác phẩm đều bằng tiếng Anh.

Từ lâu, theo Xu Xi, viết về Hồng Kông cũng như về Á Châu để giới thiệu với quốc tế hầu như là độc quyền của những nhà văn phương Tây tạm trú tại Á Châu hay đến thăm Á Châu như Rudyard Kipling, W.H.Auden, George B. Shaw, Somerset Maugham, John le Carré, James Clavell, Richard Mason, Paul Theroux và Stephen Coonts. Họ viết về Á Châu bằng cái nhìn của những người ngoại cuộc. Giờ đây “những nhà văn Á Châu sẽ cho quý vị biết về một Hồng Kông và về một Á Châu mà quý vị chưa hề biết trước đó. Quý vị đã đọc James Clavell viết về Hồng Kông, nhưng quý vị không thấy được Hồng Kông từ bên trong lòng của nó.”

Một nhà văn Hồng Kông khác trẻ hơn, Annie Wang (sinh năm 1972), cũng chuyển qua viết tiếng Anh. Bà lớn lên ở Bắc Kinh và sang định cư ở Hồng Kông sau nhiều năm sinh sống ở Hoa Kỳ. Năm tác phẩm trước đây, bà viết bằng tiếng Hoa, nhưng tác phẩm thứ sáu “Li Li: A Novel of Tianmen” viết bằng tiếng Anh, xuất bản năm 2001.

Giống như nhiều nhà văn khác ở quê hương, khi viết bằng Anh văn, bà cảm thấy thoải mái hơn, vì được tự do diễn tả những gì bà muốn. “Khi viết bằng tiếng Hoa, người ta cứ nơm nớp lo sợ bị trừng phạt hay bị dư luận lên án. Khi viết bằng tiếng Anh, tôi chẳng còn sợ gì nữa. Tôi có thể thoải mái sử dụng những từ ngữ đường phố, thứ ngôn ngữ tục tằn của những hạng gái hư hỏng mà không sợ gì hết.”

Will Atkinson, người điều khiển công việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nhà xuất bản Anh “Faber & Faber” đến Hồng Kông tham dự hội nghị văn chương quốc tế nói trên với mục đích tìm kiếm các tài năng mới ở Á Châu, cho biết: “Vấn đề địa phương bây giờ không quan trọng. Nếu bạn viết về một gia đình Á Châu ở Hồng Kông và nó có một giá trị phổ quát, thì nó sẽ tìm ra một thị trường quốc tế.” Ðấy là điều mà các nhà văn Á Châu mong muốn.

Bằng cách viết tiếng Anh thay vì tiếng Hoa hay tiếng Mã Lai, Tamil, Hindi, họ hy vọng sẽ vươn tới các độc giả trên thế giới. Từ thập niên 1990, trước các nhà văn Hồng Kông, nhiều nhà văn Ấn Ðộ đã sử dụng tiếng Anh thay vì ngôn ngữ địa phương (Hindi) để viết văn. Nhờ thế mà hiện nay, các nhà văn Ấn Ðộ có một số độc giả khá lớn và mỗi ngày mỗi lớn hơn ở Anh và Hoa Kỳ. Tác phẩm của họ đã được các nhà xuất bản Anh và Hoa Kỳ xuất bản.

Shirley Grok-Lin Lim, một nhà văn Mã Lai gốc Trung Hoa, hiện là trưởng khoa tiếng Anh tại Đại Học Hồng Kông, nói: “Cái mới ở đây là: bây giờ tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ văn hóa Á Châu (Asian culture language). Ðiều đầu tiên phải làm là loại bỏ đi thứ ngôn ngữ gốc. Nhưng đó không phải là điều dễ dàng gì, do ở chỗ văn hóa tác động sâu vào ý thức con người qua ngôn ngữ.” Sự trỗi lên của Anh Ngữ để trở thành một thứ ngôn ngữ văn hóa Á Châu không chỉ diễn ra ở Hồng Kông, mà diễn ra hầu như ở nhiều nước khác ở Á Châu.

Nhật đang tranh cãi về việc cải tiến Anh Ngữ cho tất cả người dân khiến cho nó trở thành ngôn ngữ phổ thông trong đời sống hằng ngày. Còn ở Hoa Lục, nhiều tác giả muốn noi gương nhà văn Ha Jin mà tác phẩm viết bằng tiếng Anh của ông “Waiting” đề cập đến tình yêu và đời sống trong thời cách mạng văn hóa, đoạt giải “Book Award” Hoa Kỳ năm 1999.

Và mới đây, Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer cũng trở thành một ước mơ của nhiều cây bút Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng, cả ở trong lẫn ngoài nước.

Theo một nghiên cứu mới đây của English Proficiency Index, Á Châu đứng thứ hai về số những người lớn nói rành tiếng Anh được gọi là “non-native English speakers” (những người tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ) để phân biệt với “native English speakers” ở Hoa Kỳ, Anh, Úc hay Canada.

Dẫu đầu về số lượng của những “non-native English speakers” là Singapore, sau đó là Malaysia, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Hồng Kông và Nam Hàn. Kế đến là Trung Quốc, rồi Nhật Bản và Indonesia, Việt Nam. Có một tương quan rõ rệt giữa việc nói thông thạo tiếng Anh với việc cạnh tranh kinh tế trên bình diện quốc gia cũng như bình diện cá nhân.

Trung Quốc hằng năm gửi hơn nửa triệu sinh viên đi học ở các nước Mỹ, Anh, Úc và Canada để trau dồi Anh văn và trở về dạy lại cho sinh viên học sinh trong nước. Trong bảy năm qua, trình độ tiếng Anh nói chung ở Trung Quốc đã cải thiện rõ rệt. Việt Nam cũng thế, càng ngày việc học tiếng Anh càng phát triển. Ở Mỹ, trong số gần 1 triệu 2 sinh viên du học, 77% là từ Châu Á, trong đó Trung Quốc và Việt Nam có số lượng cao nhất.

Mức độ thông thạo tiếng Anh cao gắn liền với sự phát triển xã hội và canh tân xứ sở. Dạy tiếng Anh đã trở thành một ngành kỹ nghệ nở rộ ở Trung Quốc và Nam Hàn. Ở Trung Quốc, kỹ nghệ dạy tiếng Anh đạt đến doanh số gần 5 tỷ với hơn 50,000 trường dạy tiếng Anh.

Nam Hàn chẳng chịu thua. Năm 2015, một cuộc thăm dò do Sở Thống Kê và Bộ Giáo Dục Nam Hàn ước tính ngành giáo dục tư nhân đã tiêu đến $15 tỷ mà 1/3 trong số đó là dành cho việc học tiếng Anh, một chi tiêu lớn nhất thế giới trong việc học tiếng Anh, theo Korea Economic Institute of America.

Trước đây, Hồng Kông thiếu tác giả viết tiếng Anh vì Hồng Kông không có nhà xuất bản tiếng Anh. Numy Vittachi, nhà văn Sri Lanka, sáng lập viên của “Hong Kong International Literary Festival” cho biết: “Bây giờ mọi chuyện thay đổi. Á Châu giờ là nơi xuất bản có tầm vóc thế giới với nhiều nhà xuất bản quốc tế ở Hồng Kông, Singapore và Nam Trung Hoa. Một mặt khác, các nhà văn Á Châu bây giờ đoàn kết với nhau.” Người ta hy vọng trong tương lai gần, càng ngày sẽ càng có nhiều tác phẩm bằng tiếng Anh do những nhà văn Á Châu viết sẽ xuất hiện trên văn đàn quốc tế. (Trần Doãn Nho)

———

Tài liệu:

-English as an Asian language: https://www.theguardian.com/education/2000/nov/23/tefl.guardianweekly

-Why Asian Countries Are Investing So Heavily In The English Language: https://www.forbes.com/sites/anismuslimin/2017/11/30/why-asian-countries-are-investing-so-heavily-in-the-english-language/#7bc06de15e85

-English is the language of the Asian century: http://www.abc.net.au/news/2012-09-13/herscovitch-english-asia/4257442

-The English language in the ‘Asian century’: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20130605121840593

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giúp người trầm cảm là một nghệ thuật sống”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT